Bạn có biết?
Vào thời xưa, người ta dùng cối xay như thế nào?
Cối xay được dùng để xay hạt lúa mì thành bột để làm bánh mì. Đây là công việc thường ngày của phụ nữ hoặc tôi tớ trong hầu hết các gia đình thời xưa. Tiếng cối xay gắn liền với đời sống thường ngày vào thời xưa.—Xuất Ê-díp-tô Ký 11:5; Giê-rê-mi 25:10.
Những hình vẽ và tượng của nước Ai Cập cổ đại đã cho thấy quá trình xay hạt. Lúa mì được đặt trên chỗ hơi lõm của mặt đá nằm ngang, đôi khi còn gọi là cối yên ngựa. Người xay vừa quỳ gối trước cối xay cố định, vừa dùng hai tay nắm chặt phiến đá nhỏ hơn của cối xay, chà tới chà lui trên bề mặt đá để nghiền hạt lúa mì. Theo một nguồn tham khảo, cối nhỏ ở trên có trọng lượng từ hai đến bốn ký. Nếu dùng làm vũ khí thì có thể gây chết người.—Các Quan Xét 9:50-54.
Xay hạt là công việc quan trọng để nuôi sống gia đình, nên luật pháp Kinh Thánh cấm lấy cái cối để thế chấp. Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:6 cho biết: “Chớ chịu cầm cái thớt cối dưới hay là trên; vì ấy là chịu cầm sự sống của kẻ lân-cận mình”.
Cụm từ “trong lòng” có nghĩa gì?
Kinh Thánh nói Chúa Giê-su “trong lòng” Cha (Giăng 1:18, chú thích). Cụm từ này muốn nói đến địa vị đặc biệt và mật thiết mà Chúa Giê-su có được với Đức Chúa Trời. Cụm từ “trong lòng” ám chỉ đến phong tục dùng bữa của người Do Thái.
Vào thời Chúa Giê-su, người Do Thái thường dựa vào ghế dài quanh bàn ăn. Người dùng bữa nghiêng đầu về phía bàn ăn, còn chân duỗi ra, khuỷu tay đặt trên cái gối để tựa cả người vào. Tư thế này giúp cánh tay phải được thoải mái. Một tài liệu giải thích rằng vì những người dùng bữa tựa người vào bên trái, người này ngồi nghiêng cạnh người kia, nên “đầu của người này sẽ nghiêng gần ngực của người kế bên. Vì thế có thể nói là người này ‘nằm trong lòng’ người kia”.
Được nằm trong lòng chủ gia đình hoặc chủ tiệc là một vinh dự hoặc ân huệ đặc biệt. Vì thế, tại Lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa Giê-su, sứ đồ Giăng nằm trong lòng ngài, là “môn đồ được Chúa Giê-su yêu thương”. Do đó, Giăng có thể “nghiêng người gần ngực ngài” để hỏi Chúa Giê-su một câu hỏi.