Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vâng lời để được lợi ích từ lời thề của Đức Chúa Trời

Vâng lời để được lợi ích từ lời thề của Đức Chúa Trời

“Vì không có ai lớn hơn để [Đức Chúa Trời] nhân danh mà thề, nên ngài nhân danh chính mình mà thề”.—HÊ 6:13.

1. Lời của Đức Giê-hô-va khác thế nào so với lời của con người bất toàn?

Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật” (Thi 31:5). Con người bất toàn không luôn đáng tin cậy, nhưng “Đức Chúa Trời không thể nói dối” (Hê 6:18; đọc Dân-số Ký 23:19). Những gì Đức Giê-hô-va hứa làm cho nhân loại thì ngài luôn thực hiện. Chẳng hạn, khởi đầu mỗi giai đoạn sáng tạo, Đức Chúa Trời nói là ngài sẽ tạo ra điều gì, “thì có như vậy”. Thế nên, vào cuối ngày sáng tạo thứ sáu, “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt-lành”.—Sáng 1:6, 7, 30, 31.

2. Ngày nghỉ của Đức Chúa Trời là gì? Tại sao Đức Chúa Trời đặt ngày ấy là ngày thánh?

2 Sau khi nhìn lại các công trình sáng tạo, Đức Giê-hô-va cho biết là ngày thứ bảy bắt đầu. Đây không phải là một ngày 24 giờ nhưng là một giai đoạn dài mà ngài nghỉ công việc sáng tạo trên đất (Sáng 2:2). Ngày nghỉ của Đức Chúa Trời vẫn chưa kết thúc (Hê 4:9, 10). Kinh Thánh không nói rõ ngày này bắt đầu khi nào. Chúng ta chỉ biết nó bắt đầu vào thời điểm nào đó sau khi Đức Chúa Trời tạo ra vợ của A-đam là Ê-va, cách đây khoảng 6.000 năm. Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Ki-tô sắp đến. Trong triều đại này, Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định của ngài đối với nhân loại qua việc biến trái đất thành địa đàng và dân cư là những người hoàn hảo (Sáng 1:27, 28; Khải 20:6). Hy vọng của chúng ta về một tương lai tươi sáng có chắc chắn thành hiện thực không? Có, vì “[Đức Chúa Trời] ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh”. Lời này đảm bảo rằng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, thì đến cuối ngày nghỉ của Đức Chúa Trời, ý định của ngài sẽ thành hiện thực.—Sáng 2:3.

3. (a) Chuyện gì xảy ra khi ngày nghỉ của Đức Chúa Trời vừa bắt đầu? (b) Đức Giê-hô-va đã nói gì cho thấy ngài sẽ dẹp bỏ cuộc nổi loạn?

3 Tuy nhiên, khi ngày nghỉ của Đức Chúa Trời vừa bắt đầu thì một tai họa ập đến. Sa-tan, một con thần linh của Đức Chúa Trời, tự tôn mình lên là một thần đối địch với ngài. Hắn nói lời dối trá đầu tiên và phỉnh gạt Ê-va để bà cãi lời Đức Giê-hô-va (1 Ti 2:14). Sau đó, Ê-va lôi kéo chồng cùng nổi loạn (Sáng 3:1-6). Ngay cả trong thời điểm đen tối đó của lịch sử, khi tính trung thực của Đức Chúa Trời bị nghi ngờ, ngài thấy không cần phải thề để cam đoan là ngài sẽ thực hiện ý định. Trong những lời mà về sau mới được tiết lộ ý nghĩa, ngài chỉ nói: “Ta sẽ làm cho mầy [Sa-tan] cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người [Dòng Dõi được hứa trước] sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”.—Sáng 3:15; Khải 12:9.

LỜI THỀ—MỘT HÌNH THỨC PHÁP LÝ HỮU HIỆU

4, 5. Áp-ra-ham đã dùng hình thức pháp lý nào?

4 Trong thời kỳ đầu của lịch sử nhân loại, hẳn A-đam và Ê-va không cần thề để cam đoan một điều gì đó là sự thật. Những tạo vật hoàn hảo yêu thương Đức Chúa Trời và bắt chước ngài thì không cần phải thề. Họ luôn nói thật và tuyệt đối tin cậy nhau. Nhưng từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, mọi chuyện đã đổi khác. Vì tình trạng nói dối và lừa gạt ngày càng phổ biến trong vòng nhân loại, nên người ta cần phải thề trong các vấn đề quan trọng.

