Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU HỎI ĐỘC GIẢ

Tại sao Đức Chúa Trời để cho kẻ mạnh áp bức người yếu?

Tại sao Đức Chúa Trời để cho kẻ mạnh áp bức người yếu?

Kinh Thánh tường thuật một vài trường hợp đau buồn về việc kẻ mạnh áp bức người yếu thế. Chúng ta nhớ đến trường hợp của ông Na-bốt *. A-háp, vua của nước Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ thứ mười trước công nguyên, để cho vợ là hoàng hậu Giê-sa-bên giết Na-bốt cùng các con trai, hầu chiếm đoạt vườn nho của người đàn ông này (1 Các Vua 21:1-16; 2 Các Vua 9:26). Tại sao Đức Chúa Trời để cho sự lạm quyền như thế xảy ra?

‘Đức Chúa Trời không thể nói dối’.—Tít 1:2

Chúng ta hãy chú ý một lý do quan trọng: Đức Chúa Trời không thể nói dối (Tít 1:2). Làm sao câu này liên quan đến những hành động áp bức? Ngay từ ban đầu, Đức Chúa Trời cảnh báo rằng nếu chống lại ngài, loài người sẽ lãnh hậu quả tai hại—cái chết. Đúng như Lời Đức Chúa Trời phán, loài người phải chịu cái chết kể từ sự phản nghịch trong vườn Ê-đen. Thật thế, người đầu tiên chết vì sự áp bức—khi Ca-in giết em trai mình là A-bên.—Sáng-thế Ký 2:16, 17; 4:8.

Về lịch sử loài người kể từ đấy, Lời Đức Chúa Trời tóm tắt như sau: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy” (Truyền-đạo 8:9). Những lời đó có đúng không? Đức Giê-hô-va cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên, dân của ngài, họ sẽ bị các vua của họ áp bức, khiến họ kêu cầu ngài (1 Sa-mu-ên 8:11-18). Ngay cả vua Sa-lô-môn khôn ngoan cũng bắt dân đóng thuế nặng (1 Các Vua 11:43; 12:3, 4). Các vua gian ác, như A-háp, tàn bạo với dân nhiều hơn nữa. Hãy xem: Nếu Đức Chúa Trời ngăn cản mọi hành động đàn áp như thế, hóa ra ngài làm cho lời mình thành lời nói dối sao?

“Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”.—Truyền-đạo 8:9

Cũng hãy nhớ rằng Sa-tan tuyên bố người ta phụng sự Đức Chúa Trời chỉ vì những lý do ích kỷ (Gióp 1:9, 10; 2:4). Nếu Đức Chúa Trời che chở tất cả những người thờ phượng ngài tránh khỏi mọi hình thức thống trị, chẳng phải điều đó chứng minh Sa-tan nói đúng hay sao? Và nếu Đức Chúa Trời ngăn cản mọi hình thức áp bức xảy đến với mọi người, chẳng phải ngài có lời nói dối lớn hơn nữa sao? Được Đức Chúa Trời che chở như thế, nhiều người có thể cho rằng loài người tự cai trị mà không cần Đức Chúa Trời. Nhưng Lời Đức Chúa Trời thì hoàn toàn ngược lại, trong đó nói loài người không thể tự cai trị (Giê-rê-mi 10:23). Chúng ta cần Nước của Đức Chúa Trời đến; chỉ khi ấy mọi sự bất công mới chấm dứt.

Vậy, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời không làm gì trước sự áp bức sao? Không. Hãy xem hai điều ngài làm: Thứ nhất, ngài cho biết sự tàn bạo thật ra là gì. Chẳng hạn, Lời ngài cho thấy rõ mọi khía cạnh của âm mưu mà Giê-sa-bên hãm hại Na-bốt. Kinh Thánh cũng cho biết có một kẻ cai trị đầy quyền lực, kẻ muốn che đậy danh tánh, cổ vũ các hành động gian ác như thế (Giăng 14:30; 2 Cô-rinh-tô 11:14). Kinh Thánh cho biết hắn là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt. Qua việc phơi bày sự gian ác, áp bức và nguồn gốc thật sự của những điều ấy, Đức Chúa Trời giúp chúng ta tránh điều ác. Vì thế, ngài giúp chúng ta có một tương lai vĩnh cửu.

Thứ nhì, Đức Chúa Trời cung cấp hy vọng vững chắc để chấm dứt sự áp bức. Cách ngài phơi bày mưu kế, phán xét và trừng phạt A-háp, Giê-sa-bên—cũng như nhiều kẻ giống họ—làm chúng ta tin chắc một ngày nào đó, ngài sẽ trừng phạt kẻ ác như lời ngài hứa (Thi-thiên 52:1-5). Đức Chúa Trời cũng cung cấp hy vọng đáng tin cậy, không lâu nữa ngài sẽ xóa bỏ mọi hậu quả của sự gian ác mà những người yêu thương ngài phải gánh chịu *. Vì thế trong tương lai, người trung thành Na-bốt và các con trai sẽ được sống lại và sống trong địa đàng không còn sự bất công nữa.—Thi-thiên 37:34.

^ đ. 3 Xem bài “Hãy noi theo đức tin của họ” trong tạp chí này.

^ đ. 8 Xem chương 11 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.