Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Đối phó với nợ nần

Đối phó với nợ nần

Anh Giannis *: “Trong thời gian Hy Lạp bị khủng hoảng tài chính, công việc làm ăn của tôi thất bại nên không thể trả tiền mua nhà và thẻ tín dụng nữa. Tôi mất ngủ vì căng thẳng”.

Chị Katerina: “Chúng tôi toàn tâm toàn ý xây dựng tổ ấm mình nên tôi không thể chịu được việc phải mất nó. Anh Giannis và tôi cãi nhau nhiều lần về việc làm sao đối phó với nợ nần”.

Nợ nần có thể gây căng thẳng hoặc thậm chí làm gia đình đổ vỡ. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu tên Jeffrey Dew nhận thấy rằng so với vợ chồng không mắc nợ thì vợ chồng mắc nợ ít dành thời gian bên nhau, cãi nhau nhiều hơn và ít hạnh phúc hơn. Việc cãi lẫy về nợ nần và tiền bạc kéo dài lâu hơn so với những đề tài khác, nảy sinh thêm cuộc cãi vã, xô xát và rất có thể chuyển sang các vấn đề khác. Vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi bất đồng về tiền bạc là nguyên nhân chính dẫn đến việc ly dị.

Nợ nần chồng chất cũng gây nguy hại cho sức khỏe như mất ngủ, nhức đầu, đau bao tử, nhồi máu cơ tim và trầm cảm. Một người vợ tên Marta kể lại: “Anh Luís, chồng tôi, vì nợ nần nên bị trầm cảm đến mức hầu như ngủ suốt ngày. Người đàn ông mà tôi luôn nương tựa đã trở nên bất lực”. Đối với một số người, việc căng thẳng ấy là điều không thể chịu nổi. Chẳng hạn, BBC News đưa tin về một người vợ ở đông nam Ấn Độ đã tự tử khi không thể trả món nợ tương đương 840 đô la Mỹ. Bà này đã vay tiền để chữa bệnh cho con.

Nói sao nếu gia đình bạn đang căng thẳng vì nợ nần? Chúng ta hãy xem xét vài vấn đề thông thường mà các cặp vợ chồng mắc nợ phải đối phó, cũng như các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp bạn.

VẤN ĐỀ 1: Chúng ta đổ lỗi cho nhau.

Anh Liêm thừa nhận: “Tôi trách vợ đã tiêu xài phung phí, còn vợ thì than phiền là gia đình không đủ tiền vì tôi không có việc làm ổn định suốt năm. Vậy, vợ chồng có thể làm gì để việc nợ nần không chia rẽ họ?

Giải pháp: Chung sức đồng lòng đối phó với nợ nần.

Nếu bạn trút cơn giận vào người hôn phối thì không giúp ích được gì, dù bạn không có lỗi trong việc mắc nợ. Nếu đang mắc nợ, có lẽ bạn nên xem lời khuyên của Kinh Thánh nơi Ê-phê-sô 4:31: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ cùng mọi điều gây tổn thương”.

Hãy chiến đấu với nợ nần, đừng chiến đấu với nhau. Một người chồng tên là Sang cho biết cách vợ chồng anh hợp tác với nhau: “Chúng tôi xem các món nợ là kẻ thù chung”. Sự hợp tác ấy phù hợp với Châm-ngôn 13:10: “Sự kiêu-ngạo chỉ sanh ra điều cãi-lộn; còn sự khôn-ngoan ở với người chịu lời khuyên-dạy”. Thay vì kiêu ngạo, tự giải quyết vấn đề một mình, hãy thành thật bàn về chuyện tiền nong rồi chung sức với nhau.

Con cái có thể góp phần trong việc này. Nói về kinh nghiệm của gia đình mình, một người cha tên là Edgardo, ở Argentina, cho biết: “Con trai tôi muốn một chiếc xe đạp mới nhưng chúng tôi giải thích lý do không thể mua xe cho cháu. Vì thế, chúng tôi đưa cho cháu chiếc xe đạp của ông nội. Cháu rất thích đi xe này. Tôi cảm nghiệm được lợi ích khi cả gia đình hợp sức với nhau”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Sắp xếp thời gian để nói chuyện về món nợ cách cởi mở và điềm tĩnh. Nhận ra bất cứ lỗi lầm nào mà bạn mắc phải. Nhưng, thay vì tập trung vào chuyện đã qua, hãy cùng gia đình thỏa thuận các nguyên tắc sẽ hướng dẫn mình trong những quyết định về tài chính sắp tới.—Thi-thiên 37:21; Lu-ca 12:15.

