Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Nhớ về tình yêu thương lúc ban đầu đã giúp tôi chịu đựng

Nhớ về tình yêu thương lúc ban đầu đã giúp tôi chịu đựng

Đó là vào đầu mùa hè năm 1970. Tôi đang nằm tại bệnh viện Valley Forge General Hospital ở thành phố Phoenixville, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Một nam y tá đo huyết áp cho tôi mỗi nửa tiếng. Tôi là anh lính 20 tuổi đang bị một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Anh y tá chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, trông anh có vẻ lo lắng. Khi thấy huyết áp của mình tiếp tục giảm, tôi nói với anh ấy: “Chắc anh chưa bao giờ nhìn thấy ai chết phải không?”. Mặt anh tái nhợt. Anh trả lời: “Chưa bao giờ”.

Khi đó, tương lai của tôi thật ảm đạm. Nhưng chuyện gì đã xảy ra trước đó? Hãy để tôi kể cho các bạn nghe đôi điều về cuộc đời mình.

TÔI ĐÃ BIẾT THẾ NÀO LÀ CHIẾN TRANH

Tôi bị bệnh khi phục vụ trong chiến tranh ở Việt Nam trong vai trò kỹ thuật viên phòng phẫu thuật. Tôi thích giúp những người bị bệnh hoặc bị thương và có mục tiêu trở thành bác sĩ phẫu thuật. Tôi đặt chân đến Việt Nam vào tháng 7 năm 1969. Như tất cả những người mới đến, tôi được cho một tuần để thích nghi với múi giờ và cái nóng gay gắt ở đây.

Không lâu sau khi tôi đến trình diện tại một bệnh viện phẫu thuật ở Đồng Tâm thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều trực thăng chở đầy thương binh đáp xuống. Là người yêu nước và yêu công việc nên tôi muốn bắt tay vào làm ngay. Những người bị thương được chuẩn bị và nhanh chóng được đưa vào phòng mổ là các công-te-nơ nhỏ bằng kim loại có điều hòa không khí. Ở đó một bác sĩ phẫu thuật, một chuyên viên gây mê và hai y tá làm việc trong một không gian chật hẹp, họ cố hết sức mình để cứu người. Tôi để ý thấy có một số túi hàng lớn màu đen không được mang xuống từ trực thăng. Tôi được biết những túi đó đựng các bộ phận cơ thể của những người lính đã bị chết bởi bom đạn trong trận chiến. Giờ thì tôi đã biết thế nào là chiến tranh.

TÌM KIẾM ĐỨC CHÚA TRỜI

Hồi trẻ, tôi từng biết một chút về sự thật

Hồi trẻ, tôi từng biết một chút về sự thật do Nhân Chứng Giê-hô-va dạy. Người mẹ yêu dấu của tôi học Kinh Thánh với các Nhân Chứng nhưng không tiến bộ đến bước báp-têm. Tôi rất thích ngồi nghe trong các buổi học của mẹ. Trong thời gian đó, có lần tôi và cha dượng đi ngang qua một Phòng Nước Trời. Tôi hỏi: “Chỗ đó là gì vậy?”. Ông nói: “Đừng bao giờ lại gần mấy người đó!”. Vì yêu quý và tin tưởng cha dượng, tôi nghe theo ông. Do vậy, tôi mất liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Sau khi trở về từ Việt Nam, tôi cảm thấy cần có Đức Chúa Trời trong đời sống. Những ký ức đau buồn làm tôi tê liệt về cảm xúc. Có vẻ như không ai thực sự hiểu rõ điều gì đang xảy ra ở Việt Nam. Tôi nhớ có những cuộc biểu tình phản đối mà người ta gọi binh lính Hoa Kỳ là những kẻ giết trẻ em vì họ nghe những tin tức về trẻ em vô tội bị tàn sát trong cuộc chiến.

Để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tôi bắt đầu đi lễ ở nhiều nhà thờ thuộc nhiều đạo khác nhau. Tôi luôn yêu mến Đức Chúa Trời nhưng không ấn tượng lắm với những gì mình thấy tại các nơi đó. Cuối cùng, tôi đến một Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Delray Beach, bang Florida. Đó là một ngày chủ nhật vào tháng 2 năm 1971.

Lúc tôi bước vào thì bài giảng công cộng sắp hết, thế là tôi ở lại tham dự buổi học Tháp Canh tiếp theo. Tôi không nhớ chủ đề được thảo luận, nhưng vẫn nhớ hình ảnh những em nhỏ lật Kinh Thánh để tìm các câu trong đó. Điều này thật ấn tượng! Tôi âm thầm quan sát và lắng nghe. Khi tôi sắp rời Phòng Nước Trời thì một anh đáng mến khoảng 80 tuổi lại gần tôi. Anh tên là Jim Gardner. Anh đưa ra một quyển sách tựa đề Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời, rồi nói: “Tôi muốn mời anh nhận quyển sách này được không?”. Chúng tôi hẹn gặp lại vào sáng thứ năm để học Kinh Thánh buổi đầu tiên.

