Trưởng lão —‘Những cộng sự mang lại niềm vui cho chúng ta’
‘Chúng tôi là những cộng sự mang lại niềm vui cho anh em’.
1. Tại sao Phao-lô vui khi nghe tin về anh em ở Cô-rinh-tô?
Ðó là vào năm 55 CN. Sứ đồ Phao-lô đang ở thành phố cảng Trô-ách, nhưng ông không thể ngưng nghĩ về Cô-rinh-tô. Vài tháng trước, ông đau lòng khi nghe tin anh em ở Cô-rinh-tô có sự bất đồng. Với lòng quan tâm trìu mến như một người cha, Phao-lô đã gửi thư để chỉnh sửa họ (1 Cô 1:11; 4:15). Ông cũng nhờ một cộng sự là Tít đến đó và thống nhất là Tít sẽ trở lại Trô-ách cho ông biết tin. Lúc này, Phao-lô đang đợi Tít ở Trô-ách, nóng lòng muốn biết tình hình của anh em ở Cô-rinh-tô. Nhưng Tít không quay trở lại. Vậy Phao-lô đã làm gì? Ông đáp tàu đến Ma-xê-đô-ni-a, và ông vô cùng phấn khởi khi gặp Tít ở đó. Tít cho biết anh em ở Cô-rinh-tô đã có phản ứng tốt khi đọc thư của Phao-lô và họ mong mỏi được gặp ông. Khi nghe tin đó, Phao-lô “càng vui mừng hơn”.—2 Cô 2:12, 13; 7:5-9.
2. (a) Phao-lô đã nói gì về đức tin và niềm vui khi viết thư cho anh em ở Cô-rinh-tô? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Không lâu sau đó, Phao-lô viết cho anh em ở Cô-rinh-tô lá thứ thứ hai. Ông nói với họ: “Tôi không có ý nói chúng tôi là người cai trị đức tin anh em, nhưng là những người cộng sự mang lại niềm vui cho anh em, vì anh em đang đứng vững bởi đức tin của mình” (2 Cô 1:24). Ý của Phao-lô là gì khi nói như thế? Những lời đó nên tác động thế nào đến các trưởng lão đạo Ðấng Ki-tô thời nay?
ÐỨC TIN VÀ NIỀM VUI CỦA CHÚNG TA
3. (a) Ý của Phao-lô là gì khi viết: “Anh em đang đứng vững bởi đức tin của mình”? (b) Các trưởng lão ngày nay noi gương Phao-lô như thế nào?
3 Phao-lô đề cập đến hai điều quan trọng trong sự thờ phượng, đó là đức tin và niềm vui. Về đức tin, ông viết: ‘Tôi không có ý nói chúng tôi là người cai trị đức tin anh em vì anh em đang đứng vững bởi đức tin của mình’. Qua những lời này, Phao-lô công nhận anh em ở Cô-rinh-tô đang đứng vững, không phải vì ông hay bất cứ người nào, nhưng vì đức tin của họ nơi Ðức Chúa Trời. Vì thế, Phao-lô không cần cai trị đức tin của họ, và ông cũng không muốn làm thế. Ông tin rằng họ là những tín đồ trung thành, muốn làm điều đúng (2 Cô 2:3). Ngày nay, các trưởng lão noi gương Phao-lô bằng cách tin cậy động cơ phụng sự và đức tin của anh em (2 Tê 3:4). Thay vì đề ra luật lệ cứng nhắc trong hội thánh, các trưởng lão dựa vào những nguyên tắc và sự hướng dẫn của tổ chức Ðức Giê-hô-va. Các trưởng lão ngày nay không cai trị đức tin của anh em.—1 Phi 5:2, 3.
4. (a) Ý của Phao-lô là gì khi nói: ‘Chúng tôi là những cộng sự mang lại niềm vui cho anh em’? (b) Các trưởng lão ngày nay noi gương Phao-lô như thế nào?
4 Phao-lô cũng viết: ‘Chúng tôi là những người cộng sự mang lại niềm vui cho anh em’. Trong những lời này, Phao-lô muốn nói đến ông và những bạn đồng hành cùng đến Cô-rinh-tô để rao giảng. Làm sao chúng ta biết điều đó? Trong cùng lá thư, Phao-lô nói đến hai người trong số họ: “Ðấng Ki-tô Giê-su mà tôi cùng Sin-vanh và Ti-mô-thê đã rao giảng cho anh em” (2 Cô 1:19). Hơn nữa, khi dùng cụm từ “cộng sự” trong những lá thư của mình, Phao-lô luôn nói đến những anh em hợp tác với ông trong thánh chức, chẳng hạn như A-qui-la, Bê-rít-sin, Ti-mô-thê và Tít (Rô 16:3, 21; 2 Cô 8:23). Vì thế, khi nói: ‘Chúng tôi là những cộng sự mang lại niềm vui cho anh em’, Phao-lô đảm bảo với anh em ở Cô-rinh-tô rằng ông và các bạn đồng hành muốn cố gắng hết sức để mang lại niềm vui cho mọi thành viên trong hội thánh. Các trưởng lão ngày nay cũng có ước muốn đó. Họ muốn làm mọi điều có thể để giúp anh em “hầu-việc Ðức Giê-hô-va cách vui-mừng”.—Thi 100:2; Phi-líp 1:25.
