Bản Kinh Thánh bằng ngôn ngữ thông dụng
Bản Kinh Thánh bằng ngôn ngữ thông dụng
Câu 1 Ti-mô-thê 3:16 trong bản Codex Sinaiticus, thế kỷ thứ 4 công nguyên
“Nếu bạn tin Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời đang giao tiếp với chúng ta... Nếu đạo của bạn ảnh hưởng đến cả đời sống bạn, thì ngôn ngữ [của Kinh Thánh] phải là ngôn ngữ thông dụng”. Học giả Alan Duthie đã viết như thế trong cuốn sách bình luận về các bản dịch Kinh Thánh (Bible Translations: And How to Choose Between Them).
Những người yêu mến Lời Đức Chúa Trời hoàn toàn đồng ý với điều trên. Họ hết lòng tin rằng “cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, hữu ích cho việc dạy dỗ, khiển trách, uốn nắn, sửa trị người ta theo tiêu chuẩn công chính” (2 Ti-mô-thê 3:16). Kinh Thánh hoàn toàn không phải là một cuốn kinh lỗi thời và nhàm chán, nhưng là “lời sống, có quyền lực”, đưa ra những giải pháp thực tiễn cho các vấn đề trong đời sống (Hê-bơ-rơ 4:12). Tuy nhiên, để độc giả hiểu và áp dụng thì cuốn sách thánh này phải được viết bằng ngôn ngữ thông dụng. Quả thế, phần được gọi là Tân ước không được viết bằng tiếng Hy Lạp cổ điển mà các triết gia như Plato thường dùng, nhưng được viết bằng tiếng Hy Lạp phổ thông, gọi là Koine. Thật vậy, Kinh Thánh được viết ra để những người bình dân có thể đọc và hiểu.
Nhằm mục đích này, trong những năm gần đây, nhiều bản dịch hiện đại đã được xuất bản trong nhiều ngôn ngữ. Nhìn chung thì điều này khá hữu ích, vì phần lớn công chúng có thể có được Kinh Thánh. Dù vậy, trong số những bản dịch đó, có nhiều bản không khách quan, thiếu chính xác và không nhất quán. Chẳng hạn, một số bản có khuynh hướng làm lu mờ sự dạy dỗ rõ ràng của Kinh Thánh về tình trạng người chết, linh hồn và danh Đức Chúa Trời.
Vì thế, những người yêu mến Lời Đức Chúa Trời vui mừng đón nhận cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) được ra mắt bằng tiếng Việt. Nhân Chứng Giê-hô-va đã công bố ra mắt bản dịch hiện đại này vào ngày 31-7-2011. Bản dịch này không bị ảnh hưởng bởi giáo lý của tôn giáo nào nên rất chính xác, giúp người đọc đạt được sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh mà trước đây họ không có được nếu không biết các ngôn ngữ cổ xưa. Tuy nhiên, có lẽ bạn thắc mắc: Ai đã thực hiện bản dịch đáng chú ý này?
Những dịch giả tôn vinh Đức Chúa Trời
Cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) có thể mới lạ đối với người Việt Nam, nhưng thật ra sách này đã có từ rất lâu. Sách được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1950 với tựa đề New World Translation of the Christian Greek Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp). Nhà xuất bản Watch Tower Bible and Tract Society là một hội quốc tế có quá trình lịch sử lâu dài về việc ấn hành Kinh Thánh. Tựa đề của bản dịch này là một trong nhiều ví dụ cho thấy đây là bản dịch rất đặc biệt vì khác hẳn với cách gọi thông thường là “Kinh Thánh—Cựu ước và Tân ước”. Ngoài ra, Tháp Canh số ra ngày 15-9-1950 (Anh ngữ) cho biết: “Những người thuộc ủy ban phiên dịch đã bày tỏ mong muốn... là không tiết lộ danh tánh của họ, và đặc biệt không muốn tên của họ được đăng trong các ấn phẩm, dù khi họ còn sống hay đã mất. Mục tiêu của bản dịch này là ngợi khen danh Đức Chúa Trời hằng sống”.
Cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới trọn bộ bằng tiếng Anh được ra mắt vào năm 1961. Dù tên của các dịch giả cho đến nay vẫn không được tiết lộ, nhưng không có gì để nghi
ngờ về động lực và lòng sùng kính sâu xa của họ. Trong lời nói đầu của ấn bản này vào năm 1984 có ghi: “Việc dịch Kinh Thánh có nghĩa là chuyển ý tưởng và lời nói của Giê-hô-va Đức Chúa Trời sang một ngôn ngữ khác... Những người dịch tác phẩm này là người kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời, tác giả của Kinh Thánh. Họ cảm thấy có một trách nhiệm đặc biệt đối với ngài, đó là cố gắng hết sức để truyền đạt các ý tưởng và lời tuyên bố của ngài một cách chính xác”.Thật vậy, các thành viên thuộc ủy ban phiên dịch là những người có thiện chí, nhưng khả năng của họ thì sao? Một số học giả chỉ trích rằng nếu không biết tên và trình độ của các người dịch thì tác phẩm đó chỉ nên được xem là của dân nghiệp dư. Nhưng không phải tất cả học giả đều có quan điểm khắt khe như thế. Ông Alan S. Duthie viết: “Khi biết ai là người dịch hoặc nhà xuất bản của một bản dịch Kinh Thánh, điều đó có giúp chúng ta xác định bản dịch ấy hay hoặc dở không? Không hẳn như thế. Điều quan trọng là xem xét các đặc điểm của chính bản dịch ấy” *.
Hàng ngàn độc giả đã làm điều đó. Đến nay có hơn 170 triệu cuốn Thế Giới Mới trọn bộ hay một phần được ấn hành trong 100 ngôn ngữ trên khắp thế giới. Vậy, các độc giả đã thấy được điều gì nơi bản dịch này?
Một bản dịch làm thánh danh Đức Giê-hô-va
Nơi Ma-thi-ơ 6:9, Chúa Giê-su dạy môn đồ ngài cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh”. Thế nhưng, trong hầu hết các bản dịch, Đức Chúa Trời là đấng vô danh, chỉ được gọi bằng tước vị là “Chúa” hay “Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, lúc ban đầu không phải như vậy. Trong nguyên bản của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, Đức Chúa Trời được biết đến với danh riêng là “Giê-hô-va”, và danh này xuất hiện gần 7.000 lần (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15; Thi-thiên 83:18). Về sau, vì mê tín nên người Do Thái giáo không dùng danh Đức Chúa Trời nữa. Sau khi các sứ đồ của Chúa Giê-su qua đời, quan điểm mê tín này đã xâm nhập vào hội thánh. (So sánh Công vụ 20:29, 30; 1 Ti-mô-thê 4:1). Những người sao chép phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bắt đầu thay thế danh riêng của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va bằng những từ Hy Lạp như Kyʹri·os, nghĩa là “Chúa”, và The·osʹ, nghĩa là “Đức Chúa Trời”.
Vui mừng thay, bản Thế Giới Mới đã mạnh dạn khôi phục danh Giê-hô-va trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (“Tân ước”), và danh đó xuất hiện 237 lần trong phần này. Việc khôi phục này không phải tùy theo ý thích của người dịch mà dựa trên quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và hợp lý. Chẳng hạn, Lu-ca 4:18 trích lời của Ê-sai 61:1. Trong nguyên bản bằng tiếng Hê-bơ-rơ có danh Giê-hô-va xuất hiện trong câu này của sách Ê-sai *. Thế nên, điều hợp lý là bản Thế Giới Mới đã dịch Lu-ca 4:18 như sau: “Thần khí của Đức Giê-hô-va ngự trên tôi, vì ngài bổ nhiệm tôi loan báo tin mừng cho người nghèo”.
Việc khôi phục danh Giê-hô-va giúp độc giả phân biệt Giê-hô-va Đức Chúa Trời với con độc sinh của ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. Ví dụ, hầu hết các bản dịch đều dịch Ma-thi-ơ 22:44 là “Chúa phán cùng Chúa tôi”. Vậy, ai nói với ai? Thật ra, câu này được trích từ Thi-thiên 110:1, và trong nguyên bản tiếng Hê-bơ-rơ có danh Đức Chúa Trời. Vì thế, bản Thế Giới Mới dịch câu này như sau: “Đức Giê-hô-va phán với Chúa tôi rằng: ‘Hãy ngồi bên hữu ta cho đến khi ta đặt các kẻ thù con dưới chân con’ ”. Việc nhận ra sự khác biệt trong Kinh Thánh giữa Giê-hô-va Đức Chúa Trời với Con ngài không chỉ là sự hiểu biết (Mác 13:32; Giăng 8:17, 18; 14:28). Đó còn là điều thiết yếu để một người được cứu. Như Công vụ 2:21 có nói: “Ai kêu cầu danh Giê-hô-va thì sẽ được cứu”.
