Hãy tiếp tục “chờ-đợi Ðức Chúa Trời”
‘Ta sẽ chờ-đợi Ðức Chúa Trời’.—MI 7:7.
1. Ðiều gì có thể khiến chúng ta mất kiên nhẫn?
Khi Nước của Ðấng Mê-si được thành lập vào năm 1914, thế gian của Sa-tan bước vào những ngày sau cùng. Cũng vào năm đó, trên trời xảy ra một trận chiến. Kết quả là Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt cùng các ác thần đã bị quăng xuống trái đất. (Ðọc Khải huyền 12:7-9). Sa-tan biết mình “chỉ còn một thời gian ngắn” (Khải 12:12). Tuy nhiên, có thể một số người cảm thấy “thời gian ngắn” ấy mãi chưa chấm dứt. Trong khi chờ đợi Ðức Giê-hô-va hành động, chúng ta có mất kiên nhẫn không?
2. Bài này sẽ xem xét điều gì?
2 Mất kiên nhẫn là điều nguy hiểm, vì nó có thể khiến chúng ta hành động hấp tấp. Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi? Bài này sẽ giúp chúng ta làm điều đó bằng cách giải đáp ba câu hỏi: (1) Chúng ta học được gì từ gương kiên nhẫn của nhà tiên tri Mi-chê? (2) Những biến cố nào sẽ đánh dấu sự chấm dứt của thời gian chờ đợi? (3) Làm thế nào chúng ta tỏ lòng biết ơn về sự kiên nhẫn của Ðức Giê-hô-va?
CHÚNG TA HỌC ÐƯỢC GÌ TỪ GƯƠNG CỦA MI-CHÊ?
3. Dân Y-sơ-ra-ên vào thời Mi-chê ở trong tình trạng nào?
3 Ðọc Mi-chê 7:2-6. Nhà tiên tri Mi-chê đã tận mắt chứng kiến tình trạng thiêng liêng của dân Y-sơ-ra-ên ngày càng xuống dốc, và trở nên vô cùng tồi tệ dưới triều vua gian ác là A-cha. Mi-chê ví những người Y-sơ-ra-ên bất trung với “chà-chuôm [“bụi tầm xuân”, Bản Dịch Mới]” và “hàng rào gai-gốc”. Như bụi tầm xuân và hàng rào gai gốc gây thương tích cho người nào đụng phải nó, những người Y-sơ-ra-ên bại hoại gây hại cho người nào tiếp xúc với họ. Sự bại hoại này tồi tệ đến mức khiến các mối quan hệ gia đình bị phá vỡ. Ý thức mình không thể cải thiện được tình hình, Mi-chê đã trải lòng với Ðức Giê-hô-va. Sau đó, ông kiên nhẫn chờ đợi ngài hành động. Mi-chê tin rằng Ðức Giê-hô-va sẽ can thiệp đúng lúc.
4. Chúng ta phải đương đầu với những thử thách nào?
4 Như Mi-chê, chúng ta phải sống giữa những người chỉ nghĩ đến bản thân. Nhiều người “vô ơn, bất trung, thiếu tình thương tự nhiên” (2 Ti 3:2, 3). Có thể chúng ta cảm thấy khó chịu khi đồng nghiệp, bạn học và hàng xóm có thái độ ích kỷ. Nhưng một số tôi tớ của Ðức Chúa Trời còn đối phó với thử thách lớn hơn. Chúa Giê-su nói rằng môn đồ của ngài sẽ bị gia đình chống đối. Ngài dùng những lời tương tự với những lời nơi Mi-chê 7:6 để miêu tả thông điệp của ngài sẽ gây tác động nào: “Tôi đến để gây chia rẽ, giữa con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với mẹ chồng. Thật vậy, một người sẽ có kẻ thù là người nhà mình” (Mat 10:35, 36). Quả là không dễ khi phải chịu đựng sự chống đối và lời chế giễu từ những thành viên trong gia đình không cùng đức tin! Nếu bạn đang phải đương đầu với thử thách ấy, đừng nhượng bộ trước áp lực từ gia đình. Hãy giữ lòng trung thành và kiên nhẫn chờ đợi Ðức Giê-hô-va giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta luôn cầu xin sự giúp đỡ, ngài sẽ ban sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết giúp chúng ta chịu đựng.
5, 6. Ðức Giê-hô-va đã ban thưởng cho Mi-chê thế nào, nhưng ông không được chứng kiến điều gì?
