Đừng để bệnh tật cướp mất niềm vui
Đừng để bệnh tật cướp mất niềm vui
Hãy tưởng tượng một ngày nọ bạn thức dậy mà chỉ mong rằng ngày đó đừng bắt đầu. Bạn phải chịu đựng sự đau đớn về thể chất hoặc cảm xúc thêm một ngày nữa. Bạn có thể cảm thấy như Gióp khi ông nói: “Thà chết còn hơn sống” (Gióp 7:15, Bản Dịch Mới). Sẽ ra sao nếu tình trạng khốn khổ này tiếp tục kéo dài, thậm chí từ năm này sang năm khác?
Đó là những gì mà Mê-phi-bô-sết phải trải qua. Ông là con trai của Giô-na-than, bạn vua Đa-vít. Khi lên năm tuổi, Mê-phi-bô-sết bị ‘té, nên nỗi trở nên què’ (2 Sa 4:4). Hẳn là nỗi đau do tàn tật được nhân lên bởi sự đau buồn về cảm xúc, vì sau này ông bị vu oan tội phản bội vua và bị mất tài sản. Dù thế, ông luôn cho thấy mình là gương mẫu xuất sắc về việc chịu đựng bệnh tật, sự vu khống và nỗi thất vọng. Ông không để những điều đó cướp đi niềm vui của mình.—2 Sa 9:6-10; 16:1-4; 19:24-30.
Một gương mẫu khác là sứ đồ Phao-lô. Ông từng viết rằng mình phải đấu tranh với “một cái gai xóc vào thịt” (2 Cô 12:7). Cái gai mà ông đề cập đến có thể là một căn bệnh kinh niên, hoặc là những người thách thức cương vị sứ đồ của ông. Nhưng dù sao đi nữa, vấn đề này đã kéo dài và ông phải chịu đựng nỗi đau về thể chất hoặc tinh thần mà nó đem đến.—2 Cô 12:9, 10.
Các căn bệnh suy nhược mãn tính hoặc sự căng thẳng về cảm xúc gây khốn khổ cho một số tôi tớ Đức Chúa Trời ngày nay. Lúc 18 tuổi, chị Magdalena được chẩn đoán là mắc bệnh lupút ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus), một loại bệnh mà hệ miễn dịch của cơ thể dường như tự tấn công các cơ quan khác. Chị nói: “Tôi rất khiếp sợ. Với thời gian, tình trạng của tôi trở nên trầm trọng hơn. Tôi bị rối loạn tiêu hóa, loét miệng và các vấn đề liên quan đến tuyến giáp”. Tình trạng của chị Izabela thì ngược lại, nó không biểu hiện rõ ràng. Chị giải thích: “Từ nhỏ tôi đã bị trầm cảm. Hậu quả là những cơn hoảng loạn, khó thở và co thắt dạ dày. Tôi thường cảm thấy kiệt sức”.
Đối mặt với thực tế
Bệnh tật có thể làm đảo lộn cuộc sống bạn. Khi điều này xảy ra, việc ngồi xuống và đánh giá tình trạng của mình một cách thực tế sẽ mang lại lợi ích. Chấp nhận những hạn chế của bản thân không phải là điều dễ dàng. Chị Magdalena nói: “Bệnh tình của tôi ngày càng chuyển biến xấu đi. Tôi thường cảm thấy mệt mỏi đến mức không thể ra khỏi giường. Sự thất thường của căn bệnh khiến tôi rất khó lập các kế hoạch. Điều thất vọng nhất đối với tôi là mình không còn có thể phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều như trước”.
Anh Zbigniew cho biết: “Trong nhiều năm, bệnh viêm khớp dạng thấp đã rút cạn sức lực của tôi, gây tổn thương hết chỗ khớp này đến chỗ khớp khác. Đôi khi nó sưng tấy lên khiến
tôi không thể thực hiện được những công việc đơn giản nhất. Điều đó làm tôi cảm thấy chán nản”.Vài năm trước, chị Barbara được chẩn đoán là có một khối u đang lớn dần trong não. Chị nói: “Cơ thể tôi đã trải qua những thay đổi đột ngột. Tôi cảm thấy phờ phạc, thường bị đau đầu và gặp vấn đề về khả năng tập trung. Vì những hạn chế mới, tôi phải xem xét mình còn có thể thực hiện những việc thường làm hay không”.
Tất cả trường hợp kể trên đều là những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Đối với họ, việc làm theo ý muốn ngài chiếm hàng ưu tiên. Họ đặt trọn niềm tin nơi Đức Chúa Trời và được ngài hỗ trợ.—Châm 3:5, 6.
