Bạn có sẵn sàng bênh vực niềm tin của mình không?
Bạn có sẵn sàng bênh vực niềm tin của mình không?
Có bao giờ bạn ở trong tình huống cảm thấy phải bênh vực niềm tin của mình không? Hãy xem trường hợp của Susana, một Nhân Chứng 16 tuổi ở Paraguay. Trong tiết học đạo đức ở trường của Susana, có ý kiến cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không tin “Cựu ước”, Chúa Giê-su hay bà Ma-ri. Một số học sinh còn nói Nhân Chứng là những người cuồng tín, thà chết chứ không chịu chữa trị theo y khoa. Trong tình huống ấy, bạn sẽ phản ứng thế nào?
Susana cầu nguyện với Đức Giê-hô-va rồi giơ tay để phát biểu. Nhưng tiết học sắp kết thúc nên em xin phép cô giáo làm một bài thuyết trình về niềm tin của mình với tư cách là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Cô giáo đồng ý ngay. Trong hai tuần sau đó, Susana chuẩn bị cho buổi thuyết trình của mình, em dùng sách mỏng có tựa đề Nhân Chứng Giê-hô-va?—Họ là ai? Họ tin gì?
Cuối cùng, ngày nói bài thuyết trình đã đến. Susana giải thích tại sao chúng ta được gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Em cũng giải thích niềm hy vọng của chúng ta về tương lai và tại sao chúng ta không truyền máu. Sau đó, em mời các bạn đặt câu hỏi. Đa số các học sinh đều giơ tay. Cô giáo rất ấn tượng khi nghe các câu trả lời dựa vào Kinh Thánh của em ấy.
Một học sinh nói: “Mình đã đến Phòng Nước Trời một lần, ở đó chẳng có hình tượng nào cả”. Cô giáo muốn biết tại sao như thế. Susana đọc Thi-thiên 115:4-8 và Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4. Rất ngạc nhiên, cô giáo nói: “Sao trong nhà thờ lại có đầy hình tượng khi mà Kinh Thánh lên án điều đó?”.
Buổi thảo luận diễn ra trong 40 phút. Khi Susana hỏi các bạn có muốn xem video No Blood—Medicine Meets the Challenge (Y khoa giải quyết vấn đề không truyền máu) không, tất cả đều trả lời: “Có”. Vì thế, cô giáo sắp xếp để tiếp tục cuộc thảo luận vào ngày hôm sau. Sau khi cả lớp xem băng video, Susana giải thích về những phương pháp điều trị không truyền máu được một số Nhân Chứng chấp nhận. Về điều này, cô giáo nói: “Cô không biết là có nhiều phương pháp điều trị không truyền máu như thế, cô cũng không hề biết lợi ích của cách điều trị này. Những phương pháp này, có phải chỉ dành riêng cho Nhân Chứng Giê-hô-va thôi không?”. Khi được trả lời là không, cô nói: “Lần tới khi Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà, cô sẽ tiếp họ”.
Susana định chỉ nói bài thuyết trình trong vòng 20 phút, nhưng lại kéo dài đến 3 tiếng. Một tuần sau,
các học sinh khác có bài thuyết trình về niềm tin của mình với tư cách là thành viên của nhà thờ. Khi kết thúc, có nhiều câu hỏi được nêu lên, nhưng những học sinh ấy đã không bênh vực được niềm tin của mình. Cô giáo hỏi: “Sao các em không thể bênh vực được niềm tin của mình như bạn của các em là Nhân Chứng Giê-hô-va?”.Câu trả lời là: “Nhân Chứng Giê-hô-va học hỏi Kinh Thánh, còn chúng em thì không”.
Quay sang Susana, cô giáo nói: “Quả thật em có học Kinh Thánh và cố gắng áp dụng những điều ghi trong đó. Em thật đáng khen”.
Susana đã có thể im lặng. Song, khi nói lên ý kiến của mình, em noi theo gương mẫu của một bé gái vô danh người Y-sơ-ra-ên đã bị người Sy-ri bắt làm đầy tớ. Em gái ấy bị đưa đến nhà quan tổng binh người Sy-ri tên là Na-a-man, ông bị bệnh ngoài da rất kinh khủng. Em gái người Y-sơ-ra-ên này nói với bà chủ của mình: “Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên-tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải-cứu chúa tôi khỏi bịnh phung”. Em ấy không thể không làm chứng về Đức Chúa Trời. Kết quả là ông chủ của em, Na-a-man, đã trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—2 Vua 5:3, 17.
Tương tự thế, Susana không thể không làm chứng về Đức Giê-hô-va và dân sự Ngài. Em đã lên tiếng bênh vực niềm tin của mình khi bị người ta nêu nghi vấn. Khi làm thế, Susana đã vâng theo mệnh lệnh trong Kinh Thánh: “Hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường-thường sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy trong anh em, song phải hiền-hòa và kính-sợ” (1 Phi 3:15). Bạn có sẵn sàng bênh vực niềm tin của mình và chủ động làm điều đó khi có cơ hội không?
[Hình nơi trang 17]
Những công cụ này có thể giúp bạn bênh vực niềm tin của mình