Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Thánh chức trọn thời gian—Nhiều ân phước chờ đón

Thánh chức trọn thời gian—Nhiều ân phước chờ đón

Ngẫm lại 65 năm phụng sự trọn thời gian, tôi có thể nói rằng cuộc đời mình là những chuỗi ngày vui thích. Điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có những ngày buồn hoặc nản lòng (Thi 34:12; 94:19). Nhưng nhìn chung, đó là quãng đời thỏa nguyện và ý nghĩa nhất!

Vào ngày 7 tháng 9 năm 1950, tôi trở thành thành viên của gia đình Bê-tên tại Brooklyn. Lúc đó, gia đình Bê-tên có 355 anh chị độ tuổi từ 19 đến 80 và đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhiều anh chị trong số đó được xức dầu.

BẮT ĐẦU PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Khi tôi báp-têm, 10 tuổi

Mẹ là người đã dạy tôi phụng sự “Đức Chúa Trời hạnh phúc” (1 Ti 1:11). Mẹ bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va lúc tôi chỉ là một cậu bé. Vào ngày 1 tháng 7 năm 1939, khi được mười tuổi, tôi báp-têm tại hội nghị vùng (nay gọi là hội nghị vòng quanh) ở Columbus, Nebraska, Hoa Kỳ. Hôm ấy, có khoảng một trăm người nhóm lại tại một chỗ thuê để lắng nghe bài giảng ghi âm của anh Joseph Rutherford với chủ đề “Chủ nghĩa Phát-xít hay tự do”. Đến giữa bài giảng, một đám đông tập trung bên ngoài phòng họp nhỏ mà chúng tôi nhóm lại. Họ xông vào trong, làm gián đoạn buổi nhóm và đuổi chúng tôi ra khỏi thị trấn. Chúng tôi chuyển đến nông trại gần đó của một anh để lắng nghe phần còn lại của chương trình. Hẳn bạn hiểu tại sao tôi không bao giờ quên được ngày mình báp-têm!

Mẹ tôi nỗ lực rất nhiều để nuôi tôi lớn lên trong sự thật. Dù là một người tốt nhưng cha tôi không chú ý nhiều đến tôn giáo hay tình trạng thiêng liêng của tôi. Mẹ cùng các anh chị Nhân Chứng khác trong hội thánh Omaha đã khích lệ tôi rất nhiều.

BƯỚC NGOẶT TRONG CUỘC ĐỜI

Khi chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông, tôi đứng trước quyết định sẽ dùng đời sống mình ra sao. Hàng năm, mỗi khi được nghỉ hè, tôi làm tiên phong kỳ nghỉ (nay gọi là tiên phong phụ trợ) cùng các bạn đồng lứa.

Hai anh độc thân trẻ vừa tốt nghiệp khóa thứ bảy của Trường Ga-la-át là John Chimiklis và Ted Jaracz được bổ nhiệm làm công tác lưu động trong khu vực của chúng tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi biết họ mới ngoài đôi mươi. Lúc đó tôi 18 tuổi và sắp tốt nghiệp phổ thông. Tôi vẫn nhớ lần anh Chimiklis hỏi tôi định dùng đời sống mình như thế nào. Sau khi nghe câu trả lời, anh khuyến khích: “Được đấy, hãy bắt tay  ngay vào thánh chức trọn thời gian. Em không biết những điều gì đang chờ đón em đâu”. Tôi ấn tượng sâu sắc trước lời khuyên này cùng gương mẫu của hai anh. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, tôi bắt đầu làm tiên phong vào năm 1948.

ĐƯỢC VÀO BÊ-TÊN

Vào tháng bảy năm 1950, tôi cùng cha mẹ tham dự hội nghị quốc tế tại sân vận động Yankee thuộc thành phố New York. Trong hội nghị, tôi dự buổi họp dành cho những người muốn phụng sự tại nhà Bê-tên. Tôi đã gửi đơn nói lên ước muốn được phụng sự tại đó.

