‘Ngài dẫn tôi vào các lối công-bình’
‘Ngài dẫn tôi vào các lối công-bình’
Do Olga Campbell kể lại
Em gái tôi là Emily đã viết như sau: “Gương mẫu tốt giống như cái chuông rung, gọi mọi người đi theo. Chị rung chuông và em theo bước chị”. Emily viết những lời này để chúc mừng khi tôi làm công tác phụng sự Đức Chúa Trời trọn thời gian được 60 năm. Hãy để tôi kể bạn nghe về đời sống của tôi khi còn trẻ và làm thế nào tôi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp này.
Tôi sinh ra vào ngày 19-1-1927 trong một gia đình nông thôn gốc Ukraine, gần thị trấn Wakaw, tỉnh Saskatchewan ở giữa miền tây Canada. Tôi và người em trai sinh đôi tên Bill là con thứ sáu và bảy trong gia đình có tám anh chị em. Khi còn nhỏ, chúng tôi thường giúp người cha khó nhọc của mình làm việc ở nông trại. Trong căn nhà nhỏ bé, mẹ đã chăm sóc chúng tôi dù bị đau đớn vì căn bệnh viêm khớp mãn tính. Căn bệnh đó đã cướp đi mạng sống của bà ở tuổi 37. Lúc ấy, tôi chỉ mới bốn tuổi.
Sáu tháng sau khi mẹ tôi qua đời, cha đã tái hôn. Không lâu sau đó, gia đình tôi trở nên căng thẳng. Chúng tôi có thêm năm em gái cùng cha khác mẹ! Tôi cố gắng lễ phép với mẹ kế. Nhưng đối với anh trai tôi là John, đó là một khoảng thời gian khó khăn.
Cuối thập niên 1930, tôi và Bill vào trường trung học, nơi chúng tôi có thể thoát khỏi sự căng thẳng ở nhà. Khi Thế Chiến II sắp bùng nổ, tinh thần yêu nước lan truyền khắp nơi. Giáo viên mới của chúng tôi khởi xướng lễ chào cờ, nhưng một nữ sinh từ chối làm thế. Các học sinh khác đã chế nhạo bạn ấy. Tuy nhiên, tôi rất khâm phục lòng can đảm đó và đã hỏi xem tại sao bạn ấy không chào cờ. Bạn ấy giải thích mình là Học viên Kinh Thánh, từng là tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, bạn ấy chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:2, 3; Công-vụ 5:29.
Bắt đầu sống tự lập
Vào năm 1943, tôi tìm được một công việc trong thành phố Prince Albert, đó là chất những thùng nước giải khát lên xe tải rồi đi giao hàng. Vì khao khát được hướng dẫn về mặt tâm linh, nên tôi mua một cuốn Kinh Thánh. Nhưng tôi nhận thấy những điều trong đó quá khó hiểu đến nỗi tôi đã khóc. Tất cả những gì tôi biết được về Kinh Thánh lúc bấy giờ chỉ là Kinh Lạy Cha.—Ma-thi-ơ 6:9-13.
Bà chủ nhà của tôi rất sùng đạo. Vào một ngày chủ nhật, bà tự hào kể cho tôi nghe rằng bà đã xô một “bà giảng đạo” ra khỏi bậc cửa. Tôi thầm nghĩ: ‘Bà chủ nhà này không tử tế tí nào!’. Cách vài chủ nhật sau, vì không khỏe nên tôi không đi lễ nhà thờ. Ngay hôm ấy, “bà giảng đạo” nọ đã trở lại.
Cô ấy hỏi tôi: “Cháu có cầu nguyện không?”.
Tôi trả lời: “Cháu đọc Kinh Lạy Cha”.
Tôi chăm chú lắng nghe khi cô ấy giải thích ý nghĩa lời cầu nguyễn mẫu Chúa Giê-su dạy. Cô ấy hứa sẽ trở lại thăm tôi vào thứ tư tuần kế tiếp.
Khi bà chủ nhà về, tôi háo hức kể về “bà giảng đạo” ấy, một Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi thật thất vọng khi nghe bà ấy đe dọa: “Thứ tư tuần sau, bà ta mà đến thì tôi sẽ đuổi cổ cả hai người ra khỏi nhà!”.
