Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Nương cậy Ðức Giê-hô-va mang lại ân phước

Nương cậy Ðức Giê-hô-va mang lại ân phước

Cuộc sống đôi khi có những điều bất trắc xảy ra, thậm chí khó đương đầu. Dù vậy, Ðức Giê-hô-va ban phước cho những ai nương cậy ngài, thay vì nương cậy sự thông sáng của bản thân. Ðây chính là điều mà vợ chồng tôi cảm nghiệm trong suốt cuộc đời đầy ân phước. Chúng tôi xin kể vắn tắt.

Cha mẹ tôi gặp nhau năm 1919 tại hội nghị quốc tế của Học viên Kinh Thánh diễn ra ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ và trong năm đó, họ cưới nhau. Tôi chào đời năm 1922, và hai năm sau thì em trai tôi là Paul sinh ra. Vợ tôi, Grace, sinh năm 1930. Bố mẹ cô ấy, là Roy và Ruth Howell, lớn lên trong gia đình Học viên Kinh Thánh, và ông bà của cô ấy cũng là Học viên Kinh Thánh và là bạn của anh Charles Taze Russell.

Tôi gặp Grace năm 1947, và chúng tôi kết hôn vào ngày 16-7-1949. Trước khi cưới, chúng tôi nói chuyện thẳng thắn về tương lai. Chúng tôi quyết định phụng sự trọn thời gian và không sinh con. Vào ngày 1-10-1950, chúng tôi bắt đầu làm tiên phong. Rồi năm 1952, chúng tôi được mời tham gia công tác vòng quanh.

CÔNG VIỆC LƯU ÐỘNG VÀ SỰ HUẤN LUYỆN TẠI TRƯỜNG GA-LA-ÁT

Cả hai vợ chồng tôi đều thấy cần được giúp đỡ nhiều để đảm nhận nhiệm vụ mới này. Trong khi học từ những anh có kinh nghiệm, tôi cũng tìm người giúp Grace. Tôi đến gặp anh Marvin Holien, một người bạn lâu năm của gia đình tôi từng làm giám thị lưu động, và hỏi anh: “Grace còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Anh có biết ai mà Grace có thể làm việc chung để học hỏi không?”. Anh trả lời: “Tôi thấy chị Edna Winkle là một tiên phong có kinh nghiệm và có thể giúp Grace nhiều”. Sau này, Grace nói về chị Edna: “Chị ấy giúp em cảm thấy tự tin khi rao giảng từng nhà, biết cách ứng phó trước những lời thoái thác, và dạy em lắng nghe chủ nhà để biết đối đáp sao cho phù hợp. Chị ấy đúng là người em cần!”.

Từ trái qua phải: Nathan Knorr, Malcolm Allen, Fred Rusk, Lyle Reusch, Andrew Wagner

Grace và tôi phục vụ ở hai vòng quanh trong bang Iowa, cũng bao gồm một phần của các bang Minnesota và South Dakota. Sau đó, chúng tôi được điều đến Vòng quanh New York 1, gồm những quận Brooklyn và Queens. Chúng tôi không bao giờ quên cảm giác thiếu kinh nghiệm tại nhiệm sở này. Vòng quanh bao gồm hội thánh Brooklyn Heights. Hội thánh này nhóm họp tại  Phòng Nước Trời trong Bê-tên và có nhiều thành viên Bê-tên dày dạn kinh nghiệm. Lần đầu đến thăm hội thánh đó, chúng tôi rất căng thẳng. Sau khi tôi trình bày bài giảng công tác, anh Nathan Knorr đến gặp tôi và nói: “Malcolm, anh cho chúng tôi vài lời khuyên rất thích hợp. Ðừng quên rằng, nếu anh không giúp chúng tôi bằng cách cho lời khuyên bổ ích, thì anh sẽ không hữu dụng trong tổ chức. Hãy tiếp tục làm tốt nhé”. Sau buổi nhóm họp, tôi kể cho Grace nghe chuyện ấy. Lúc sau, chúng tôi về phòng tại Bê-tên. Chúng tôi đã khóc vì sự căng thẳng dồn nén nhiều ngày trước đó.

“Nếu anh không giúp chúng tôi bằng cách cho lời khuyên bổ ích, thì anh sẽ không hữu dụng trong tổ chức. Hãy tiếp tục làm tốt nhé”

Vài tháng sau, chúng tôi nhận một lá thư mời tham dự khóa 24 của Trường Ga-la-át, kết thúc vào tháng 2 năm 1955. Chúng tôi được cho biết trước là mục tiêu của khóa huấn luyện này không nhất thiết là đào tạo chúng tôi trở thành giáo sĩ. Thay vì thế, khóa học này trang bị cho chúng tôi để hữu hiệu hơn trong công tác lưu động. Qua khóa học này, chúng tôi thấy mình còn nhiều thiếu sót. Tuy vậy, đây là trải nghiệm rất tuyệt vời.