5 Lời thề là một hình thức pháp lý mà tộc trưởng Áp-ra-ham đã dùng ít nhất ba lần (Sáng 21:22-24; 24:2-4, 9). Một trường hợp là khi ông đánh bại vua của Ê-lam và các vua liên minh. Từ chiến trận trở về, Áp-ra-ham được vua của Sa-lem và vua của Sô-đôm ra nghênh đón. Mên-chi-xê-đéc, vua của Sa-lem, cũng là “thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời Chí-Cao”, chúc phước cho Áp-ra-ham và ngợi khen Đức Chúa Trời vì đã giúp Áp-ra-ham chiến thắng kẻ thù (Sáng 14:17-20). Sau đó, khi vua của Sô-đôm định ban thưởng cho Áp-ra-ham vì đã bảo vệ dân của ông khỏi quân xâm lược, Áp-ra-ham thề: “Tôi giơ tay lên trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời Chí-Cao, Chúa-Tể của trời và đất, mà thề rằng: Hễ của chi thuộc về vua, dầu đến một sợi chỉ, hay là một sợi dây giày đi nữa, tôi cũng chẳng hề lấy; e vua nói được rằng: Nhờ ta làm cho Áp-ram giàu-có”.—Sáng 14:21-23.

LỜI THỀ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỚI ÁP-RA-HAM

6. (a) Áp-ra-ham đã nêu gương nào cho chúng ta? (b) Chúng ta sẽ nhận được điều gì qua sự vâng lời của Áp-ra-ham?

6 Vì lợi ích của nhân loại tội lỗi, Đức Giê-hô-va cũng dùng lời thề. Chẳng hạn, có những lúc ngài thề bằng cách nói: “Thật như ta hằng sống” (Ê-xê 17:16). Kinh Thánh ghi lại hơn 40 trường hợp Đức Giê-hô-va dùng lời thề. Điển hình là trường hợp ngài thề với Áp-ra-ham. Trong nhiều năm, Đức Giê-hô-va lập nhiều giao ước với ông. Những giao ước này cho thấy Dòng Dõi sẽ ra từ Áp-ra-ham, qua con trai ông là Y-sác (Sáng 12:1-3, 7; 13:14-17; 15:5, 18; 21:12). Về sau, Đức Giê-hô-va thử Áp-ra-ham, ngài bảo ông dâng con yêu dấu của mình. Áp-ra-ham vâng theo mà không chần chừ. Khi ông sắp dâng Y-sác làm vật tế lễ thì một thiên sứ của Đức Chúa Trời ngăn ông lại. Sau đó, Đức Chúa Trời thề với ông: “Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con ngươi, tức con một ngươi, thì ta lấy chánh mình ta mà thề rằng sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng-dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng-dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước”.—Sáng 22:1-3, 9-12, 15-18.

7, 8. (a) Tại sao Đức Chúa Trời thề với Áp-ra-ham? (b) “Các chiên khác” của Chúa Giê-su sẽ nhận được lợi ích nào qua lời thề ấy?

7 Tại sao Đức Chúa Trời thề với Áp-ra-ham là những lời hứa của ngài sẽ thành hiện thực? Ngài làm thế để trấn an và củng cố đức tin của những người sẽ đồng cai trị với Đấng Ki-tô và hợp thành phần thứ hai của “dòng dõi”. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:13-18; Ga 3:29). Như sứ đồ Phao-lô giải thích, Đức Giê-hô-va ‘đã khẳng định điều đó bằng một lời thề. Vì vậy, qua hai điều không hề thay đổi [lời hứa và lời thề của ngài], mà khi làm hai điều ấy thì Đức Chúa Trời không thể nói dối, chúng ta có thể được khích lệ rất nhiều để nắm chặt hy vọng đặt trước mắt mình’.

8 Không chỉ những tín đồ được xức dầu nhận được lợi ích từ lời thề của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham. Đức Giê-hô-va thề rằng nhờ “dòng-dõi” của Áp-ra-ham mà ‘các dân thế-gian đều sẽ được phước’ (Sáng 22:18). Những người được phước ấy bao gồm “các chiên khác” của Chúa Giê-su. Họ là những người biết vâng lời và có hy vọng sống vĩnh cửu trong địa đàng (Giăng 10:16). Dù có hy vọng lên trời hay sống trên đất, chúng ta hãy “nắm chặt” hy vọng ấy bằng cách luôn vâng lời Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của đời sống.—Đọc Hê-bơ-rơ 6:11, 12.