Tối chủ nhật đó tôi phải đi làm. Tôi làm ở phòng cấp cứu của một bệnh viện tư ở Boca Raton, bang Florida. Ca làm từ 11 giờ khuya đến 7 giờ sáng. Đêm đó không có nhiều ca cấp cứu nên tôi có thời gian để đọc sách Lẽ thật. Một y tá trưởng đến gần và giật quyển sách khỏi tay tôi. Cô ta nhìn vào tựa và la lên: “Anh sẽ không theo đạo của mấy người này chứ?”. Tôi giật lại quyển sách Lẽ thật và đáp: “Tôi mới đọc được nửa quyển thôi, nhưng rất có thể là vậy!”. Cô ta để tôi yên, và đêm đó tôi đọc hết quyển sách.

Người dạy Kinh Thánh cho tôi là anh Jim Gardner, một anh được xức dầu từng quen anh Charles Taze Russell

Tôi bắt đầu buổi học Kinh Thánh đầu tiên với anh Gardner bằng câu hỏi: “Chúng ta sẽ học gì vậy?”. Anh trả lời: “Học cuốn sách tôi đưa cho anh”. Tôi nói: “Cháu đã đọc hết cuốn đó rồi”. Anh Gardner nhẹ nhàng trả lời: “Vậy chúng ta hãy thử xem chương một nhé”. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình đã bỏ sót thật nhiều điều. Anh giúp tôi tra các câu trong cuốn Kinh Thánh của tôi, đó là một bản King James với những lời của Chúa Giê-su được in chữ đỏ. Cuối cùng thì tôi cũng được học về Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va. Anh Gardner, người mà tôi thường gọi một cách trìu mến là Jim, học với tôi ba chương trong sách Lẽ thật vào sáng hôm ấy. Từ đó mỗi sáng thứ năm, chúng tôi đều học ba chương. Tôi rất thích những buổi thảo luận đó. Quả là đặc ân khi được học với anh Gardner, một anh được xức dầu từng quen anh Charles Taze Russell!

Sau vài tuần, tôi được chấp thuận làm người công bố tin mừng. Anh Jim đã giúp tôi vượt qua nhiều lo lắng, trong đó có thách thức của việc rao giảng từng nhà (Công 20:20). Khi làm việc cùng anh Jim, tôi ngày càng thích công việc rao giảng. Cho đến nay, tôi vẫn xem thánh chức là đặc ân lớn nhất của mình. Thật vui sướng khi được là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời!—1 Cô 3:9.

TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÚC BAN ĐẦU

Tiếp theo tôi sẽ kể cho các bạn về một điều rất riêng tư, đó là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu (Khải 2:4). Tình yêu thương đó đã giúp tôi đương đầu với những ký ức đau buồn thời chiến và nhiều thử thách khác.—Ê-sai 65:17.

Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã giúp tôi đương đầu với những ký ức đau buồn thời chiến và nhiều thử thách khác

Tôi làm báp-têm vào tháng 7 năm 1971 tại Hội nghị Địa hạt “Danh Đức Chúa Trời” ở sân vận động Yankee

Tôi nhớ lại một ngày đặc biệt vào mùa xuân năm 1971. Trước đó không lâu, tôi đã bị đuổi khỏi căn hộ ba mẹ cho tôi ở. Cha dượng của tôi không muốn có bất kỳ một Nhân Chứng Giê-hô-va nào ở trong nhà ông! Lúc đó tôi không có nhiều tiền. Bệnh viện chỗ tôi làm hai tuần mới trả lương một lần, và tôi vừa dùng gần hết tiền để mua quần áo đàng hoàng hầu có thể đi thánh chức và đại diện cho Đức Giê-hô-va. Tôi có một chút tiền tiết kiệm nhưng lại được gửi trong ngân hàng ở bang Michigan, nơi tôi lớn lên. Vì vậy, tôi phải sống trong xe hơi một vài ngày. Tôi cạo râu và tắm rửa trong nhà vệ sinh ở các trạm xăng.

Trong thời gian sống trong xe, một ngày nọ tôi đến Phòng Nước Trời vài tiếng trước buổi nhóm rao giảng. Tôi vừa hết ca ở bệnh viện. Khi ngồi ở sau lưng Phòng Nước Trời, một chỗ không ai nhìn thấy, những ký ức về Việt Nam, mùi thịt người cháy khét cùng những cảnh tượng đầy máu me, bắt đầu ngập tràn trong tâm trí tôi. Trong đầu tôi có thể nghe thấy rõ những chàng trai trẻ van nài: “Tôi sẽ qua khỏi chứ? Tôi sẽ không chết chứ?”. Tôi biết họ sẽ chết, nhưng tôi cố hết sức an ủi họ và không để lộ sự thật đó qua ánh mắt. Lúc ngồi ở đó, lòng tôi tràn đầy cảm xúc đau buồn.

