Nhân Chứng Giê-hô-va có làm hôn nhân đổ vỡ?
Nhân Chứng Giê-hô-va có làm hôn nhân đổ vỡ?
Nhiều người khẳng định: “Nếu một người hôn phối đổi đạo, hôn nhân sẽ đổ vỡ”. Đôi khi một người hôn phối chọn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va được cảnh báo như thế. Nhưng lời khẳng định đó có đúng không?
Có thể hiểu được là khi một người hôn phối bắt đầu chú ý đến tôn giáo hoặc thay đổi niềm tin đã có từ lâu, người kia có thể cảm thấy hụt hẫng. Điều này cũng có thể gây ra lo lắng, thất vọng và thậm chí giận dỗi.
Thường thì người vợ là người trước tiên cảm thấy muốn đổi đạo. Nếu vợ bạn đang tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, điều này có thể ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn như thế nào? Nếu bạn là người vợ đang kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn có thể làm gì để giúp chồng bạn cảm thấy đỡ lo lắng?
Quan điểm của người chồng
Anh Mark sống ở Úc đã kết hôn được 12 năm thì vợ anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh cho biết: “Vợ chồng tôi đã hạnh phúc và tôi có việc làm vừa ý. Đời sống thật tốt đẹp. Nhưng rồi vợ tôi quyết định tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Bỗng nhiên, tôi thấy đời sống mình bị thay đổi. Lúc đầu, tôi cảm thấy không an tâm về việc vợ bắt đầu chú ý đến Kinh Thánh, nhưng khi cô ấy nói rằng sẽ báp têm trở thành Nhân Chứng, tôi thật sự lo lắng”.
Anh Mark cảm thấy hoang mang, không biết hôn nhân của anh sẽ chấm dứt vì niềm tin mới của vợ mình hay không. Anh nghĩ đến việc bảo vợ ngưng học Kinh Thánh và cấm chị liên lạc với Nhân Chứng. Tuy nhiên, thay vì hấp tấp hành động, anh Mark chờ một thời gian. Điều gì đã xảy ra?
Anh Mark kể lại: “Thật tốt thay, giờ đây hôn nhân chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết. Mối quan hệ của vợ chồng tôi tiếp tục được củng cố kể từ lúc vợ tôi báp têm 15 năm trước đây”. Điều gì giúp hôn nhân của họ thành công? Anh Mark cho biết: “Khi nghĩ lại, tôi thấy phần lớn là nhờ vợ tôi áp
dụng lời khuyên tốt trong Kinh Thánh. Cô ấy luôn cố gắng tôn trọng tôi”.Lời khuyên từ những người vợ đã thành công
Nếu là người vợ đang kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn có thể nói và làm gì để trấn an người hôn phối? Sau đây là lời phát biểu của những phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới về vấn đề này:
Chị Sakiko ở Nhật Bản: “Tôi kết hôn được 31 năm và có ba con. Tôi đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va 22 năm. Sống với người chồng không cùng đạo không phải lúc nào cũng dễ, nhưng tôi cố gắng áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh để “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Tôi cố đối xử tử tế với chồng và chiều theo các ước muốn của anh ấy khi chúng không trái với các nguyên tắc Kinh Thánh. Điều này giúp hôn nhân của chúng tôi thành công”.
Chị Nadezhda ở Nga: “Tôi kết hôn đã 28 năm và làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va được 16 năm. Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi không nghĩ rằng chồng tôi phải là người dẫn đầu trong gia đình. Tôi thích tự quyết định nhiều việc theo ý mình. Tuy nhiên, qua thời gian tôi nhận ra rằng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh góp phần tạo bầu không khí bình an và hạnh phúc trong gia đình (1 Cô-rinh-tô 11:3). Dần dần tôi cảm thấy dễ vâng phục, và chồng tôi thấy được những thay đổi ấy”.
Chị Marli ở Brazil: “Tôi có hai con và kết hôn được 21 năm. Tôi báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va cách đây 16 năm. Tôi học được rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn những cặp vợ chồng gắn bó với nhau, chứ không chia rẽ nhau. Vì vậy, tôi cố trở thành một người vợ tốt, nói năng và hành động theo cách làm Đức Giê-hô-va và chồng tôi vui lòng”.
Chị Larisa ở Nga: “Khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va khoảng 19 năm trước, tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải thay đổi đời sống mình. Chồng tôi có thể thấy Kinh Thánh đã làm tôi trở nên một người tốt hơn và biết quý trọng anh hơn. Lúc đầu, chúng tôi bất đồng ý kiến về việc nuôi dạy con cái nhưng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề. Chồng tôi cho phép các con cùng tôi đi dự buổi họp của hội thánh vì anh nhận ra ở đấy dạy toàn những điều có ích”.
