Tòa án Châu Âu bênh vực quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm
Nhân Chứng Giê-hô-va khắp thế giới được biết đến là những người giữ lập trường trung lập về chính trị và chiến tranh của bất cứ quốc gia nào. Họ tin chắc rằng họ phải “lấy gươm rèn lưỡi-cày” và không “tập sự chiến-tranh” (Ê-sai 2:4). Họ không can thiệp vào việc của những người phục vụ trong quân đội. Nói sao nếu lương tâm của một Nhân Chứng không cho phép anh làm thế, nhưng quốc gia mà anh đang sống lại bắt buộc điều này? Đó là trường hợp xảy ra với thanh niên tên Vahan Bayatyan.
Những điều dẫn đến vụ kiện tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu
Anh Vahan sinh vào tháng 4-1983, tại Armenia. Năm 1996, anh cùng các thành viên khác trong gia đình bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, và anh đã báp-têm lúc 16 tuổi. Nhờ học Kinh Thánh, anh Vahan vun trồng lòng quý trọng sâu xa đối với những dạy dỗ của Chúa Giê-su, kể cả sự hướng dẫn ngài ban cho các môn đồ là không dùng vũ khí để chiến tranh (Ma-thi-ơ 26:52). Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi báp-têm, anh Vahan đối mặt với một quyết định quan trọng trong đời sống.
Luật pháp nước Armenia bắt buộc tất cả nam thanh niên đến tuổi 18 phải thi hành nghĩa vụ quân sự. Nếu từ chối, họ có thể bị phạt đến ba năm tù giam. Anh Vahan muốn làm các nghĩa vụ công dân, đồng thời anh không muốn làm trái lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Thế nên, anh đã làm gì?
Vào năm 2001, ngay khi biết mình sẽ bị gọi nhập ngũ, anh Vahan bắt đầu gửi thư cho những người có thẩm quyền ở Armenia. Trong các thư ấy, anh nói rằng
nghĩa vụ đó trái với lương tâm và niềm tin tôn giáo của anh. Vahan cũng cho biết thay vì nhập ngũ, anh sẵn lòng thi hành các nghĩa vụ dân sự khác.Hơn một năm trôi qua, trong thời gian đó, anh Vahan tiếp tục khẩn khoản yêu cầu những người có thẩm quyền chấp nhận việc anh từ chối nhập ngũ vì lương tâm. Tuy nhiên, tháng 9-2002, anh Vahan bị bắt và sau đó bị buộc tội trốn nghĩa vụ quân sự. Anh bị kết án 18 tháng tù giam. Nhưng công tố viên chưa hài lòng với bản án đó. Chỉ một tháng sau khi tòa tuyên án, công tố viên kháng cáo, yêu cầu xử nặng hơn. Ông ấy lý luận rằng anh Vahan viện cớ lương tâm vì tôn giáo là “vô căn cứ và nguy hiểm”. Tòa thượng thẩm chấp thuận lời thỉnh cầu của công tố viên, tăng mức án tù của anh Vahan lên 30 tháng.
Anh Vahan kháng cáo lên tòa án tối cao của nước Armenia. Tháng 1-2003, Tòa Phá án ủng hộ phán quyết của tòa thượng thẩm. Ngay lập tức, anh Vahan bị chuyển nhà giam và bắt đầu thụ án chung với những kẻ giết người, buôn bán ma túy và hiếp dâm.
Các sự kiện tại Tòa án Châu Âu
Từ năm 2001, Armenia đã là thành viên Hội đồng Châu Âu. Thế nên, công dân nước này có quyền kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu khi họ không giành được công lý ở các tòa án trong nước. Đó là điều anh Vahan quyết định làm. Trong bản kháng cáo, anh Vahan cho rằng việc anh bị kết án vì từ chối nhập ngũ là vi phạm điều khoản 9 của Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Anh yêu cầu điều khoản này bảo vệ quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm. Đó là điều trước đây chưa bao giờ tranh luận thành công.
Ngày 27-10-2009, Tòa án Châu Âu ban hành phán quyết. Tòa cho rằng, khi xem xét các tiền lệ về vấn đề này, định nghĩa về tự do lương tâm được ghi nơi điều khoản 9 của Công ước Châu Âu không bảo vệ quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm.
