“Chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”
“Chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”
“Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”.—CHÂM 3:5.
1, 2. (a) Chúng ta có thể gặp phải những hoàn cảnh nào? (b) Khi đối mặt với sự lo lắng, những quyết định quan trọng hoặc sự cám dỗ, chúng ta nên nương cậy ai và tại sao?
Chủ của chị Cúc * đã cắt giảm một số hoạt động trong công ty và sa thải một số nhân viên. Chị Cúc cảm thấy mình sẽ là người kế tiếp phải ra đi. Chị sẽ làm gì nếu mất việc? Chị lấy đâu ra tiền để thanh toán các hóa đơn? Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô tên là Phượng muốn dọn đến nơi cần người công bố Nước Trời, chị có nên đi không? Một thanh niên tên Sang có mối lo lắng khác. Lúc nhỏ, anh đã thấy hình ảnh khiêu dâm. Hiện nay anh đã ngoài 20 tuổi và ham muốn xem lại những hình ảnh đó. Anh có thể làm gì để cưỡng lại cám dỗ?
2 Khi đối mặt với sự lo lắng, những quyết định quan trọng hoặc sự cám dỗ, bạn nương cậy ai? Bạn chỉ nương cậy chính mình hay là ‘trao gánh-nặng cho Đức Giê-hô-va’? (Thi 55:22). Kinh Thánh nói: “Mắt Đức Giê-hô-va đoái-xem người công-bình, lỗ tai Ngài nghe tiếng kêu-cầu của họ” (Thi 34:15). Vậy, thật quan trọng biết bao khi chúng ta hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va chứ không nương cậy sự thông sáng của mình.—Châm 3:5.
3. (a) Tin cậy Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? (b) Tại sao một số người có khuynh hướng tin cậy bản thân?
3 Hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va bao hàm việc làm theo đường lối và ý muốn của ngài. Chủ yếu là chúng ta nên thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và thành tâm xin ngài hướng dẫn. Tuy nhiên, hết lòng nương cậy Đức Giê-hô-va có thể là một thử thách đối với nhiều người. Chẳng hạn, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô tên là Lynn nhìn nhận: “Học nương cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va là một thách đố đối với tôi”. Tại sao thế? Chị cho biết: “Tôi không sống với cha, còn mẹ thì không quan tâm chút nào đến cảm xúc và nhu cầu của tôi. Vì thế, tôi đã sớm học cách tự lo cho mình”. Quá khứ của chị Lynn khiến chị khó tin cậy hoàn toàn nơi ai. Khả năng và thành quả trong cuộc sống cũng có thể khiến một người quá tự tin. Một trưởng lão có lẽ dựa vào kinh nghiệm bản thân để xử lý các vấn đề trong hội thánh mà không cầu nguyện Đức Chúa Trời trước.
4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
4 Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta cố gắng hết sức hành động theo những gì mình cầu xin và sống phù hợp với ý muốn ngài. Vậy, làm sao chúng ta có thể giữ thăng bằng giữa việc trao mọi lo lắng của mình cho ngài với việc làm phần của mình để giải quyết các khó khăn? Khi đứng trước các quyết định, chúng ta phải lưu ý điều gì? Khi cố gắng cưỡng lại cám dỗ, tại sao cầu nguyện là điều quan trọng? Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi này qua việc suy ngẫm vài gương trong Kinh Thánh.
Khi lo lắng
5, 6. Ê-xê-chia phản ứng thế nào khi bị vua A-si-ri đe dọa?
5 Về vua của nước Giu-đa là Ê-xê-chia, Kinh Thánh nói: “Người tríu-mến Đức Giê-hô-va, không xây-bỏ Ngài, song gìn-giữ các điều-răn mà Đức Giê-hô-va đã truyền cho Môi-se”. Đúng vậy, “Ê-xê-chia nhờ-cậy nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (2 Vua 18:5, 6). Có lần vua San-chê-ríp của nước A-si-ri cử sứ giả, trong đó có Ráp-sa-kê, cùng quân đội hùng hậu đến Giê-ru-sa-lem. Quân A-si-ri đã chiếm được nhiều thành kiên cố của Giu-đa và giờ đây, San-chê-ríp để mắt đến Giê-ru-sa-lem. Ê-xê-chia phản ứng thế nào? Ông đến đền thờ của Đức Giê-hô-va và cầu nguyện: “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng tôi ôi! hãy giải-cứu chúng tôi khỏi tay San-chê-ríp, hầu cho muôn nước trên đất biết rằng chỉ một mình Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”.—2 Vua 19:14-19.
