Ông ấy học về lòng tha thứ từ thầy mình
Hãy noi theo đức tin của họ
Ông ấy học về lòng tha thứ từ thầy mình
Ông Phi-e-rơ sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc tồi tệ ấy, khi thấy Chúa Giê-su nhìn ông. Có nỗi thất vọng hay sự trách móc nào trong ánh mắt ngài không? Chúng ta không biết, Kinh Thánh chỉ tường thuật rằng “Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ” (Lu-ca 22:61). Nhưng qua cái nhìn đó, ông thấy được lỗi lầm nghiêm trọng của mình. Phi-e-rơ nhận ra ông đã phạm lỗi mà Chúa Giê-su báo trước, một lỗi lầm ông nhất quyết cho là sẽ không bao giờ mắc phải. Đó là chối bỏ người thầy yêu quý. Hẳn đây là khoảnh khắc tồi tệ, thậm chí đau đớn nhất trong cuộc đời ông.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của Phi-e-rơ không phải là vô vọng. Vì là người có đức tin mạnh, nên ông vẫn có cơ hội trở lại và học được một trong những bài học quan trọng từ Chúa Giê-su. Đó là lòng tha thứ. Bài học này cũng dành cho tất cả chúng ta. Vậy, hãy xem xét làm sao Phi-e-rơ rút ra bài học về lòng tha thứ.
Nhiều điều phải học
Khoảng sáu tháng trước, tại thành Ca-bê-na-um, Phi-e-rơ đến hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng?” (Ma-thi-ơ 18:21). Dường như Phi-e-rơ nghĩ ông là người rộng lượng, vì các nhà lãnh đạo Do thái giáo thời ấy dạy rằng người ta chỉ cần tha thứ ba lần. Tuy nhiên, Chúa Giê-su trả lời: “Thầy không nói là tới bảy lần, nhưng là tới bảy mươi bảy lần”.—Ma-thi-ơ 18:22, An Sơn Vị.
Có phải ý của Chúa Giê-su là Phi-e-rơ nên đếm và ghi lại số lần người khác phạm lỗi với mình không? Không. Khi chuyển từ 7 lần sang 77 lần, Chúa Giê-su muốn nói là việc tha thứ không có con số giới hạn cụ thể. Phi-e-rơ bị ảnh hưởng bởi tinh thần không thương xót và thiếu khoan dung phổ biến vào thời đó. Người ta thường tính chi ly từng lần tha thứ như thể ghi vào sổ nợ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thì tha thứ cách rộng lượng, dồi dào.
Dù không cãi lại lời Chúa Giê-su, nhưng Phi-e-rơ có thật sự thấm thía lời ngài không? Khi cần được người khác tha thứ, thì một người mới thật sự hiểu giá trị của lòng tha thứ. Vì thế, hãy xem lại những diễn biến dẫn đến cái chết của Chúa Giê-su. Trong thời điểm khó khăn ấy, Phi-e-rơ đã phạm nhiều lỗi và cần được thầy mình tha thứ.
Cần được tha thứ
Bấy giờ là thời điểm rất quan trọng—đêm cuối cùng Chúa Giê-su sống trên đất. Ngài còn nhiều điều muốn dạy các sứ đồ, chẳng hạn về sự khiêm nhường. Chúa Giê-su nêu gương bằng cách khiêm nhường rửa chân cho họ, công việc thường giao cho đầy tớ thấp hèn. Thoạt tiên, Phi-e-rơ không tán thành hành động của Chúa Giê-su, và không chịu để ngài rửa chân cho ông. Nhưng sau đó, ông xin ngài không chỉ rửa chân mà còn Giăng 13:1-17.
rửa tay và đầu của ông nữa. Chúa Giê-su không mất kiên nhẫn nhưng điềm tĩnh giải thích tầm quan trọng và ý nghĩa của việc ngài đang làm.—Dù vậy không lâu sau, các sứ đồ lại tranh cãi xem ai là người lớn hơn hết. Hẳn Phi-e-rơ cũng can dự vào cuộc tranh cãi đáng xấu hổ ấy. Chúa Giê-su nhân từ sửa họ lại, thậm chí khen họ về điều tốt họ đã làm, đó là trung thành với thầy mình. Tuy nhiên, ngài cũng báo trước là tất cả các sứ đồ sẽ bỏ ngài. Phi-e-rơ quả quyết là dù có chết, ông cũng sẽ không bỏ Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su tiên tri thêm rằng trước khi gà gáy hai lần ngay trong đêm ấy, ông sẽ chối ngài ba lần. Phi-e-rơ không chỉ phủ nhận điều đó mà còn khoe khoang rằng ông sẽ trung thành với thầy mình hơn các sứ đồ khác!—Ma-thi-ơ 26:31-35; Mác 14:27-31; Lu-ca 22:24-28.