VẤN ĐỀ 2: Dường như không thể thoát khỏi cảnh nợ nần.

Anh Enrique nhớ lại: “Tôi nợ một số tiền rất lớn trong kinh doanh, tình hình càng tệ hơn khi có cuộc khủng hoảng tài chính ở Argentina. Rồi vợ tôi cần phẫu thuật. Tôi thấy mình không thể thoát khỏi cảnh nợ nần, như thể tôi đã vướng vào mạng nhện”. Một người đàn ông tên Roberto, ở Brazil, đã mất hết tiền tiết kiệm khi thử vận may trong kinh doanh và cuối cùng đã nợ 12 ngân hàng. Ông nói: “Tôi ngượng đến mức hầu như không dám gặp bạn bè. Tôi thấy mình là kẻ thất bại”.

Bạn có thể làm gì nếu cảm thấy choáng ngợp vì nản lòng, cảm giác có lỗi hoặc xấu hổ về món nợ của mình?

Giải pháp: Kiểm soát tiền bạc *.

 

1. Tính toán ngân quỹ. Ghi chép mọi khoản thu nhập và chi tiêu trong gia đình trong hai tuần hoặc một tháng, nếu cần. Ghi thêm vào đấy những khoản chi như thuế, bảo hiểm, quần áo. Những khoản này có thể không xảy ra thường xuyên, nhưng cũng nên ấn định con số trung bình cho hằng tháng.

2. Tăng thu nhập. Bạn có thể tăng ca tại sở làm, tìm công việc theo thời vụ, dạy kèm, bán ve chai, hoặc chuyển một sở thích riêng thành một loại kinh doanh tại nhà. Hãy thận trọng: Không nên để công việc lấn chiếm các hoạt động quan trọng hơn, như hoạt động về tâm linh.

Cả gia đình cùng tìm những cách thực tế để đối phó với nợ nần

3. Giảm chi tiêu. Mua thứ mình cần, chứ không mua chỉ vì hàng đang giảm giá (Châm-ngôn 21:5). Anh Enrique, được đề cập ở trên, cho biết: “Đừng vội mua là thượng sách, làm thế giúp bạn xét xem mình có thật sự cần món hàng ấy hay chỉ vì mình thích”. Sau đây là một số đề nghị khác.

  • Nhà cửa: Nếu được, hãy chuyển đến một chỗ ở ít tiền hơn. Tiết kiệm điện, nước để giảm chi phí.

  • Thức ăn: Mang theo cơm trưa hoặc thức ăn vặt thay vì thường đi ăn tiệm. Dùng phiếu khuyến mãi và các ưu đãi khác. Chị Joelma, ở Brazil, nói: “Đi chợ trước khi chợ đóng cửa thì tôi mua được trái cây và rau quả với giá rẻ hơn”.

  • Đi lại: Bán những xe không cần nữa và bảo trì tốt xe đang dùng thay vì vội vàng mua xe đời mới. Hãy dùng phương tiện công cộng hoặc đi bộ khi có thể.

Sau khi cắt giảm chi phí, bạn sẵn sàng dùng số tiền còn lại cách tốt nhất.

4. Phân tích số nợ và giải quyết. Trước tiên, tính toán tiền lãi của mỗi món nợ, lệ phí, hậu quả của việc trả chậm hoặc không thể trả. Xem xét kỹ giấy báo nợ hoặc hóa đơn, vì có thể chủ nợ lừa đảo. Chẳng hạn, một dịch vụ cho vay ngắn hạn ở Hoa Kỳ nói rằng lãi suất chỉ có 24%, nhưng trên thực tế, con số ấy hơn 400%.

Tiếp theo, quyết định thứ tự khoản nợ mình sẽ trả. Một đề nghị là trả khoản nợ có lãi suất cao nhất. Một đề nghị khác là trước tiên hãy chi trả những khoản nợ nhỏ, vì rất có thể bạn sẽ lên tinh thần khi mỗi tháng nhận ít hóa đơn. Nếu có khoản nợ với lãi suất cao, bạn có thể được lợi khi vay nợ mới với lãi suất thấp hơn để trả nợ cũ.

