Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ngụy thư Phúc âm—Tiết lộ sự thật về Chúa Giê-su?

Ngụy thư Phúc âm—Tiết lộ sự thật về Chúa Giê-su?

Ngụy thư Phúc âm​—Tiết lộ sự thật về Chúa Giê-su?

“Đây là khám phá quan trọng. Nhiều người sẽ thất vọng”. “Khám phá này sẽ thay đổi sự hiểu biết về lịch sử của đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu”. Các học giả đã có những bình luận ấn tượng trên khi nói về việc công bố “Phúc âm Giu-đa”, văn bản được cho là đã thất lạc hơn 16 thế kỷ (ảnh trên).

Gần đây, các ngụy thư phúc âm như thế thu hút sự chú ý của nhiều người. Một số người cho rằng các văn bản này tiết lộ những dạy dỗ và sự kiện quan trọng trong đời sống của Chúa Giê-su vốn đã bị che giấu trong một thời gian dài. Nhưng ngụy thư phúc âm là gì? Chúng có thực sự tiết lộ sự thật về Chúa Giê-su và đạo Đấng Ki-tô mà chúng ta không thể biết được từ Kinh Thánh?

Phúc âm chính điển và ngụy thư

Trong khoảng thời gian từ năm 41 đến năm 98 công nguyên, Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng đã viết về “cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô” (Ma-thi-ơ 1:1). Những tường thuật này đôi khi được gọi là phúc âm, nghĩa là “tin mừng” về Chúa Giê-su Ki-tô.—Mác 1:1.

Mặc dù có nhiều lời truyền khẩu và các sách khác viết về Chúa Giê-su, nhưng chỉ có bốn sách Phúc âm trên được xem là do Đức Chúa Trời hướng dẫn ghi lại và xứng đáng là một phần của Kinh Thánh. Bốn sách này cung cấp thông tin để chúng ta “biết chắc về những điều” liên quan đến đời sống trên đất và dạy dỗ của Chúa Giê-su (Lu-ca 1:1-4; Công vụ 1:1, 2; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Chúng có tên trong mọi danh sách chính thức cổ xưa của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Các sách này là chính điển, tức một phần của Lời Đức Chúa Trời và không có lý do gì để nghi ngờ điều đó.

Sau này, xuất hiện những sách khác cũng mang tên phúc âm. Nhưng các phúc âm này được gọi là ngụy thư. *

Cuối thế kỷ thứ hai, ông Irenaeus, sống ở vùng nay là Lyon, viết rằng những người phản bội đạo Đấng Ki-tô có “nhiều ngụy thư và văn bản giả mạo”, trong đó có các phúc âm mà “chính họ đã giả mạo để gieo rắc sự hoang mang cho những người ngu dốt”. Thế nên, đọc và ngay cả chỉ sở hữu ngụy thư phúc âm cũng bị xem là nguy hiểm.

Tuy nhiên, những tu sĩ và người sao chép thời trung cổ vẫn tiếp tục sao chép và gìn giữ các văn bản này. Vào thế kỷ 19, ngày càng có nhiều người chú ý đến ngụy thư và người ta phát hiện nhiều bộ sưu tập các văn bản, kể cả một số ngụy thư phúc âm và bản sao có ghi chú của những người nghiên cứu chuyên sâu. Ngày nay một số ngụy thư phúc âm được xuất bản trong nhiều ngôn ngữ chính trên thế giới.

Ngụy thư phúc âm: Những tường thuật không chính xác về Chúa Giê-su

Các ngụy thư thường tập trung nói về những nhân vật mà Phúc âm chính điển không đề cập hoặc nói sơ qua. Một số ngụy thư kể những tình tiết hư cấu về thời thơ ấu của Chúa Giê-su. Hãy xem vài ví dụ.

▪ “Phúc âm Gia-cơ” còn gọi là “Sự ra đời của bà Ma-ri”, do một người tự xưng là Gia-cơ viết, kể về cuộc đời bà Ma-ri lúc sinh ra, thời thơ ấu và cuộc hôn nhân với ông Giô-sép. Dựa trên những lý do thích hợp, người ta kết luận sách này là truyền thuyết và truyện hư cấu về tôn giáo. Sách cổ vũ ý tưởng cho rằng bà Ma-ri đồng trinh mãi mãi và rõ ràng được viết với mục đích tôn vinh bà.—Ma-thi-ơ 1:24, 25; 13:55, 56.

▪ “Phúc âm Thô-ma” kể về Chúa Giê-su trong độ tuổi từ 5 đến 12 và nhiều phép lạ khó tin do ngài thực hiện (xem Giăng 2:11). Trong sách này, Chúa Giê-su hành động như một đứa trẻ hư, cáu kỉnh, hận thù, dùng năng lực siêu nhiên để trả thù thầy dạy, hàng xóm và những đứa trẻ khác, làm một số em bị mù, què, thậm chí thiệt mạng.

