Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 Từ kho tàng tư liệu

Vở kịch “không thể quên” đến đúng lúc

Vở kịch “không thể quên” đến đúng lúc

“Không thể quên!”. Nhiều người đã nói như thế về “Kịch về sự sáng tạo”. Vở kịch được trình chiếu đúng lúc và để lại ấn tượng sâu sắc trong trí người xem. “Kịch về sự sáng tạo” đã làm chứng rộng rãi và mang lại sự ngợi khen cho Ðức Giê-hô-va không lâu trước khi xảy ra làn sóng bắt bớ dữ dội của chế độ Hitler đối với dân của Ðức Chúa Trời tại châu Âu. Vậy “Kịch về sự sáng tạo” là gì?

Sách Schöpfung (Sự sáng tạo) là nguồn của nhan đề kịch mới

Năm 1914, trụ sở của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, cho ra mắt “Kịch ảnh về sự sáng tạo”. Kịch ảnh này dài tám tiếng, là sự kết hợp giữa chiếu hình và phim, với màu sắc cùng hiệu ứng âm thanh. “Kịch ảnh” được trình chiếu cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Một vở kịch ngắn hơn mang tựa đề “Kịch Eureka” cũng ra mắt vào năm 1914. Năm 1920, các hình và đoạn phim cũng như dụng cụ chiếu dần bị hỏng, nhưng vẫn có nhiều người muốn xem lại “Kịch ảnh”. Chẳng hạn, những người ở Ludwigsburg, Ðức, đã hỏi: “Khi nào ‘Kịch ảnh’ được chiếu lại?”. Chúng ta phải làm gì?

Ðể đáp ứng nhu cầu của việc chiếu Kịch, vào thập niên 1920, các anh đại diện nhà Bê-tên ở Magdeburg, Ðức, đã mua những đoạn phim từ một thông tấn xã tại Paris, Pháp, và những hình của công ty đồ họa ở Leipzig và Dresden. Những hình và đoạn phim này được kết hợp với một số hình vẫn dùng được của “Kịch ảnh”.

Anh Erich Frost, một nhạc sĩ tài năng, đã sáng tác nhạc làm nền cho phim và hình. Một số phần dẫn chuyện được lấy từ sách “Sự sáng tạo” (Creation). Vì thế, phiên bản được chỉnh sửa từ “Kịch ảnh” mang nhan đề mới “Kịch về sự sáng tạo”.

Kịch mới này dài tám tiếng, giống như “Kịch ảnh”, và được trình chiếu mỗi phần một lần vào những buổi tối liên tiếp. Kịch có những chi tiết thú vị về các ngày sáng tạo, ôn lại những sự kiện trong Kinh Thánh và lịch sử thế tục, đồng thời cho thấy rõ tôn giáo sai lầm đã làm nhân loại thất vọng. “Kịch về sự sáng tạo” được trình chiếu ở Áo, Ðức, Luxemburg, Thụy Sĩ và cho người nói tiếng Ðức ở những nơi khác.

Anh Erich Frost và những nốt nhạc cho “Kịch về sự sáng tạo”

Anh Erich Frost cho biết: “Trong các buổi chiếu Kịch, tôi khuyến khích cộng sự, nhất là những thành viên trong dàn nhạc, tận dụng thời gian nghỉ giải lao để đi từng dãy phân  phát sách và sách nhỏ cho khán giả. Chúng tôi phát được nhiều ấn phẩm hơn là khi đi rao giảng từng nhà”. Anh Johannes Rauthe, người tổ chức buổi trình chiếu ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, nhớ là rất nhiều khán giả đã để lại địa chỉ để được viếng thăm. Những địa chỉ này là nền tảng cho việc thăm lại và bắt đầu những cuộc thảo luận Kinh Thánh thú vị.

Vào thập niên 1930, những hội trường chiếu “Kịch về sự sáng tạo” chật cứng người xem, người dân trong thị trấn bàn luận về Nhân Chứng Giê-hô-va. Năm 1933, gần một triệu người tham dự những buổi trình chiếu do văn phòng chi nhánh Ðức tổ chức. Chị Käthe Krauss nhớ lại: “Ðể được xem kịch, chúng tôi đã đi bộ 10km một chiều, phải băng qua rừng, núi đèo và thung lũng. Trong năm ngày, ngày nào cũng thế”. Chị Else Billharz chia sẻ: “Tôi bắt đầu yêu sự thật từ khi xem ‘Kịch về sự sáng tạo’”.

Anh Alfred Almendinger kể rằng khi mẹ anh xem Kịch, bà “phấn khởi đến mức đi mua một cuốn Kinh Thánh và tìm cụm từ ‘nơi luyện tội’”. Vì không tìm thấy cụm từ ấy, bà đã ngưng đi nhà thờ và sau này làm báp-têm. Anh Erich Frost nhớ lại: “Rất nhiều người đã đến với sự thật nhờ ‘Kịch về sự sáng tạo’”.—3 Giăng 1-3.

Khi càng nhiều người kéo đến xem “Kịch về sự sáng tạo” cũng là lúc châu Âu bị vùi dập trong cơn bão của Quốc Xã. Kể từ năm 1933, các hoạt động của Nhân Chứng ở Ðức bị cấm đoán. Từ đó, các tôi tớ của Ðức Giê-hô-va ở châu Âu bị bắt bớ dữ dội cho đến khi thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945. Anh Erich Frost bị bỏ tù khoảng tám năm. Rồi anh được tự do và sau đó phụng sự tại nhà Bê-tên ở Wiesbaden, Ðức. “Kịch về sự sáng tạo”, vở kịch không thể quên, được trình chiếu thật đúng lúc để củng cố lòng can đảm của nhiều tín đồ đạo Ðấng Ki-tô sắp phải đương đầu với thử thách về đức tin trong Thế Chiến II!—Từ kho tàng tư liệu ở Ðức.