6 Ê-xê-chia đã hành động theo lời cầu nguyện của ông. Ngay cả trước khi đến đền thờ để cầu nguyện, ông đã bảo dân sự không đáp lại lời chế nhạo của Ráp-sa-kê. Sau đó, Ê-xê-chia cũng cử người đến gặp nhà tiên tri Ê-sai để xin lời khuyên (2 Vua 18:36; 19:1, 2). Ê-xê-chia chỉ làm những gì ông biết là Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng. Trong trường hợp này, ông không tìm giải pháp trái với ý muốn của ngài là cầu viện Ai Cập hoặc các nước láng giềng. Ê-xê-chia đã tin cậy Đức Giê-hô-va thay vì nương cậy bản thân. Sau khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va giết 185.000 quân của San-chê-ríp, hắn “bèn trở về” Ni-ni-ve.—2 Vua 19:35, 36.
7. Qua lời cầu nguyện của An-ne và Giô-na, chúng ta được an ủi thế nào?
7 Bà An-ne, vợ của một người Lê-vi tên là Ên-ca-na, cũng nương cậy Đức Giê-hô-va khi bà lo buồn về việc không thể sinh con (1 Sa 1:9-11, 18). Một thời gian ở trong bụng con cá lớn, nhà tiên tri Giô-na đã được giải thoát sau khi ông cầu nguyện: “Tôi gặp hoạn-nạn, kêu-cầu Đức Giê-hô-va, thì Ngài đã trả lời cho tôi. Từ trong bụng Âm-phủ, tôi kêu-la, thì Ngài đã nghe tiếng tôi” (Giô-na 2:2, 3, 11). Thật an ủi làm sao khi biết rằng cho dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến thế nào, chúng ta có thể kêu cầu Đức Giê-hô-va “nghe lời nài-xin” của mình.—Đọc Thi-thiên 55:1, 16.
8, 9. Ê-xê-chia, An-ne và Giô-na đã nêu lên những mối quan tâm nào trong lời cầu nguyện? Chúng ta có thể rút ra được bài học nào?
8 Gương của Ê-xê-chia, An-ne và Giô-na cho thấy chúng ta không nên quên cầu nguyện điều gì khi lo lắng. Cả ba đều cảm thấy đau buồn khi ở trong tình cảnh ngặt nghèo. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của họ cho thấy họ không chỉ lo cho bản thân và muốn thoát khỏi vấn đề. Điều quan trọng nhất đối với họ là danh Đức Chúa Trời, thờ phượng và làm theo ý muốn của ngài. Ê-xê-chia đau lòng khi danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Bà An-ne hứa dâng đứa con mà bà mong ước bấy lâu để phục vụ trong đền tạm tại Si-lô. Còn Giô-na thì nói: “Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa-nguyện”.—Giô-na 2:10.
9 Khi cầu xin thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần xem xét động cơ của mình. Chúng ta chỉ muốn thoát khỏi vấn đề hay nghĩ đến Đức Giê-hô-va và ý định của ngài? Sự đau khổ có thể khiến chúng ta dễ chú trọng đến vấn đề của mình và dần dần lơ là những điều tâm linh. Khi cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ, chúng ta hãy tập trung cầu nguyện về việc làm thánh danh và biện minh cho quyền tối thượng của ngài. Khi làm thế, chúng ta sẽ giữ được quan điểm tích cực ngay cả nếu giải pháp cho vấn đề không như chúng ta mong muốn. Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng cách giúp sức để chúng ta tiếp tục chịu đựng vấn đề.—Đọc Ê-sai 40:29; Phi-líp 4:13.
Khi đứng trước các quyết định
10, 11. Giô-sa-phát đã làm gì khi đứng trước tình huống khó xử?
10 Bạn quyết định những điều quan trọng trong đời sống như thế nào? Bạn có quyết định trước rồi mới cầu nguyện Đức Giê-hô-va ban phước không? Hãy xem điều Giô-sa-phát, vua Giu-đa, đã làm khi nước Mô-áp và Am-môn liên minh với nhau để khiêu chiến với ông. Nước Giu-đa không đủ sức chống lại họ. Vậy, Giô-sa-phát đã làm gì?