Tôi đi khắp xóm để tìm cô Nhân Chứng mà tôi được biết tên là Rampel. Khi tìm thấy cô ấy, tôi đã giải thích vấn đề của mình và xin cô nói cho tôi mọi điều về Kinh Thánh. Tôi cảm tưởng rằng chúng tôi đã thảo luận cả cuốn Kinh Thánh, từ Sáng-thế Ký đến Khải-huyền! Cô ấy so sánh thời nay giống như đời ông Nô-ê ngày xưa. Lúc đó, Đức Chúa Trời đã hủy diệt thế gian hung ác, đồng thời cứu gia đình Nô-ê và cho họ sống trên trái đất được tẩy sạch.—Ma-thi-ơ 24:37-39; 2 Phi-e-rơ 2:5; 3:5-7, 12.
Sau buổi thảo luận dài ấy, cô Rampel nhận xét rằng: “Cô thấy cháu đã chấp nhận các dạy dỗ của Kinh Thánh là chân lý. Trong hai tuần nữa sẽ có hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va, và cháu nên làm báp têm”. Tối hôm đó, tôi thức trắng đêm suy nghĩ về những gì tôi đã học được. Báp têm ắt hẳn là một bước quan trọng, nhưng tôi muốn phụng sự Đức Chúa Trời! Dù chưa hiểu biết nhiều về Kinh Thánh, tôi đã làm báp têm vào ngày 15-10-1943, khi được 16 tuổi.
Chuyến đi xuyên quốc gia
Tháng 11 năm ấy, anh trai tôi là Fred bảo tôi đến làm công việc dọn dẹp cho căn nhà ba tầng anh đang sống, nằm trong thành phố Toronto, miền đông Canada. Tôi đồng ý và hy vọng rằng tôi có thể được tự do nhiều hơn để thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đó. Trước khi đi, tôi ghé thăm chị tôi là Ann, vẫn còn sống gần đó ở tỉnh Saskatchewan. Chị cho tôi biết một điều bất ngờ: Chị ấy và chị Doris đang học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va! Chị cũng khuyến khích tôi làm thế. Lúc đó, tôi mới tiết lộ bí mật của mình: Tôi hiện là một Nhân Chứng đã báp têm!
Tôi và Emily cùng đi chuyến tàu dài đến Toronto. Bill đón hai chị em ở ga và dẫn về nhà, nơi mà anh Fred, anh John và Bill đang sống. Tôi hỏi anh Fred còn có ai sống trong nhà không. Anh trả lời: “Em không tin được đâu. Em có nhớ Alex Reed ở quê mình không? Anh ta sống ở trên lầu. Cái anh chàng lạ lùng đó lại chú ý đến Học viên Kinh Thánh!”. Lòng tôi rất đỗi vui mừng.
Tôi nhón gót bước khẽ lên lầu gặp Alex để sắp xếp đi nhóm họp chung với anh ấy ngay tối hôm đó. Tôi muốn đi nhóm liền để các anh không có thời gian ngăn cản tôi. Không lâu sau, dù chưa bao giờ học hỏi Kinh Thánh cách chính thức, nhưng tôi đã bắt đầu đi rao giảng. Tôi thích nói chuyện với nhiều người Ukraine bằng ngôn ngữ mà mình đã học từ thuở nhỏ.
Bill rất thích đọc các tạp chí Tháp Canh mà tôi để trong phòng em ấy. Sau khi em ấy chuyển nhà đến tỉnh British Columbia ở miền tây Canada, tôi gửi cho em một món quà, đó là các số Tháp Canh được đặt dài hạn. Dù là người ít nói, nhưng Bill đã viết cho tôi một lá thư dài mười trang để cảm ơn. Qua thời gian, em ấy dâng mình cho Đức Giê-hô-va và trở thành một giám thị sốt sắng của Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, tôi vô cùng vui mừng khi năm anh chị em ruột
của tôi—chị Ann, anh Fred, chị Doris, Bill và Emily—trở thành những người thờ phượng Đức Chúa Trời!Vào ngày 22-5-1945, chính phủ Canada bãi bỏ lệnh cấm đối với công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va. * Thật ra, tôi không hề biết có lệnh cấm đó cho đến khi nghe thông báo này. Một người bạn là chị Judy Lukus và tôi quyết định tham gia công việc rao giảng trọn thời gian (được gọi là tiên phong) trong vùng nói tiếng Pháp xa hơn về phía đông là Quebec. Khi chị Doris và Emily nghe dự tính của chúng tôi, họ quyết định làm tiên phong ở thành phố Vancouver, British Columbia, nằm về phía bên kia của lục địa.
