Tại sao Đức Chúa Trời tranh chiến với dân Ca-na-an?
Tại sao Đức Chúa Trời tranh chiến với dân Ca-na-an?
“Khá tận-diệt dân Hê-tít, dân A-mô-rít, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sít, dân Hê-vít, dân Giê-bu-sít, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phán dặn”.—PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 20:17.
“Hãy... hòa-thuận với mọi người”.—RÔ-MA 12:18.
Hai câu Kinh Thánh này có vẻ mâu thuẫn với bạn không? Nhiều người thấy khó dung hòa giữa mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là hủy diệt dân Ca-na-an * với lời khuyên của Kinh Thánh phải hòa thuận với mọi người (Ê-sai 2:4; 2 Cô-rinh-tô 13:11). Đối với họ, những chỉ dẫn này dường như không nhất quán về tiêu chuẩn đạo đức.
Nếu có thể thưa chuyện với Đức Chúa Trời về vấn đề này, bạn sẽ hỏi Ngài điều gì? Hãy xem năm câu hỏi thường được đặt ra và lời giải đáp từ Kinh Thánh.
1. Tại sao dân Ca-na-an bị đuổi khỏi xứ? Theo một nghĩa nào đó, dân Ca-na-an cư ngụ bất hợp pháp trên vùng đất không thuộc về họ. Như thế nào? Khoảng 400 năm trước, Đức Chúa Trời đã hứa với người trung thành là Áp-ra-ham rằng xứ Ca-na-an sẽ thuộc về con cháu ông (Sáng-thế Ký 15:18). Đức Chúa Trời đã giữ lời khi Ngài hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên, con cháu Áp-ra-ham, chiếm vùng đất ấy. Dĩ nhiên, một số người có thể phản đối, cho rằng dân Ca-na-an đã đến trước và có quyền cư ngụ ở đó. Tuy nhiên, là Đấng Cai Trị hoàn vũ, Đức Chúa Trời có quyền tối cao để quyết định ai sẽ sống ở đâu.—Công-vụ 17:26; 1 Cô-rinh-tô 10:26.
2. Tại sao Đức Chúa Trời không cho phép dân Ca-na-an cùng tồn tại với dân Y-sơ-ra-ên? Đức Chúa Trời cảnh báo về dân Ca-na-an: “Họ sẽ chẳng ở trong xứ ngươi đâu, e khi chúng nó xui cho ngươi phạm tội cùng ta mà hầu việc các thần họ chăng; điều đó chắc sẽ thành một cái bẫy cho ngươi vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:33). Sau này, nhà tiên tri Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Vì cớ sự gian-ác của chúng nó, nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ đuổi chúng nó ra khỏi trước mặt ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:5). Nhưng những dân trong xứ này gian ác đến mức nào?
Vô luân, thờ thần giả và dâng con tế thần là những thực hành phổ biến trong xứ Ca-na-an. Sử gia về Kinh Thánh là ông Henry H. Halley cho biết khi khai quật vùng này, các nhà khảo cổ “đã tìm thấy vô số các hũ cốt của những trẻ em bị tế cho thần Ba-anh [một trong các thần chính của dân Ca-na-an]”. Ông nói thêm: “Toàn bộ khu vực là nghĩa trang của trẻ sơ sinh... Dân Ca-na-an thờ phượng với nghi thức là thực hành sự vô luân vô độ trước mặt các thần của họ, rồi giết con đầu lòng dâng lên cho các thần đó. Dường như, trong một phạm vi lớn, xứ Ca-na-an đã trở thành một dạng Sô-đôm và Gô-mô-rơ ở tầm mức quốc gia... Các nhà khảo cổ khai quật di tích ở các thành Ca-na-an xưa đã lấy làm lạ là
Đức Chúa Trời đã không hủy diệt họ sớm hơn”.3. Chẳng lẽ vào thời ấy, không có những người ác khác hay sao? Tại sao chỉ hủy diệt dân Ca-na-an? Đức Chúa Trời đã nhiều lần hành quyết người ác một cách có chọn lọc. Khi ‘thế-gian đầy-dẫy sự hung-ác’ vào thời ông Nô-ê, Đức Chúa Trời đã khiến trận nước lụt hủy diệt thế gian ngoại trừ một gia đình: gia đình ông Nô-ê (Sáng-thế Ký 6:11; 2 Phi-e-rơ 2:5). Đức Chúa Trời hủy diệt thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ khi tội ác của dân hai thành ấy “thật là trọng” (Sáng-thế Ký 18:20; 2 Phi-e-rơ 2:6). Ngoài ra, Đức Chúa Trời đã tuyên án phạt thủ đô xứ A-si-ri là Ni-ni-ve, “thành đổ máu”, nhưng Ngài tha cho cư dân thành ấy khi họ ăn năn xây bỏ đường lối xấu (Na-hum 3:1; Giô-na 1:1, 2; 3:2, 5-10). Còn trường hợp của dân Ca-na-an, Đức Chúa Trời hủy diệt họ nhằm bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên, là dân tộc sẽ cho ra đời Đấng Mê-si.—Thi-thiên 132:11, 12.