Chúa Giê-su có mất kiên nhẫn với Phi-e-rơ không? Không, ngài vẫn luôn chú ý đến điểm tốt nơi các sứ đồ bất toàn. Dù biết Phi-e-rơ sẽ làm ngài thất vọng, nhưng Chúa Giê-su nói: “Ta đã cầu-nguyện cho ngươi, hầu cho đức-tin ngươi không thiếu-thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối-cải, hãy làm cho vững chí anh em mình” (Lu-ca 22:32). Qua lời này, Chúa Giê-su biểu lộ sự tin tưởng rằng Phi-e-rơ sẽ trở lại với ngài và phụng sự cách trung thành. Chúa Giê-su quả có lòng vị tha và nhân từ!
Sau đó, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, ông được Chúa Giê-su sửa sai nhiều lần. Ngài bảo ông, cũng như Gia-cơ và Giăng, phải thức canh trong khi ngài cầu nguyện. Chúa Giê-su đang trong lúc đau khổ cùng cực và cần sự khích lệ, nhưng Phi-e-rơ và những sứ đồ khác cứ ngủ gật hết lần này đến lần khác. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn biểu lộ sự cảm thông và khoan dung khi nói với họ: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối”.—Mác 14:32-38.
Vừa lúc ấy, một đám đông đến, mang theo đuốc, gươm và gậy gộc. Đây là lúc cần hành động thận trọng và sáng suốt. Tuy nhiên, Phi-e-rơ lại hấp tấp ra tay, vung gươm lên chém đứt một tai của Man-chu, đầy tớ của thầy tế lễ thượng phẩm. Chúa Giê-su quở trách Phi-e-rơ, chữa lành vết thương cho đầy tớ ấy và dạy là không được dùng bạo lực. Đến nay, các môn đồ ngài vẫn áp dụng lời dạy này (Ma-thi-ơ 26:47-55; Lu-ca 22:47-51; Giăng 18:10, 11). Như vậy, Phi-e-rơ đã được thầy mình tha thứ nhiều. Trường hợp của ông nhắc chúng ta nhớ rằng “chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm” (Gia-cơ 3:2). Vì thế, tất cả chúng ta đều cần được Đức Chúa Trời tha thứ mỗi ngày. Về phần Phi-e-rơ, cũng trong đêm đó điều tồi tệ hơn sắp xảy đến cho ông.
Tội lớn nhất của Phi-e-rơ
Chúa Giê-su nói với đám đông là nếu họ đến tìm bắt ngài thì hãy để cho các sứ đồ đi. Phi-e-rơ bất lực đứng nhìn đám đông trói Chúa Giê-su. Sau đó, ông bỏ trốn như các sứ đồ khác.
Tuy nhiên, Phi-e-rơ và Giăng không bỏ trốn luôn. Họ “theo Ngài xa xa” từ nhà của An-ne, nguyên thầy tế lễ thượng phẩm, là nơi đầu tiên Chúa Giê-su bị dẫn đến để chất vấn (Ma-thi-ơ 26:58; Giăng 18:12, 13). Phi-e-rơ không phải là người hèn nhát. Hẳn phải can đảm lắm, ông mới dám đi theo đám đông. Đám đông có vũ khí, hơn nữa Phi-e-rơ vừa làm một người trong số họ bị thương. Thế nhưng, đến đây chúng ta vẫn chưa thấy ông thể hiện lòng trung thành như ông từng khoe khoang là sẵn sàng chết bên cạnh thầy mình.—Mác 14:31.
