Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Tại sao đời sống chúng tôi thật sự có ý nghĩa?

Tại sao đời sống chúng tôi thật sự có ý nghĩa?

Ngay khi con trai tôi là Gary chào đời vào năm 1958, tôi đã thấy có điều gì đó bất thường. Tuy nhiên, phải mất mười tháng để các bác sĩ chẩn đoán bệnh trạng của cháu và thêm năm năm nữa các chuyên gia ở Luân Ðôn mới xác nhận điều đó. Tôi buồn biết bao khi thấy con gái mình là Louise, sinh sau Gary chín năm, có những triệu chứng còn nặng hơn anh cháu nhiều.

“Hai con của chị đều mắc hội chứng LMBB *, và bệnh này vô phương cứu chữa”, các bác sĩ nhẹ nhàng nói với tôi. Thời đó, ít người biết đến chứng rối loạn gen hiếm thấy này. Những điểm đặc trưng bao gồm suy yếu thị lực dẫn đến mù lòa, béo phì, thừa ngón tay hoặc ngón chân, chậm phát triển, khó phối hợp các bộ phận cơ thể, tiểu đường, viêm xương khớp và dị tật ở thận. Do đó, việc chăm sóc các con khá vất vả. Một nghiên cứu gần đây ở Anh ước tính cứ 125.000 người thì có 1 người mắc hội chứng này, dù có nhiều người hơn có lẽ mắc phải một dạng nhẹ của nó.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA TRỞ THÀNH “NƠI NÁU-ẨN CAO” CỦA CHÚNG TÔI

Không lâu sau khi kết hôn, tôi đã nói chuyện với một chị Nhân Chứng Giê-hô-va và ngay lập tức nhận ra đâu là sự thật. Nhưng chồng tôi thì không hề chú ý. Vì công việc của anh buộc chúng tôi thường xuyên chuyển nhà nên tôi không thể kết hợp với hội thánh nào. Dù vậy, tôi tiếp tục đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va. Thật nhẹ nhõm khi đọc được là “Ðức Giê-hô-va sẽ làm nơi náu-ẩn cao cho kẻ bị hà-hiếp, một nơi náu-ẩn cao trong thì gian-truân” và “ngài chẳng từ-bỏ kẻ nào tìm-kiếm Ngài”!—Thi 9:9, 10.

Vì Gary có thị lực kém nên đến năm cháu lên sáu, chúng tôi gửi cháu vào một trường nội trú có chương trình giáo dục đặc biệt ở bờ nam Anh Quốc. Gary thường gọi điện nói chuyện với tôi về những điều làm cháu lo lắng, và qua điện thoại tôi có thể giúp cháu hiểu những nguyên tắc cơ bản trong Kinh Thánh. Vài năm sau khi Louise ra đời, chính tôi cũng bị bệnh. Tôi bị đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa. Gary rời trường nội trú và trở về nhà năm 16 tuổi. Thế nhưng, thị lực của cháu yếu dần và đến năm 1975 thì mù hẳn. Năm 1977, chồng tôi bỏ chúng tôi ra đi.

Không lâu sau khi Gary trở về, chúng tôi hoạt động tích cực trong một hội thánh đầy yêu thương, rồi tôi báp-têm năm 1974. Tôi rất biết ơn một anh trưởng lão đã giúp Gary đương đầu với những biến đổi về thể chất mà cháu trải qua trong thời niên thiếu. Các Nhân Chứng khác giúp tôi làm việc nhà và cơ quan dịch vụ xã hội tại địa phương còn cử năm Nhân Chứng đến nhà chăm sóc y tế cho chúng tôi. Ðó quả là một ân phước!

Gary không ngừng tiến bộ về thiêng liêng và báp-têm năm 1982. Vì cháu ao ước làm tiên phong phụ trợ nên tôi quyết định tham gia công việc đó cùng cháu và tiếp tục làm thế trong nhiều năm. Vài năm sau, con trai tôi rất vui khi giám thị vòng quanh hỏi: “Sao anh không làm tiên phong đều đều vậy Gary?”. Ðúng là sự động viên mà Gary cần, và cháu được bổ nhiệm vào năm 1990.