Chính xác và dễ hiểu
Bản Thế Giới Mới có thêm những đặc điểm nổi bật khác. Văn bản chuẩn phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của Westcott và Hort được dùng làm nền tảng chính để thực hiện bản dịch này. Phải mất nhiều công sức để dịch từ tiếng Hy Lạp sang ngôn ngữ đơn giản và hiện đại một cách chính xác và sát nghĩa nhất. Khi làm thế, bản dịch này không chỉ giữ được phần lớn cái hay cái đẹp của nguyên bản mà còn mang lại cho độc giả một kho kiến thức quý báu.
Hãy xem ví dụ ở Rô-ma 13:1. Trong câu này, sứ đồ Phao-lô khuyến khích môn đồ Đấng Ki-tô “hãy vâng phục các bậc cầm quyền”, tức các chính phủ thế gian. Nhiều bản dịch đã dịch phần sau của câu này rằng những chính phủ ấy đều do Đức Chúa Trời “chỉ-định” hay “an bài” (Bản Truyền thống; An Sơn Vị). Một số vị vua đã dùng câu này để ủng hộ chế độ độc tài của mình. Tuy nhiên, là bản dịch chính xác và sát nghĩa, bản Thế Giới Mới dịch câu này như sau: “[Các bậc cầm quyền] được [Đức Chúa Trời] ban quyền hành tương đối” *. Nay câu này được hiểu rằng dù Đức Chúa Trời không trực tiếp chọn các nhà cai trị, ngài cho phép những người ấy có quyền tương đối trên người khác—nhưng luôn thấp hơn ngài.
Bản Thế Giới Mới cũng cố gắng chuyển tải các sắc thái nghĩa của động từ Hy Lạp. Trong nhiều ngôn ngữ hiện đại, các động từ được chia để diễn đạt thì của một hành động, chẳng hạn thì quá khứ, thì hiện tại hoặc thì tương lai. Các động từ trong tiếng Hy Lạp cũng cho thấy một hành động diễn ra nhất thời, đã hoàn tất hay còn tiếp diễn. Hãy xem lời Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:33. Động từ Hy Lạp mang nghĩa “tìm kiếm” diễn đạt ý của một hành động tiếp diễn. Vì vậy, ý nghĩa đầy đủ của lời Chúa Giê-su được chuyển tải trong bản dịch Thế Giới Mới như sau: “Hãy luôn tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết, rồi anh em sẽ được mọi thứ ấy”. Tương tự thế, Ma-thi-ơ 7:7 được dịch là: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở”.—Cũng xem Rô-ma 1:32; 6:2; Ga-la-ti 5:15.
Bản Thế Giới Mới cố gắng hết sức để giữ tính nhất quán và cùng một cách dịch cho các từ chính. Chẳng hạn, từ Hy Lạp Haiʹdes trong đa số trường hợp được dịch là “mồ” hay “mồ mả”. Nhờ vậy, độc giả có thể nhanh chóng nhận ra rằng người chết không xuống địa ngục, trái với học thuyết của các tôn giáo. Người chết chỉ ở trong mồ mả.—Ma-thi-ơ 11:23; Lu-ca 10:15; Công vụ 2:27; Khải huyền 1:18.
Phổ biến Lời Đức Chúa Trời khắp thế giới
Việc ra mắt cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) bằng tiếng Việt chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi đã lên kế hoạch để trọn bộ Kinh Thánh sớm được hoàn tất. Tuy nhiên, các độc giả có thể tin chắc là bản dịch này sẽ chính xác và nhất quán như bản dịch tiếng Anh không?