Tôi luôn cố gắng hết sức để không bao giờ đánh mất tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu, nhất là khi phải vượt qua khó khăn và thử thách

Tôi cầu nguyện trong dòng nước mắt tuôn tràn (Thi 56:8). Tôi bắt đầu suy ngẫm sâu xa về hy vọng sống lại. Rồi tôi chợt hiểu ra một điều: Bằng sự sống lại, Đức Giê-hô-va sẽ khắc phục hậu quả của tất cả những cuộc tàn sát mà tôi đã thấy cũng như những đau đớn về tinh thần mà tôi và nhiều người đã trải qua. Đức Chúa Trời sẽ làm những chàng trai trẻ đó sống lại, và họ sẽ có cơ hội học sự thật về ngài (Công 24:15). Chính vào thời khắc đó, tình yêu thương của tôi dành cho Đức Giê-hô-va tràn ngập trong tâm hồn và chạm đến tận đáy lòng tôi. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một ngày đặc biệt đối với tôi. Kể từ ngày hôm ấy, tôi luôn cố gắng hết sức để không bao giờ đánh mất tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu, nhất là khi phải vượt qua khó khăn và thử thách.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THẬT NHÂN TỪ VỚI TÔI

Người ta làm nhiều điều tồi tệ trong chiến tranh. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng việc suy ngẫm về hai câu Kinh Thánh mà tôi thích nhất đã giúp tôi. Câu thứ nhất là Khải huyền 12:10, 11. Câu này nói rằng Kẻ Quỷ Quyệt bị đánh bại không chỉ bằng lời chứng của chúng ta mà còn bằng huyết của Chiên Con. Câu thứ hai là Ga-la-ti 2:20. Nhờ câu này, tôi biết Chúa Giê-su Ki-tô chết “cho tôi”. Đức Giê-hô-va nhìn tôi qua huyết của Chúa Giê-su và tha thứ cho những gì tôi đã làm. Biết được điều này đã giúp tôi có một lương tâm trong sạch và thúc đẩy tôi làm tất cả những gì có thể để giúp người khác biết sự thật về Đức Chúa Trời giàu lòng thương xót, Đức Giê-hô-va!—Hê 9:14.

Nhìn lại cuộc đời, tôi biết ơn sâu sắc Đức Giê-hô-va đã luôn chăm sóc tôi. Chẳng hạn, ngay vào ngày phát hiện ra tôi đang sống trong xe hơi, anh Jim đã giúp tôi liên lạc với một chị là chủ nhà trọ. Tôi thật sự tin rằng Đức Giê-hô-va đã dùng anh Jim và người chị đáng mến đó để chu cấp cho tôi một nơi ở tốt. Đức Giê-hô-va thật nhân từ! Ngài chăm sóc những người trung thành thờ phượng ngài.

SỐT SẮNG NHƯNG CẦN HỌC CÁCH TẾ NHỊ

Vào tháng 5 năm 1971, tôi phải đi Michigan để giải quyết một số việc. Trước khi rời hội thánh Delray Beach ở Florida, tôi chất đầy ấn phẩm trong cốp xe rồi lái về hướng bắc theo xa lộ liên bang số 75. Tuy nhiên, cốp xe của tôi trống không trước khi rời bang Georgia tiếp giáp bang Florida. Tôi sốt sắng rao truyền tin mừng Nước Trời ở tất cả mọi nơi. Tôi ghé vào các trại giam và thậm chí tặng tờ chuyên đề cho những người gặp trong nhà vệ sinh nam tại các trạm nghỉ dọc đường. Đến giờ tôi vẫn tự hỏi liệu trong số những hạt giống đã được gieo có hạt nào đâm chồi không.—1 Cô 3:6, 7.

Tuy nhiên, tôi phải thú nhận một điều là khi mới học sự thật, tôi không được tế nhị lắm, nhất là khi nói chuyện với gia đình. Vì tình yêu thương với Đức Giê-hô-va lúc ban đầu bùng cháy mạnh mẽ trong lòng nên tôi can đảm rao giảng cho họ nhưng lại nói quá thẳng thừng. Tôi rất yêu quý hai anh trai là John và Ron, và đã chia sẻ sự thật cho họ có phần hơi quá mạnh. Sau này, tôi đã phải xin lỗi vì cách cư xử thiếu tế nhị của mình. Tuy nhiên, tôi luôn cầu nguyện là họ sẽ chấp nhận sự thật. Kể từ đó, Đức Giê-hô-va đã rèn luyện tôi và tôi đã trở nên tế nhị hơn trong việc rao giảng và dạy dỗ.—Cô 4:6.

