Những đức tính chúng ta phải đeo đuổi
Những đức tính chúng ta phải đeo đuổi
“[Hãy] đeo đuổi sự công chính, tin kính, đức tin, yêu thương, nhẫn nại, hiền hòa”.—1 TI 6:11, Bản Diễn Ý.
1. Trong thế gian ngày nay, người ta đeo đuổi điều gì?
Trong thế gian ngày nay, người ta đeo đuổi điều gì? Như Kinh Thánh cho thấy, nhiều người nhắm đến những mục tiêu không có giá trị. Một số người “tham tiền”, tin rằng của cải vật chất mang lại hạnh phúc. Một số khác “ưa-thích sự vui chơi”, xem thú vui và giải trí là mục tiêu chính trong đời sống (2 Ti 3:2, 4). Dù bỏ ra rất nhiều nỗ lực, nhưng thật ra họ đang đeo đuổi những điều “hư không, theo luồng gió thổi”.—Truyền 1:14.
2. (a) Đức Chúa Trời kêu gọi một số tín đồ Đấng Christ đeo đuổi giải thưởng nào? (b) Đức Giê-hô-va mở ra triển vọng nào cho phần lớn tín đồ Đấng Christ ngày nay?
2 Tương phản với những điều nêu trên, sứ đồ Phao-lô nói đến một mục tiêu cao quý, ông viết: “Tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 3:14). Kinh Thánh cho thấy tất cả 144.000 tín đồ Đấng Christ được xức dầu, trong đó có Phao-lô, nhận được giải thưởng là sự sống ở trên trời. Họ sẽ cùng với Chúa Giê-su cai trị trái đất trong Triều Đại Một Ngàn Năm. Đối với những người được Đức Chúa Trời kêu gọi, đó quả là một mục tiêu tuyệt vời để đeo đuổi! Tuy nhiên, đại đa số tín đồ Đấng Christ ngày nay có một triển vọng hay mục tiêu khác. Đức Giê-hô-va yêu thương ban cho họ điều mà A-đam và Ê-va đã đánh mất, đó là triển vọng sống đời đời với sức khỏe hoàn toàn trong địa đàng trên đất.—Khải 7:4, 9; 21:1-4.
3. Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn về ân điển của Đức Chúa Trời?
3 Dù cố gắng làm điều đúng, con người tội lỗi không thể đạt được sự sống đời đời bằng nỗ lực riêng (Ê-sai 64:6). Điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách đặt đức tin nơi sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi qua Chúa Giê-su Christ. Chúng ta có thể làm gì để biểu lộ lòng biết ơn về ân điển ấy của Đức Chúa Trời? Một cách là vâng theo mạng lệnh: “[Hãy] đeo đuổi sự công chính, tin kính, đức tin, yêu thương, nhẫn nại, hiền hòa” (1 Ti 6:11, BDY). Xem xét những đức tính này có thể giúp mỗi người chúng ta càng quyết tâm đeo đuổi các đức tính ấy trọn vẹn hơn.—1 Tê 4:1.
Đeo đuổi sự công bình
4. Tại sao chúng ta có thể chắc chắn việc đeo đuổi sự công bình là quan trọng? Và trước tiên một người cần phải làm gì?
4 Trong cả hai lá thư gửi cho Ti-mô-thê, sứ đồ Phao-lô liệt kê những đức tính cần phải đeo đuổi, mỗi lần ông đều đề cập trước tiên đến “điều công-bình”, hay công chính (1 Ti 6:11; 2 Ti 2:22). Ngoài ra, những đoạn Kinh Thánh khác cũng nhiều lần khuyến khích chúng ta đeo đuổi sự công bình (Châm 15:9; 21:21; Ê-sai 51:1). Một cách để bắt đầu làm điều này là “nhìn biết. . . Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). Việc đeo đuổi sự công bình sẽ thôi thúc một người hành động—ăn năn tội lỗi trong quá khứ và “trở lại” để làm theo ý Đức Chúa Trời.—Công 3:19.
5. Làm sao chúng ta có được và duy trì vị thế công bình trước mắt Đức Chúa Trời?
5 Hàng triệu người thành thật đeo đuổi sự công bình đã dâng đời sống họ cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình đó qua việc làm báp têm trong nước. Nếu là tín đồ Đấng Christ đã báp têm, bạn có nghĩ đến lối sống của mình phải cho thấy bạn đeo đuổi sự công bình không? Rất có thể bạn đang làm điều đó. Khi đứng trước các quyết định liên quan đến lối sống, một khía cạnh của việc đeo đuổi sự công bình là nhận biết “điều lành và dữ” dựa trên Kinh Thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Chẳng hạn, nếu là một tín đồ độc thân ở độ tuổi kết hôn, bạn có kiên quyết tránh mối quan hệ lãng mạn với người không phải là tín đồ Đấng Christ đã báp têm không? Bạn hẳn sẽ làm thế nếu đeo đuổi sự công bình.—1 Cô 7:39.