Như Phi-e-rơ, ngày nay nhiều người theo Chúa Giê-su từ “xa xa”, tức là không muốn ai nhận ra họ là môn đồ ngài. Về sau, Phi-e-rơ 1 Phi-e-rơ 2:21.
cho biết cách duy nhất để theo Chúa Giê-su là phải theo sát, tức cố gắng noi gương ngài trong mọi việc bất chấp khó khăn.—Phi-e-rơ lén theo sau đám đông cho đến khi tới cổng của một trong những căn nhà nguy nga nhất Giê-ru-sa-lem. Đó là nhà của Cai-phe, thầy tế lễ thượng phẩm giàu có và quyền lực. Những căn nhà như thế thường có sân chính giữa và cổng phía trước. Phi-e-rơ đến cổng nhưng không được phép vào. Giăng đã ở bên trong và đến gặp người canh cửa xin cho Phi-e-rơ vào. Nhưng sau đó dường như Phi-e-rơ không đi theo Giăng, và cũng không tìm cách vào trong nhà để ở cùng thầy mình. Ông đứng ngoài sân, nơi các đầy tớ sưởi ấm bên cạnh đống lửa trong đêm lạnh. Ông quan sát những kẻ làm chứng dối về Chúa Giê-su khi họ đi ra đi vào.—Mác 14:54-57; Giăng 18:15, 16, 18.
Người đầy tớ gái, khi nãy mở cửa cho Phi-e-rơ, giờ có thể thấy rõ mặt ông nhờ ánh lửa. Cô biết Phi-e-rơ và tố cáo ông: “Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê”. Quá bất ngờ nên ông chối điều đó, thậm chí còn giả vờ không hiểu cô ta nói gì. Ông đến đứng gần cổng để không ai chú ý, nhưng một đầy tớ gái khác nhận ra ông và cũng nói: “Người nầy cũng ở với Jêsus, người Na-xa-rét”. Phi-e-rơ thề: “Ta chẳng hề biết người ấy” (Ma-thi-ơ 26:69-72). Có lẽ sau khi chối lần thứ hai, Phi-e-rơ nghe tiếng gà gáy nhưng ông quá lo đến nỗi không nhớ tới lời tiên tri mà Chúa Giê-su vừa nói cách đây vài giờ.
Lúc sau, Phi-e-rơ vẫn cố gắng tránh để người ta không chú ý đến mình. Nhưng có một nhóm người ở trong sân tiến về phía ông. Trong số đó có người bà con của Man-chu, đầy tớ mà Phi-e-rơ chém đứt tai. Ông nói với Phi-e-rơ: “Ta há chẳng từng thấy ngươi ở trong vườn với người sao?”. Phi-e-rơ cố phân trần là họ đã nhầm. Ông thề rằng ông không biết Chúa Giê-su và xin lời rủa giáng trên ông nếu có dối trá. Ngay sau khi ông nói lời đó thì gà gáy—lần thứ hai trong đêm đó.—Giăng 18:26, 27; Mác 14:71, 72.
Vừa lúc ấy, Chúa Giê-su đi ra ban-công hướng ra sân. Như được nói ở đầu bài, ngài nhìn Phi-e-rơ. Tức thì ông nhận ra mình đã phạm lỗi lầm ghê gớm đến mức nào. Phi-e-rơ rời khỏi sân, lòng ông tan nát vì mặc cảm tội lỗi. Ông đi ra đường trong ánh sáng mờ mờ của trăng tàn. Cảnh vật nhòa đi vì mắt ông ngấn lệ. Ông bật khóc thảm thiết.—Mác 14:72; Lu-ca 22:61, 62.
Sau khi phạm tội trọng, một người có thể nghĩ lỗi của mình quá lớn nên không thể tha thứ được. Có lẽ chính Phi-e-rơ cũng nghĩ vậy. Nhưng có thật thế không?
Không thể tha thứ cho Phi-e-rơ chăng?
