Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Là công dân La Mã, sứ đồ Phao-lô có những lợi thế nào?

Phao-lô tuyên bố: “tôi kháng án lên Sê-sa!”

Công dân La Mã được hưởng quyền lợi và đặc quyền dù ở bất cứ nơi nào trong đế quốc. Công dân La Mã phải tuân theo luật pháp La Mã, chứ không phải điều luật ở các tỉnh. Khi bị buộc tội, một người có thể đồng ý được xét xử theo luật địa phương, nhưng vẫn có quyền khiếu nại lên một tòa án La Mã. Trong trường hợp bị kết án tử hình, một người có quyền kháng án lên hoàng đế.

Dựa trên các quyền lợi ấy, một viên quan sống vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên (TCN) là ông Cicero cho biết: “Việc trói một công dân La Mã là phạm pháp, đánh đòn là tội ác, tử hình gần giống như tội giết người thân của mình”.

Sứ đồ Phao-lô rao giảng khắp đế quốc La Mã. Kinh Thánh ghi lại ba trường hợp ông đã tận dụng quyền công dân La Mã của mình: (1) Phao-lô cho tòa án địa phương ở thành Phi-líp biết là họ đã vi phạm quyền lợi của ông khi đánh đập ông. (2) Ông tiết lộ thân thế của mình để không bị đánh ở Giê-ru-sa-lem. (3) Ông kháng án lên hoàng đế La Mã là Sê-sa để được xét xử trực tiếp.—Công vụ 16:37-39; 22:25-28; 25:10-12.

Vào thời Kinh Thánh, người chăn được trả công thế nào?

Khế ước việc mua cừu và dê bằng chữ hình nêm, khoảng năm 2050 TCN

Tộc trưởng Gia-cốp chăn bầy cho cậu mình là La-ban trong 20 năm, 14 năm đầu để được cưới hai con gái của La-ban, 6 năm còn lại, ông được trả công bằng bầy gia súc (Sáng-thế Ký 30:25-33). Tạp chí khảo cổ về Kinh Thánh (Biblical Archaeology Review) cho biết: “Những người viết Kinh Thánh và người đọc thời xưa hẳn rất quen thuộc với các thỏa thuận chăn bầy giống như trường hợp của La-ban và Gia-cốp”.

Những khế ước xưa được khai quật ở Nuzi, Larsa và các nơi khác ở I-rắc ngày nay chứng minh những thỏa thuận ấy là có thật. Một khế ước thông thường kéo dài một năm, tính từ thời điểm cạo lông gia súc. Người chăn chịu trách nhiệm chăn giữ số lượng nhất định được kê rõ theo tuổi và giới tính. Một năm sau, người chủ sẽ nhận số lượng theo thỏa thuận gồm lông, các sản phẩm từ sữa, con non v.v. Bất cứ phần thặng dư nào đều thuộc về người chăn.

Mức độ gia tăng của bầy tùy thuộc vào số lượng cừu cái mà người chăn nhận. Thường 100 cừu cái có thể đẻ ra 80 cừu con. Người chăn phải đền bù cho sự hao hụt. Vì thế, ông có động lực mạnh mẽ để chăm sóc chu đáo cho bầy mà chủ giao.