6. Thật sự đeo đuổi điều công bình liên quan đến điều gì?
6 Người công bình khác với người tự cho mình là công bình hoặc tỏ ra “công-bình quá” (Truyền 7:16). Chúa Giê-su khuyên đừng phô trương sự công bình để tỏ ra mình tốt hơn người khác (Mat 6:1). Việc thật sự đeo đuổi điều công bình có liên quan đến lòng—sửa đổi những ý tưởng, thái độ, động cơ và ham muốn sai trái. Nếu cố gắng làm điều này, chúng ta sẽ không dễ phạm tội trọng. (Đọc Châm-ngôn 4:23; so sánh với Gia-cơ 1:14, 15). Hơn nữa, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước và giúp chúng ta trong việc đeo đuổi những đức tính quan trọng khác của người tín đồ Đấng Christ.
Đeo đuổi sự tin kính
7. Sự tin kính là gì?
7 Theo một từ điển Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “tin kính” diễn tả “thái độ lành mạnh, cẩn thận gìn giữ lòng kính sợ đối với Đức Chúa Trời”. Từ này cũng bao hàm sự nhiệt tâm dâng mình và trung thành. Dân Y-sơ-ra-ên thường không thể hiện sự tin kính ấy; họ không vâng lời, ngay cả sau khi được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi xứ Ê-díp-tô.
8. (a) Qua tội lỗi của A-đam, câu hỏi nào đã được nêu ra? (b) Câu trả lời về “sự mầu-nhiệm” được tiết lộ như thế nào?
8 Hàng ngàn năm sau khi người hoàn toàn A-đam phạm tội, câu hỏi vẫn được nêu ra là: “Có người nào thể hiện được lòng tin kính một cách hoàn hảo không?”. Trải qua hàng thế kỷ, không người tội lỗi nào có thể sống một đời tin kính cách hoàn hảo được. Nhưng đến đúng thời điểm, Đức Giê-hô-va tiết lộ câu trả lời về “sự mầu-nhiệm” này. Ngài đã chuyển sự sống của Con độc sanh từ trên trời vào lòng trinh nữ Ma-ri để Con ấy sinh ra là người hoàn toàn. Qua đời sống trên đất và cái chết nhục nhã, Chúa Giê-su cho thấy thế nào là nhiệt tâm dâng mình và trung thành trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho thấy lòng tôn kính của ngài đối với Cha đầy yêu thương ở trên trời (Mat 11:25; Giăng 12:27, 28). Vì vậy, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn sứ đồ Phao-lô nói đến “sự tin-kính” khi viết về lối sống gương mẫu của Chúa Giê-su.—Đọc 1 Ti-mô-thê 3:16.
9. Làm thế nào chúng ta có thể đeo đuổi sự tin kính?
9 Trong tình trạng tội lỗi, chúng ta không thể biểu lộ sự tin kính một cách hoàn hảo. Nhưng, chúng ta có thể đeo đuổi điều này. Để làm thế, chúng ta phải cố gắng theo sát gương mẫu Đấng Christ (1 Phi 2:21). Như vậy, chúng ta sẽ không giống kẻ giả hình, “bề ngoài giữ điều nhân-đức, nhưng chối-bỏ quyền-phép của nhân-đức đó” (2 Ti 3:5). Điều này không có nghĩa là sự tin kính chẳng liên quan gì đến ngoại diện. Hai điều này có liên quan với nhau. Thí dụ, dù chọn áo cưới hay quyết định ăn mặc thế nào khi đi chợ, ngoại diện của chúng ta cũng phải luôn phù hợp với tư cách của người “tin-kính Chúa” (1 Ti 2:9, 10). Thật vậy, việc đeo đuổi sự tin kính đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời trong đời sống hằng ngày.
