Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để giữ tinh thần hy sinh?

Làm sao để giữ tinh thần hy sinh?

“Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải từ bỏ chính mình”.—MAT 16:24.

1. Về việc thể hiện tinh thần hy sinh, Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo ra sao?

Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo về việc thể hiện tinh thần hy sinh. Ngài đặt ý muốn của Đức Chúa Trời lên trên ước muốn và sự thoải mái của bản thân (Giăng 5:30). Bằng cách trung thành cho đến khi chết trên cây khổ hình, Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài sẵn sàng hy sinh tất cả.—Phi-líp 2:8.

2. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tinh thần hy sinh, và tại sao chúng ta nên làm vậy?

2 Là môn đồ Chúa Giê-su, chúng ta cũng cần thể hiện tinh thần hy sinh. Tinh thần hy sinh là gì? Đó là sẵn sàng từ bỏ lợi ích cá nhân để giúp đỡ người khác. Theo một nghĩa nào đó, tinh thần này trái với sự ích kỷ. (Đọc Ma-thi-ơ 16:24). Nếu có tinh thần bất vị kỷ, chúng ta sẽ đặt cảm xúc và sở thích của người khác lên trên bản thân (Phi-líp 2:3, 4). Chúa Giê-su dạy rằng tinh thần bất vị kỷ là thiết yếu trong sự thờ phượng. Tại sao có thể nói thế? Vì tình yêu thương, yếu tố thúc đẩy một người hy sinh, là đặc điểm nổi bật của môn đồ chân chính của Chúa Giê-su (Giăng 13:34, 35). Ngoài ra, hãy nghĩ đến những ân phước chúng ta được hưởng khi thuộc về đoàn thể anh em quốc tế, những người thể hiện tinh thần hy sinh!

3. Điều gì có thể làm xói mòn tinh thần hy sinh của chúng ta?

 3 Tuy nhiên, chúng ta đối mặt với một kẻ thù có thể làm xói mòn tinh thần hy sinh của mình, đó là khuynh hướng ích kỷ. Hãy nhớ lại A-đam và Ê-va đã tỏ ra ích kỷ như thế nào. Ê-va đã hành động dựa trên ước muốn ích kỷ là được như Đức Chúa Trời. Chồng bà bộc lộ sự ích kỷ khi muốn làm hài lòng bà (Sáng 3:5, 6). Sau khi lôi kéo A-đam và Ê-va ra khỏi sự thờ phượng thật, Kẻ Quỷ Quyệt tiếp tục cám dỗ người ta trở nên ích kỷ. Thậm chí hắn còn cố cám dỗ Chúa Giê-su (Mat 4:1-9). Ngày nay, Sa-tan lừa gạt được đa số người ta, thúc đẩy họ thể hiện tinh thần ích kỷ theo nhiều cách. Chúng ta cần chú ý đến điều này vì chính mình có thể bị tiêm nhiễm tinh thần ấy.—Ê-phê 2:2.

4. (a) Hiện nay chúng ta có thể loại bỏ khuynh hướng ích kỷ không? Hãy giải thích. (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

4 Sự ích kỷ được ví như gỉ sét phát triển trên bề mặt của sắt. Khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên, sắt bắt đầu bị gỉ sét. Nếu lờ đi sẽ rất nguy hiểm, vì gỉ sét phát triển có thể làm một công trình bị hư hại hoặc sụp đổ. Tương tự, dù hiện nay chúng ta không thể loại bỏ sự bất toàn và khuynh hướng ích kỷ, nhưng chúng ta phải cảnh giác với những mối nguy hiểm mà khuynh hướng ấy gây ra và tiếp tục kháng cự nó (1 Cô 9:26, 27). Làm thế nào để nhận ra những dấu hiệu ích kỷ của bản thân? Làm sao chúng ta có thể nỗ lực hơn để vun trồng tinh thần hy sinh?