11 Kinh Thánh nói: “Giô-sa-phát sợ-hãi, rắp lòng tìm-cầu Đức Giê-hô-va”. Ông bảo cả dân Giu-đa phải kiêng ăn và nhóm lại để “cầu Đức Giê-hô-va cứu-giúp”. Rồi ông đứng trong hội chúng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem mà cầu nguyện. Trong đó, ông nài xin: “Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ôi, chớ thì Ngài sẽ không xét-đoán chúng nó sao? Vì nơi chúng tôi chẳng còn sức-lực gì đối địch cùng đám quân đông-đảo nầy đương đến hãm đánh chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng tôi ngửa trông Chúa!”. Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của Giô-sa-phát và làm phép lạ để giải cứu nước Giu-đa (2 Sử 20:3-12, 17). Khi đứng trước các quyết định, đặc biệt là những điều ảnh hưởng đến đức tin, chẳng phải chúng ta nên nương cậy Đức Giê-hô-va hơn là tin cậy bản thân sao?
12, 13. Khi đứng trước các quyết định, vua Đa-vít đã nêu gương mẫu nào?
12 Chúng ta nên làm gì khi đứng trước tình huống dường như dễ giải quyết hơn, có lẽ vì từng trải qua nên chúng ta quyết định nhanh chóng? Lời tường thuật về vua Đa-vít cho thấy rõ chúng ta nên làm gì trong trường hợp như thế. Khi dân A-ma-léc bất ngờ tấn công thành Xiếc-lác, họ bắt vợ con của Đa-vít và của những người theo ông. Vì thế, ông cầu vấn Đức Giê-hô-va: “Tôi phải đuổi theo đạo-binh nầy chăng?”. Ngài đáp: “Hãy khởi đuổi theo nó; quả thật ngươi sẽ theo kịp, và giải-cứu hết thảy những kẻ bị bắt”. Đa-vít đã làm theo và “thâu lại mọi vật dân A-ma-léc đã cướp lấy”.—1 Sa 30:7-9, 18-20.
13 Không lâu sau khi bị quân A-ma-léc đột kích, dân Y-sơ-ra-ên bị quân Phi-li-tin tấn công. Đa-vít lại cầu vấn Đức Giê-hô-va và nhận được câu trả lời rõ ràng. Đức Chúa Trời nói: “Hãy đi lên, vì hẳn ta sẽ phó dân Phi-li-tin vào tay ngươi” (2 Sa 5:18, 19). Sau đó không lâu, quân Phi-li-tin lại tấn công Đa-vít. Lần này ông sẽ làm gì? Ông có thể lý luận: ‘Ta đã đương đầu với tình huống này hai lần rồi. Vậy thì ta cứ đánh lại quân thù của Đức Chúa Trời như trước’. Hay Đa-vít sẽ xin sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? Đa-vít đã không dựa vào kinh nghiệm riêng của mình. Ông tiếp tục cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Hẳn là ông vui biết bao vì đã làm thế! Lần này, ông nhận được chỉ thị khác (2 Sa 5:22, 23). Khi đương đầu với tình huống hoặc vấn đề tương tự, chúng ta phải cẩn thận để không chỉ dựa vào kinh nghiệm riêng của mình.—Đọc Giê-rê-mi 10:23.
14. Chúng ta rút ra bài học gì từ lời tường thuật về Giô-suê và dân Ga-ba-ôn?
14 Vì bất toàn, tất cả chúng ta, kể cả trưởng lão có kinh nghiệm, cần cẩn thận để không quên tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va khi đứng trước quyết định. Hãy xem cách phản ứng của Giô-suê, người kế nhiệm Môi-se, và các trưởng lão Y-sơ-ra-ên khi dân Ga-ba-ôn mưu mô lừa họ bằng cách giả dạng là những người ở xứ xa đến. Giô-suê và các trưởng lão lập hòa với dân Ga-ba-ôn, rồi kết ước với họ mà không cầu vấn Đức Giê-hô-va. Dù cuối cùng Đức Giê-hô-va cũng chấp nhận giao ước đó nhưng ngài đã cho ghi lại trong Kinh Thánh việc dân Y-sơ-ra-ên không tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài để chúng ta được lợi ích.—Giô-suê 9:3-6, 14, 15.