5 Ðức Giê-hô-va đã ban thưởng cho sự kiên nhẫn của Mi-chê. Ông được chứng kiến cuộc đời và đường lối cai trị gian ác của vua A-cha chấm dứt. Mi-chê cũng thấy con trai của A-cha là Ê-xê-chia lên ngôi và khôi phục sự thờ phượng thanh sạch. Ðồng thời, ông cũng thấy thông điệp phán xét mà mình công bố về thành Sa-ma-ri được ứng nghiệm khi quân A-si-ri xâm chiếm vương quốc phía bắc là Y-sơ-ra-ên.—Mi 1:6.
6 Tuy nhiên, Mi-chê không được chứng kiến sự ứng nghiệm của tất cả những lời tiên tri mà ông được soi dẫn để ghi lại. Chẳng hạn, ông viết: “Xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Ðức Giê-hô-va sẽ lập lên trên chót các núi, và sẽ được nhắc cao lên hơn các đồi. Các dân sẽ chảy về đó; và nhiều nước sẽ đi đến đó, mà rằng: Hãy đến, chúng ta hãy lên núi của Ðức Giê-hô-va” (Mi 4:1, 2). Mi-chê đã qua đời từ rất lâu trước khi lời tiên tri đó được ứng nghiệm. Dù vậy, ông vẫn quyết tâm trung thành với Ðức Giê-hô-va cho đến chết bất kể những người xung quanh làm gì. Mi-chê viết: “Mọi dân-tộc ai nấy bước theo danh của thần mình; và chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!” (Mi 4:5). Ðiều gì đã giúp Mi-chê kiên nhẫn chờ đợi trong thời kỳ khó khăn? Ðó là vì ông hoàn toàn tin rằng Ðức Giê-hô-va sẽ thực hiện mọi lời ngài hứa. Nhà tiên tri trung thành này đã tin cậy Ðức Giê-hô-va.
7, 8. (a) Chúng ta có lý do nào để tin cậy Ðức Giê-hô-va? (b) Ðiều gì khiến thời gian dường như trôi mau hơn?
7 Chúng ta có lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va như Mi-chê không? Chúng ta có lý do chính đáng để làm thế. Chúng ta đang trực tiếp chứng kiến lời tiên tri của Mi-chê được ứng nghiệm. “Trong những ngày sau-rốt”, hàng triệu người từ mọi nước, mọi chi phái và mọi thứ tiếng đã đổ về “núi của nhà Ðức Giê-hô-va”. Dù đến từ các nước thù địch nhau, những người thờ phượng Ðức Chúa Trời “lấy gươm rèn lưỡi cày” và “không tập sự chiến-tranh nữa” (Mi 4:3). Quả là một đặc ân khi được thuộc về dân tộc hiền hòa của Ðức Giê-hô-va!
8 Ai trong chúng ta cũng muốn Ðức Giê-hô-va mau chóng chấm dứt thế gian gian ác hiện tại. Nhưng để có thể kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta cần nhìn sự việc theo quan điểm của Ðức Giê-hô-va. Ngài đã định một ngày để xét xử nhân loại bởi “người mà ngài đã chọn” là Chúa Giê-su Ki-tô (Công 17:31). Nhưng trước khi điều đó xảy ra, ngài cho mọi loại người cơ hội “hiểu biết chính xác về sự thật”, hành động phù hợp với sự hiểu biết đó và được cứu. Mạng sống quý giá của nhiều người đang lâm nguy. (Ðọc 1 Ti-mô-thê 2:3, 4). Nếu chúng ta bận rộn trong việc giúp người khác biết về Ðức Chúa Trời, thì thời gian chờ đợi ngày lớn của ngài dường như trôi mau hơn. Không lâu nữa, thời gian đó sẽ bất ngờ khép lại. Lúc ấy, chúng ta vui mừng biết bao vì đã bận rộn trong công việc rao giảng về Nước Trời!
NHỮNG BIẾN CỐ NÀO SẼ ÐÁNH DẤU SỰ CHẤM DỨT CỦA THỜI GIAN CHỜ ÐỢI?
9-11. Lời tiên tri nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3 đã được ứng nghiệm chưa? Hãy giải thích.
9 Ðọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3. Trong tương lai gần đây, các nước sẽ nói “Hòa bình và an ninh!”. Ðể không bị bất ngờ trước lời tuyên bố này, chúng ta cần “tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo” (1 Tê 5:6). Việc xem xét một số biến cố mở đường cho lời tuyên bố quan trọng trên sẽ giúp chúng ta tỉnh thức về thiêng liêng.