Dù không chống đối việc tôi sống chung với cha mẹ và làm tiên phong nhưng cha muốn tôi đóng một khoản hợp lý cho chi phí ăn ở. Do đó, vào một ngày đầu tháng tám, tôi đi tìm việc. Trước khi đi, tôi kiểm tra hòm thư và thấy có một lá thư gửi cho mình từ Brooklyn. Trong thư có chữ ký của anh Nathan H. Knorr cùng lời viết: “Chúng tôi đã nhận được đơn xin phụng sự tại Bê-tên của anh. Tôi hiểu rằng anh đồng ý phụng sự ở Bê-tên cho đến khi Chúa đưa anh đi. Vì thế, tôi muốn anh có mặt tại Bê-tên, số 124 Columbia Heights, Brooklyn, New York, vào ngày 7 tháng 9 năm 1950”.

Khi cha đi làm về, tôi cho ông biết mình đã tìm được việc. Ông nói: “Tốt, con sẽ làm ở đâu?”. Tôi trả lời: “Dạ, ở Bê-tên Brooklyn, với mức lương 10 đô la một tháng”. Dù hơi bất ngờ nhưng cha nói nếu tôi đã quyết định như vậy thì phải làm cho thật tốt. Không lâu sau, vào năm 1953, cha tôi báp-têm tại hội nghị ở sân vận động Yankee!

Với bạn cùng làm tiên phong, anh Alfred Nussrallah

Tôi rất vui vì bạn cùng làm tiên phong với mình là anh Alfred Nussrallah cũng được mời vào Bê-tên, thế nên chúng tôi cùng nhau lên đường. Sau này, anh ấy kết hôn và tham dự trường Ga-la-át cùng vợ là chị Joan. Hai vợ chồng làm giáo sĩ ở Lebanon một thời gian, rồi trở về Hoa Kỳ làm công tác lưu động.

CÁC NHIỆM VỤ TẠI BÊ-TÊN

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi tại Bê-tên là làm việc ở Khâu đóng sách. Ấn phẩm đầu tiên tôi đóng là sách Tôn giáo đã làm gì cho nhân loại? (What Has Religion Done for Mankind?). Sau tám tháng làm việc trong Khâu đóng sách, tôi được chuyển sang Ban công tác và làm việc dưới sự chỉ đạo của anh Thomas J. Sullivan. Làm việc chung với anh thật thích thú, tôi học được nhiều điều từ sự khôn ngoan và thông sáng về thiêng liêng mà anh tích lũy sau nhiều năm phụng sự trong tổ chức.

Tôi làm việc trong Ban công tác gần ba năm cho đến ngày giám thị xưởng in là anh Max Larson nói với tôi rằng anh Knorr muốn gặp tôi. Tôi tự hỏi không biết mình đã làm gì sai. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi anh Knorr hỏi là tôi có dự định rời Bê-tên trong tương lai gần không. Anh cần người làm việc trong văn phòng của anh một thời gian và muốn biết tôi có thể nhận nhiệm vụ này không. Tôi trả lời là tôi không có ý định rời Bê-tên. Thế là tôi có đặc ân làm việc tại văn phòng của anh trong 20 năm tiếp theo.

Tôi thường nói rằng tôi không thể tìm đâu ra sự giáo dục quý cho bằng được làm việc với anh Sullivan và anh Knorr, cũng như các thành viên Bê-tên khác, chẳng hạn như Milton Henschel, Klaus Jensen, Max Larson, Hugo Riemer và Grant Suiter. *

 Những anh tôi từng phụng sự chung làm việc rất có tổ chức trong các nhiệm vụ được giao. Anh Knorr làm việc không biết mệt mỏi và muốn thấy công việc Nước Trời phát triển rộng rãi nhất có thể. Những ai làm việc chung với anh đều thấy anh là người dễ gần. Ngay cả khi có quan điểm khác với anh, chúng tôi vẫn có thể thoải mái nêu lên ý kiến mà không sợ anh mất lòng tin.

