Phép báp têm bắt nguồn từ nghi thức thanh tẩy của Do Thái Giáo chăng?
Phép báp têm bắt nguồn từ nghi thức thanh tẩy của Do Thái Giáo chăng?
GIĂNG BÁP-TÍT kêu gọi mọi người chịu “phép báp-têm [để tỏ lòng] ăn-năn”. Chúa Giê-su cũng ra lệnh cho những người theo ngài phải đào tạo môn đồ và làm báp têm cho họ.—Mác 1:4; Ma-thi-ơ 28:19.
Theo Kinh Thánh, phép báp têm của tín đồ Đấng Christ đòi hỏi sự trầm người hoàn toàn dưới nước. Viết về phép này, sách Jesus and His World (Thân thế Chúa Giê-su và xã hội thời ngài) nhận xét: “Có thể thấy những nghi thức tương tự trong nhiều tôn giáo xưa và nay, tại nhiều xứ và nhiều nền văn hóa khác nhau”. Sách khẳng định: “Phép báp têm của Kitô Giáo... bắt nguồn từ Do Thái Giáo”. Lời khẳng định này có căn cứ không?
Bể tắm theo nghi thức thanh tẩy của Do Thái Giáo
Khi đào bới gần Khu Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem, các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần 100 bể tắm dành cho nghi thức thanh tẩy, được xây từ thời thế kỷ thứ nhất TCN và thế kỷ thứ nhất CN. Những chữ chạm khắc ở một nhà hội, có từ thế kỷ thứ hai hay thứ ba CN, cho biết những bể tắm đó là để phục vụ “nhu cầu của những người đến viếng đền thờ”. Một số bể tắm khác cũng đã được tìm thấy ở thành Giê-ru-sa-lem, tại khu vực sinh sống của những người giàu có và gia đình thuộc dòng tế lễ. Hầu như mỗi nhà trong khu vực này đều có bể tắm riêng dành cho nghi thức thanh tẩy.
Các bể tắm này là những cái hồ hình chữ nhật được đục trong đá, hoặc đào dưới đất rồi lát gạch hay đá. Hồ cũng được trát vữa để không bị rò rỉ nước. Phần lớn các hồ có chiều rộng khoảng 1,8 mét, chiều dài khoảng 2,7 mét, và có những đường ống dẫn nước mưa vào hồ. Mực nước trong hồ thường cao ít nhất 1,2 mét để có thể nhúng người hoàn toàn dưới nước khi khuỵu chân hay cúi xuống. Các bậc thang dẫn xuống hồ đôi khi được ngăn làm đôi bởi một bức tường thấp. Người ta cho rằng một bên là
để đi xuống hồ khi người đang bị ô uế, còn bên kia là để đi lên hầu không bị nhiễm bẩn trở lại.Các bể tắm này được dùng để người Do Thái giữ thanh sạch theo nghi thức tôn giáo. Sự thanh sạch này bao hàm những gì?
Luật và truyền thống thanh tẩy
Luật Pháp Môi-se nhấn mạnh dân Đức Chúa Trời phải thanh sạch trong sự thờ phượng và về mặt thể chất. Có một số tình huống khiến dân Y-sơ-ra-ên trở nên ô uế, và phải thanh tẩy bằng cách tắm giặt.—Lê-vi Ký 11:28; 14:1-9; 15:1-31; Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:10, 11.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng hoàn toàn thánh sạch. Vì thế, các thầy tế lễ và người Lê-vi phải rửa tay chân trước khi đến gần bàn thờ, nếu không, họ có thể bị xử tử.—Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21.
Các học giả cho rằng đến thế kỷ thứ nhất CN, đạo Do Thái đã mở rộng việc áp dụng nghi thức thanh tẩy của hàng tế lễ cho cả những người không thuộc chi phái Lê-vi. Thành viên của phái Essene và Pha-ri-si đều thường xuyên thực hiện các nghi thức này. Một tài liệu về thời Chúa Giê-su cho biết: “Người Do Thái phải thanh sạch trước khi vào Khu Đền Thờ, trước khi dâng tế lễ, trước khi hưởng lợi ích từ của lễ mà các thầy tế lễ dâng, và những việc tương tự”. Theo kinh Talmud, khi thanh tẩy, một người phải trầm mình hoàn toàn dưới nước.