10 Mỗi thế chiến qua đi, các nước đều kêu gọi hòa bình. Sau thế chiến thứ nhất, Hội Quốc Liên được thành lập nhằm đem lại hòa bình thế giới. Rồi sau thế chiến thứ hai, nhiều người kỳ vọng Liên Hiệp Quốc sẽ mang đến nền hòa bình thế giới. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đã đặt niềm tin cậy nơi những tổ chức này. Chẳng hạn, Liên Hiệp Quốc công bố năm 1986 là Năm hòa bình quốc tế. Vào năm ấy, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị cùng người đứng đầu Giáo hội Công giáo họp lại ở Assisi, Ý, để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
11 Tuy nhiên, lời công bố ấy và những biến cố tương tự khác không phải là sự ứng nghiệm của lời tiên tri nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3. Tại sao? Vì ‘sự hủy diệt thình lình’ chưa xảy đến.
12. Chúng ta biết điều gì về lời tuyên bố “Hòa bình và an ninh!”?
12 Trong tương lai, ai sẽ tuyên bố “Hòa bình và an ninh!” như được tiên tri? Giới lãnh đạo khối Ki-tô giáo và những tôn giáo khác đóng vai trò nào? Những nhà lãnh đạo chính trị liên quan thế nào đến lời tuyên bố này? Kinh Thánh không cho biết. Nhưng chúng ta biết một điều là dù lời tuyên bố được đưa ra dưới hình thức nào hay có sức thuyết phục ra sao thì cũng chỉ là lời giả dối mà thôi. Thế gian già cỗi này sẽ vẫn nằm trong tay Sa-tan. Nó thối nát từ trong ra ngoài và không thể phục hồi được. Nếu lúc đó chúng ta tin vào luận điệu của Sa-tan và thỏa hiệp lập trường trung lập của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô thì quả là đáng buồn!
13. Tại sao các thiên sứ vẫn giữ những ngọn gió hủy diệt?
13 Ðọc Khải huyền 7:1-4. Trong khi chúng ta chờ đợi sự ứng nghiệm của 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3, các thiên sứ mạnh mẽ đang giữ những ngọn gió hủy diệt của hoạn nạn lớn. Họ chờ đợi điều gì? Họ chờ một biến cố quan trọng được sứ đồ Giăng miêu tả—lần đóng ấn cuối cùng của “các tôi tớ [được xức dầu] của Ðức Chúa Trời” *. Khi lần đóng ấn cuối cùng hoàn tất, các thiên sứ sẽ thả những ngọn gió hủy diệt. Ðiều gì xảy ra sau đó?
14. Ðiều gì cho thấy Ba-by-lôn Lớn sắp bị hủy diệt?
14 Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, sẽ lãnh kết cục đích đáng. Khi ngày đó đến, “các dân tộc, các đoàn dân đông, các nước và các thứ tiếng” sẽ không thể trợ giúp Ba-by-lôn Lớn. Nhiều bằng chứng cho thấy điều này sắp xảy ra (Khải 16:12; 17:15-18; 18:7, 8, 21). Sự thật là Ba-by-lôn Lớn đang bị yếu thế. Chúng ta thấy rõ điều này qua các phương tiện truyền thông khi tôn giáo và giới lãnh đạo tôn giáo bị công kích ngày càng nhiều. Dù vậy, giới lãnh đạo Ba-by-lôn Lớn vẫn bình thản cho rằng mình không ở trong tình thế nguy hiểm. Nhưng họ đã hoàn toàn sai! Sau lời tuyên bố “Hòa bình và an ninh!”, các thành phần chính trị của thế gian Sa-tan sẽ thình lình tấn công tôn giáo sai lầm và hủy diệt nó. Ba-by-lôn Lớn sẽ biến mất vĩnh viễn! Thật đáng công khi kiên nhẫn chờ đợi những biến cố quan trọng như thế!—Khải 18:8, 10.
LÀM THẾ NÀO TỎ LÒNG BIẾT ƠN VỀ SỰ KIÊN NHẪN CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI?
15. Tại sao Ðức Giê-hô-va không vội hành động?
15 Dù người ta bôi nhọ danh ngài nhưng Ðức Giê-hô-va kiên nhẫn chờ đến đúng thời điểm mới ra tay hành động. Ngài không muốn bất cứ người thành thật nào bị hủy diệt (2 Phi 3:9, 10). Chúng ta có cùng quan điểm với Ðức Giê-hô-va không? Trước khi ngày của ngài đến, chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn về sự kiên nhẫn của ngài qua những cách sau.