Fern và George Couch cùng với Grace và tôi tại Trường Ga-la-át năm 1954

Sau khi kết thúc khóa học, chúng tôi được bổ nhiệm phụng sự trong công tác địa hạt. Ðịa hạt của chúng tôi bao gồm các bang Indiana, Michigan và Ohio. Sau đó, thật ngạc nhiên, vào tháng 12 năm 1955, chúng tôi nhận được một lá thư của anh Knorr, có viết: ‘Hãy thẳng thắn với tôi. Anh chị muốn vào nhà Bê-tên và ở lại làm việc luôn, hay làm việc tại Bê-tên một thời gian và sau đó nhận một nhiệm sở ở nước ngoài? Hoặc anh chị thích công việc địa hạt và vòng quanh hơn?’. Chúng tôi hồi âm rằng chúng tôi vui lòng làm bất cứ công việc nào được giao. Ngay sau đó, chúng tôi được mời vào làm việc tại Bê-tên!

NHỮNG NĂM PHỤNG SỰ ÐẦY VUI MỪNG TẠI BÊ-TÊN

Trong những năm phụng sự đầy vui mừng tại nhà Bê-tên, tôi có đặc ân đi nói bài giảng ở các hội thánh và hội nghị trên khắp Hoa Kỳ. Tôi được tham gia huấn luyện và giúp nhiều anh trẻ, những anh sau này nhận các trách nhiệm lớn hơn trong tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Về sau, tôi làm thư ký cho anh Knorr trong bộ phận tổ chức công việc rao giảng toàn cầu.

Ðang làm việc trong Ban công tác năm 1956

Tôi đặc biệt thích quãng thời gian làm việc tại Ban công tác. Tôi đã có cơ hội làm việc chung với anh T. J. Sullivan (cũng gọi là Bud). Anh từng làm giám thị trong ban đó nhiều năm. Nhưng tôi cũng học được nhiều từ các anh khác, trong đó có anh Fred Rusk, người huấn luyện tôi. Tôi nhớ  có lần tôi đã vô tư hỏi anh: “Anh Fred, sao anh chỉnh sửa những lá thư của em nhiều vậy?”. Anh cười, nhưng nghiêm túc nói: “Malcolm này, khi nói thì có thể thêm thắt từ ngữ, nhưng khi viết một điều gì đó, nhất là những lá thư gửi từ đây thì cần phải rất chính xác và rõ ràng”. Sau đó, anh ân cần nói: “Hãy can đảm lên, anh đang làm tốt, và với thời gian anh sẽ quen công việc”.

Trong những năm phụng sự tại Bê-tên, Grace được làm nhiều việc, bao gồm việc dọn phòng. Cô ấy rất thích công việc của mình. Cho đến nay, đôi khi gặp lại một số anh trẻ mà chúng tôi từng làm việc chung tại Bê-tên, họ mỉm cười và nói với Grace: “Chị đã dạy em cách sắp xếp giường cho gọn gàng, và mẹ em rất biết ơn chị về điều đó”. Grace cũng làm việc trong Ban tạp chí, Ban thư từ và Ban sản xuất băng cassette. Nhờ được làm nhiều việc khác nhau, Grace hiểu rằng dù làm gì hay phụng sự ở đâu đều là đặc ân và ân phước. Ðến nay, cô ấy vẫn cảm thấy như thế.

THÍCH NGHI VỚI HOÀN CẢNH MỚI

Vào giữa thập niên 1970, chúng tôi nhận thấy cha mẹ chúng tôi ngày càng lớn tuổi và cần được chăm sóc. Cuối cùng, chúng tôi đã đi đến một quyết định khó. Chúng tôi không muốn rời Bê-tên và những anh em thân thiết. Dù vậy, tôi thấy mình có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ. Vì thế, với thời gian, chúng tôi đã rời Bê-tên, nhưng vẫn hy vọng khi hoàn cảnh thay đổi, chúng tôi có thể trở lại.