Đeo đuổi đức tin
10. Chúng ta phải làm gì để giữ đức tin mạnh mẽ?
10 Đọc Rô-ma 10:17. Muốn có được và gìn giữ đức tin mạnh mẽ, một tín đồ Đấng Christ phải luôn suy ngẫm những lẽ thật quý báu trong Lời Đức Chúa Trời. “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã cung cấp nhiều ấn phẩm hữu ích. Hai cuốn sách đặc biệt là Người vĩ đại nhất đã từng sống và Hãy học theo Thầy Vĩ Đại được biên soạn để giúp chúng ta biết rõ hơn về Chúa Giê-su và nhờ thế biết cách noi gương ngài (Mat 24:45-47). Lớp người đầy tớ cũng sắp đặt các buổi họp và hội nghị, trong số đó có nhiều chương trình nhấn mạnh “lời của Đấng Christ”. Bạn có thấy cách nào để tận dụng những điều này khi “chú tâm hơn nữa” vào những gì Đức Chúa Trời cung cấp không?—Hê 2:1, Tòa Tổng Giám Mục.
11. Cầu nguyện và vâng lời đóng vai trò nào trong việc đeo đuổi đức tin?
Lu 17:5). Vậy, chúng ta nên cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh giúp chúng ta; đức tin là một khía cạnh của trái thánh linh (Ga 5:22, NW). Hơn nữa, khi vâng theo mạng lệnh Đức Chúa Trời, đức tin của chúng ta thêm vững mạnh. Chẳng hạn, chúng ta có thể cố gắng tham gia nhiều hơn vào công việc rao giảng. Điều này khiến chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc. Và khi nghĩ đến những ân phước nhận được qua việc ‘tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài trước hết’, đức tin của chúng ta sẽ lớn mạnh.—Mat 6:33.
11 Cầu nguyện là một cách khác để xây đắp đức tin. Có lần, các môn đồ của Chúa Giê-su xin ngài: “Xin thêm đức-tin cho chúng tôi”. Chúng ta cũng có thể khiêm nhường cầu xin Đức Chúa Trời như thế (Đeo đuổi tình yêu thương
12, 13. (a) Điều răn mới của Chúa Giê-su là gì? (b) Chúng ta phải đeo đuổi tình yêu thương giống như Đấng Christ qua những cách quan trọng nào?
12 Đọc 1 Ti-mô-thê 5:1, 2. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên thực tế về cách tín đồ Đấng Christ có thể biểu lộ tình yêu thương với nhau. Lòng tin kính của chúng ta phải bao gồm việc vâng theo điều răn mới của Chúa Giê-su là phải “yêu nhau” như ngài đã yêu chúng ta (Giăng 13:34). Sứ đồ Giăng nói: “Nếu ai có của-cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng-túng mà chặt dạ, thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!” (1 Giăng 3:17). Bạn có thể nghĩ đến những trường hợp nào mà bạn đã biểu lộ tình yêu thương một cách thực tế không?
13 Một cách khác để chúng ta đeo đuổi tình yêu thương là tha thứ, không nuôi lòng oán giận anh em. (Đọc 1 Giăng 4:20). Thay vì thế, chúng ta muốn làm theo lời khuyên được soi dẫn này: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy” (Cô 3:13). Trong hội thánh, có anh chị nào mà bạn có thể áp dụng lời khuyên này không? Liệu bạn sẽ tha thứ cho người đó không?
Đeo đuổi sự nhẫn nại
14. Chúng ta có thể học được gì từ hội thánh Phi-la-đen-phi?
14 Cố gắng hết sức để đạt mục tiêu ngắn hạn là một chuyện, nhưng khi mục tiêu ấy khó đạt tới và xa hơn mình nghĩ thì lại là chuyện khác. Rõ ràng, việc đeo đuổi mục tiêu sống đời đời đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại, hay nhịn nhục hoặc bền lòng. Chúa Giê-su nói với hội thánh Phi-la-đen-phi: “Vì ngươi đã giữ lời Ta dạy phải kiên nhẫn chịu đựng, nên Ta cũng giữ gìn ngươi cho khỏi giờ thử thách” (Khải 3:10, TTGM). Thật vậy, Chúa Giê-su dạy về việc cần phải nhịn nhục, một đức tính giúp chúng ta không bỏ cuộc khi đương đầu với thử thách và cám dỗ. Anh em trong hội thánh Phi-la-đen-phi vào thế kỷ thứ nhất đã nêu gương tốt về sự nhịn nhục qua nhiều thử thách liên quan đến đức tin. Vì vậy, Chúa Giê-su cam đoan rằng ngài sẽ trợ giúp họ trong những thử thách gay go hơn sau này.—Lu 16:10.
