Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh của Bedell—Bước đầu khiêm tốn dẫn đến sự hiểu biết Kinh Thánh rõ hơn

Kinh Thánh của Bedell—Bước đầu khiêm tốn dẫn đến sự hiểu biết Kinh Thánh rõ hơn

Khi mục sư người Anh tên William Bedell đến Ai Len năm 1627, ông cảm thấy bối rối trước một tình huống. Anh Quốc là một nước phần đông theo đạo Tin Lành nhưng đang cai trị Ai Len là một nước phần đông theo Công giáo. Người theo Phong trào cải cách Tin Lành đã dịch Kinh Thánh sang các thứ tiếng địa phương rải rác khắp châu Âu. Nhưng dường như không ai quan tâm đến việc dịch Kinh Thánh ra tiếng Gaelic, ngôn ngữ của người Ai Len.

Ông Bedell vô cùng bức xúc vì người Ai Len “không nên bị bỏ bê cho đến khi họ có thể đọc được tiếng Anh”. Ông bắt đầu tổ chức việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Gaelic. Nhưng ông gặp phải sự chống đối dữ dội, nhất là từ phía Tin Lành. Tại sao vậy?

CHỐNG ĐỐI VIỆC DÙNG TIẾNG GAELIC

Bedell cảm thấy mình phải học tiếng Gaelic. Ông khuyến khích học trò sử dụng tiếng Gaelic khi ông làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng Trinity ở Dublin và sau này, ông trở thành giám mục của giáo phận Kilmore. Thật ra, nữ hoàng Elizabeth I của Anh Quốc đã thành lập Trường Cao đẳng Trinity để đào tạo những người truyền giáo dạy thông điệp Kinh Thánh cho thần dân của bà trong tiếng mẹ đẻ. Bedell cố gắng làm theo ý nguyện của nữ hoàng.

Tại giáo phận Kilmore, đa số người dân nói tiếng Gaelic. Thế nên, Bedell nhất quyết phải có người truyền giáo nói được tiếng Gaelic. Ông thỉnh cầu lên chính quyền địa phương, theo tinh thần của sứ đồ Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 14:19: “Trong hội thánh, tôi thà nói năm từ có thể hiểu được, hầu dạy dỗ người khác, còn hơn nói mười ngàn từ bằng ngôn ngữ khác”, tức ngôn ngữ ít người hiểu.

Tuy nhiên, những người có quyền lực ra sức cản trở ông. Theo các sử gia, một số người khẳng định rằng việc dùng tiếng Gaelic gây “nguy hiểm cho nhà nước”, còn người khác thì cho rằng điều này “chống lại quyền lợi của nhà cầm quyền”. Một số người nghĩ rằng vì quyền lợi của người Anh nên người Ai Len phải chịu ngu dốt. Trên thực tế, chính quyền ban hành luật pháp bắt buộc người Ai Len bỏ ngôn ngữ, phong tục của mình để học tiếng Anh và theo lối sống, truyền thống của người Anh.

DỰ ÁN DỊCH KINH THÁNH CỦA BEDELL

Bedell không để những quan điểm độc tài như thế cản trở mình. Trong những năm đầu của thập niên 1630, ông bắt đầu việc dịch Kinh Thánh từ bản tiếng Anh mới được xuất bản (King James năm 1611) sang tiếng Gaelic. Ông muốn cho ra mắt cuốn Kinh Thánh để nhiều người có thể hiểu được. Vì người nghèo không có Kinh Thánh trong tiếng mẹ đẻ, nên ông bức xúc khi thấy họ không thể tra cứu Kinh Thánh để tìm được sự sống vĩnh cửu.—Giăng 17:3.

Bedell không phải là người đầu tiên nhận ra điều đó. Khoảng 30 năm trước, một giám mục tên William Daniel nhận thấy mọi người khó để biết được Kinh Thánh dạy gì. Ông từng nói: “Sự thật của Kinh Thánh mơ hồ trong ngôn ngữ không ai hiểu được”. Daniel đã dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp sang tiếng Gaelic. Giờ đây, Bedell bắt đầu dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Kinh Thánh của Bedell gồm công trình của ông và công trình trước đây của William Daniel. Cuối cùng, Kinh Thánh của Bedell là bản Kinh Thánh trọn bộ trong tiếng Gaelic và là bản dịch Kinh Thánh duy nhất bằng tiếng Gaelic trong 300 năm sau.