Ðể chu cấp cho gia đình, tôi bắt đầu bán bảo hiểm. Tôi không bao giờ quên những gì người quản lý nói với tôi trong thời gian tôi được huấn luyện: “Công việc này đòi hỏi phải gặp người ta vào buổi tối vì lúc đó họ mới có ở nhà. Không điều gì quan trọng hơn là đến gặp người ta vào mỗi buổi tối”. Tôi đáp lại: “Tôi biết anh có nhiều kinh nghiệm và tôi tôn trọng ý kiến của anh. Nhưng tôi cũng có những trách nhiệm về tâm linh mà tôi chưa bao giờ bỏ bê, và tôi sẽ không bao giờ làm thế. Tôi sẽ đi gặp một số người vào buổi tối, nhưng tối thứ ba và tối thứ năm hằng tuần tôi cần tham dự những buổi họp rất quan trọng”. Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho tôi vì không đánh đổi bất cứ buổi nhóm họp nào cho công việc ngoài đời.

Chúng tôi ở bên mẹ tôi khi bà qua đời trong viện dưỡng lão vào tháng 7 năm 1987. Cô y tá trưởng nói với Grace: “Cô hãy về nhà nghỉ ngơi đi. Mọi người đều biết là cô đã luôn ở bên mẹ chồng trong suốt thời gian qua. Hãy an lòng vì cô đã làm hết sức rồi”.

Vào tháng 12 năm 1987, chúng tôi điền đơn xin trở lại phụng sự tại Bê-tên, nơi mà chúng tôi yêu thích. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, Grace được chẩn đoán là ung thư đại tràng. Sau khi  phẫu thuật và bình phục, cô ấy được bác sĩ cho biết là không còn tế bào ung thư nữa. Nhưng cũng trong thời gian đó, chúng tôi nhận được thư của Bê-tên đề nghị chúng tôi tiếp tục phụng sự tại hội thánh địa phương. Chúng tôi quyết tâm dồn hết sức cho công việc Nước Trời.

Với thời gian, tôi có cơ hội làm việc ở Texas. Chúng tôi nghĩ khí hậu ấm áp ở đó sẽ tốt cho chúng tôi và quả đúng như vậy. Ðến nay chúng tôi đã sống ở Texas được khoảng 25 năm, bên cạnh những anh chị đầy lòng quan tâm và rất thân thiết với chúng tôi.

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ GIÁ

Grace đã vật lộn với căn bệnh ung thư đại tràng, tuyến giáp và gần đây là ung thư vú. Nhưng cô ấy không bao giờ than thân trách phận. Cô ấy luôn vâng phục và hợp tác với chồng. Người khác thường hỏi cô ấy: “Ðâu là bí quyết giúp hôn nhân của anh chị tràn đầy hạnh phúc?”. Cô ấy đưa ra bốn lý do: “Chúng tôi là bạn tốt của nhau, nói chuyện với nhau mỗi ngày, dành thời gian cho nhau mỗi ngày và không bao giờ đi ngủ mà vẫn còn giận nhau”. Dĩ nhiên, có lúc chúng tôi cũng làm cho nhau giận nhưng rồi lại tha thứ và quên đi, cách này rất hiệu nghiệm.

“Luôn nương cậy Ðức Giê-hô-va và chấp nhận những điều ngài cho phép xảy ra”

Qua mọi thử thách trên đường đời, chúng tôi rút ra những bài học quý giá cho mình:

  1. Luôn nương cậy Ðức Giê-hô-va và chấp nhận những điều ngài cho phép xảy ra. Không bao giờ nương cậy nơi sự thông sáng của mình.—Châm 3:5, 6; Giê 17:7.

  2. Tìm kiếm sự hướng dẫn của Ðức Giê-hô-va qua Lời ngài trong mọi vấn đề. Vâng lời Ðức Giê-hô-va và làm theo các điều luật của ngài là điều trọng yếu. Hoặc là vâng lời hoặc là không, chứ không thể nửa vời.—Rô 6:16; Hê 4:12.

  3. Một điều quan trọng nhất trong đời sống là tạo danh tiếng tốt trước mắt Ðức Giê-hô-va. Ðặt quyền lợi của ngài lên hàng đầu, thay vì của cải vật chất.—Châm 28:20; Truyền 7:1; Mat 6:33, 34.

  4. Cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp để phụng sự ngài càng nhiều và càng hiệu quả càng tốt. Tập trung vào điều có thể làm, chứ không phải điều ngoài khả năng của mình.—Mat 22:37; 2 Ti 4:2.

  5. Luôn nhớ rằng đây là tổ chức duy nhất được Ðức Giê-hô-va ban phước.—Giăng 6:68.

Vợ chồng chúng tôi, mỗi người phụng sự Ðức Giê-hô-va hơn 75 năm, và cùng nhau phụng sự trong gần 65 năm. Thời gian chúng tôi cùng nhau phụng sự thật tuyệt vời! Chúng tôi hy vọng và cầu nguyện rằng tất cả anh em đồng đạo đều cảm nghiệm được đời sống đầy ân phước nhờ nương cậy Ðức Giê-hô-va.