Một dịp nọ, anh Knorr nói với tôi về tầm quan trọng của việc chăm lo những điều được xem là nhỏ nhặt. Để minh họa, anh kể rằng khi còn làm giám thị xưởng in, anh Rutherford thường gọi điện cho anh và nói: “Anh Knorr, khi nào về ăn trưa, hãy mang cho tôi vài cục tẩy. Tôi cần có chúng trên bàn”. Anh Knorr cho biết anh lập tức đến phòng vật tư, lấy tẩy rồi để vào túi. Anh thường mang chúng tới văn phòng của anh Rutherford vào giờ trưa. Đó chỉ là việc nhỏ nhưng giúp ích cho anh Rutherford. Rồi anh Knorr bảo: “Tôi thích có những cây bút chì đã được gọt sẵn. Mỗi sáng, xin anh để chúng trên bàn cho tôi”. Trong nhiều năm ròng, tôi luôn gọt sẵn bút chì cho anh ấy.

Anh Knorr thường nhắc chúng tôi lắng nghe kỹ khi nhận nhiệm vụ nào đó. Một lần nọ, anh đã chỉ dẫn rõ ràng cách xử lý một vấn đề nhưng tôi không nghe kỹ. Hậu quả là tôi làm anh mất mặt. Tôi cảm thấy vô cùng áy náy nên viết cho anh một lá thư nói rằng tôi rất hối hận về việc đã làm và có lẽ tốt hơn là tôi không nên làm trong văn phòng của anh nữa. Một lúc sau, anh Knorr tiến đến bàn tôi và nói: “Anh Robert, tôi đã nhận được thư của anh. Anh đã làm sai. Tôi đã nói với anh về chuyện đó và tôi tin rằng anh sẽ cẩn thận hơn trong tương lai. Giờ chúng ta hãy trở lại làm việc”. Tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm nhân từ của anh.

ƯỚC MUỐN KẾT HÔN

Sau tám năm phụng sự ở Bê-tên, tôi vẫn không có dự định nào khác ngoài việc tiếp tục phụng sự tại đây. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Trong đợt hội nghị quốc tế tại sân vận động Yankee và Polo Grounds năm 1958, tôi gặp Lorraine Brookes. Chúng tôi đã gặp nhau vào năm 1955 khi cô ấy đang làm tiên phong ở Montreal, Canada. Tôi ấn tượng trước thái độ của cô ấy về việc phụng sự trọn thời gian cũng như tinh thần sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào tổ chức Đức Giê-hô-va phái đi. Lorraine có mục tiêu học trường Ga-la-át. Năm 1956, lúc 22 tuổi, cô ấy được mời học khóa thứ 27. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Brazil. Tôi và Lorraine bắt đầu tìm hiểu nhau từ năm 1958, rồi cô ấy chấp nhận lời cầu hôn của tôi. Chúng tôi dự định sang năm sẽ kết hôn và hy vọng được cùng nhau phụng sự trong công tác giáo sĩ.

Khi tôi cho anh Knorr biết dự định của mình, anh khuyên chúng tôi chờ ba năm rồi hẵng kết hôn, sau đó cả hai sẽ phụng sự tại Bê-tên  Brooklyn. Vào lúc đó, để một cặp được ở lại Bê-tên sau khi kết hôn thì một trong hai người phải phụng sự ở Bê-tên mười năm hoặc hơn, còn người kia thì ít nhất ba năm. Do đó, Lorraine đồng ý phụng sự hai năm ở Bê-tên Brazil và một năm ở Bê-tên Brooklyn trước khi kết hôn.

