‘Một xứ đượm sữa và mật’
‘Một xứ đượm sữa và mật’
Khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai Cập, Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa sẽ dẫn họ đến một xứ “đẹp-đẽ và rộng-rãi, đượm sữa và mật”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8.
Khi sống ở Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên đã nuôi bò, cừu, dê nên xứ này rất đượm sữa. Còn về mật thì sao? Một số người cho rằng mật được nói đến trong Kinh Thánh là một loại si-rô làm từ trái chà là, sung hoặc nho. Hơn nữa, hầu hết những câu Kinh Thánh nhắc đến mật ong thì nói đến mật ong rừng, chứ không phải mật ong nuôi (Các Quan Xét 14:8, 9; 1 Sa-mu-ên 14:27; Ma-thi-ơ 3:1, 4). Thế thì, Đất Hứa có thật sự là xứ “đượm” mật không?
Một phát hiện của ngành khảo cổ gần đây ở nước Israel giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên. Trong một thông cáo của trường Đại học Do Thái gửi cho báo chí có viết: “Giáo sư (Amihai) Mazar nói rằng đây là các tổ ong xưa nhất được phát hiện từ trước tới nay trong vùng Cận Đông xưa. Các tổ ong này có từ thế kỷ thứ 10 đến đầu thế kỷ thứ 9 trước công nguyên”.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 30 tổ ong xếp thành ba hàng. Họ ước lượng thời xưa khu trại này chứa khoảng 100 tổ. Qua cuộc nghiên cứu, các nhà khảo cổ tìm thấy các phần xác của ong và phân tử sáp ong. Các học giả đoán chừng “có đến nửa tấn mật được thu hoạch hằng năm từ trại nuôi ong này”.
Thời xưa, tàng ong là thức ăn ngon, còn sáp ong được dùng trong các ngành kim loại và thuộc da. Ngoài ra, sáp ong được dùng phủ trên bề mặt bảng gỗ để viết. Những tấm bảng này có ngăn giữ sáp, chỉ cần làm sáp tan chảy thì có thể sử dụng. Sáp này được dùng đi dùng lại nhiều lần. Các nhà khảo cổ đưa ra kết luận gì qua cuộc khai quật?
Thông cáo trên cho biết: “Dù Kinh Thánh không đề cập đến nghề nuôi ong ở Israel vào thời đó nhưng sự phát hiện trại nuôi ở Tel Rehov cho thấy ngay từ thời Đền thờ Đầu tiên [của Sa-lô-môn], nghề nuôi ong để lấy mật và tàng ong là ngành công nghiệp phát triển. Vì thế, rất có thể từ “mật” trong Kinh Thánh muốn nói đến mật của ong”.
[Nguồn tư liệu nơi trang 15]
Institute of Archaeology/Hebrew University © Tel Rehov Excavations