Chị Valquíria ở Brazil: “Tôi có một con và kết hôn được 19 năm. Trước đây 13 năm, tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Thoạt tiên, chồng tôi không muốn tôi đi rao giảng. Nhưng tôi đã học cách đáp lại nhẹ nhàng và giúp anh hiểu Kinh Thánh có tác động tích cực đến nhân cách của tôi. Dần dần chồng tôi hiểu ra việc rao giảng quan trọng với tôi đến thế nào. Giờ đây, anh hoàn toàn ủng hộ việc thờ phượng của tôi. Khi tôi hướng dẫn những người học Kinh Thánh sống ở ngoại ô, anh thậm chí còn lái xe đưa tôi đến đấy và kiên nhẫn chờ bên ngoài cho đến khi tôi kết thúc buổi học”.
Lợi ích cho hôn nhân
Nếu người hôn phối của bạn đang tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, đừng ngại điều đó sẽ làm hôn nhân bạn đổ vỡ. Nhiều người chồng và người vợ trên khắp thế giới đã nhận ra Kinh Thánh mang lại lợi ích cho hôn nhân.
Một người chồng không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va thành thật cho biết: “Thoạt tiên tôi cảm thấy buồn bực khi vợ mình trở thành Nhân Chứng, nhưng giờ đây tôi hiểu dù phải trải qua khó khăn nhưng kết quả cuối cùng là tốt đẹp”. Một người chồng khác nói về vợ mình như sau: “Tính trung thành, kiên quyết và ngay thẳng của vợ tôi khiến tôi cảm phục Nhân Chứng Giê-hô-va. Hôn nhân chúng tôi được lợi ích rất nhiều nhờ vợ tôi đã sống theo đạo của cô ấy. Chúng tôi nhường nhịn nhau và xem hôn nhân của mình là sự gắn bó suốt đời”.
[Khung/Hình nơi trang 13]
Quan điểm của Nhân Chứng Giê-hô-va về hôn nhân
Nhân Chứng Giê-hô-va xem Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên họ xem trọng những gì Kinh Thánh nói về hôn nhân. Hãy lưu ý Kinh Thánh trả lời thế nào về những câu hỏi sau:
▪ Nhân Chứng Giê-hô-va có khuyến khích các thành viên ly thân với người hôn phối không phải là Nhân Chứng không? Không. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu người anh em nào có vợ ngoại-đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để-bỏ. Lại nếu một người đàn-bà có chồng ngoại-đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng” (1 Cô-rinh-tô 7:12, 13). Nhân Chứng Giê-hô-va theo sát nguyên tắc này.
▪ Nhân Chứng Giê-hô-va có khuyến khích người vợ lờ đi ước muốn của người chồng không cùng tôn giáo không? Không. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên-bảo, chỉ bởi cách ăn-ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn-ở của chị em là tinh-sạch và cung-kính”.—1 Phi-e-rơ 3:1, 2.
▪ Nhân Chứng Giê-hô-va có dạy rằng người chồng có quyền tuyệt đối không? Không. Sứ đồ Phao-lô đã nói: “Tôi muốn anh em biết Đấng Christ [Chúa Giê-su] là đầu mọi người; người đàn-ông là đầu người đàn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 11:3). Một người vợ là Nhân Chứng sẽ tôn trọng quyền dẫn đầu của chồng trong gia đình. Tuy nhiên, quyền của người chồng không phải là tuyệt đối. Anh ấy phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. Vì thế, nếu người chồng buộc vợ phải làm điều trái với luật pháp Đức Chúa Trời, người vợ là Nhân Chứng sẽ ‘vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta’.—Công-vụ 5:29.
▪ Nhân Chứng Giê-hô-va có cấm ly hôn không? Không. Chúa Giê-su đã nói: “Ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm” (Ma-thi-ơ 19:9). Vì thế, Nhân Chứng Giê-hô-va chấp nhận quan điểm của Chúa Giê-su: Lý do để ly hôn là ngoại tình. Nhưng họ cũng tin chắc không nên ly hôn vì những lý do nhỏ nhặt. Nhân Chứng Giê-hô-va được khuyến khích làm theo lời này của Chúa Giê-su: “Người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt. . . Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!”.—Ma-thi-ơ 19:5, 6.