16, 17. (a) Tại sao chúng ta muốn giúp những người ngưng hoạt động? (b) Tại sao những người ngưng hoạt động cần nhanh chóng quay về với Ðức Giê-hô-va?
16 Giúp những người ngưng hoạt động. Chúa Giê-su nói rằng trên trời vui mừng khi tìm được con chiên bị lạc (Mat 18:14; Lu 15:3-7). Rõ ràng, Ðức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến tất cả những người từng thể hiện tình yêu thương với danh ngài, cho dù hiện nay họ ngưng hoạt động. Khi giúp những người như thế trở lại hội thánh, chúng ta góp phần mang lại niềm vui cho Ðức Giê-hô-va và các thiên sứ.
17 Bạn có phải là một trong những người ngưng hoạt động không? Có lẽ ai đó trong hội thánh đã làm bạn tổn thương nên bạn đã ngưng kết hợp với tổ chức. Có thể bạn đã ngưng hoạt động một thời gian rồi. Vậy hãy tự hỏi: “Giờ đây, cuộc sống của mình có ý nghĩa và hạnh phúc hơn không? Ðức Giê-hô-va làm mình tổn thương hay người bất toàn? Ðức Giê-hô-va có bao giờ làm điều gì gây hại cho mình không?”. Trên thực tế, ngài luôn làm điều tốt cho chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không sống đúng với sự dâng mình, ngài vẫn cho chúng ta hưởng những điều tốt lành ngài cung cấp (Gia 1:16, 17). Không lâu nữa, ngày của Ðức Giê-hô-va sẽ đến. Bây giờ là lúc để trở về trong vòng tay yêu thương của Cha trên trời và hội thánh, nơi ẩn náu an toàn duy nhất trong những ngày sau cùng này.—Phục 33:27; Hê 10:24, 25.
18. Tại sao chúng ta nên ủng hộ những người dẫn đầu?
18 Trung thành ủng hộ những người dẫn đầu. Là Ðấng Chăn Chiên đầy yêu thương, Ðức Giê-hô-va hướng dẫn và che chở chúng ta. Ngài bổ nhiệm Con ngài làm Ðấng Chăn Chiên Chính (1 Phi 5:4). Các trưởng lão trong hơn 100.000 hội thánh cũng giúp chăm sóc từng chiên của Ðức Chúa Trời (Công 20:28). Khi trung thành ủng hộ những người dẫn đầu, chúng ta tỏ lòng biết ơn Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về mọi điều hai đấng ấy đã làm cho chúng ta.
19. Bằng cách nào chúng ta có thể tạo thành một hàng ngũ chặt chẽ?
19 Sát cánh bên anh em đồng đạo. Ðiều này có nghĩa gì? Khi một đội quân được huấn luyện kỹ bị tấn công, những người lính dồn lại, tạo thành một hàng ngũ chặt chẽ không gì có thể xuyên qua. Ngày nay, Sa-tan càng tấn công dân Ðức Chúa Trời dữ dội hơn. Vì thế, đây không phải là lúc để lục đục trong hàng ngũ, mà là lúc chúng ta sát cánh bên nhau, bỏ qua sự bất toàn của anh em đồng đạo và đặt lòng tin cậy nơi sự lãnh đạo của Ðức Giê-hô-va.
20. Bây giờ chúng ta nên làm gì?
20 Mong sao tất cả chúng ta luôn tỉnh thức về thiêng liêng và tiếp tục chờ đợi Ðức Giê-hô-va. Hãy kiên nhẫn chờ đợi lời tuyên bố “Hòa bình và an ninh!” và lần đóng ấn cuối cùng của những người được chọn. Sau đó, bốn thiên sứ sẽ thả những ngọn gió hủy diệt, và Ba-by-lôn Lớn sẽ bị loại trừ. Trong khi chờ đợi những biến cố quan trọng này, chúng ta hãy tiếp nhận sự hướng dẫn đến từ những người dẫn đầu trong tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Hãy đoàn kết chống lại Kẻ Quỷ Quyệt và các ác thần! Bây giờ là lúc để làm theo lời khuyến giục của người viết Thi-thiên: “Hỡi các người trông-cậy nơi Ðức Giê-hô-va, hãy vững lòng bền chí”.—Thi 31:24.
^ đ. 13 Ðể hiểu sự khác nhau giữa lần đóng ấn đầu tiên và lần đóng ấn cuối cùng của những tín đồ được xức dầu, xin xem Tháp Canh ngày 1-1-2007, trang 30, 31.