Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có cần học tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ để hiểu Kinh Thánh?

Có cần học tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ để hiểu Kinh Thánh?

Có cần học tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ để hiểu Kinh Thánh?

Phần lớn Kinh Thánh thời ban đầu được viết bằng hai ngôn ngữ là tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp cổ *. Những người viết đã dùng hai ngôn ngữ này dưới sự hướng dẫn của “thần” Đức Chúa Trời, tức quyền năng của Ngài (2 Sa-mu-ên 23:2). Vì thế, thông điệp họ ghi lại được xem là “bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”.—2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Tuy nhiên, phần lớn người đọc Kinh Thánh thời nay không biết tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ nên họ phải dùng một bản dịch Kinh Thánh trong tiếng mẹ đẻ. Có lẽ bạn cũng thế. Vì người ta nghĩ các bản dịch Kinh Thánh không do Đức Chúa Trời soi dẫn, bạn có thể thắc mắc: “Tôi có thể hiểu trọn vẹn thông điệp của Kinh Thánh khi dùng một bản dịch không? Hoặc tôi nên học tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp cổ?”.

Những yếu tố cần lưu ý

Trước khi trả lời câu hỏi, bạn cần lưu ý một vài yếu tố sau. Thứ nhất, chỉ biết tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ không tự nhiên giúp một người hiểu được thông điệp của Kinh Thánh. Chúa Giê-su nói với những người Do Thái vào thời ngài: “Các ngươi dò-xem Kinh-thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh-thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!” (Giăng 5:39, 40). Vấn đề của họ là gì? Có phải họ không hiểu rõ tiếng Do Thái cổ không? Không, họ rất thông thạo ngôn ngữ này. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói tiếp: “Ta biết rằng các ngươi chẳng có sự yêu-mến Đức Chúa Trời ở trong các ngươi”.—Giăng 5:42.

Tương tự, sứ đồ Phao-lô viết cho những môn đồ nói tiếng Hy Lạp ở thành Cô-rinh-tô thời xưa như sau: “Đương khi người Giu-đa [Do Thái] đòi phép lạ, người Gờ-réc [Hy Lạp] tìm sự khôn-ngoan, thì chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên [cây khổ hình], là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ-dại” (1 Cô-rinh-tô 1:22, 23). Vậy, rõ ràng chỉ biết tiếng Do Thái hoặc tiếng Hy Lạp cổ không phải là yếu tố then chốt để chấp nhận thông điệp của Lời Đức Chúa Trời.

Thứ hai, dù một số người ngày nay nói tiếng Do Thái và Hy Lạp hiện đại, hai ngôn ngữ này khác rất nhiều so với tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ được dùng để viết Kinh Thánh. Hầu hết người nói tiếng Hy Lạp thời nay nhận thấy rất khó để hiểu chính xác tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh. Lý do là ngôn ngữ Hy Lạp hiện đại có nhiều từ vựng mới thay thế những từ cũ, và nhiều từ còn tồn tại thì đã thay đổi nghĩa. Chẳng hạn, từ được dịch là “xinh-tốt” nơi Công-vụ 7:20 và Hê-bơ-rơ 11:23 có nghĩa là “buồn cười” trong tiếng Hy Lạp hiện đại. Hơn nữa, văn phạm và cú pháp của ngôn ngữ cũng có nhiều thay đổi.

Ngay cả nếu bạn học tiếng Do Thái và Hy Lạp hiện đại, điều đó không có nghĩa là bạn có thể hiểu chính xác Kinh Thánh trong nguyên ngữ. Bạn vẫn phải dùng từ điển và các sách văn phạm để biết cách hai ngôn ngữ này được dùng như thế nào vào thời Kinh Thánh mới được viết ra.

Thứ ba, học một ngôn ngữ có thể là việc rất khó. Dù lúc đầu học một vài câu tiếng nước ngoài có vẻ dễ, nhưng bạn phải nỗ lực liên tục suốt nhiều năm mới có thể hiểu sắc thái tiềm ẩn của ngôn ngữ ấy. Thật vậy, sự hiểu biết nông cạn có thể rất nguy hiểm. Tại sao có thể nói như thế?

Ý nghĩa của một từ

Có bao giờ một người học tiếng nước bạn hỏi bạn về ý nghĩa của một từ nào đó không? Nếu có, hẳn bạn nhận thấy không phải lúc nào cũng dễ để trả lời. Tại sao? Vì một từ có thể mang nhiều nghĩa. Bấy giờ, có lẽ bạn phải đề nghị người ấy nêu lên một câu có từ đó. Không có văn cảnh ấy thì có lẽ rất khó để xác định ý nghĩa của từ. Chẳng hạn, một người có thể hỏi bạn ý nghĩa của từ “sắt”. Từ này có thể mang nhiều nghĩa khác nhau tùy văn cảnh. Nó có thể có nghĩa là một thứ kim loại, một ý chí cứng rắn (gan vàng dạ sắt), hoặc trạng thái quắt lại (nấu cho thuốc sắt lại). Khi dùng trong từ ghép “sắt son”, nó mang một ý nghĩa hoàn toàn khác là chung thủy, không bao giờ đổi thay. Vậy ý nghĩa nào là đúng?