4. Chẳng phải việc Đức Chúa Trời hủy diệt dân Ca-na-an trái ngược với tình yêu thương của Ngài sao? Mới nghe qua, việc Đức Chúa Trời hủy diệt dân Ca-na-an có vẻ mâu thuẫn với tình yêu thương của Ngài (1 Giăng 4:8). Tuy nhiên khi xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy tình yêu thương của Ngài rõ ràng hơn.
Từ lâu, Đức Chúa Trời đã biết dân Ca-na-an đi theo đường lối sai trái. Tuy nhiên, thay vì hủy diệt họ ngay, Ngài kiên nhẫn chờ đợi 400 năm cho đến khi tội lỗi họ “được đầy-dẫy”.—Sáng-thế Ký 15:16.
Đức Giê-hô-va hủy diệt dân Ca-na-an khi tội lỗi họ lên đến mức vô phương cứu chữa. Dù vậy, Ngài đã không mù quáng diệt sạch dân Ca-na-an. Tại sao? Vì có một số người sẵn lòng ăn năn. Những người chịu thay đổi lối sống, như Ra-háp và dân Ga-ba-ôn, đã được Đức Chúa Trời thương xót.—Giô-suê 9:3-11, 16-27; Hê-bơ-rơ 11:31.
5. Làm sao Đức Chúa Trời yêu thương lại có thể hủy diệt một người nào đó? Nêu lên câu hỏi này cũng dễ hiểu, vì không ai muốn nghĩ đến việc người ta bị hủy diệt. Tuy nhiên, chính tình yêu thương đã thúc đẩy Đức Chúa Trời có biện pháp mạnh đối với người ác. Hãy xem minh họa: Khi một phần chi của bệnh nhân bắt đầu hoại tử, các bác sĩ thường không có lựa chọn nào ngoài việc cắt bỏ phần đó. Không bác sĩ nào muốn thực hiện cuộc phẫu thuật ấy, nhưng một bác sĩ giỏi biết rằng nếu
không làm thế, tình hình chắc chắn tệ hơn vì sự hoại tử sẽ lan ra. Lòng quan tâm sẽ thúc đẩy vị bác sĩ ấy thực hiện công việc không có gì là vui này vì lợi ích của bệnh nhân.Tương tự thế, Đức Giê-hô-va không vui khi hủy diệt dân Ca-na-an. Chính Ngài đã phán: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui” (Ê-xê-chi-ên 33:11). Tuy nhiên, ý định của Ngài là dân Y-sơ-ra-ên sẽ cho ra đời Đấng Mê-si, đấng mở đường cứu chuộc cho những ai bày tỏ đức tin của mình (Giăng 3:16). Vì vậy, Đức Chúa Trời không thể để dân Y-sơ-ra-ên chịu ảnh hưởng bởi những thực hành đáng ghê tởm của dân Ca-na-an. Thế nên Ngài ra lệnh phải đuổi dân này ra khỏi xứ. Khi làm vậy, Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương nổi bật—tình yêu thương thôi thúc Ngài thực hiện một công việc không có gì là vui vì lợi ích của những người trung thành thờ phượng Ngài.