Chúa Giê-su đã lên án người Pha-ri-si vì họ quá chú trọng đến nghi thức thanh tẩy. Họ hẳn đã giữ nhiều nghi thức “rửa”, kể cả việc rửa “chén và bình bằng đất hoặc bằng đồng”. Chúa Giê-su nói họ đã vượt quá điều răn Đức Chúa Trời, và tự đặt ra tục lệ riêng. (Hê-bơ-rơ 9:10; Mác 7:1-9; Lê-vi Ký 11:32, 33; Lu-ca 11:38-42) Không nơi nào trong Luật Pháp Môi-se quy định là một người phải trầm mình hoàn toàn dưới nước.
Vậy, phép báp têm của tín đồ Đấng Christ có bắt nguồn từ nghi thức thanh tẩy của Do Thái Giáo không? Không!
Nghi thức thanh tẩy và phép báp têm
Nghi thức thanh tẩy của người Do Thái là do mỗi cá nhân tự thực hiện. Còn phép báp têm của Giăng không phải là một hình thức thanh tẩy quen thuộc đối với họ. Việc Giăng được đặt biệt hiệu “Báp-tít” cho thấy nghi thức mà ông thực hiện là khác hẳn. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã phải phái người đến hỏi Giăng: “Cớ sao ông làm phép báp-têm?”— Giăng 1:25.
Nghi thức thanh tẩy mà Luật Pháp Môi-se quy định phải được thực hiện mỗi khi một người bị ô uế. Điều đó khác với phép báp têm của Giăng hay của tín đồ Đấng Christ sau này. Phép báp têm của Giăng biểu trưng cho việc ăn năn và từ bỏ lối sống cũ. Còn phép báp têm của tín đồ Đấng Christ thì tượng trưng cho việc dâng mình cho Đức Chúa Trời. Mỗi tín đồ chỉ chịu phép này một lần trong đời, chứ không phải lặp đi lặp lại.
Nghi thức thanh tẩy, được thực hiện tại nhà của các thầy tế lễ Do Thái và tại các bể tắm công cộng gần Khu Đền Thờ, không có gì tương đồng với phép báp têm của tín đồ Đấng Christ, ngoại trừ hình thức bên ngoài. Ý nghĩa của hai hình thức trầm mình này hoàn toàn khác nhau. Một tự điển về Kinh Thánh, cuốn The Anchor Bible Dictionary, nhận xét: “Nhiều học giả đồng ý rằng ông Giăng [Báp-tít] không hề mượn hay bắt chước một tập tục thanh tẩy nào từ nền văn hóa của ông”, tức Do Thái Giáo. Cũng có thể nói như thế về phép báp têm của đạo Đấng Christ.
Phép báp têm của tín đồ Đấng Christ tượng trưng cho việc cầu xin với Đức Chúa Trời để có một “lương-tâm tốt”. (1 Phi-e-rơ 3:21) Nó biểu trưng sự dâng mình trọn vẹn của một người cho Đức Giê-hô-va, để phụng sự Ngài với tư cách là môn đồ của Con Ngài. Trầm người hoàn toàn dưới nước là một nghi thức thích hợp cho sự dâng mình này. Động tác trầm mình dưới nước hàm ý một người làm chết đi lối sống cũ. Còn động tác đứng dậy ra khỏi nước thì tượng trưng cho việc sống lại để thực thi ý muốn Đức Chúa Trời.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban lương tâm tốt cho những ai dâng mình cho Ngài như thế và chịu phép báp têm. Vì vậy, sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn nói với anh em đồng đạo: ‘Phép báp-têm là để cứu anh em’. Đó là điều mà không một nghi thức thanh tẩy nào của Do Thái Giáo có thể mang lại.