▪ Một số ngụy thư, chẳng hạn như “Phúc âm Phi-e-rơ”, kể về những sự kiện liên quan đến thử thách cuối cùng, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su. Các ngụy thư khác, như truyện về Phi-lát (Acts of Pilate) là một phần của “Phúc âm Ni-cô-đem”, kể nhiều về những người liên quan đến các sự kiện trên. Vì các sách này ghi lại sự việc, nhân vật không có thật nên hoàn toàn không đáng tin cậy. “Phúc âm Phi-e-rơ” tìm cách biện hộ cho Bôn-xơ Phi-lát và miêu tả sự sống lại của Chúa Giê-su một cách kỳ quặc.

Ngụy thư phúc âm và sự bội đạo

Vào tháng 12 năm 1945, gần Nag Hammadi vùng Thượng Ai Cập, những người nông dân tình cờ tìm thấy 13 bản chép tay bằng giấy cói ghi lại 52 văn bản được viết từ thế kỷ thứ tư. Các văn bản này được xem là tác phẩm của những người theo thuyết ngộ đạo, một phong trào về tôn giáo và triết học thời đó. Thuyết này pha trộn những yếu tố huyền bí, ngoại giáo, triết lý Hy Lạp với Do Thái giáo, đạo Đấng Ki-tô, và gây ảnh hưởng tai hại đến một số người thời xưa xưng là tín đồ đạo Đấng Ki-tô.—1 Ti-mô-thê 6:20, 21.

Trong các văn bản tìm thấy gần Nag Hammadi có “Phúc âm Thô-ma”, “Phúc âm Phi-líp”, “Phúc âm sự thật”, trình bày nhiều tư tưởng ngộ đạo thần bí theo cách khiến người đọc nghĩ rằng Chúa Giê-su dạy thuyết này. Người ta xem “Phúc âm Giu-đa” được phát hiện gần đây cũng là tác phẩm của người theo thuyết ngộ đạo. Sách viết về Giu-đa như sứ đồ duy nhất thật sự hiểu rõ Chúa Giê-su là ai. Một chuyên gia nghiên cứu phúc âm này cho biết sách ấy miêu tả Chúa Giê-su là “thầy dạy, nhà thông thái truyền đạt sự khôn ngoan và hiểu biết, nhưng không phải là đấng cứu thế, chết để giải thoát tội lỗi của thế gian”. Nhưng theo Phúc âm chính điển, Chúa Giê-su thật sự đã hy sinh để thế gian được tha tội (Ma-thi-ơ 20:28; 26:28; 1 Giăng 2:1, 2). Rõ ràng, các phúc âm của người theo thuyết ngộ đạo có mục đích làm suy yếu, chứ không củng cố niềm tin nơi Kinh Thánh.—Công vụ 20:30.

Tính ưu việt của Phúc âm chính điển

Xem xét kỹ các ngụy thư phúc âm giúp chúng ta thấy rõ sự thật về chúng. Khi so sánh với Phúc âm chính điển, rõ ràng các ngụy thư không có sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 1:13). Các sách này là tác phẩm của những người không biết Chúa Giê-su và những sứ đồ của ngài. Chúng không tiết lộ bất cứ sự thật nào về ngài và đạo Đấng Ki-tô. Các ngụy thư ghi lại những tường thuật không chính xác, hư cấu, kỳ quặc, không giúp người ta hiểu Chúa Giê-su và các dạy dỗ của ngài.—1 Ti-mô-thê 4:1, 2.

Trong khi đó, Ma-thi-ơ và Giăng thuộc nhóm mười hai sứ đồ; Mác là bạn thân của sứ đồ Phi-e-rơ, còn Lu-ca là bạn thân của sứ đồ Phao-lô. Họ viết Phúc âm dưới sự hướng dẫn của thần khí Đức Chúa Trời (2 Ti-mô-thê 3:14-17). Vì lý do đó, bốn sách Phúc âm có đủ thông tin cần thiết để người ta tin “Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Đức Chúa Trời”.—Giăng 20:31.

[Chú thích]

^ đ. 7 Từ “ngụy thư” được dịch từ một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “giấu kỹ”. Từ này ban đầu nói về sách dành cho môn đồ của một trường phái nào đó và được giấu kỹ không để người ngoài biết. Nhưng sau này, từ ấy được dùng để chỉ các sách không phải là chính điển của Kinh Thánh.

[Nguồn tư liệu nơi trang 18]

Kenneth Garrett/National Geographic Stock