5. Một nhóm anh chị được hỏi câu hỏi nào, và chúng ta nên suy ngẫm về điều gì?
5 Gần đây, một nhóm anh chị sốt sắng ở những nước khác nhau được hỏi: “Những lời nói và hành động nào của trưởng lão đã giúp anh/chị gia tăng niềm vui?”. Khi xem những câu trả lời của họ, hãy so sánh với câu trả lời của chính bạn. Ngoài ra, mỗi chúng ta hãy suy ngẫm cách mình có thể góp phần mang lại niềm vui cho hội thánh. *
“CHÀO BẸT-SI-ÐƠ YÊU QUÝ CỦA CHÚNG TA”
6, 7. (a) Một cách các trưởng lão có thể noi gương Chúa Giê-su, Phao-lô và những tôi tớ khác của Ðức Chúa Trời là gì? (b) Tại sao anh em cảm thấy vui nếu chúng ta nhớ tên của họ?
6 Nhiều anh chị trong nhóm được nói ở trên cho biết họ cảm thấy vui khi các trưởng lão quan tâm đến họ. Bằng cách nào các trưởng lão cho thấy họ quan tâm đến anh em? Một cách là dùng tên của anh em, làm thế họ noi gương Ða-vít, Ê-li-hu và Chúa Giê-su. (Ðọc 2 Sa-mu-ên 9:6; Gióp 33:1; Lu-ca 19:5). Phao-lô cũng coi trọng việc nhớ và dùng tên của anh em đồng đạo. Trong phần kết của một lá thư, Phao-lô chào thăm hơn 25 anh chị bằng tên riêng, trong đó có chị Bẹt-si-đơ. Ông viết: “Chào Bẹt-si-đơ yêu quý của chúng ta”.—Rô 16:3-15.
7 Một số trưởng lão thấy khó nhớ tên các anh chị. Thế nhưng, khi cố gắng làm thế, như thể họ nói với các anh chị: “Anh/Chị rất quan trọng đối với tôi” (Xuất 33:17). Khi trưởng lão gọi tên các anh chị để mời họ phát biểu trong Buổi học Tháp Canh hoặc những buổi học khác, các anh chị sẽ cảm thấy rất vui.—So sánh Giăng 10:3.
“CHỊ ÐÃ LÀM NHIỀU VIỆC TRONG CHÚA”
8. Phao-lô noi gương Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su trong một cách quan trọng nào?
8 Phao-lô cũng cho thấy ông quan tâm đến người khác qua lời khen chân thành. Ðây là cách khác để mang lại niềm vui cho anh em đồng đạo. Vì thế, cũng trong lá thư nói về ước muốn của mình là làm cho anh em vui, Phao-lô viết: “Tôi khoe rất nhiều về anh em” (2 Cô 7:4). Lời khen ấy hẳn làm ấm lòng anh em ở Cô-rinh-tô. Phao-lô cũng khen anh em ở các hội thánh khác (Rô 1:8; Phi-líp 1:3-5; 1 Tê 1:8). Khi nói đến chị Bẹt-si-đơ trong thư gửi cho anh em ở Rô-ma, Phao-lô viết: “Chị đã làm nhiều việc trong Chúa” (Rô 16:12). Nữ tín đồ trung thành ấy hẳn được khích lệ nhiều khi nghe những lời đó. Khi khen người khác, Phao-lô noi gương Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.—Ðọc Mác 1:9-11; Giăng 1:47; Khải 2:2, 13, 19.
9. Tại sao lời khen làm tăng tinh thần vui vẻ của hội thánh?
9 Các trưởng lão ngày nay cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng quý trọng anh em qua lời nói (Châm 3:27; 15:23). Mỗi khi các trưởng lão khen anh em, giống như họ nói: “Tôi thấy việc anh/chị đã làm. Tôi quan tâm đến anh/chị”. Anh em đồng đạo luôn cần được nghe những lời động viên của các trưởng lão. Một chị ngoài 50 tuổi nói: “Tại sở làm, hiếm khi tôi nhận được lời khen. Ðó là môi trường cạnh tranh và lạnh lùng. Cho nên, khi một trưởng lão khen tôi về một việc tôi đã làm, tôi được tươi tỉnh và thêm sức. Ðiều này làm tôi cảm thấy mình được Cha trên trời yêu thương”. Một anh đơn thân nuôi hai con cũng cảm thấy như thế. Gần đây, một trưởng lão khen anh cách chân tình. Lời khen ấy đã thúc đẩy anh tiếp tục cố gắng để phụng sự Ðức Giê-hô-va hết sức. Thật vậy, bằng những lời khen chân thành, các trưởng lão làm anh em lên tinh thần và gia tăng niềm vui. Nhờ thế, họ được thêm sức để bước tiếp trên con đường dẫn đến sự sống, “mà không mòn-mỏi”.—Ê-sai 40:31.