15. Chúa Giê-su dạy gì về sự bền lòng?
15 Chúa Giê-su biết rằng các môn đồ ngài sẽ phải đối mặt với sự ghen ghét của những người thân không cùng đức tin và của thế gian nói chung. Thế nên, ít nhất hai lần, ngài đã khuyến khích họ: “Ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi” (Mat 10:22; 24:13). Chúa Giê-su cũng cho thấy làm thế nào các môn đồ ngài vào thời đó có được nghị lực cần thiết để bền lòng chịu đựng. Trong một minh họa, ngài ví đất đá sỏi với những người “nghe đạo, bèn vui-mừng chịu lấy” nhưng lại tháo lui khi gặp thử thách về đức tin. Tuy nhiên, ngài ví các môn đồ trung thành với đất tốt vì họ “gìn-giữ” lời Đức Chúa Trời và “kết-quả một cách bền lòng”.—Lu 8:13, 15.
16. Điều gì đã giúp hàng triệu người có sự bền lòng?
16 Bạn có để ý thấy bí quyết để bền lòng không? Chúng ta phải “gìn-giữ” lời Đức Chúa Trời, luôn giữ lời ấy trong lòng và trí. Việc suy ngẫm một phần của Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày sẽ giúp chúng ta có nghị lực cần thiết để kết quả “một cách bền lòng”.—Thi 1:1, 2.
Đeo đuổi sự hiền hòa và hòa thuận
17. (a) Tại sao tính hiền hòa rất quan trọng? (b) Chúa Giê-su đã thể hiện tính hiền hòa như thế nào?
17 Không ai thích bị cáo buộc về điều gì mà mình không nói hay làm. Khi bị chỉ trích bất công, con người thường phủ nhận cách giận dữ. Thật tốt hơn biết bao nếu phản ứng một cách hiền hòa hay mềm mại! (Đọc Châm-ngôn 15:1). Cần có nhiều nghị lực để thể hiện tính hiền hòa khi đối phó với lời chỉ trích bất công. Chúa Giê-su đã nêu gương hoàn hảo về vấn đề này. “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm-dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình” (1 Phi 2:23). Về phương diện này, chúng ta không thể mong mình sẽ làm tốt như Chúa Giê-su, nhưng chúng ta có thể cố gắng trau dồi để thể hiện tính hiền hòa nhiều hơn không?
18. (a) Tính hiền hòa giúp ích cho chúng ta như thế nào? (b) Chúng ta được khuyên nên đeo đuổi đức tính nào khác?
18 Noi gương Chúa Giê-su, mong sao chúng ta “thường-thường sẵn-sàng để trả lời” về niềm tin của mình, “song phải hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Thật vậy, tính hiền hòa có thể giúp chúng ta tránh được những cuộc tranh luận gay gắt vì bất đồng ý kiến, cả với người chúng ta gặp trong thánh chức lẫn anh em cùng đức tin (2 Ti 2:24, 25). Tính hiền hòa giúp chúng ta có sự bình an, hòa thuận. Có lẽ đó là lý do mà Phao-lô, trong lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, đã liệt kê tính “hòa-thuận” là một trong những đức tính để đeo đuổi (2 Ti 2:22; so sánh với 1 Ti-mô-thê 6:11). Đúng vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta nên đeo đuổi sự “hòa-thuận”, “hòa-bình” hay “bình-an”.—Thi 34:14; Hê 12:14.
19. Sau khi xem xét bảy đức tính của người tín đồ Đấng Christ, bạn quyết tâm đeo đuổi đức tính nào, và tại sao?
19 Chúng ta đã xem qua bảy đức tính của người tín đồ Đấng Christ mà chúng ta được khuyến khích hãy đeo đuổi: sự công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhẫn nại, hiền hòa và hòa thuận. Thật tuyệt vời thay khi các anh em trong mỗi hội thánh cố gắng thể hiện những đức tính đáng quý này ngày càng trọn vẹn hơn! Như thế, chúng ta sẽ tôn vinh Đức Giê-hô-va và để cho Ngài uốn nắn hầu mang lại sự ca ngợi cho Ngài.
Vài điều để suy ngẫm
• Đeo đuổi sự công bình và tin kính bao hàm điều gì?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta đeo đuổi đức tin và sự nhẫn nại?
• Tình yêu thương phải ảnh hưởng thế nào đến cách chúng ta cư xử với người khác?
• Tại sao chúng ta cần đeo đuổi sự hiền hòa và hòa thuận?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 12]
Chúa Giê-su khuyên đừng phô trương sự công bình nhằm gây ấn tượng với người ta
[Hình nơi trang 13]
Chúng ta có thể đeo đuổi đức tin bằng cách suy ngẫm những lẽ thật trong Lời Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 15]
Chúng ta có thể đeo đuổi tình yêu thương và sự hiền hòa