Phân biệt tôn giáo ở Quebec
Chuyển đến Quebec không chỉ là một sự thay đổi về nơi ở. Các Nhân Chứng ở đó phải đương đầu với sự bắt bớ gay gắt trong công việc rao giảng. * Chúng tôi vui mừng cùng tham gia vào đợt phân phát tờ Quebec’s Burning Hate for God and Christ and Freedom Is the Shame of All Canada (Sự thù ghét của Quebec đối với Đức Chúa Trời, Đấng Christ và sự tự do, là điều sỉ nhục cho cả xứ Canada). Thông điệp mạnh mẽ ấy đã vạch trần sự phân biệt tôn giáo đối với Nhân Chứng Giê-hô-va.
Trong vòng 16 ngày, từ lúc hai giờ sáng, chúng tôi lặng lẽ đặt những tờ giấy mỏng dưới khe cửa mỗi nhà. Tại một căn hộ nọ, khi biết được cảnh sát sắp đến, chúng tôi tìm cách chạy thoát và trốn vào một con hẻm. Hôm sau, chúng tôi trở lại con đường đó để mời nhận tạp chí Tỉnh Thức! và Tháp Canh. Trong vòng vài tháng, cảnh sát đã bắt chúng tôi nhiều lần đến nỗi không thể đếm hết được. Để chuẩn bị tinh thần cho việc có thể vào tù bất cứ lúc nào, tôi luôn mang theo bàn chải đánh răng và chì kẻ chân mày.
Vào thời điểm đó, anh Nathan Knorr là người dẫn đầu công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Tháng 11 năm 1946, anh từ Brooklyn, New York, đến thăm chúng tôi. Anh mời 64 người tiên phong chúng tôi ở tỉnh Quebec tham dự khóa thứ chín Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở South Lansing, New York. Tại trường này, chúng tôi được học chuyên sâu về các dạy dỗ của Kinh Thánh trong khóa học dài năm tháng. Sau khi tốt nghiệp vào tháng 8 năm 1947, chúng tôi được bổ nhiệm đến các thị trấn trong tỉnh Quebec để thành lập những hội thánh mới.
Công việc truyền giáo mang lại phần thưởng
Bốn chị trẻ chúng tôi được bổ nhiệm đến thành phố Sherbrooke. Chúng tôi siêng năng tập nói và chia động từ tiếng Pháp trên đường đi đến hay đi về từ khu vực rao giảng. Thỉnh thoảng vào bữa trưa, vì không có tiền mua thức ăn nên chúng tôi về nhà và học tiếp. Chị Kay Lindhorst, người bạn tiên phong của tôi, là một chuyên gia văn phạm. Chị dạy tôi văn phạm tiếng Anh trước, rồi tôi có thể học và hiểu được văn phạm tiếng Pháp.
Điều đáng nhớ nhất trong công việc tiên phong của tôi là khi rao giảng ở thị trấn Victoriaville, có khoảng 15.000 cư dân. Hầu như không ai nói tiếng Anh nên đó là môi trường tốt nhất giúp chúng tôi trau dồi tiếng Pháp. Tuần đầu tiên ở đó rất vui. Chúng tôi đi đâu người ta cũng nhận ấn phẩm. Nhưng khi chúng tôi trở lại, mọi nhà đều đóng cửa và kéo kín màn. Chuyện gì đã xảy ra?
Linh mục ở đó cảnh báo người dân không được nghe chúng tôi nữa. Vì thế, khi chúng tôi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, nhiều đứa trẻ đi xa xa đằng sau để ném đá và những nắm tuyết vào chúng tôi. Dù vậy, vẫn có nhiều người muốn nghe thông điệp Kinh Thánh. Ban đầu, họ chỉ cho chúng tôi đến nhà vào buổi tối.