Thật khó tưởng tượng tâm trạng đau đớn của Phi-e-rơ vào buổi sáng hôm đó, và suốt hàng giờ kế tiếp khi sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu. Hẳn ông tự trách mình khi Chúa Giê-su chết vào chiều hôm đó sau nhiều giờ chịu đau đớn! Chắc hẳn Phi-e-rơ rùng mình khi nghĩ ông đã chất thêm nỗi đau cho thầy trong ngày cuối cùng ngài sống trên đất. Dù lòng quặn thắt, Phi-e-rơ không tuyệt vọng. Chúng ta có thể biết được điều này vì sau đó không lâu, ông đã kết hợp lại với các anh em đồng đạo (Lu-ca 24:33). Chắc hẳn, các sứ đồ đều hối hận về cách cư xử của họ vào đêm kinh hoàng đó và an ủi lẫn nhau.
Lần này, chúng ta thấy Phi-e-rơ có thái độ đúng đắn. Việc một người có thể đứng dậy sau khi sa ngã không hẳn phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tội, mà phụ thuộc nhiều vào quyết tâm vươn lên và sửa chữa lỗi lầm của chính người ấy (Châm-ngôn 24:16). Việc Phi-e-rơ nhóm lại với anh em trong lúc tinh thần bị suy sụp cho thấy ông thật sự có đức tin. Khi nỗi buồn và sự ân hận đè nặng trong lòng, một người dễ cô lập mình nhưng điều đó rất nguy hiểm (Châm-ngôn 18:1). Điều khôn ngoan là ở gần anh em đồng đạo và củng cố đức tin để có thể tiếp tục phụng sự Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
Nhờ kết hợp với anh em, Phi-e-rơ biết một tin đáng kinh ngạc là xác của Chúa Giê-su không còn trong mồ. Phi-e-rơ và Giăng chạy đến mồ của Chúa Giê-su, nơi đã bị niêm phong. Có lẽ vì Giăng trẻ hơn nên đến đó trước. Nhưng khi thấy cửa mộ mở, ông chần chừ không vào. Phi-e-rơ thì không như thế. Dù đang thở hổn hển, ông đi thẳng vào trong. Mộ trống rỗng!—Giăng 20:3-9.
Phi-e-rơ có tin là Chúa Giê-su đã sống lại không? Lúc đầu ông không tin, cho dù các nữ tín đồ trung thành đến nói là thiên sứ đã hiện ra và báo cho họ biết Chúa Giê-su sống lại (Lu-ca 23:55–24:11). Tuy nhiên, đến cuối ngày hôm đó, mọi buồn phiền và nghi ngờ trong lòng Phi-e-rơ đều tan biến. Chúa Giê-su thật đã sống lại, giờ đây ngài là một thần linh mạnh mẽ! Trước khi hiện ra với tất cả các sứ đồ, ngài đã làm một việc đặc biệt. Các sứ đồ kể lại: “Chúa thật đã sống lại, và hiện ra với Si-môn” (Lu-ca 24:34). Sau này, sứ đồ Phao-lô cũng viết rằng trong ngày quan trọng ấy Chúa Giê-su “hiện ra cho Sê-pha, sau lại hiện ra cho mười hai sứ-đồ” (1 Cô-rinh-tô 15:5). Sê-pha và Si-môn là những tên khác của Phi-e-rơ. Như vậy, ngày hôm đó Chúa Giê-su đã hiện ra với Phi-e-rơ, khi ông đang ở một mình.
Kinh Thánh không cho biết chi tiết cuộc gặp gỡ đầy cảm động giữa Chúa Giê-su và Phi-e-rơ. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung Phi-e-rơ xúc động như thế nào khi thấy thầy yêu dấu của mình còn sống, và ông có cơ hội bày tỏ lòng ăn năn hối lỗi. Trên hết, ông rất cần được tha thứ. Chắc chắn, Chúa Giê-su đã tha thứ cho ông, thậm chí còn tha thứ dồi dào. Ngày nay, những môn đồ phạm tội cần nhớ đến trường hợp của Phi-e-rơ. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ tội của mình quá nặng, không thể được Đức Chúa Trời tha thứ. Chúa Giê-su phản ánh một cách hoàn hảo những đức tính của Cha, Đấng “tha-thứ dồi-dào”.—Ê-sai 55:7.
