Hiểu biết về Thượng Đế bằng cách nào?
Hiểu biết về Thượng Đế bằng cách nào?
Một số người nghi ngờ việc Thượng Đế muốn mặc khải về Ngài cho con người. nếu muốn, Ngài sẽ làm cách nào?
VÀO thế kỷ 16, Nhà Cải Cách John Calvin, người đạo Tin Lành, đã nói đúng khi cho rằng dù cố gắng hết sức, loài người không thể nào biết về Thượng Đế hay Đức Chúa Trời, ngoại trừ khi chính Ngài mặc khải cho chúng ta. Tuy nhiên, một số người có lẽ tự hỏi rằng Đức Chúa Trời có muốn mặc khải cho con người biết về Ngài không? Nếu thật sự muốn thế, Ngài sẽ làm cách nào?
Đức Giê-hô-va, “Đấng Tạo-Hóa”, làm mọi việc đều có lý do. Ngoài ra, là “Đức Chúa Trời toàn-năng”, Ngài có đủ quyền năng thực hiện ý định của mình. (Truyền-đạo 12:1; Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3) Chúng ta tin chắc Ngài muốn mặc khải ý định của mình cho loài người, vì nhà tiên tri A-mốt được soi dẫn viết: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”. Tuy nhiên, hãy lưu ý, Đức Chúa Trời chỉ mặc khải ý định cho các tôi tớ, cho những người thành thật yêu mến Ngài mà thôi. Chẳng phải điều đó hợp lý hay sao? Bạn tiết lộ những chuyện kín đáo với ai? Với mọi người, hay chỉ với bạn bè thân thiết nhất?—A-mốt 3:7; Ê-sai 40:13, 25, 26.
Sự khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời khiến người khiêm nhường có lòng thành tràn đầy nỗi kính sợ, và điều này là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ kính sợ thôi thì chưa đủ nếu muốn được lợi ích nhờ sự khôn ngoan và thông biết mà Đức Chúa Trời đã mặc khải. Kinh Thánh nhấn mạnh rằng, chúng ta cần có lòng khiêm nhường để học biết ý tưởng của Ngài: ‘[Hãy] dành-giữ mạng-lịnh ta nơi lòng con, lắng tai nghe sự khôn-ngoan, và chuyên lòng con về sự thông-sáng; [hãy] kêu-cầu sự phân-biện, và cất tiếng lên cầu-xin sự thông-sáng, tìm nó như tiền-bạc’.—Châm-ngôn 2:1-4.
Người khiêm nhường nỗ lực tìm hiểu về Đức Chúa Trời như thế, thì sẽ biết được Ngài. Sách Châm-ngôn nói tiếp: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri-thức và thông-sáng”. Đúng vậy, những người chân thành tìm kiếm chân lý sẽ “hiểu-biết sự công-bình, sự lý-đoán, sự chánh-trực, và các nẻo lành”.—Châm-ngôn 2:6-9.
Tìm chân lý
Cuốn The Encyclopedia of Religion (Bách khoa tự điển tôn giáo) ghi nhận: “Con người có đặc điểm là cần biết phân biệt giữa thực tế và hư ảo, quyền lực và bất lực, chân thật và giả dối, thanh sạch và ô uế, trong sáng và tối tăm, cũng như biết phân biệt những mức độ từ thái cực này sang thái cực khác”. Từ lâu, nhằm thỏa mãn nhu cầu này, người ta đã đi tìm chân lý. Trong cuộc tìm kiếm, nếu hướng về Đức Giê-hô-va, Đấng mà người viết Thi-thiên gọi là “Đức Chúa Trời chân-thật”, thì họ sẽ đến gần chân lý hơn.—Thi-thiên 31:5.
Trong nguyên ngữ, danh Đức Giê-hô-va có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”. Vì vậy, chính danh của Đức Chúa Trời cho con người biết Ngài là Đấng Tạo Hóa và là Đấng có ý định. Trên thực tế, việc biết và dùng danh của Đức Giê-hô-va là dấu hiệu đặc biệt của tôn giáo chân chính. Chúa Giê-su đã khẳng định Giăng 17:26.
