Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi—Sống sót qua trại tập trung Đức Quốc Xã
Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi—Sống sót qua trại tập trung Đức Quốc Xã
Do Joseph Hisiger kể lại
Một ngày nọ, tôi hỏi người bạn tù: “Anh đang đọc gì đấy?”. Anh ấy trả lời: “Kinh Thánh”, và nói thêm: “Đổi cho tôi khẩu phần bánh mì cả tuần, sách này sẽ thuộc về anh”.
Tôi sinh ngày 1-3-1914 ở thành phố Moselle, bấy giờ thuộc Đức. Sau khi Thế Chiến I kết thúc năm 1918, Moselle được trả cho Pháp. Năm 1940, Đức chiếm lại thành phố này. Rồi khi Thế Chiến II kết thúc năm 1945, lần nữa nó lại thuộc quyền của Pháp. Mỗi lần như thế, quốc tịch của tôi cũng thay đổi, nên tôi nói được tiếng Pháp và tiếng Đức.
Cha mẹ tôi là những người Công giáo ngoan đạo. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi thường quỳ gối cầu nguyện. Chúng tôi đi nhà thờ vào mỗi chủ nhật và những ngày lễ quốc gia. Tôi rất sùng đạo và tham gia một nhóm học giáo lý.
Sốt sắng làm công việc của một Nhân Chứng Giê-hô-va
Năm 1935, hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến chia sẻ Kinh Thánh với cha mẹ tôi. Họ thảo luận về việc các tôn giáo tham gia vào Thế Chiến I. Sau lần đó, tôi vẫn nuôi ước muốn biết thêm về Kinh Thánh, và năm 1936 tôi hỏi xin linh mục một cuốn Kinh Thánh, nhưng ông bảo để hiểu sách này tôi phải nghiên cứu thần học. Điều đó chỉ làm tôi thêm khao khát muốn có được một cuốn Kinh Thánh.
Tháng Giêng năm 1937, một bạn đồng sự của tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va, anh Albin Relewicz, chia sẻ với tôi về những gì Kinh Thánh dạy. Tôi hỏi anh: “Chắc là anh có một cuốn Kinh Thánh, phải không?”. Quả thật anh có, và không lâu sau anh đã tặng tôi bản Kinh Thánh Elberfelder tiếng Đức. Anh còn chỉ cho tôi xem tên của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va trong đó. Tôi háo hức đọc Kinh Thánh và bắt đầu tham dự các buổi nhóm của Nhân Chứng ở thị trấn Thionville gần đấy.
Tháng 8 năm 1937, tôi đi cùng anh Albin đến dự hội nghị quốc tế của Nhân Chứng ở Paris. Tại đó, tôi bắt đầu rao giảng từng nhà. Không lâu sau, tôi làm báp têm và đầu năm 1939 tôi làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian. Tôi được bổ nhiệm đến thành phố Metz. Rồi đến tháng 7, tôi nhận lời mời đến làm việc ở văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Paris.
Hoạn nạn trong thời chiến
Thời gian tôi phụng sự ở chi nhánh rất ngắn, vì tháng 8 năm 1939 tôi bị gọi nhập ngũ. Tôi không tham gia chiến tranh vì lương
tâm không cho phép, thế nên tôi phải ra tòa và bị bỏ tù. Vào tháng 5 năm 1940, khi tôi đang ở tù thì quân Đức bất ngờ tấn công Pháp. Đến tháng 6, Pháp bị Đức chinh phục nên một lần nữa tôi trở thành người Đức, và vào tháng 7 tôi được trả tự do rồi trở về sống với cha mẹ.Dưới chế độ Quốc Xã, chúng tôi phải bí mật nhóm họp để học Kinh Thánh. Chúng tôi có tạp chí Tháp Canh là nhờ chị Maryse Anasiak, một chị can đảm mà tôi thường gặp tại cửa hàng bánh mì của một Nhân Chứng. Cho đến năm 1941, tôi chưa gặp nhiều khó khăn như các Nhân Chứng khác ở Đức.
Thế nhưng, một ngày kia mật vụ Đức Gestapo đến nhà tôi. Viên sĩ quan thông báo Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm hoạt động và hỏi tôi có muốn tiếp tục là Nhân Chứng không. Khi tôi đáp “Có”, ông bảo tôi theo ông. Lúc ấy, mẹ tôi ngất đi vì quá xúc động, nên viên sĩ quan cho tôi ở lại để chăm sóc mẹ.