Đức Giê-hô-va giúp đỡ—Như thế nào?
Chúng ta phải tránh lối suy nghĩ cho rằng sự đau đớn mình gặp phải là dấu hiệu Đức Chúa Trời không hài lòng (Ca 3:33). Hãy nghĩ đến những gì Gióp phải trải qua dù ông là người “trọn-vẹn và ngay-thẳng” (Gióp 1:8). Đức Chúa Trời không dùng điều ác để thử thách bất kỳ ai (Gia 1:13). Mọi loại bệnh tật, cả bệnh kinh niên lẫn bệnh về cảm xúc, đều là di sản đau buồn từ A-đam và Ê-va, cha mẹ đầu tiên của nhân loại.—Rô 5:12.
Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su không bỏ rơi những người công chính (Thi 34:15). Đặc biệt trong những thời khắc khó khăn của cuộc sống, chúng ta nhận ra Đức Chúa Trời là ‘nơi nương-náu và đồn-lũy chúng ta’ (Thi 91:2). Vậy, khi đương đầu với những tình trạng khó giải quyết, điều gì có thể giúp bạn duy trì niềm vui?
Cầu nguyện: Noi theo gương mẫu của các tôi tớ trung thành thời xưa, bạn có thể trao gánh nặng cho Cha trên trời trong lời cầu nguyện (Thi 55:22). Làm thế, bạn có thể cảm nghiệm được “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu”. Sự bình an nội tâm đó “sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em” (Phi-líp 4:6, 7). Bằng cách nương cậy nơi Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, chị Magdalena đã chịu đựng được căn bệnh gây suy yếu. Chị cho biết: “Việc dốc đổ lòng mình cho Đức Giê-hô-va mang lại sự khuây khỏa và phục hồi niềm vui của tôi. Giờ đây tôi thật sự hiểu rằng việc nương cậy nơi Đức Chúa Trời hàng ngày có nghĩa gì”.—2 Cô 1:3, 4.
Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện bằng cách ban sức mạnh cho bạn qua thần khí, qua Lời của ngài và qua các anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Bạn không thể mong chờ Đức Chúa Trời dùng phép lạ chữa lành bệnh tật cho mình. Nhưng bạn có thể tin rằng ngài sẽ ban sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để bạn chịu đựng mọi nghịch cảnh (Châm 2:7). Ngài sẽ làm bạn vững mạnh, ban cho bạn “sức lực hơn mức bình thường”.—2 Cô 4:7.
Gia đình: Một bầu không khí yêu thương và cảm thông trong gia đình có thể giúp bạn chịu đựng bệnh tật. Nhưng hãy nhớ rằng người thân của bạn cũng đang chịu đựng. Họ có thể cũng cảm thấy bất lực giống như bạn. Dù thế, họ vẫn ở bên bạn, thậm chí trong những lúc khó khăn. Cùng nhau cầu nguyện sẽ giúp bạn giữ được tấm lòng bình tịnh.—Châm 14:30.
Chị Barbara nói về con gái mình và các chị trẻ trong hội thánh như sau: “Các cháu giúp đỡ tôi trong thánh chức. Sự sốt sắng của các cháu làm tôi ấm lòng”. Anh Zbigniew nhận thấy sự giúp đỡ của vợ anh là vô giá, anh nói: “Cô ấy chăm lo hầu như mọi việc trong nhà. Cô ấy còn giúp tôi mặc quần áo và thường xách cặp cho tôi khi đi dự nhóm họp và rao giảng”.
Các anh em đồng đạo: Khi kết hợp với anh em đồng đạo, chúng ta được khích lệ và an ủi. Nhưng nếu vì bệnh tật mà bạn không thể đến dự các buổi nhóm họp thì sao? Chị Magdalena cho biết: “Để tôi nhận được lợi ích từ các buổi nhóm họp, hội thánh đã thu âm buổi nhóm. Các anh em đồng đạo thường gọi điện để xem họ có thể giúp gì không. Họ cũng gửi thư khích lệ tôi. Việc biết rằng các anh em nhớ đến mình và quan tâm đến tình trạng của mình giúp tôi có thể chịu đựng”.
Chị Izabela, người mắc chứng trầm cảm, phát biểu: “Trong hội thánh, tôi có nhiều ‘cha’ và ‘mẹ’, họ là những người sẵn sàng lắng nghe và cố gắng thấu hiểu tôi. Hội thánh là gia đình của tôi, là nơi tôi cảm nghiệm được sự bình an và vui vẻ”.