“CHĂN DẮT HỘI THÁNH CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI”
10, 11. (a) Các trưởng lão có thể noi gương Nê-hê-mi như thế nào? (b) Ðiều gì có thể giúp trưởng lão “chia sẻ một món quà từ Ðức Chúa Trời” khi thăm chiên?
10 Các trưởng lão có thể tỏ lòng quan tâm đến anh em và góp phần mang lại niềm vui cho hội thánh qua cách quan trọng nào khác? Ðó là chủ động giúp đỡ những anh chị cần được khích lệ. (Ðọc Công vụ 20:28). Làm thế, họ bắt chước những người chăn dắt dân Ðức Chúa Trời vào thời xưa. Chẳng hạn, hãy xem một giám thị trung thành là Nê-hê-mi đã làm gì khi nhận thấy một số anh em người Do Thái yếu về thiêng liêng. Kinh Thánh cho biết rằng ngay lập tức, ông “chỗi dậy” và khích lệ họ (Nê 4:14). Ngày nay, các trưởng lão cũng muốn làm như vậy. Họ “chỗi dậy”, tức chủ động, giúp anh em đồng đạo vững đức tin. Ðể khích lệ mỗi thành viên, họ đến tận nhà thăm anh em nếu có thể. Trong những lần thăm chiên, các trưởng lão muốn “chia sẻ một món quà từ Ðức Chúa Trời” với anh em (Rô 1:11). Ðiều gì sẽ giúp các anh làm thế?
11 Trước khi thăm chiên, trưởng lão cần dành thời gian nghĩ về anh chị mà mình sẽ thăm. Anh/Chị ấy có khó khăn nào? Những lời nào có thể xây dựng anh/chị ấy? Câu Kinh Thánh hoặc kinh nghiệm nào trong Kinh Thánh có thể áp dụng trong hoàn cảnh của anh/chị ấy? Suy nghĩ trước như thế sẽ giúp một trưởng lão có cuộc trò chuyện ý nghĩa với anh em, thay vì chỉ hỏi han chung chung. Khi viếng thăm, trưởng lão để cho anh em bày tỏ suy nghĩ, còn họ chăm chú lắng nghe (Gia 1:19). Một chị cho biết: “Tôi cảm thấy được an ủi nhiều khi trưởng lão chú tâm lắng nghe tôi nói”.—Lu 8:18.
12. Những ai trong hội thánh cần được khích lệ, và tại sao?
12 Những ai cần được các trưởng lão thăm và khích lệ? Phao-lô khuyên những anh em là trưởng lão hãy ‘cẩn thận giữ cả bầy’. Thật vậy, tất cả các thành viên của hội thánh đều cần được khích lệ, cả những người công bố và người tiên phong trung thành rao giảng nhiều năm. Tại sao họ cần sự khích lệ của các trưởng lão? Vì dù vững mạnh về thiêng liêng, đôi khi họ cũng bị áp lực trong thế gian gian ác này. Ðể hiểu tại sao ngay cả những tôi tớ vững vàng của Ðức Chúa Trời đôi khi cũng cần sự giúp đỡ, chúng ta hãy xem một biến cố trong cuộc đời của vua Ða-vít.
‘A-BI-SAI ÐẾN TIẾP-CỨU VUA’
13. (a) Ít-bi-Bê-nốp đã lợi dụng cơ hội nào để tấn công Ða-vít? (b) Nhờ điều gì mà A-bi-sai có thể đến tiếp cứu Ða-vít kịp thời?