DÙNG KINH THÁNH ĐỂ KIỂM TRA SỰ ÍCH KỶ

5. (a) Kinh Thánh giống gương như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Khi kiểm tra khuynh hướng ích kỷ của bản thân, chúng ta phải tránh điều gì?

5 Như việc dùng gương để kiểm tra ngoại diện, chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để kiểm tra con người bề trong và điều chỉnh bất cứ khuyết điểm nào mình tìm thấy. (Đọc Gia-cơ 1:22-25). Dù vậy, chỉ khi được dùng đúng cách thì chiếc gương mới giúp chúng ta điều chỉnh ngoại diện. Chẳng hạn, nếu chỉ nhìn lướt qua gương, chúng ta sẽ không thấy được một khuyết điểm nhỏ nhưng mất thẩm mỹ. Hoặc nếu soi gương từ một góc, chúng ta có thể thấy hình của người khác. Tương tự, để Kinh Thánh giúp mình thấy những khuyết điểm như sự ích kỷ, chúng ta không nên chỉ đọc lướt qua hoặc dùng nó để tìm lỗi của người khác.

6. Ngoài việc “xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo”, chúng ta nên làm gì?

6 Có thể chúng ta đọc Lời Đức Chúa Trời đều đặn, thậm chí hằng ngày, mà vẫn không thấy những dấu vết của khuynh hướng ích kỷ đang phát triển trong lòng. Tại sao điều này có thể xảy ra? Trong minh họa về chiếc gương mà Gia-cơ đưa ra, vấn đề không phải là người soi gương không nhìn kỹ mình trong gương. Gia-cơ viết rằng người ấy “nhìn thấy mình”. Trong câu này, Gia-cơ dùng một từ Hy Lạp ám chỉ sự chăm chú hoặc xem xét kỹ lưỡng. Vậy vấn đề của người ấy là gì? Gia-cơ viết tiếp: “Rồi [người ấy] đi, và quên ngay mình như thế nào”. Người ấy rời khỏi gương mà không chỉnh sửa những khuyết điểm mình đã thấy. Ngược lại, người thành công không chỉ “xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo” nhưng cũng “kiên trì làm theo”. Thay vì bỏ lại phía sau luật pháp hoàn hảo của Lời Đức Chúa Trời, người ấy kiên trì làm theo những dạy dỗ trong đó. Chúa Giê-su đưa ra một điểm tương tự khi nói: “Nếu anh em hằng giữ lời tôi, anh em thật sự là môn đồ tôi”.—Giăng 8:31.

7. Chúng ta có thể dùng Kinh Thánh như thế nào để kiểm tra khuynh hướng ích kỷ?

7 Vậy để kháng cự được khuynh hướng ích kỷ, trước tiên bạn phải đọc kỹ Lời Đức Chúa Trời. Nhờ thế, bạn có thể nhận ra  những khía cạnh mà mình phải lưu tâm. Nhưng bạn cần làm nhiều hơn thế. Hãy nghiên cứu để hiểu sâu sắc hơn. Khi đã hiểu rõ một lời tường thuật trong Kinh Thánh, hãy tự hỏi những câu như: “Nếu ở trong hoàn cảnh này, mình sẽ hành động thế nào? Mình sẽ hành động khôn ngoan không?”. Trên hết, sau khi suy ngẫm những gì bạn đọc, hãy cố gắng áp dụng (Mat 7:24, 25). Hãy xem những lời tường thuật về vua Sau-lơ và sứ đồ Phi-e-rơ có thể giúp chúng ta thế nào để giữ tinh thần hy sinh.