 Gary phải phẫu thuật thay khớp háng hai lần, lần đầu vào năm 1999 và lần sau vào năm 2008. Nhưng vấn đề sức khỏe của Louise thì tệ hơn nhiều. Con bé bị mù từ khi mới sinh, và khi thấy cháu bị thừa một ngón chân, tôi hiểu là cháu cũng mắc hội chứng LMBB. Những cuộc xét nghiệm cũng sớm tiết lộ những dị tật nghiêm trọng trong nội tạng của cháu. Trong nhiều năm, cháu phải trải qua những cuộc đại phẫu, kể cả năm lần phẫu thuật thận. Như Gary, Louise cũng bị bệnh tiểu đường.

Vì biết khó khăn có thể nảy sinh khi phẫu thuật nên Louise nói chuyện trước với bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và những người có trách nhiệm trong bệnh viện. Cháu giải thích về quyết định liên quan đến những liệu pháp không dùng máu. Nhờ vậy, cháu có được mối giao tiếp tốt với tất cả những người tận tình quan tâm đến vấn đề sức khỏe của cháu.

SỐNG CUỘC ÐỜI CÓ Ý NGHĨA

Cả nhà tôi hăng say trong những hoạt động thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Trước khi những thiết bị điện tử hiện đại ra đời, tôi thường dành nhiều giờ đọc sách cho Gary và Louise nghe. Giờ đây, CD, DVD và những tài liệu thu âm trên trang web jw.org giúp chúng tôi theo chương trình đọc Kinh Thánh hàng tuần vào những thời điểm khác nhau, và chúng tôi có thể góp lời bình luận ý nghĩa trong buổi nhóm họp.

Ðôi khi Gary trả lời thuộc lòng, và nếu có bài giảng trong Trường thánh chức, cháu có thể trình bày theo lối ứng khẩu. Cháu được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh năm 1995 và luôn bận rộn tại Phòng Nước Trời, chào đón mọi người đến hội thánh và giúp điều chỉnh âm thanh.

Chúng tôi vô cùng biết ơn khi biết những sự thật quý giá trong Lời Ðức Giê-hô-va!

Vì bị viêm khớp nên Gary phải ngồi xe lăn. Các anh em Nhân Chứng thường đẩy xe cho Gary khi đi thánh chức chung với cháu. Một anh đã giúp cháu hướng dẫn một người chú ý học Kinh Thánh. Gary cũng khuyến khích một chị đã ngưng hoạt động 25 năm. Giờ đây, cả người học hỏi và chị ấy đều dự nhóm họp.

Năm lên chín, Louise được bà ngoại dạy đan, và tôi cùng một chị chăm sóc y tế cho cháu dạy cháu thêu. Vì rất thích đan nên cháu đan mền nhiều màu sắc cho những em bé lẫn người lớn tuổi trong hội thánh. Cháu cũng làm thiệp có những hình dán nhỏ. Người nào nhận được cũng trân trọng những tấm thiệp đó. Trong thời niên thiếu, Louise học đánh máy không cần nhìn bàn phím. Hiện nay, nhờ có máy vi tính điều khiển bằng giọng nói, cháu có thể thường xuyên liên lạc với bạn bè qua e-mail. Louise đã báp-têm khi 17 tuổi. Vào những đợt rao giảng đặc biệt, mẹ con tôi cùng nhau làm tiên phong phụ trợ. Giống như Gary, Louise học thuộc những câu Kinh Thánh để bày tỏ niềm tin nơi lời hứa của Ðức Chúa Trời về một thế giới mà “những kẻ mù sẽ mở mắt” và “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”.—Ê-sai 33:24; 35:5.

Chúng tôi vô cùng biết ơn khi biết những sự thật quý giá trong Lời Ðức Giê-hô-va! Hơn nữa, chúng tôi hết sức cảm kích sự hỗ trợ đầy yêu thương của hội thánh, vì nếu không thì chúng tôi đã không làm được nhiều đến thế. Và nhất là nhờ Ðức Giê-hô-va giúp đỡ, đời sống của chúng tôi thật sự có ý nghĩa.

^ đ. 5 Hội chứng Laurence-Moon-Bardet-Biedl được đặt theo tên của bốn bác sĩ đã xác định chứng rối loạn gen lặn này. Khi cả cha lẫn mẹ đều mang gen lặn bất thường thì con sẽ bị di truyền hội chứng này. Ngày nay, người ta thường gọi là hội chứng Bardet-Biedl. Hiện chưa có cách chữa trị.