Một ngày nọ, tại nhà máy nơi tôi làm việc, tôi không chào người quản lý theo kiểu Quốc Xã và không hô “Heil Hitler!”. Tôi cũng từ chối gia nhập đảng Quốc Xã. Thế nên, ngày hôm sau tôi bị mật vụ Đức đến bắt. Khi bị thẩm vấn, tôi đã không tiết lộ danh tánh của các anh chị Nhân Chứng. Người tra hỏi đã dùng báng súng đánh mạnh vào đầu tôi khiến tôi bất tỉnh. Ngày 11-9-1942, tòa án chính trị của Quốc Xã (Sondergericht) ở Metz kết án tôi ba năm tù vì tội “tuyên truyền cho Hiệp hội Nhân Chứng Giê-hô-va và Học viên Kinh Thánh”.
Hai tuần sau, tôi bị chuyển nhà giam và cuối cùng đến trại cưỡng bức lao động ở Zweibrücken, làm việc trong đội bảo trì đường ray. Chúng tôi phải thay những thanh sắt nặng nề và trải đá trên đường ray. Khẩu phần buổi sáng chỉ là một tách cà phê với một ít bánh mì, buổi trưa và buổi tối thì được một tô súp. Rồi tôi bị chuyển đến một trại giam gần thị trấn, làm việc trong xưởng giày. Sau vài tháng, tôi lại bị chuyển về Zweibrücken, lần này làm việc ở nông trại.
Sống chẳng phải chỉ nhờ bánh
Lúc ấy, bạn tù của tôi là người Hà Lan nên tôi cố gắng học một ít tiếng Hà Lan để có
thể chia sẻ niềm tin của mình. Anh ấy hưởng ứng, dần dần có đức tin và một ngày kia anh xin tôi làm báp têm cho anh trong một dòng sông. Khi ra khỏi nước, anh ôm chầm tôi và nói: “Joseph, bây giờ chúng ta là anh em!”. Chúng tôi phải chia tay nhau khi tôi bị chuyển trở lại làm việc ở đường ray.Lần này tôi ở chung xà lim với một người Đức. Tối nọ, tôi thấy anh đọc một cuốn sách nhỏ. Chính là Kinh Thánh! Đó là lúc anh đề nghị tôi đổi khẩu phần bánh mì cả một tuần để lấy Kinh Thánh. “Đồng ý!”, tôi trả lời. Dù đổi khẩu phần bánh mì của cả tuần thật sự là một hy sinh, nhưng tôi không bao giờ hối tiếc về điều đó. Nhờ làm thế, tôi đã ngày càng hiểu được ý nghĩa sâu xa của lời Chúa Giê-su: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 4:4.
Một khi đã có Kinh Thánh, điều khó là làm thế nào để không bị tịch thu. Các tù nhân được phép có Kinh Thánh chỉ trừ Nhân Chứng Giê-hô-va. Thế nên, ban đêm tôi trùm mền để lén đọc Kinh Thánh và ban ngày tôi luôn giấu trong áo, không dám để lại trong xà lim vì sợ bị lục soát.
Một ngày kia vào giờ điểm danh, tôi phát hiện mình đã quên mang theo Kinh Thánh. Tối đó, tôi vội vã chạy về xà lim, nhưng cuốn sách đã biến mất. Sau khi cầu nguyện với Đức Chúa Trời, tôi đến gặp lính canh để báo rằng có ai đã lấy sách của tôi. Người này không chú tâm làm nhiệm vụ cho lắm nên tôi lấy lại được cuốn Kinh Thánh. Tôi hết lòng cảm tạ Đức Giê-hô-va!
Lần khác, tôi gặp vấn đề khi đi tắm. Lúc cởi quần áo dơ, tôi kín đáo để Kinh Thánh từ từ rơi xuống sàn. Lợi dụng lúc lính canh không chú ý, tôi dùng chân đẩy nhẹ Kinh Thánh về phía vòi sen, rồi giấu Kinh Thánh sang một bên trong khi tắm. Tắm xong, tôi lặp lại những động tác ấy và đẩy nhẹ Kinh Thánh vào bộ quần áo sạch được xếp sẵn trên sàn.