HỌC TỪ GƯƠNG CẢNH BÁO CỦA VUA SAU-LƠ

8. Lúc bắt đầu cai trị, Sau-lơ có thái độ nào, và ông thể hiện thái độ ấy ra sao?

8 Gương cảnh báo của vua Sau-lơ nước Y-sơ-ra-ên cho thấy làm thế nào sự ích kỷ có thể hủy hoại dần tinh thần hy sinh. Lúc bắt đầu cai trị, Sau-lơ có thái độ khiêm nhường và khiêm tốn về bản thân (1 Sa 9:21). Khi một số người Y-sơ-ra-ên lên án sự cai trị của ông, Sau-lơ không trừng phạt họ dù ông có thể lý luận rằng mình phải bảo vệ ngôi vị mà Đức Chúa Trời ban cho (1 Sa 10:27). Vua Sau-lơ đã làm theo sự hướng dẫn của thần khí khi lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên đánh thắng dân Am-môn. Sau đó, ông khiêm nhường quy chiến công hiển hách cho Đức Giê-hô-va.—1 Sa 11:6, 11-13.

9. Sau-lơ đã để cho sự ích kỷ phát triển như thế nào?

9 Về sau, Sau-lơ đã để cho sự ích kỷ và kiêu ngạo phát triển, giống như là gỉ sét. Khi đánh bại dân A-ma-léc, ông đã đặt những ước muốn của bản thân lên trên việc vâng lời Đức Giê-hô-va. Sau-lơ đã tham lam giữ lại chiến lợi phẩm thay vì hủy diệt chúng theo lệnh của Đức Chúa Trời. Ông còn ngạo mạn lập cho mình một bia kỷ niệm (1 Sa 15:3, 9, 12). Khi nhà tiên tri Sa-mu-ên nói với ông rằng Đức Giê-hô-va không hài lòng về điều ông làm, Sau-lơ đã cố bào chữa bằng cách tập trung vào phần mệnh lệnh của Đức Chúa Trời mà ông đã vâng theo, và đổ lỗi cho người khác (1 Sa 15:16-21). Ngoài ra, sự kiêu ngạo đã khiến Sau-lơ quan tâm đến thể diện của mình hơn là làm hài lòng Đức Chúa Trời (1 Sa 15:30). Làm thế nào chúng ta có thể dùng lời tường thuật về Sau-lơ như là gương soi hầu giúp mình giữ tinh thần hy sinh?

10, 11. (a) Kinh nghiệm của Sau-lơ dạy chúng ta bài học nào về việc giữ tinh thần hy sinh? (b) Làm thế nào chúng ta có thể tránh đi theo vết xe đổ của Sau-lơ?

10 Thứ nhất, kinh nghiệm của Sau-lơ cho thấy chúng ta không nên chủ quan, cho rằng mình đã thể hiện tinh thần hy sinh rồi thì sau ắt sẽ tự động thể hiện tinh thần ấy (1 Ti 4:10). Hãy nhớ rằng Sau-lơ từng thể hiện tinh thần hy sinh và nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời trong một thời gian, nhưng ông không kháng cự khuynh hướng ích kỷ bắt đầu chế ngự mình. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã từ bỏ Sau-lơ vì ông bất tuân.

11 Thứ hai, chúng ta nên cảnh giác với khuynh hướng chỉ chú tâm đến những khía cạnh mà mình làm tốt, và bỏ qua những khía cạnh mà mình cần cải thiện. Điều này giống như khi soi gương, chúng ta chỉ chiêm ngưỡng bộ đồ mới mà không để ý đến vết bẩn trên mặt. Dù có lẽ không tự mãn như Sau-lơ, chúng ta vẫn nên cố gắng kháng cự bất cứ khuynh hướng nào có thể khiến mình sa vào đường lối sai trái ấy. Khi được khuyên, chúng ta không nên bào chữa cho hành vi của mình, giảm nhẹ vấn đề hoặc đổ lỗi cho người khác. Thay vì như Sau-lơ, tốt hơn chúng ta nên chấp nhận lời khuyên.—Đọc Thi-thiên 141:5.