Thời gian ấy, anh Vahan đã được ra tù từ lâu, kết hôn và có một bé trai. Anh Vahan thất vọng về phán quyết đó. Tiếp theo, anh phải chọn giữa việc bỏ cuộc hoặc kháng cáo lên Đại Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Anh chọn việc kháng cáo. Đại Hội đồng Thẩm phán chỉ chấp nhận xử những vụ kiện đặc biệt, thế nên anh Vahan hài lòng khi họ quyết định xử lại vụ kiện của mình.
Cuối cùng, ngày 7-7-2011, ở Strasbourg, Pháp, Đại Hội đồng Thẩm phán đưa ra phán
quyết. Tòa án kết thúc với 16 phiếu thuận và 1 phiếu chống, cho rằng nước Armenia đã vi phạm quyền tự do theo lương tâm của Vahan Bayatyan khi người này bị kết án và bắt giam do từ chối nhập ngũ vì lương tâm. Thẩm phán nước Armenia là người duy nhất bỏ phiếu chống.Tại sao phán quyết này của tòa án quan trọng đến thế? Bởi vì đó là lần đầu trong lịch sử của Tòa án Châu Âu, quyền từ chối nhập ngũ vì lương tâm được điều khoản 9 của Công ước bảo vệ hoàn toàn. Kết quả là tòa án xem việc bắt giam một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm trong xã hội dân chủ là vi phạm các quyền cơ bản của con người.
Tòa án có nhận xét như sau về lập trường của Nhân Chứng Giê-hô-va liên quan đến việc từ chối nhập ngũ vì lương tâm: “Tòa không có lý do để nghi ngờ khi một người từ chối nhập ngũ vì niềm tin tôn giáo do niềm tin chân chính gây mâu thuẫn nghiêm trọng và không thể bỏ qua giữa việc nhập ngũ và lương tâm của một người”.
Phản ứng trước quyết định
Hơn hai thập niên qua, có hơn 450 Nhân Chứng Giê-hô-va ở Armenia đã bị kết án tù. Vào thời điểm bài này được soạn thảo, có 58 thanh niên trong nước ấy bị bắt giam do lương tâm không cho phép họ nhập ngũ vì tôn giáo. Năm thanh niên trong số đó đã bị tù sau phán quyết của tòa về vụ kiện của ông Bayatyan chống lại nước Armenia *. Một trong số thanh niên của những vụ kiện ấy kháng cáo việc công tố viên tòa án địa phương kết thúc vụ kiện từ chối nhập ngũ vì lương tâm, nhưng công tố viên từ chối. Trong lời giải đáp, công tố viên cho rằng: “Phán quyết của Tòa án Châu Âu ngày 7-7-2011 về vụ kiện ông Bayatyan chống lại nước Armenia không áp dụng trong trường hợp này, vì rõ ràng hai vụ kiện rất khác nhau”.
Tại sao công tố viên cảm thấy như thế? Khi anh Vahan Bayatyan bị buộc tội thì không có nghĩa vụ dân sự khác để thay thế việc nhập ngũ. Chính quyền Armenia thừa nhận rằng đến nay nước này đã có luật quy định cho người chống lại lệnh nhập ngũ, có thể chọn thi hành nghĩa vụ dân sự khác. Tuy nhiên, luật này dưới quyền kiểm soát của quân đội, nên nó cũng không áp dụng cho người từ chối nhập ngũ vì lương tâm.
Anh Vahan Bayatyan hài lòng với phán quyết rất quan trọng có lợi cho anh. Phán quyết này giờ đây buộc nước Armenia ngưng truy tố và bỏ tù những người không thể nhập ngũ vì niềm tin tôn giáo chân chính.
Nhân Chứng Giê-hô-va không có mục tiêu cải cách hệ thống luật pháp của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, như vụ kiện của anh Vahan Bayatyan, các Nhân Chứng tìm cách bênh vực những quyền hợp pháp dựa trên một số điều luật trong quốc gia họ đang sống. Vì sao? Để họ có thể tiếp tục sống hòa thuận, vâng theo những mệnh lệnh của Vị Lãnh Đạo của họ là Chúa Giê-su Ki-tô.
^ đ. 17 Hai trong số những thanh niên đó bị kết án ngày 7-7-2011, cùng ngày Tòa án Châu Âu đưa ra phán quyết.