Hai năm đầu sau khi đính hôn, cách liên lạc duy nhất của chúng tôi là qua thư từ. Thời đó, gọi điện thoại rất đắt, còn e-mail thì hoàn toàn chưa có! Chúng tôi kết hôn vào ngày 16 tháng 9 năm 1961 và có vinh dự được anh Knorr làm bài giảng hôn lễ. Quả thật, những tháng ngày chờ đợi tưởng chừng rất dài. Nhưng giờ nhìn lại quãng thời gian hơn 50 năm chung sống đầy thỏa nguyện và hạnh phúc, chúng tôi công nhận rằng chờ đợi là đáng công!

Ngày cưới của chúng tôi. Từ trái sang phải: Nathan H. Knorr, Patricia Brookes (em gái của Lorraine), Lorraine và tôi, Curtis Johnson, Faye và Roy Wallen (cha mẹ tôi)

NHỮNG ĐẶC ÂN PHỤNG SỰ

Năm 1964, tôi được đặc ân viếng thăm nhiều nước với tư cách giám thị vùng. Thời đó, các chị không được đi chung với chồng trong những chuyến thăm. Đến năm 1977 có sự thay đổi nên các chị được đi cùng chồng. Năm ấy, tôi cùng Lorraine kết hợp với vợ chồng anh chị Grant và Edith Suiter trong chuyến viếng thăm các văn phòng chi nhánh ở Đức, Áo, Hy Lạp, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Tôi đã viếng thăm cả thảy là 70 nước trên thế giới.

Trong một chuyến đi Brazil năm 1980, chúng tôi viếng thăm Belém, một thành phố nằm trên đường xích đạo, nơi trước đây Lorraine làm giáo sĩ. Chúng tôi cũng dừng lại thăm anh em ở Manaus. Trong một bài giảng ở sân vận động, chúng tôi thấy một nhóm người ngồi chung với nhau nhưng không theo văn hóa Brazil là người nữ hôn vào má nhau còn người nam thì bắt tay. Tại sao?

Họ là những anh chị Nhân Chứng yêu dấu đến từ cộng đồng người phong cùi sống trong rừng rậm Amazon. Vì lý do an toàn, họ tránh tiếp xúc trực tiếp với các cử tọa khác. Tuy nhiên, họ làm chúng tôi hết sức cảm động và chúng tôi không bao giờ quên được niềm vui phản chiếu trên gương mặt họ! Lời Đức Giê-hô-va viết thật đúng: “Tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ”.—Ê-sai 65:14.

CUỘC ĐỜI ĐẦY ÂN PHƯỚC VÀ Ý NGHĨA

Tôi và Lorraine thường ngẫm lại quãng thời gian hơn sáu thập kỷ cùng nhau hết mình phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì những ân phước nhận được khi để Đức Giê-hô-va hướng dẫn qua tổ chức của ngài. Dù không thể đi vòng quanh thế giới để thăm anh em như trước, hàng ngày tôi vẫn bận rộn với tư cách người trợ giúp Hội đồng Lãnh đạo trong Ủy ban Điều phối và Ủy ban Công tác. Tôi quý trọng sâu xa đặc ân được góp một phần nhỏ để ủng hộ đoàn thể anh em quốc tế. Thật đáng kinh ngạc khi thấy vô số anh chị trẻ tham gia vào công tác phụng sự trọn thời gian với thái độ như Ê-sai: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6:8). Đám đông ấy chứng tỏ lời anh giám thị vòng quanh nói với tôi nhiều năm trước là chí lý: “Hãy bắt tay ngay vào thánh chức trọn thời gian. Em không biết những điều gì đang chờ đón em đâu”.

^ đ. 20 Để đọc tự truyện của các anh này, xin xem Tháp Canh (Anh ngữ): Thomas J. Sullivan (ngày 15-8-1965); Klaus Jensen (ngày 15-10-1969); Max Larson (ngày 1-9-1989); Hugo Riemer (ngày 15-9-1964); và Grant Suiter (ngày 1-9-1983).