12. Tinh thần hy sinh có thể giúp ích thế nào khi chúng ta phạm một tội trọng?

12 Nhưng nói sao nếu chúng ta phạm một tội trọng? Sau-lơ đã cố giữ thể diện  và điều này cản trở ông khôi phục về thiêng liêng. Trái lại, nếu có tinh thần hy sinh, chúng ta có thể vượt qua sự xấu hổ và nhận sự trợ giúp cần thiết (Châm 28:13; Gia 5:14-16). Chẳng hạn, một anh bắt đầu xem tài liệu khiêu dâm năm 12 tuổi, và anh tiếp tục lén lút làm thế trong hơn chục năm. Anh kể: “Rất khó để thú nhận với vợ và các trưởng lão về hành vi của mình. Nhưng giờ thì tôi đã thú tội, và tôi cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng ngàn cân. Một số người bạn đã thất vọng khi tôi bị mất đặc ân phụ tá hội thánh, như thể tôi đã phụ lòng họ. Tuy nhiên, tôi biết rằng Đức Giê-hô-va vui về sự thờ phượng hiện tại của tôi hơn là khi tôi còn xem tài liệu khiêu dâm, và quan điểm của ngài mới thật sự quan trọng”.

PHI-E-RƠ ĐÃ KHẮC PHỤC ĐƯỢC TÍNH ÍCH KỶ

13, 14. Phi-e-rơ đã bộc lộ khuynh hướng ích kỷ như thế nào?

13 Sứ đồ Phi-e-rơ từng thể hiện tinh thần hy sinh trong thời gian ông được Chúa Giê-su huấn luyện (Lu 5:3-11). Thế nhưng, ông vẫn phải đấu tranh với khuynh hướng ích kỷ. Chẳng hạn, ông rất giận khi sứ đồ Gia-cơ và Giăng mưu tính để nhận được những vị trí cao trọng bên cạnh Chúa Giê-su trong Nước Trời. Có lẽ Phi-e-rơ nghĩ rằng một trong những vị trí ấy nên dành cho ông vì Chúa Giê-su từng nói rằng ông sẽ có một vai trò đặc biệt (Mat 16:18, 19). Dù sao đi nữa, Chúa Giê-su cảnh báo cả Gia-cơ, Giăng lẫn Phi-e-rơ và các sứ đồ khác về một khuynh hướng ích kỷ, đó là “thống trị” anh em.—Mác 10:35-45.

14 Dù đã được Chúa Giê-su điều chỉnh suy nghĩ nhưng Phi-e-rơ vẫn phải nỗ lực để khắc phục được nhược điểm ấy. Khi Chúa Giê-su nói rằng các sứ đồ sẽ từ bỏ ngài một thời gian, Phi-e-rơ đã hạ người khác xuống và nâng mình lên bằng cách quả quyết rằng chỉ có ông mới giữ lòng trung thành (Mat 26:31-33). Ông đã quá tự tin vì ngay trong đêm đó, ông không thể hiện tinh thần hy sinh. Khi cố bảo vệ chính mình, Phi-e-rơ đã chối bỏ Chúa Giê-su ba lần.—Mat 26:69-75.

15. Tại sao gương của Phi-e-rơ khích lệ chúng ta?

15 Dù phải đấu tranh với nhược điểm  và trải qua những thất bại, Phi-e-rơ vẫn để lại một gương khích lệ. Với nỗ lực của bản thân và sự trợ giúp của thần khí, Phi-e-rơ đã khắc phục được những khuynh hướng sai trái và biết cách thể hiện tính tự chủ cũng như tình yêu thương bất vị kỷ (Ga 5:22, 23). Ông đã vượt qua những thử thách có thể nói là cam go hơn những thử thách mà ông từng khuất phục trước đó. Chẳng hạn, Phi-e-rơ biểu lộ tính khiêm nhường qua cách ông phản ứng khi bị sứ đồ Phao-lô khiển trách trước mặt người khác (Ga 2:11-14). Sau khi bị khiển trách, Phi-e-rơ không nuôi lòng oán giận và cảm thấy mình bị Phao-lô hạ uy tín. Phi-e-rơ tiếp tục thể hiện tình yêu thương với Phao-lô (2 Phi 3:15). Gương của Phi-e-rơ có thể giúp chúng ta vun trồng tinh thần hy sinh.