Bằng chứng khác cho thấy Phi-e-rơ được tha thứ
Chúa Giê-su bảo các sứ đồ đi đến Ga-li-lê, nơi mà họ sẽ gặp lại ngài. Khi đến đó, Phi-e-rơ đi ra Biển Ga-li-lê để đánh cá. Một số sứ đồ khác cũng theo ông. Giờ đây, Phi-e-rơ đang trên vùng biển là nơi rất quen thuộc với ông từ khi còn là ngư dân. Tiếng kẽo kẹt của thuyền, tiếng rì rào của sóng, và cảm giác thô ráp khi cầm lưới đánh cá, tất cả rất quen thuộc và làm ông thấy bình yên. Đêm đó, liệu ông có tự hỏi mình nên làm gì khi thánh chức trên đất của Chúa Giê-su đã kết thúc? Cuộc sống bình dị của một ngư dân có kéo ông trở lại không? Các sứ đồ đánh cá suốt đêm, nhưng không bắt được gì.—Ma-thi-ơ 26:32; Giăng 21:1-3.
Tuy nhiên, khi mặt trời ló dạng, một người đứng ở bờ biển gọi vọng ra và bảo họ thả lưới phía bên kia thuyền. Các sứ đồ làm theo và kéo được mẻ lưới lớn với 153 con cá! Phi-e-rơ biết người đó là ai. Ông nhảy khỏi thuyền và bơi vào bờ. Trên bờ, Chúa Giê-su đã chuẩn bị sẵn cá nướng trên than cho các sứ đồ, rồi ngài nói chuyện với Phi-e-rơ.
Chúa Giê-su hỏi Phi-e-rơ có yêu thầy mình “hơn những thứ này” chăng, rõ ràng ngài đang chỉ vào mẻ cá lớn (Giăng 21:15, NW). Phi-e-rơ yêu nghề chài lưới hay yêu Chúa Giê-su hơn? Phi-e-rơ đã chối thầy mình ba lần, nên giờ đây Chúa Giê-su cũng cho ông cơ hội để khẳng định tình yêu thương của mình ba lần trước mặt các sứ đồ. Khi Phi-e-rơ đã khẳng định điều đó, Chúa Giê-su cho ông biết làm sao thể hiện tình yêu thương ấy: đặt thánh chức lên hàng đầu và chăn dắt bầy chiên của ngài, tức các môn đồ trung thành.—Giăng 21:4-17.
Qua đó, Chúa Giê-su xác nhận là Phi-e-rơ vẫn hữu dụng trong công việc của ngài và Cha ngài. Ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong hội thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su. Rõ ràng, ngài đã hoàn toàn tha thứ cho ông. Chắc chắn, sự độ lượng của
Chúa Giê-su làm cảm động lòng Phi-e-rơ, và tác động sâu sắc đến ông.Phi-e-rơ trung thành thực hiện sứ mệnh trong nhiều năm. Ông củng cố đức tin của anh em đồng đạo, theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su vào đêm ngài chịu chết. Phi-e-rơ đã chăn dắt các môn đồ của Chúa Giê-su một cách tử tế và kiên nhẫn. Ông đã sống đúng với tên mà Chúa Giê-su đặt cho—Phi-e-rơ, nghĩa là “đá”—vì ông trở thành điểm tựa vững chắc và đáng tin cậy, có ảnh hưởng tốt đối với hội thánh. Điều này được thấy rõ trong hai lá thư chứa chan tình cảm mà ông viết, và cũng là những sách rất giá trị của Kinh Thánh. Qua những lá thư ấy, chúng ta cũng thấy Phi-e-rơ không bao giờ quên bài học về lòng tha thứ từ thầy mình.—1 Phi-e-rơ 3:8, 9; 4:8.
Mong sao chúng ta cũng học được bài học này. Hằng ngày, chúng ta có cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ những lỗi lầm của mình không? Chúng ta có tin là mình đã được tha thứ và được xóa tội không? Chúng ta có rộng lòng tha thứ cho người khác không? Nếu có, chúng ta đang noi theo đức tin của Phi-e-rơ, và lòng thương xót của Chúa Giê-su.
[Câu nổi bật nơi trang 22]
Phi-e-rơ được thầy mình tha nhiều lỗi, chẳng phải tất cả chúng ta cũng cần được tha thứ mỗi ngày sao?
[Hình nơi trang 23]
“Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ”
[Hình nơi trang 24]
“Chúa... hiện ra với Si-môn”