Bài học có giá trị cho chúng ta
Lời tường thuật về sự hủy diệt dân Ca-na-an có giá trị cho chúng ta ngày nay không? Có, vì nơi Rô-ma 15:4 nói: “Mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy-dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn-nhục và sự yên-ủi của Kinh-thánh dạy mà chúng ta được sự trông-cậy”. Những điều xảy ra trong xứ Ca-na-an cho chúng ta bài học và hy vọng nào?
Những lời tường thuật này dạy chúng ta nhiều điều. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời đã thương xót tha chết cho Ra-háp và dân Ga-ba-ôn khi họ đặt đức tin nơi Ngài. Điều này nhắc chúng ta nhớ bất cứ ai thật sự muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời cũng có thể làm thế, bất kể gốc gác hoặc tội lỗi đã phạm.—Công-vụ 17:30.
Lời tường thuật về sự hủy diệt dân Ca-na-an cũng mang lại hy vọng vì giúp chúng ta thấy trước những gì Đức Chúa Trời sẽ làm trong tương lai gần đây. Những lời tường thuật ấy đảm bảo rằng Ngài sẽ không để điều ác chiến thắng điều lành. Thay vì thế, Kinh Thánh khẳng định không lâu nữa Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt tất cả người ác, đồng thời giải cứu những ai yêu mến Ngài và cho họ vào thế giới mới công bình (2 Phi-e-rơ 2:9; Khải-huyền 21:3, 4). Lúc ấy, những lời ấm lòng này sẽ được ứng nghiệm: “Hãy trông-đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất! Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy”.—Thi-thiên 37:34.
[Chú thích]
^ đ. 4 Trong bài này, cụm từ “dân Ca-na-an” muốn nói đến mọi dân mà Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên đuổi ra khỏi xứ.
[Khung nơi trang 14]
Kinh Thánh có tán đồng những cuộc chiến của loài người không?
Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt dân Ca-na-an, thế thì các cuộc chiến của loài người ngày nay không có gì là sai, phải không? Không, ít nhất vì ba lý do:
▪ Không dân nào trên đất ngày nay được Đức Chúa Trời ban ân huệ đặc biệt. Khi dân Y-sơ-ra-ên từ bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, họ không còn có thẩm quyền đại diện cho Đức Chúa Trời—kể cả việc đảm trách vai trò thi hành sự phán xét (Ma-thi-ơ 21:42, 43). Như thế, đối với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va áp dụng cùng tiêu chuẩn như Ngài đã đặt ra với các dân tộc khác (Lê-vi Ký 18:24-28). Từ đó trở đi, không dân nào trên đất có thể cho rằng mình được Đức Chúa Trời hỗ trợ trong các cuộc chiến.
▪ Đức Giê-hô-va không còn ban cho những người thờ phượng Ngài một xứ hoặc vùng đất cụ thể nào. Trái lại, những người phụng sự Ngài thuộc “mọi nước, mọi chi-phái” trên đất.—Khải-huyền 7:9; Công-vụ 10:34, 35.
▪ Chúa Giê-su nói rõ rằng các môn đồ Ngài không tham gia chiến tranh. Khi cảnh báo về cuộc tấn công thành Giê-ru-sa-lem sắp xảy ra, Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ phải chạy thoát chứ không ở lại để chiến đấu, và họ đã làm theo (Ma-thi-ơ 24:15, 16). Thay vì cầm vũ khí, các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su hoàn toàn tin cậy nơi Nước của Đức Chúa Trời. Nước ấy không lâu nữa sẽ loại trừ mọi điều ác khỏi trái đất.—Đa-ni-ên 2:44; Giăng 18:36.
[Hình nơi trang 15]
Gương của Ra-háp cho thấy bất cứ ai có lòng mong muốn đều có thể làm hài lòng Đức Chúa Trời