Sau khi được điều chỉnh, Phi-e-rơ đã phản ứng thế nào? Chúng ta sẽ phản ứng như ông không? (Xem đoạn 15)

16. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tinh thần hy sinh trong những hoàn cảnh khó khăn?

16 Hãy nghĩ đến cách bạn phản ứng trước hoàn cảnh khó khăn. Khi bị bỏ tù và đánh đập vì công việc rao giảng, Phi-e-rơ và các sứ đồ vui mừng “bởi đã được xem là xứng đáng để chịu sỉ nhục vì danh Chúa Giê-su” (Công 5:41). Bạn cũng có thể xem sự bắt bớ là cơ hội để noi gương Phi-e-rơ và bước theo dấu chân của Chúa Giê-su bằng cách thể hiện tinh thần hy sinh. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:20, 21). Quan điểm này thậm chí có thể giúp ích khi bạn nhận sự sửa trị cần thiết từ các trưởng lão. Hãy noi gương của Phi-e-rơ thay vì tỏ ra tức giận.—Truyền 7:9.

17, 18. (a) Chúng ta có thể tự hỏi điều gì về các mục tiêu thiêng liêng của mình? (b) Chúng ta có thể làm gì nếu nhận thấy mình có dấu hiệu ích kỷ trong lòng?

17 Gương của Phi-e-rơ cũng giúp bạn khi đặt các mục tiêu thiêng liêng. Hãy cố gắng vươn tới các mục tiêu ấy với tinh thần hy sinh. Nhưng phải cẩn thận để việc đó không trở thành cuộc tìm kiếm địa vị. Hãy tự hỏi: “Tại sao mình muốn cải thiện việc phụng sự hoặc làm nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va? Có phải vì mình muốn có nhiều quyền hành hơn hoặc được người khác khen ngợi, như Gia-cơ và Giăng từng muốn?”.

18 Nếu phát hiện ra mình có dấu hiệu ích kỷ trong lòng, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn điều chỉnh cảm xúc và lối suy nghĩ, rồi cố gắng tập trung vào việc làm vinh hiển ngài thay vì bản thân (Thi 86:11). Bạn cũng có thể theo đuổi những mục tiêu không gây sự chú ý. Chẳng hạn, bạn có thể trau dồi thêm một khía cạnh nào đó của bông trái thần khí mà mình thấy rất khó thể hiện. Hoặc nếu siêng năng chuẩn bị các phần trong buổi nhóm họp nhưng lại ít quan tâm đến việc dọn vệ sinh Phòng Nước Trời, bạn có thể đặt mục tiêu áp dụng lời khuyên nơi Rô-ma 12:16.—Đọc.

19. Để không bị nản lòng bởi những gì mình thấy khi soi trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể làm gì?

19 Khi soi kỹ mình trong Lời Đức Chúa Trời và thấy những khuyết điểm, ngay cả dấu hiệu ích kỷ, có thể chúng ta thấy nản lòng. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy suy ngẫm về người thành công trong minh họa của Gia-cơ. Gia-cơ không nhấn mạnh việc người ấy nhanh chóng khắc phục được khuyết điểm hoặc ngay cả xóa được mọi tì vết. Thay vì thế, ông nói người ấy ‘kiên trì làm theo luật pháp hoàn hảo’ (Gia 1:25). Người ấy nhớ những gì mình thấy khi soi gương và tiếp tục cố gắng khắc phục. Vậy, hãy giữ cái nhìn tích cực về bản thân và có quan điểm thăng bằng về những thiếu sót của mình. (Đọc Truyền-đạo 7:20). Hãy tiếp tục xem xét kỹ luật pháp hoàn hảo và cố gắng giữ tinh thần hy sinh. Khi làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn, như ngài đã giúp nhiều anh chị khác, những người dù bất toàn nhưng đã nhận được ân huệ và phước lành của ngài.