Trong dự án dịch Kinh Thánh từ tiếng Anh sang tiếng Gaelic, Bedell đã nhờ hai người Ai Len bản xứ giúp đỡ. Khi công việc này tiến triển, ông cùng một hoặc hai cộng sự đáng tin cậy kiểm tra tỉ mỉ và chỉnh sửa từng câu. Lúc bấy giờ, Bedell cũng là một học giả tiếng Hê-bơ-rơ. Để nghiên cứu, họ tham khảo một bản chép tay Kinh Thánh cổ tiếng Hê-bơ-rơ, và bản dịch tiếng Ý do nhà thần học Thụy Sĩ là Giovanni Diodati dịch từ bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là Septuagint.

Nhóm dịch bắt chước phương pháp của các dịch giả bản King James (Bedell biết một số người này) và dùng danh riêng Đức Chúa Trời ở một số nơi trong Kinh Thánh của họ. Chẳng hạn, nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3, họ dịch tên của Đức Chúa Trời là “Iehovah”. Bản chép tay gốc của Bedell được lưu giữ tại thư viện Marsh, Dublin, Ai Len.—Xem khung “Bedell được tưởng nhớ và công nhận”.

CUỐI CÙNG ĐƯỢC XUẤT BẢN

Bedell hoàn tất dự án vào khoảng năm 1640. Nhưng ông không thể xuất bản ngay. Tại sao? Một lý do là vì ông vẫn bị chống đối kịch liệt. Những kẻ chống đối nói xấu dịch giả chính của ông Bedell, với hy vọng rằng người ta nghi ngờ tác phẩm của ông. Họ còn nhẫn tâm bắt ông vào tù. Nhưng không chỉ có thế, Bedell chứng kiến cảnh nổi loạn đẫm máu và khốc liệt chống lại người Anh vào năm 1641. Dân Ai Len địa phương bảo vệ Bedell một thời gian dù ông là người Anh, vì họ nhận thấy ông chân thành quan tâm đến họ. Tuy nhiên cuối cùng, phe nổi loạn đã giam ông trong cảnh tồi tệ. Hẳn vì lý do đó mà ông sớm lìa đời vào năm 1642, chưa nhìn thấy tác phẩm của mình được xuất bản.

Trang đầu bản chép tay gốc của Bedell, khoảng năm 1640 và Kinh Thánh được xuất bản năm 1685

Tác phẩm của Bedell suýt bị tiêu hủy hoàn toàn khi nhà ông bị lục soát và tàn phá. Một người bạn thân tìm cách giữ lại tất cả tài liệu của ông. Với thời gian, các tài liệu này đến tay Narcissus Marsh, sau này là tổng giám mục của giáo phận Armagh và Giáo hội Ai Len. Ông được nhà khoa học Robert Boyle tài trợ và đã can đảm xuất bản Kinh Thánh của Bedell vào năm 1685.

BƯỚC KHIÊM TỐN NHƯNG ĐẦY Ý NGHĨA

Kinh Thánh của Bedell không được dân chúng trên thế giới đón nhận. Tuy nhiên, đây là bước khiêm tốn nhưng đầy ý nghĩa vì dẫn đến sự hiểu biết Kinh Thánh rõ hơn, nhất là cho người nói tiếng Gaelic, không chỉ ở Ai Len mà còn ở Scotland và các nơi khác. Giờ đây họ có thể thỏa mãn nhu cầu tâm linh khi đọc Lời Đức Chúa Trời trong tiếng mẹ đẻ.—Ma-thi-ơ 5:3, 6.

“Khi đọc cuốn Kinh Thánh của Bedell, chúng tôi hiểu được những dạy dỗ trong Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Đây là yếu tố quan trọng giúp tôi cùng gia đình biết được sự thật tuyệt diệu trong Kinh Thánh”

Kinh Thánh của Bedell tiếp tục giúp người yêu chân lý thỏa mãn nhu cầu tâm linh cho đến thời nay. Một người nói tiếng Gaelic, gần đây biết được điều Kinh Thánh dạy, đã nói: “Khi đọc cuốn Kinh Thánh của Bedell, chúng tôi hiểu được những dạy dỗ trong Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ. Đây là yếu tố quan trọng giúp tôi cùng gia đình biết được sự thật tuyệt diệu trong Kinh Thánh”.