NHỮNG LỜI THỀ CÓ LIÊN QUAN

9. Đức Chúa Trời đã lập lời thề nào với những hậu duệ của Áp-ra-ham khi họ là nô lệ ở Ai Cập?

9 Nhiều thế kỷ sau, một lần nữa Đức Giê-hô-va thề là sẽ thực hiện lời hứa mà ngài đã lập với Áp-ra-ham. Ngài phái Môi-se đi nói chuyện với những hậu duệ của Áp-ra-ham, lúc đó họ đang là nô lệ ở Ai Cập (Xuất 6:6-8). Sau này ngài giải thích về lời ngài đã phán truyền qua Môi-se: “Đương ngày mà ta chọn Y-sơ-ra-ên,... ta thề hứa cùng chúng nó rằng ta sẽ đem chúng nó ra khỏi đất Ê-díp-tô đặng vào đất mà ta đã tìm sẵn cho chúng nó, tức là đất đượm sữa và mật-ong”.—Ê-xê 20:5, 6.

10. Sau khi giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời hứa điều gì với họ?

10 Sau khi dân Y-sơ-ra-ên được cứu khỏi Ai Cập, Đức Giê-hô-va hứa với họ: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta” (Xuất 19:5, 6). Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên đặc ân lớn biết bao! Nếu vâng lời, dân Y-sơ-ra-ên có triển vọng sản sinh một nước thầy tế lễ để mang lại ân phước cho nhân loại. Sau này, Đức Giê-hô-va giải thích rằng lời hứa đó chính là lời thề, ngài nói: “Ta [đã] thề cùng mầy và kết giao-ước với mầy”.—Ê-xê 16:8.

11. Khi được Đức Chúa Trời mời làm dân riêng của ngài, dân Y-sơ-ra-ên hưởng ứng thế nào?

11 Đức Giê-hô-va không buộc dân Y-sơ-ra-ên thề sẽ vâng lời, ngài cũng không ép họ làm dân riêng của ngài. Thay vì thế, họ tự nguyện nói: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất 19:8). Ba ngày sau đó, Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên biết những điều ngài đòi hỏi nơi dân mà ngài chọn. Trước tiên, họ nghe Mười Điều Răn, rồi Môi-se cho họ biết thêm những điều luật được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22 đến Xuất Ê-díp-tô Ký 23:33. Dân Y-sơ-ra-ên hưởng ứng ra sao? Họ đồng thanh đáp: “Chúng tôi sẽ làm mọi lời Đức Giê-hô-va phán-dạy” (Xuất 24:3). Sau đó, Môi-se viết các điều luật vào “quyển sách giao-ước” và đọc lớn tiếng để cả dân Y-sơ-ra-ên có thể nghe một lần nữa. Lần thứ ba, dân sự hứa: “Chúng tôi sẽ làm và vâng theo mọi lời Đức Giê-hô-va phán chỉ”.—Xuất 24:4, 7, 8.

12. Đức Giê-hô-va đã làm gì sau khi lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, còn dân Y-sơ-ra-ên thì sao?

12 Đức Giê-hô-va liền bắt tay vào việc thực hiện những điều đã cam kết với dân Y-sơ-ra-ên trong giao ước Luật pháp. Ngài cung cấp sự chỉ dẫn về lều tạm dành cho việc thờ phượng và chọn lớp thầy tế lễ để giúp loài người tội lỗi đến gần ngài. Thế nhưng, về phía dân Y-sơ-ra-ên, họ nhanh chóng quên lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Chúa Trời và “làm đau lòng” ngài (Thi 78:41, Bản Phổ thông). Chẳng hạn, trong khi Môi-se nhận thêm chỉ dẫn trên núi Si-na-i, người Y-sơ-ra-ên thiếu kiên nhẫn và bắt đầu mất đức tin nơi Đức Chúa Trời, họ nghĩ Môi-se đã bỏ mặc họ. Vì thế, họ làm một tượng bò con bằng vàng và nói với nhau rằng đó là thần đã đưa họ ra khỏi Ai Cập (Xuất 32:1, 4). Sau đó, họ tổ chức một lễ mà họ gọi là “lễ tôn-trọng Đức Giê-hô-va”, rồi cúi lạy và dâng vật tế lễ cho tượng do chính mình làm ra. Thấy vậy, Đức Chúa Trời bảo Môi-se: “[Họ] vội bỏ đạo ta truyền-dạy” (Xuất 32:5, 6, 8). Đáng buồn thay, kể từ đó dân Y-sơ-ra-ên có một lề thói là hứa với Đức Chúa Trời, sau đó lại thất hứa.—Dân 30:2.