Những ai đang đối mặt với thử thách cần tránh “ở riêng”. Thay vì thế, họ quý trọng mối Châm 18:1). Do đó, họ trở thành một nguồn khích lệ lớn cho những người khác. Ban đầu bạn có thể ngần ngại cho anh chị khác biết nhu cầu của mình. Tuy nhiên, các anh em đồng đạo của bạn sẽ rất vui nếu bạn thẳng thắn. Điều này cho họ cơ hội bày tỏ “tình huynh đệ không giả dối” (1 Phi 1:22). Sao không cho họ biết bạn cần có người đưa đến buổi nhóm họp? Hay bạn muốn cùng họ tham gia thánh chức? Hoặc bạn đang cần một người để tâm sự? Dĩ nhiên, chúng ta không nên đòi hỏi nhưng quý trọng sự giúp đỡ của các anh em.
quan hệ với hội thánh (Hãy tích cực: Chìa khóa để bạn không đánh mất niềm vui khi đương đầu với các căn bệnh kinh niên thường nằm trong tay của chính bạn. Tâm trạng u sầu và cảm giác nản lòng có thể dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Kinh Thánh nói rõ: “Tâm-thần người nâng-đỡ sự bịnh-hoạn mình; nhưng trí bị nao-sờn ai chịu sao nổi?”.—Châm 18:14.
Chị Magdalena chia sẻ: “Tôi nỗ lực hết sức để tránh chú tâm vào vấn đề của mình. Tôi cố gắng vui hưởng những ngày mà mình cảm thấy khỏe hơn. Tôi tìm được sự khích lệ khi đọc các tự truyện của những người giữ vững lòng trung thành bất kể bệnh tật kéo dài”. Còn chị Izabela thì được thêm sức nhờ ý nghĩ Đức Giê-hô-va yêu mến và quý trọng chị. Chị nói: “Tôi cảm thấy được yêu quý và có mục đích trong đời sống. Tôi cũng có một triển vọng tuyệt vời trong tương lai”.
Anh Zbigniew cho biết: “Căn bệnh dạy tôi tính khiêm nhường và vâng lời. Nó giúp tôi biết cách thể hiện sự suy xét sáng suốt cũng như sự tha thứ chân thành. Tôi tìm được niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va mà không cảm thấy tủi thân. Thực ra, tôi được thúc đẩy để tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng”.
Hãy luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va chú ý đến sự chịu đựng của bạn. Ngài thông cảm với những đau khổ của bạn và quan tâm đến bạn. Ngài sẽ không “quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài” (Hê 6:10). Hãy đặt vào lòng bạn lời hứa dành cho mọi người kính sợ ngài: “Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi”.—Hê 13:5.
Nếu có lúc bạn cảm thấy nản lòng, hãy tập trung vào hy vọng tuyệt diệu về đời sống trong thế giới mới. Không bao lâu nữa, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt các ân phước của Nước Đức Chúa Trời trên trái đất này!
[Khung/Hình nơi trang 28, 29]
Họ tiếp tục rao giảng bất chấp bệnh kinh niên
“Tôi không còn tự đi được nữa, vì thế vợ tôi hoặc một vài anh chị khác hỗ trợ tôi trong thánh chức. Tôi học thuộc những lời trình bày và các câu Kinh Thánh”.—Anh Jerzy, bị suy giảm thị lực.
“Ngoài việc làm chứng qua điện thoại, tôi còn viết thư và đều đặn hồi đáp cho một vài người chú ý. Khi ở bệnh viện, tôi luôn đặt Kinh Thánh và các ấn phẩm kế bên giường. Điều đó giúp tôi bắt đầu nhiều cuộc nói chuyện thú vị”.—Chị Magdalena, bị bệnh lupút ban đỏ hệ thống.
“Tôi thích đi rao giảng từng nhà, nhưng khi cảm thấy không đủ sức, tôi làm chứng qua điện thoại”.—Chị Izabela, bị bệnh lý trầm cảm.
“Tôi thích đi thăm lại và giúp người khác học Kinh Thánh. Vào những ngày khỏe hơn, tôi thích đi làm chứng từng nhà”.—Chị Barbara, bị u não.
“Tôi chỉ mang một cái cặp nhẹ đựng tạp chí. Tôi tiếp tục đi cho đến khi không chịu được những cơn đau khớp nữa”.—Anh Zbigniew, bị viêm khớp dạng thấp.
[Hình nơi trang 30]
Người lớn cũng như trẻ em đều có thể là nguồn khích lệ