NHỮNG TÌNH YÊU THƯƠNG KHÁC TRONG CUỘC ĐỜI

Dù luôn nhớ về tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va, tôi cũng không quên những tình yêu thương khác trong cuộc đời mình. Tình yêu thương tiếp theo là người vợ Susan yêu quý. Tôi biết mình cần một người bạn đời có thể hỗ trợ mình trong công việc Nước Trời. Susan là một phụ nữ mạnh về thiêng liêng. Tôi vẫn nhớ rõ lần đến thăm Susan vào một ngày nọ khi chúng tôi đang hẹn hò. Susan đang ngồi trước hiên nhà ba mẹ ở Cranston, bang Rhode Island. Cô ấy đang đọc Tháp Canh với quyển Kinh Thánh bên cạnh. Điều khiến tôi ấn tượng là cô ấy tra các câu Kinh Thánh khi đang đọc một bài phụ. Tôi thầm nghĩ: “Đúng là một cô gái thiêng liêng tính!”. Chúng tôi kết hôn vào tháng 12 năm 1971 và tôi rất biết ơn vì kể từ đó, cô ấy luôn ở bên cạnh và hỗ trợ tôi. Điều nơi cô ấy mà tôi thật sự trân trọng là dù yêu tôi, cô ấy vẫn yêu Đức Giê-hô-va nhiều hơn.

Với vợ tôi là Susan cùng hai con trai Paul và Jesse

Tôi và Susan được ban phước khi có hai con trai là Jesse và Paul. Khi cả hai lớn lên, Đức Giê-hô-va luôn ở cùng chúng (1 Sa 3:19). Tôi và Susan cảm thấy rất tự hào khi các con tự chọn sự thật cho mình. Hai con của chúng tôi vẫn đang phụng sự Đức Giê-hô-va nhờ ghi nhớ tình yêu thương của chúng dành cho ngài lúc ban đầu. Cả hai đều đã phụng sự trọn thời gian hơn 20 năm. Tôi cũng tự hào về hai con dâu dễ mến là Stephanie và Racquel. Tôi xem hai con dâu như con ruột của mình. Cả hai con trai của tôi đều kết hôn với những chị thiêng liêng tính, hết lòng, hết mình yêu mến Đức Giê-hô-va.—Ê-phê 6:6.

Điều khiển buổi nhóm rao giảng khi làm công tác lưu động

Sau khi báp-têm, tôi phụng sự được 16 năm ở Rhode Island, nơi tôi vun đắp được những tình bạn quý báu. Tôi có nhiều kỷ niệm tuyệt vời với các trưởng lão xuất sắc mà tôi cùng phụng sự. Ngoài ra, tôi cũng biết ơn rất nhiều giám thị lưu động mà tôi không thể kể hết, họ đã ảnh hưởng tốt đến tôi. Thật là một đặc ân lớn khi làm việc chung với những anh gìn giữ được tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu! Năm 1987, chúng tôi chuyển đến bang North Carolina để phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, và tại đó chúng tôi vun đắp thêm nhiều mối quan hệ quý báu khác. *

Chúng tôi thích làm chứng chung cả gia đình ở những khu vực ít được rao giảng

Vào tháng 8 năm 2002, tôi và Susan nhận lời mời làm thành viên của gia đình Bê-tên ở Patterson, Hoa Kỳ. Tôi làm trong Ban công tác, còn Susan thì làm ở phòng giặt ủi. Cô ấy yêu công việc ở đó! Sau đó vào tháng 8 năm 2005, tôi được giao đặc ân phụng sự với tư cách một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé so với nhiệm vụ này. Người vợ yêu dấu của tôi bị choáng ngợp khi nghĩ về những trách nhiệm, công việc và những chuyến đi công tác phải đảm nhận. Susan chưa bao giờ cảm thấy thoải mái khi đi máy bay, nhưng chúng tôi phải bay rất nhiều! Susan nói rằng những lời góp ý đầy yêu thương từ vợ của các anh khác trong Hội đồng Lãnh đạo đã giúp cô ấy quyết tâm hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể. Chắc chắn là cô ấy đã làm thế, và tôi yêu cô ấy vì điều đó.

Trong văn phòng tôi có đầy những bức hình rất ý nghĩa! Chúng nhắc tôi nhớ về một cuộc đời thật tuyệt vời mà mình đã sống. Tôi đã nhận được nhiều phần thưởng quý giá nhờ cố gắng hết sức để nhớ về tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lúc ban đầu!

Dành thời gian với gia đình mang lại cho tôi niềm vui lớn

^ đ. 31 Chi tiết về việc phụng sự trọn thời gian của anh Morris được đăng trong Tháp Canh ngày 15-3-2006, trang 26.