Hẳn là có. Lý do là vì việc dịch thuật được giám sát chặt chẽ bởi Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Hội đồng này đã sáng suốt quyết định là việc dịch Kinh Thánh phải do một nhóm người thực hiện. Vì thế, các nhóm dịch Kinh Thánh đã được thành lập trong nhiều nước trên thế giới. Một ban gọi là Ban Phục vụ Dịch thuật được thành lập tại trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Ban này đáp ứng nhu cầu của các nhóm dịch, trả lời các câu hỏi và bảo đảm rằng những bản Kinh Thánh Thế Giới Mới trong các thứ tiếng hòa hợp với nhau. Ngoài ra, một công cụ rất hữu ích đã được sáng chế, đó là chương trình vi tính để hỗ trợ những người dịch Kinh Thánh. Tuy rằng công việc dịch thuật vẫn cần rất nhiều nỗ lực của con người, nhưng máy vi tính đã giúp các nhóm dịch Kinh Thánh đạt được mục tiêu quan trọng một cách dễ dàng hơn, đó là dịch bản Thế Giới Mới sao cho chính xác và nhất quán như bản Kinh Thánh tiếng Anh. Một trong những chức năng của chương trình vi tính này là cho thấy cách mỗi từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp được dịch trong tiếng Anh. Đây là một công cụ tuyệt vời giúp những người dịch chọn từ tương đương trong ngôn ngữ của mình.
Chỉ nhìn vào thành quả là chúng ta đã thấy rõ sự thành công của những sắp đặt này. Chúng tôi khuyến khích bạn hãy xem xét cuốn Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền). Bạn có thể liên lạc với nhà xuất bản để nhận được một cuốn. Bạn cũng sẽ thích những đặc điểm khác của sách này: kiểu chữ rõ ràng, dễ đọc; dòng đầu trang giúp tìm ra những câu Kinh Thánh quen thuộc nhanh hơn; bản đồ chi tiết; và phần phụ lục lý thú. Quan trọng hơn hết, khi đọc cuốn Kinh Thánh này, bạn có thể tin chắc rằng sách này dịch chính xác lời phán của Đức Chúa Trời bằng ngôn ngữ thông dụng.
[Chú thích]
^ đ. 10 Điều đáng chú ý là trên bìa bọc sách của bản dịch Kinh Thánh New American Standard Bible, ấn bản có tài liệu tham khảo (năm 1971), cũng nói tương tự: “Chúng tôi không dẫn chứng tên của một học giả nào để tạo uy tín, vì chúng tôi tin rằng phải đánh giá Lời Đức Chúa Trời dựa trên giá trị của nó”.
^ đ. 14 Trong phần được gọi là Tân ước có những câu được trích dẫn từ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Khi trích những câu này, người ta dựa trên cuốn Septuagint, là bản dịch phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, vì những bản sao sau này của bản Septuagint không có danh Đức Chúa Trời, nhiều học giả cho rằng nên loại bỏ danh Đức Chúa Trời khỏi phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Thế nhưng, những bản sao xưa hơn của bản Septuagint thì có danh Giê-hô-va bằng chữ Hê-bơ-rơ. Đó là lý do vững chắc để khôi phục danh Đức Giê-hô-va trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.
^ đ. 18 Xin xem cuốn A Manual Greek Lexicon of the New Testament của G. Abbott-Smith, và cuốn A Greek-English Lexicon của Liddell và Scott. Theo những sách này và các nguồn tham khảo đáng tin cậy khác, từ Hy Lạp có nghĩa đen là “dàn theo thứ tự, xếp vào chỗ”.
[Hình nơi trang 27]
Những người viết Kinh Thánh như sứ đồ Phao-lô đã dùng ngôn ngữ thông dụng
[Hình nơi trang 28, 29]
Các đặc điểm của Bản dịch Thế Giới Mới:
Phải mất nhiều công sức để dịch từ tiếng Hy Lạp sang ngôn ngữ đơn giản và hiện đại một cách chính xác và sát nghĩa nhất
Kiểu chữ dễ đọc khiến độc giả thích thú
Dòng đầu trang giúp dễ tìm các câu Kinh Thánh quen thuộc
Các bản đồ chi tiết giúp độc giả hiểu thêm về địa lý Kinh Thánh
[Hình nơi trang 30]
Vì rõ ràng và dễ hiểu, “Bản dịch Thế Giới Mới” giúp ích rất nhiều cho công việc rao giảng