Cuối cùng, nếu không thể trả nợ, bạn hãy cố gắng thương lượng với chủ nợ để có kế hoạch mới về việc chi trả. Bạn có thể xin gia hạn hoặc chi trả với lãi suất thấp hơn. Một số chủ nợ thậm chí sẵn lòng giảm bớt số nợ nếu bạn có thể trả hết nợ ngay. Hãy chân thật và nhã nhặn khi giải thích tình trạng tài chính của mình (Cô-lô-se 4:6; Hê-bơ-rơ 13:18). Hãy thỏa thuận bằng văn bản. Thậm chí, nếu yêu cầu đầu tiên của bạn không được chấp thuận, hãy kiên nhẫn đề nghị chủ nợ điều chỉnh nếu cần.—Châm-ngôn 6:1-5.

Dĩ nhiên, bạn cần thực tế khi quản lý tài chính. Ngay cả kế hoạch tốt nhất cũng có thể thất bại bởi nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của bạn, vì tiền bạc thường “mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy”.—Châm-ngôn 23:4, 5.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Một khi bạn đã chuẩn bị ngân quỹ, hãy bàn bạc để xem làm thế nào cả nhà có thể giảm chi tiêu hoặc tăng thu nhập. Việc thấy mọi người có tinh thần hy sinh giúp gia đình bạn đoàn kết trong cuộc chiến chống nợ nần.

VẤN ĐỀ 3: Nợ nần choán hết tâm trí chúng ta

Cuộc chiến đối phó với nợ nần có thể lấn át nhiều khía cạnh quan trọng khác trong đời sống. Như người đàn ông tên Georgios cho biết: “Vấn đề lớn nhất là toàn bộ cuộc sống của chúng tôi đã xoay quanh chuyện nợ nần. Những vấn đề nên xếp vào hàng ưu tiên thì bị đẩy về phía sau”.

Giải pháp: Có quan điểm đúng về tiền bạc.

Dù cố gắng hết sức, có thể bạn phải trả nợ trong nhiều năm. Trong thời gian ấy, có lẽ bạn nên xem làm thế nào để có quan điểm đúng trước hoàn cảnh đó. Thay vì luôn suy nghĩ về chuyện tiền bạc, chúng ta khôn ngoan nghe theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Hãy thỏa lòng khi đã có thức ăn, áo mặc và chỗ ở”.—1 Ti-mô-thê 6:8.

Sự thỏa lòng mang lại niềm vui mà của cải không làm được

Việc hài lòng với tình trạng tài chính giúp bạn “nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). “Những điều quan trọng hơn” bao gồm mối quan hệ với Đức Chúa Trời và gia đình. Anh Georgios, được đề cập ở trên, nói: “Tuy chưa hoàn toàn trả hết nợ nhưng đời sống chúng tôi không tập trung vào nó nữa. Giờ đây, vợ chồng tôi hạnh phúc hơn vì đã dành nhiều thời gian hơn cho nhau, cho con cái và cùng nhau tham gia các hoạt động tâm linh”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Liệt kê những điều thật sự có giá trị mà bạn không thể mua được bằng tiền. Tiếp đến, bạn quyết tâm làm thế nào để gia tăng thời gian và công sức cho mỗi điều đã được liệt kê.

Nợ nần gây căng thẳng, việc đối phó với nó đòi hỏi phải hy sinh, nhưng thật đáng công. Một người chồng tên Andrzej, ở Ba Lan, thừa nhận: “Khi biết vợ mình đã đứng ra bảo lãnh để vay khoản tiền lớn cho một đồng nghiệp, nhưng rồi người kia trốn mất thì không khí trong gia đình tôi rất ngột ngạt”. Tuy nhiên, nhìn lại cách mà vợ chồng anh đã đối phó với vấn đề ấy, anh cho biết: “Thật ra, chúng tôi trở nên gắn bó với nhau hơn, không phải vì nợ nần, nhưng vì chung sức đồng lòng để giải quyết”.

^ đ. 3 Một số tên trong bài đã được thay đổi.

^ đ. 17 Để biết một số đề nghị khác, xin xem bài “Những cách thiết thực để quản lý chi tiêu” đăng trong tạp chí Tháp Canh ngày 1-6-2011, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

HÃY TỰ HỎI:

  • Làm thế nào tôi có thể giúp gia đình thoát khỏi cảnh nợ nần?

  • Làm thế nào chúng ta không để cho việc nợ nần chế ngự hoặc thậm chí hủy hoại mối quan hệ của mình?