Khi phấn đấu cưỡng lại cám dỗ
15. Hãy giải thích tại sao việc cầu nguyện là trọng yếu để cưỡng lại cám dỗ?
15 Vì phục dưới “luật của tội lỗi” nên chúng ta cần tranh đấu rất nhiều để cưỡng lại khuynh hướng tội lỗi (Rô 7:21-25). Đây là cuộc tranh đấu mà chúng ta có thể chiến thắng. Bằng cách nào? Chúa Giê-su bảo các môn đồ rằng việc cầu nguyện là trọng yếu để cưỡng lại cám dỗ. (Đọc Lu-ca 22:40). Cho dù đã cầu nguyện Đức Chúa Trời rồi nhưng nếu các ước muốn và ý nghĩ sai trái vẫn còn, chúng ta nên “tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời” ban sự khôn ngoan để đối phó với thử thách này. Chúng ta biết chắc rằng “ngài rộng rãi ban cho mọi người mà không trách mắng gì” (Gia 1:5). Gia-cơ cũng viết: “Có ai trong anh em đang đau bệnh [về tâm linh] không? Người ấy hãy mời các trưởng lão hội thánh đến, để họ cầu nguyện và nhân danh Đức Giê-hô-va mà xức dầu cho mình. Lời cầu nguyện với đức tin sẽ giúp người bệnh được lành”.—Gia 5:14, 15.
16, 17. Khi cần giúp đỡ để cưỡng lại cám dỗ, cầu nguyện lúc nào là tốt nhất?
16 Cầu nguyện là điều cần thiết để cưỡng lại cám dỗ nhưng chúng ta phải biết lúc nào mình cần cầu nguyện. Hãy xem trường hợp của chàng thanh niên được nói đến nơi Châm-ngôn 7:6-23. Lúc chạng vạng tối, anh ta đi theo con đường dẫn đến nơi mà mình biết có người đàn bà dâm loạn. Bị lầm lạc bởi những lời quyến dụ ngon ngọt của bà ta, chàng thanh niên đi theo như con bò đến lò cạo. Tại sao anh ta lại đi theo con đường ấy? Kinh Thánh nói anh ta là người “không trí hiểu”. Có lẽ anh ta cũng phấn đấu để chống lại những ước muốn sai trái (Châm 7:7). Thế thì anh cầu nguyện lúc nào là tốt nhất? Dĩ nhiên, vào bất cứ lúc nào trong thời gian gặp người đàn bà này, việc cầu nguyện để cưỡng lại cám dỗ đều có lợi. Tuy nhiên, tốt nhất anh nên cầu nguyện khi vừa có ý nghĩ đi theo con đường ấy.
17 Ngày nay, một người có lẽ cố gắng rất nhiều để không xem hình ảnh khiêu dâm. Tuy nhiên, nói sao nếu anh vào trang web mà anh biết có video hoặc hình ảnh khiêu dâm? Chẳng phải tình huống của anh cũng giống như chàng thanh niên được ghi nơi Châm-ngôn chương 7 hay sao? Thật là một con đường nguy hiểm! Để cưỡng lại cám dỗ xem tài liệu khiêu dâm, một người cần cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ trước khi vào một trang web nguy hiểm.
18, 19. (a) Tại sao khó để cưỡng lại cám dỗ, nhưng làm sao bạn có thể vượt qua? (b) Bạn quyết tâm làm gì?
18 Việc cưỡng lại cám dỗ hoặc vượt qua những thói xấu là điều không dễ. Sứ đồ Ga 5:17). Để vượt qua thử thách này, chúng ta cần thành tâm cầu nguyện khi sự cám dỗ và ý nghĩ sai trái vừa xuất hiện, rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Kinh Thánh nói: “Anh em không gặp cám dỗ nào khác với mọi người”, và nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ luôn trung thành với ngài.—1 Cô 10:13.
Phao-lô viết: “Ham muốn của xác thịt trái ngược với thần khí, và thần khí trái ngược với ham muốn của xác thịt”. Vì thế, “những gì [chúng ta] muốn làm thì lại không làm” (19 Dù chúng ta gặp phải một tình huống khó khăn, đưa ra quyết định quan trọng hay cố gắng cưỡng lại cám dỗ, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời, đó là việc cầu nguyện. Qua việc cầu nguyện, chúng ta cho thấy mình nương cậy nơi ngài. Chúng ta cũng nên luôn xin Đức Chúa Trời ban thần khí để hướng dẫn và thêm sức cho chúng ta (Lu 11:9-13). Vậy, chúng ta hãy tin cậy Đức Giê-hô-va chứ không tin nơi sự thông sáng của mình.
[Chú thích]
^ đ. 1 Các tên đã đổi.
Bạn có nhớ không?
• Trong việc tin cậy Đức Giê-hô-va, bạn học được gì từ Ê-xê-chia, An-ne và Giô-na?
• Gương của Đa-vít và Giô-suê nhấn mạnh thế nào việc cần phải cẩn thận khi quyết định?
• Chúng ta nên đặc biệt cầu nguyện khi nào để cưỡng lại cám dỗ?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 9]
Để cưỡng lại cám dỗ, cầu nguyện lúc nào là có lợi nhất?