Được khích lệ và gặp khốn khó
Một buổi sáng vào năm 1943, khi các tù nhân tập trung xếp hàng nơi sân, bỗng nhiên tôi thấy anh Albin! Anh ấy cũng bị bắt. Anh nhìn tôi và đặt tay lên ngực thể hiện tình anh em. Rồi anh ra hiệu là sẽ tìm cách liên lạc với tôi. Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, anh thả một miếng giấy xuống đất. Nhưng lính canh đã nhìn thấy, và cả hai chúng tôi bị biệt giam trong hai tuần. Trong thời gian ấy, chúng tôi chỉ được ăn bánh mì cũ, uống nước lã và ngủ trên những tấm ván mà không có mền.
Sau đó tôi bị chuyển đến nhà tù ở Siegburg, làm việc trong xưởng kim khí. Công việc thì nặng nhọc mà khẩu phần lại ít ỏi. Ban đêm tôi mơ thấy bánh ngọt và trái cây thơm ngon, nhưng lại tỉnh giấc với bụng đói cồn cào và cổ họng khô khốc. Khi ấy tôi gầy trơ xương. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng mỗi ngày tôi vẫn đọc cuốn Kinh Thánh nhỏ của mình nên có lý do để sống.
Cuối cùng được tự do!
Thình lình vào một buổi sáng tháng 4 năm 1945, lính canh tháo chạy, để cửa nhà giam mở rộng. Tôi được tự do! Nhưng khi vừa rời khỏi nhà tù, tôi phải nhập viện trong một thời gian để hồi sức. Đến cuối tháng 5, tôi mới trở về nhà cha mẹ. Họ không hy vọng gì là tôi còn sống. Mẹ tôi vui mừng bật khóc khi nhìn thấy tôi. Thật đáng buồn là không lâu sau đó cha mẹ tôi đều qua đời.
Tôi liên lạc lại với hội thánh Thionville. Vui mừng thay khi được gặp lại anh chị em cùng đức tin! Tôi vô cùng vui sướng khi biết họ đã trung thành thế nào bất kể nhiều khó khăn thử thách. Anh Albin, bạn thân yêu của tôi, đã qua đời ở Regensburg, Đức. Sau đó, tôi được biết em họ của tôi là Jean Hisiger đã trở thành Nhân Chứng và bị xử tử vì không tham gia chiến tranh. Anh Jean Queyroi, người cùng làm việc với tôi tại văn phòng chi nhánh Pháp, đã trải qua 5 năm trong trại lao động ở Đức *.
Tôi nhanh chóng trở lại với công việc rao giảng trong thị trấn Metz. Lúc ấy, tôi thường gặp gia đình anh chị Minzani. Con gái họ là Tina đã báp têm ngày 2-11-1946. Cô là người sốt sắng trong việc truyền giáo, và tôi đã đem lòng thương mến cô. Chúng tôi kết hôn ngày 13-12-1947. Tháng 9 năm 1967, Tina bắt đầu tham gia công việc tiên phong và tiếp tục cho đến khi qua đời vào tháng 6 năm 2003, ở tuổi 98. Tôi nhớ Tina vô cùng.
Hiện nay tôi đã hơn 90 tuổi và cảm nhận Lời Đức Chúa Trời luôn thêm sức cho tôi để đương đầu và vượt qua những thử thách. Đôi khi tôi đã không có cái ăn, nhưng tâm trí tôi luôn được nuôi dưỡng bằng Lời Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã giúp tôi trở nên mạnh mẽ. Chính ‘Lời Ngài làm cho tôi được sống’.—Thi-thiên 119:50.
[Chú thích]
^ đ. 27 Xin xem Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 1-10-1989, trang 22-26 kể về tự truyện của anh Jean Queyroi.
[Hình nơi trang 21]
Anh Albin Relewicz, bạn thân của tôi
[Hình nơi trang 21]
Chị Maryse Anasiak
[Hình nơi trang 22]
Cuốn Kinh Thánh mà tôi đã hy sinh khẩu phần bánh mì cả tuần để đổi lấy
[Hình nơi trang 23]
Với hôn thê của tôi là Tina, năm 1946
[Hình nơi trang 23]
Jean Queyroi với vợ anh, chị Titica