Từ điển cho bạn biết một từ có thể mang những ý nghĩa nào. Thậm chí một số từ điển còn liệt kê những nghĩa này theo thứ tự sử dụng thông thường nhất. Nhưng chính văn cảnh mới là điều giúp bạn xác định ý nghĩa chính xác của từ. Hãy xem một minh họa. Giả sử bạn không biết nhiều về y học và muốn tìm ra nguyên nhân của một số triệu chứng bạn đang gặp phải. Bạn có thể tra cứu từ điển y khoa. Nó có thể cho bạn biết trong 90% trường hợp, triệu chứng của bạn có nghĩa là như vầy, nhưng trong 10% kia, chúng mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Thế nên, bạn cần biết nhiều điều hơn để đi đến sự chẩn đoán chính xác. Tương tự thế, có thể bạn biết một từ 90% mang ý nghĩa này. Nhưng nếu bạn đọc một đoạn văn mà từ ấy có ý nghĩa trong 10% còn lại, thì 90% kia cũng không giúp được gì cho bạn. Vậy, bạn cần biết nhiều hơn về văn cảnh trước khi hiểu được nghĩa chính xác của từ ấy.

Khi nghiên cứu các từ trong Kinh Thánh, bạn cũng cần biết văn cảnh của những từ đó. Chẳng hạn, trong nguyên ngữ, từ ru’ach pneu’ma có thể có nhiều nghĩa, tùy theo văn cảnh. Đôi khi, chúng được dịch là “gió” (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:13; Giăng 3:8). Trong văn cảnh khác, chúng nói đến sinh lực trong các tạo vật sống, gồm cả con người và thú vật (Sáng-thế Ký 7:22; Thi-thiên 104:29; Gióp 27:3). Hai từ này cũng ám chỉ đến các tạo vật thần linh vô hình trên trời (1 Các Vua 22:21, 22; Ma-thi-ơ 8:16). Chúng cũng được dùng để diễn tả quyền năng của Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 1:2; Ma-thi-ơ 12:28). Ngoài ra, hai từ này được dùng để nói đến sự tác động trên một người khiến người ấy thể hiện thái độ, tính khí hay cảm xúc nào đó, cũng như diễn tả tinh thần chung của một nhóm người.—Giô-suê 2:11; Ga-la-ti 6:18.

Từ điển tiếng Do Thái hoặc Hy Lạp có thể liệt kê những ý nghĩa khác nhau này, nhưng chính văn cảnh sẽ giúp bạn chọn nghĩa nào phù hợp nhất *. Dù đang đọc Kinh Thánh bằng nguyên ngữ hoặc dùng một bản dịch bằng tiếng mẹ đẻ, bạn cũng phải dựa vào văn cảnh để hiểu ý nghĩa của từ.

Có nên dùng một bản dịch không?

Một số người đã nỗ lực rất nhiều để học tiếng Do Thái cổ hoặc Hy Lạp cổ, hay cả hai ngôn ngữ này. Dù biết mình không thể hiểu hết ý nghĩa nhưng họ vui vì có thể đọc Kinh Thánh bằng nguyên ngữ và cảm thấy nỗ lực của mình thật đáng công. Tuy nhiên, nếu không làm được như thế, bạn có nên nản lòng và từ bỏ việc tìm kiếm chân lý trong Kinh Thánh không? Dĩ nhiên là không, vì một số lý do sau.

Thứ nhất, dùng một bản dịch Kinh Thánh là điều thích hợp. Thật ra, khi trích dẫn những câu trong phần Kinh Thánh tiếng Do Thái, những người viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (còn gọi là Tân ước) thường dùng một bản dịch tiếng Hy Lạp * (Thi-thiên 40:6; Hê-bơ-rơ 10:5, 6). Dù nói tiếng Do Thái và có thể trích dẫn phần Kinh Thánh tiếng Do Thái nguyên thủy, nhưng rõ ràng những người này cảm thấy thoải mái khi dùng một bản dịch thông dụng hơn với độc giả đương thời.—Sáng-thế Ký 12:3; Ga-la-ti 3:8.

Thứ hai, ngay cả nếu một người hiểu ngôn ngữ dùng để viết Kinh Thánh, người đó chỉ có thể đọc những lời Chúa Giê-su dưới dạng được dịch. Lý do là vì dù Chúa Giê-su giảng bằng tiếng Do Thái, những người viết Phúc âm ghi lại lời ngài bằng tiếng Hy Lạp *. Vì thế, nếu người nào nghĩ rằng có khả năng đọc Kinh Thánh trong nguyên ngữ là sẽ được Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan đặc biệt, người đó nên chú ý đến sự kiện trên. Lời của Chúa Giê-su không được ghi lại bằng nguyên ngữ, nhưng Đức Giê-hô-va soi dẫn để dịch và bảo tồn những lời ấy trong ngôn ngữ thông dụng thời đó. Điều này cho thấy chúng ta đọc Kinh Thánh bằng ngôn ngữ nào cũng không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đọc thông điệp của Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ mà mình có thể hiểu và làm theo.

