Câu hỏi độc giả
Tại sao có một số lời cầu nguyện không được nhậm?
Thượng Đế hay Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng dễ đến gần. Như người cha yêu thương cảm thấy vui khi con cái trò chuyện cởi mở với mình, Ngài sẵn sàng nghe chúng ta cầu nguyện. Tuy nhiên, như bất cứ người cha khôn ngoan nào, Giê-hô-va Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để không nhậm một số lời cầu xin. Ngài có lý do bí ẩn nào không, và Kinh Thánh có tiết lộ điều gì về những lý do đó không?
Sứ đồ Giăng giải thích: “Nầy là điều chúng ta dạn-dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14). Lời cầu xin của chúng ta phải phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Một số người cầu xin những điều rõ ràng trái với ý muốn Ngài như: trúng số, thắng cá độ. Số khác thì cầu xin với động cơ không đúng đắn. Môn đồ Gia-cơ cảnh báo lối cầu nguyện sai trái đó: “Anh em cầu-xin mà không nhận-lãnh được, vì cầu-xin trái lẽ, để dùng trong tư-dục mình”.—Gia-cơ 4:3.
Thí dụ, hãy tưởng tượng cả hai đội bóng đều cầu xin được phần thắng. Đức Chúa Trời không thể chấp nhận những lời cầu xin đối nghịch nhau như thế. Tương tự, Ngài cũng không chấp nhận lời cầu nguyện khi hai phe đối nghịch cầu xin cho quân đội mình thắng trận.
Lời cầu nguyện của những người khinh thường luật pháp Đức Chúa Trời cũng vô nghĩa. Có lần Đức Giê-hô-va phải nói với những người thờ phượng giả hình: “Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu” (Ê-sai 1:15). Kinh Thánh cho biết: “Người nào xây tai không khứng nghe luật-pháp, lời cầu-nguyện người ấy cũng là một sự gớm-ghiếc”.—Châm-ngôn 28:9.
Trái lại, Đức Giê-hô-va luôn lắng nghe lời cầu nguyện chân thành của tôi tớ Ngài, những người hết mình phụng sự theo ý muốn Ngài. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là Ngài sẽ nhậm mọi lời cầu xin của họ không? Không. Hãy xem một vài ví dụ trong Kinh Thánh.
Mặc dù Môi-se có mối quan hệ rất đặc biệt với Đức Chúa Trời, nhưng ông cũng phải cầu xin “theo ý-muốn Ngài”. Môi-se đã nài xin Đức Chúa Trời cho ông vào xứ Ca-na-an: “Tôi xin Chúa cho phép tôi đi qua xem xứ tốt-tươi... ở bên kia sông Giô-đanh”. Đây là điều trái với ý muốn của Đức Chúa Trời vì trước đó Môi-se đã phạm tội nên Ngài bảo ông sẽ không được vào vùng đất ấy. Vì vậy, thay vì nhậm lời cầu xin của Môi-se, Đức Giê-hô-va phán: “Thôi; chớ còn nói về việc nầy cùng ta nữa”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:25, 26; 32:51.
Sứ đồ Phao-lô cầu xin được thoát khỏi cái mà ông gọi là “cái giằm xóc vào thịt” (2 Cô-rinh-tô 12:7). Cái “giằm” này có thể ám chỉ chứng bệnh đau mắt mãn tính hoặc những kẻ chống đối và “anh em giả-dối” luôn quấy rối ông (2 Cô-rinh-tô 11:26; Ga-la-ti 4:14, 15). Phao-lô viết: “Đã ba lần tôi cầu-nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi”. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời biết rằng nếu Phao-lô tiếp tục rao giảng, bất kể “cái giằm xóc vào thịt” gây khó chịu dai dẳng, điều này sẽ chứng tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời và cho thấy Phao-lô hoàn toàn tin cậy Ngài. Do đó, thay vì đáp lời cầu xin của Phao-lô, Đức Chúa Trời phán: “Sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”.—2 Cô-rinh-tô 12:8, 9.
Thật vậy, vì biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, Đức Chúa Trời biết có nên nhậm lời cầu xin nào đó của chúng ta hay không. Đức Giê-hô-va luôn luôn đáp lại những lời cầu xin mang lại lợi ích cho chúng ta, phù hợp với ý định đầy yêu thương của Ngài được ghi trong Kinh Thánh.