13 Không lâu sau khi được bổ nhiệm làm vua, chàng trai trẻ Ða-vít đã đối đầu với Gô-li-át, một người Rê-pha-im, là dòng giống người khổng lồ. Chàng Ða-vít can đảm đã giết chết Gô-li-át (1 Sa 17:4, 48-51; 1 Sử 20:5, 8). Nhiều năm sau, trong một trận chiến với người Phi-li-tin, Ða-vít lại đối mặt với một tên khổng lồ nữa. Tên hắn là Ít-bi-Bê-nốp, cũng là “con cháu của Ra-pha”, tức người Rê-pha-im (2 Sa 21:16). Tuy nhiên, lần này tên khổng lồ suýt giết Ða-vít. Tại sao? Không phải vì Ða-vít mất sự can đảm, nhưng vì ông mất sức. Kinh Thánh tường thuật: “Ða-vít biết trong mình mỏi-mệt lắm”. Lợi dụng cơ hội này, Ít-bi-Bê-nốp “toan đánh giết Ða-vít”. Nhưng ngay khi tên khổng lồ tra tay trên Ða-vít, “A-bi-sai, con trai Xê-ru-gia, đến tiếp-cứu vua, đánh người Phi-li-tin ấy, và giết đi” (2 Sa 21:15-17). Ða-vít đã thoát chết trong gang tấc! Hẳn ông vô cùng biết ơn vì A-bi-sai luôn để mắt đến ông và tiếp cứu ông kịp thời. Chúng ta học được gì qua lời tường thuật này?
14. (a) Làm thế nào chúng ta có thể đánh bại các thử thách lớn như “Gô-li-át”? (b) Bằng cách nào các trưởng lão có thể giúp người khác lấy lại sức lực và niềm vui? Hãy cho ví dụ.
14 Dân của Ðức Giê-hô-va trên khắp thế giới đang thi hành thánh chức bất chấp những cản trở của Sa-tan và tay sai của hắn. Một số người trong chúng ta từng đương đầu với những thử thách lớn, nhưng với lòng tin cậy hoàn toàn nơi Ðức Giê-hô-va, chúng ta đã đánh bại những “Gô-li-át” đó. Tuy nhiên, vì phải tiếp tục đối phó với áp lực của thế gian, đôi lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và nản lòng. Khi yếu sức, chúng ta dễ bị “hạ gục” hơn. Trong những lúc như thế, sự hỗ trợ đúng lúc của các trưởng lão giúp chúng ta lấy lại sức lực và niềm vui, như nhiều anh chị đã cảm nghiệm. Một chị tiên phong ngoài 60 tuổi kể: “Cách đây không lâu, tôi cảm thấy không khỏe và hay mệt mỏi khi làm thánh chức. Một anh trưởng lão để ý thấy và đến hỏi han tôi. Chúng tôi có cuộc trò chuyện rất khích lệ dựa trên một đoạn Kinh Thánh. Tôi đã làm theo những đề nghị của anh và thấy có kết quả”. Chị nói thêm: ‘Tôi rất biết ơn vì anh trưởng lão ấy đã để ý đến tình trạng suy yếu của tôi và giúp đỡ tôi’. Thật khích lệ khi biết rằng các trưởng lão luôn yêu thương để ý đến tình trạng của chúng ta. Như A-bi-sai, họ sẵn sàng “đến tiếp-cứu” chúng ta.
“ANH EM BIẾT TÌNH YÊU THƯƠNG SÂU ÐẬM CỦA TÔI ÐỐI VỚI ANH EM”
15, 16. (a) Tại sao anh em đồng đạo rất quý mến Phao-lô? (b) Tại sao chúng ta quý mến các trưởng lão?
15 Chăn chiên là một công việc khó nhọc. Ðôi khi, các trưởng lão phải thức đêm để cầu nguyện cho anh em đồng đạo hoặc giúp đỡ họ (2 Cô 11:27, 28). Thế nhưng, các anh vui lòng làm tròn trách nhiệm, giống như Phao-lô. Ông viết cho anh em ở Cô-rinh-tô: “Tôi sẽ sẵn lòng dành mọi sự và hy sinh tất cả cho anh em” (2 Cô 12:15). Thật vậy, vì yêu thương anh em, Phao-lô đã dốc sức củng cố họ. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 2:4; Phi-líp 2:17; 1 Tê 2:8). Chẳng lạ gì anh em rất quý mến Phao-lô!—Công 20:31-38.
16 Tôi tớ của Ðức Chúa Trời ngày nay cũng quý mến các trưởng lão. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cảm tạ Ðức Giê-hô-va vì ngài ban cho chúng ta những anh chăn bầy. Họ quan tâm đến mỗi người và giúp chúng ta gia tăng niềm vui. Qua những cuộc thăm chiên, họ mang lại niềm khích lệ cho chúng ta. Hơn thế, chúng ta biết ơn vì họ luôn sẵn sàng yểm trợ mỗi lúc chúng ta bị áp lực thế gian đè nặng. Thật vậy, các trưởng lão là ‘những cộng sự mang lại niềm vui cho chúng ta’.
^ đ. 5 Nhóm anh chị đó cũng được hỏi: “Anh/Chị quý nhất đức tính nào nơi một trưởng lão?”. Ða số trả lời là “dễ đến gần”. Ðức tính quan trọng đó sẽ được xem xét trong số Tháp Canh sắp tới.