Thứ ba, tin mừng trong Kinh Thánh dành cho những người khiêm nhường từ “mọi nước, mọi chi-phái, mọi tiếng, và mọi dân-tộc” (Khải-huyền 14:6; Lu-ca 10:21; 1 Cô-rinh-tô 1:27-29). Thế nên, ngày nay hầu hết người ta có thể học biết về ý định của Đức Chúa Trời từ bản Kinh Thánh tiếng mẹ đẻ mà không cần phải học một ngôn ngữ khác. Trong một số ngôn ngữ, có nhiều bản dịch Kinh Thánh mà người đọc có thể chọn lựa *.

Vậy, làm thế nào bạn có thể chắc chắn mình hiểu chân lý trong Kinh Thánh? Nhân Chứng Giê-hô-va nhận thấy rằng nghiên cứu Kinh Thánh theo chủ đề, xem xét văn cảnh là cách hữu hiệu để hiểu thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, họ chọn một chủ đề như “Hôn nhân”, và tra cứu những câu Kinh Thánh liên quan đến chủ đề đó. Làm thế, họ dùng Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh. Sao bạn không thử nhận lời mời của Nhân Chứng Giê-hô-va để được tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí? Dù bạn nói ngôn ngữ nào, Đức Chúa Trời muốn “mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.—1 Ti-mô-thê 2:4; Khải-huyền 7:9.

[Chú thích]

^ đ. 2 Một vài phần trong Kinh Thánh được viết bằng tiếng A-ram, ngôn ngữ cũng được sử dụng trong thời Kinh Thánh được viết bằng tiếng Do Thái cổ. Thí dụ những câu nơi E-xơ-ra 4:8 đến 6:18 và 7:12-26, Giê-rê-mi 10:11 và Đa-ni-ên 2:4b đến 7:28.

^ đ. 14 Xin lưu ý là một số từ điển tiếng Do Thái và Hy Lạp cổ và từ điển Kinh Thánh thì không liệt kê các nghĩa của một từ, nhưng chỉ cho biết từ đó được dịch thế nào trong một bản Kinh Thánh, chẳng hạn như bản King James Version.

^ đ. 17 Vào thời của Chúa Giê-su và các môn đồ, người ta có thể đọc tất cả những sách phần Kinh Thánh tiếng Do Thái bằng tiếng Hy Lạp qua một bản dịch. Đó là bản Septuagint, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Do Thái nói tiếng Hy Lạp. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, có hơn hàng trăm lời trích trực tiếp từ phần Kinh Thánh tiếng Do Thái, và những người viết đã trích những câu này từ bản Septuagint.

^ đ. 18 Người ta cho rằng Phúc âm Ma-thi-ơ do ông Ma-thi-ơ viết, đầu tiên bằng tiếng Do Thái. Tuy nhiên, ngay cả nếu điều đó là đúng, những điều được giữ lại đến ngày nay là bản dịch tiếng Hy Lạp, có thể do chính Ma-thi-ơ dịch ra.

^ đ. 19 Để biết thêm về văn phong của các bản dịch và làm thế nào để chọn một bản dịch chính xác, xin xem bài “Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?” trong Tháp Canh số ra ngày 1-5-2008.

[Khung/​Hình nơi trang 22]

Bản dịch Septuagint

Vào thời Chúa Giê-su và các sứ đồ, cộng đồng người Do Thái nói tiếng Hy Lạp đã sử dụng rộng rãi bản dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp là Septuagint. Đây là bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ sang tiếng Hy Lạp. Bản Septuagint đáng chú ý không chỉ vì đó là bản dịch Kinh Thánh đầu tiên được biết đến mà còn vì khoảng thời gian dịch rất dài. Một nhóm dịch giả bắt đầu dịch bản Septuagint vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên và những người khác đã hoàn tất công việc này hơn 100 năm sau.

Các môn đồ Chúa Giê-su vào thời kỳ đầu đã nhanh chóng tận dụng bản Septuagint để giúp người ta nhận ra Chúa Giê-su là Chúa Ki-tô, đấng mà Đức Chúa Trời hứa bổ nhiệm làm vua. Họ dùng bản Septuagint nhiều đến nỗi người ta xem bản dịch này là của “môn đồ Chúa Giê-su”. Vì có thành kiến với các môn đồ nên người Do Thái ít dùng bản dịch này. Kết quả là có nhiều bản dịch khác bằng tiếng Hy Lạp ra đời, trong số đó là bản dịch của ông A-qui-la, một người Do Thái cải đạo, vào thế kỷ thứ hai công nguyên. Một học giả Kinh Thánh đề cập đến một “khía cạnh đáng ngạc nhiên” của bản dịch này là danh Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va, dưới dạng ký tự Do Thái cổ xuất hiện nhiều lần trong bản dịch.

[Nguồn tư liệu]

Israel Antiquities Authority

[Các hình nơi trang 23]

Điều quan trọng là chúng ta đọc thông điệp của Đức Chúa Trời trong ngôn ngữ mà mình có thể hiểu và làm theo