Tuy nhiên, khi hiểu biết nhiều hơn về Kinh Thánh, họ công khai học hỏi bất kể sự chê bai của hàng xóm.Vào thập niên 1950, chị em chúng tôi trở về thăm quê ở Wakaw. Chúng tôi kể lại các kinh nghiệm rao giảng tại một buổi họp hội thánh. Sau đó, anh trưởng lão trông coi hội thánh nói với chúng tôi: “Khi sống lại, mẹ của các chị hẳn sẽ rất vui lòng vì biết rằng các con mình đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va!”. Anh cho biết mẹ tôi đã học Kinh Thánh với Nhân Chứng trước lúc bà qua đời. Chúng tôi rưng rưng nước mắt khi biết mẹ đã chấp nhận chân lý của Kinh Thánh, và chắc chắn mẹ đã chia sẻ những điều đó với chúng tôi nếu mẹ không qua đời quá sớm như thế.
Kết hôn và cùng nhau phụng sự Đức Chúa Trời
Năm 1956, tôi gặp anh Merton Campbell, một Nhân Chứng đã bị tù 27 tháng trong Thế Chiến II vì giữ lập trường trung lập. Khi ấy, anh đã phục vụ tại trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn được gần mười năm. Anh Merton có nhiều đức tính tốt nhờ học Kinh Thánh, và tôi nhận thấy anh sẽ là một người chồng tốt. Chúng tôi trao đổi thư từ trong vài tháng. Lòng tôn trọng và sự quan tâm lẫn nhau giữa chúng tôi dần dần trở thành tình yêu.
Anh Merton và tôi kết hôn vào ngày 24-9-1960. Quả là một ân phước khi suốt 47 năm qua tôi được chia sẻ cuộc sống với một người luôn làm theo tiêu chuẩn Kinh Thánh như anh! Chồng tôi làm việc trong Ban công tác suốt 58 năm, hỗ trợ và hướng dẫn các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp Hoa Kỳ. Trong hơn 30 năm, công việc của tôi ở Brooklyn là trang trí các phòng khách, sau đó là các Phòng hội nghị ở thành phố New York và những vùng lân cận. Năm 1995, vợ chồng tôi được chuyển đến Trung tâm giáo dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, cách 110 km về phía bắc thành phố New York.
Khi rời nhà vào năm 12 tuổi, tôi chưa bao giờ hình dung là có một ngày, tôi sẽ được ở trong một gia đình lớn gồm những anh em đồng đạo, kể cả các anh chị em ruột của mình. Tôi mong chờ trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, chúng tôi sẽ sum vầy bên mẹ, kể cho mẹ nghe những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian mẹ đang ngủ và chờ đợi sự sống lại. Đặc biệt, tôi muốn cho mẹ biết Đức Giê-hô-va đã yêu thương giúp các con của mẹ học về Ngài như thế nào. Chúng tôi vui mừng biết bao vì Đức Giê-hô-va đã dắt chúng tôi đi trong “các lối công-bình”!—Thi-thiên 23:3.
[Chú thích]
^ đ. 21 Vì giữ lập trường trung lập nên Nhân Chứng Giê-hô-va bị chính phủ cấm hoạt động kể từ ngày 4-7-1940.
^ đ. 23 Để biết thêm chi tiết về sự bắt bớ tôn giáo ở Quebec, xin xem Tháp Canh số ra ngày 1-2-2000, trang 25-28, và Tỉnh Thức! (Anh ngữ) số ra ngày 22-4-2000, trang 20-23.
[Các hình nơi trang 27]
Cha mẹ và căn nhà nơi tám anh chị em chúng tôi cùng sống
[Hình nơi trang 29]
Tôi và các bạn tiên phong ở Ottawa, năm 1952
[Hình nơi trang 29]
Với các anh chị em ruột (từ trái sang phải): Ann, Mary, Fred, Doris, John, tôi, Bill và Emily
[Hình nơi trang 29]
Với anh Merton ngày nay