HAI LỜI THỀ KHÁC

13. Đức Giê-hô-va đã lập lời thề nào với Đa-vít? Lời thề đó liên quan thế nào đến Dòng Dõi được hứa trước?

13 Trong triều đại của vua Đa-vít, Đức Giê-hô-va đã lập thêm hai lời thề vì lợi ích của những người vâng lời ngài. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va thề với Đa-vít rằng ngôi của ông sẽ còn đến đời đời, và Dòng Dõi được hứa trước sẽ thừa hưởng vương quyền của ông (Thi 89:35, 36; 132:11, 12). Như vậy, Dòng Dõi được hứa trước sẽ là “Con vua Đa-vít” (Mat 1:1; 21:9). Đa-vít đã khiêm nhường gọi hậu duệ này của ông là “Chúa” vì Đấng Ki-tô sẽ có vị thế cao hơn ông.—Mat 22:42-44.

14. Đức Giê-hô-va đã lập lời thề nào liên quan đến Dòng Dõi được hứa trước? Làm sao chúng ta được lợi ích từ lời thề ấy?

14 Thứ hai, Đức Giê-hô-va soi dẫn Đa-vít để báo trước rằng vị Vua độc nhất vô nhị ấy cũng sẽ phục vụ với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của nhân loại. Trong nước Y-sơ-ra-ên, vương quyền và chức thầy tế lễ hoàn toàn tách biệt. Các thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi, còn các vua thuộc chi phái Giu-đa. Thế nhưng, Đa-vít lại báo trước về người kế vị ông trong tương lai: “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi... Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế-lễ đời đời, tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc” (Thi 110:1, 4). Lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm. Chúa Giê-su Ki-tô, Dòng Dõi được hứa trước, hiện đang cai trị ở trên trời. Chúa Giê-su cũng phục vụ với tư cách là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, giúp những người ăn năn có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời.—Đọc Hê-bơ-rơ 7:21, 25, 26.

DÂN Y-SƠ-RA-ÊN MỚI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

15, 16. (a) Hai dân Y-sơ-ra-ên nào được Kinh Thánh nói đến? (b) Chúa Giê-su ban mệnh lệnh nào cho các môn đồ về việc lập lời thề?

15 Vì dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống từ bỏ Chúa Giê-su, nên họ đánh mất mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời cùng triển vọng trở thành “một nước thầy tế-lễ”. Chúa Giê-su nói với những nhà lãnh đạo Do Thái: “Nước Đức Chúa Trời sẽ bị cất khỏi các ông và ban cho một dân sinh hoa lợi cho nước ấy” (Mat 21:43). Dân mới ấy ra đời vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Lúc đó, thần khí của Đức Chúa Trời đổ trên 120 môn đồ của Chúa Giê-su khi họ đang nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem. Họ trở thành “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. Chẳng bao lâu, số người thuộc dân này lên tới hàng ngàn, họ đến từ nhiều nước trên thế giới.—Ga 6:16.

16 Khác với dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống, dân Y-sơ-ra-ên mới không ngừng “sinh hoa lợi” qua việc luôn vâng lời Đức Chúa Trời. Một trong những mệnh lệnh mà các thành viên của dân ấy vâng theo có liên quan đến lời thề. Khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, lời thề đã bị lạm dụng. Thời đó, người ta thề gian dối hoặc thề về những điều không quan trọng (Mat 23:16-22). Vì thế, Chúa Giê-su dạy các môn đồ: “Đừng thề chi hết... Khi anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không, còn những gì nằm ngoài hai điều đó đều từ Kẻ Ác mà ra”.—Mat 5:34, 37.

Đức Giê-hô-va luôn thực hiện lời hứa của ngài

17. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài kế tiếp?

17 Phải chăng điều này có nghĩa việc lập lời thề luôn là sai? Quan trọng hơn, việc “nói ‘có’ thì phải là có” bao hàm điều gì? Những câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp. Khi tiếp tục suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, chúng ta được thúc đẩy để luôn vâng lời ngài. Về phía Đức Giê-hô-va, ngài sẽ vui lòng ban phước cho chúng ta mãi mãi, phù hợp với những lời thề cao quý của ngài.