điều này. Nói về các môn đồ, ngài cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu-thương của Cha dùng yêu-thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa”.—Nương cậy nơi mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, khi đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giải thích ý nghĩa của chiêm bao, một người Hê-bơ-rơ thời xưa tên Giô-sép đã nói với lòng tin chắc: “Sự bàn chiêm-bao há chẳng do nơi Đức Chúa Trời ư?”—Sáng-thế Ký 40:8; 41:15, 16.
Nhiều thế kỷ sau, Vua Nê-bu-cát-nết-sa nước Ba-by-lôn đã có một giấc chiêm bao mà các nhà thông thái của ông không thể giải nghĩa được. Nhà tiên tri Đa-ni-ên tâu với vua: “Có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín-nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau-rốt”.—Đa-ni-ên 2:28.
Trường hợp của Giô-sép và Đa-ni-ên cho thấy chỉ những người phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới có được sự khôn ngoan và thông biết của Ngài. Dĩ nhiên, muốn nhận ân phước của Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta phải bỏ hẳn quan điểm trước kia của mình. Những người Do Thái sống vào thế kỷ thứ nhất trở thành tín đồ Đấng Christ đã phải làm điều này. Vì được nuôi dạy phải kính trọng và vâng theo hệ thống pháp lý của người Do Thái dựa trên Luật Pháp Môi-se, họ cần có thời gian để chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Họ phải nhận biết sự đến của ngài làm ứng nghiệm Luật Pháp Môi-se, ví như “bóng của sự tốt-lành ngày sau”. (Hê-bơ-rơ 10:1; Ma-thi-ơ 5:17; Lu-ca 24:44, 45) Luật Pháp Môi-se được thay thế bởi “luật-pháp của Đấng Christ”, và luật pháp sau vượt trội hơn luật pháp trước.—Ga-la-ti 6:2; Rô-ma 13:10; Gia-cơ 2:8.
Tất cả chúng ta đều sinh ra trong một thế gian xa cách Đức Chúa Trời. Vì tội lỗi di truyền từ tổ tiên, chúng ta sinh ra đã xa cách Đức Chúa Trời, thiếu sự hiểu biết chính xác về ý định của Ngài. Và cũng vì tội lỗi này, chúng ta không thể tin nơi lòng hay lừa dối của mình. (Giê-rê-mi 17:9; Ê-phê-sô 2:12; 4:18; Cô-lô-se 1:21) Muốn đến gần Đức Chúa Trời, chúng ta phải học cách uốn nắn lối suy nghĩ mình theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Điều này không phải dễ.
Rất khó loại bỏ những thực hành hoặc những giáo lý của tôn giáo sai lầm, nhất là khi điều ấy đã khắc sâu vào tâm trí chúng ta từ thời thơ ấu. Nhưng tiếp tục đi theo đường lối sai trái có phải là điều khôn ngoan không? Chắc chắn không! Hiển nhiên, điều khôn ngoan hơn là thay đổi lối suy nghĩ để được Đức Chúa Trời chấp nhận.
Nhận ra công cụ giáo huấn của Đức Chúa Trời
Chúng ta có thể tìm nơi đâu sự trợ giúp để hiểu biết chân lý trong Lời của Đức Chúa Trời và sống phù hợp với Lời ấy? Trong dân Y-sơ-ra-ên xưa, những người đáng tin cậy và trung thành được Đức Chúa Trời bổ nhiệm để lãnh đạo dân Ngài. Tương tự thế, Chúa Giê-su, Đầu của hội thánh tín đồ Đấng Christ ngày nay, hướng dẫn những người chân thật đi tìm chân lý. Ngài làm điều này qua những môn đồ đáng tin cậy và trung thành. Họ hợp thành lớp người được Đức Chúa Trời giao trách nhiệm hướng dẫn và che chở những ai thiết tha tìm chân lý. (Ma-thi-ơ 24:45-47; Cô-lô-se 1:18) Tuy nhiên, làm thế nào để một người nhận ra lớp người này, tức công cụ giáo huấn của Đức Chúa Trời?
Những môn đồ chân chính của Chúa Giê-su Christ nỗ lực phản ánh những đức tính mà Chúa Giê-su đã thể hiện khi còn làm người trên đất. Trong một thế gian đầy dẫy điều ác, người ta dễ nhận ra những môn đồ này, vì họ biểu lộ những đức tính của ngài. (Xem khung nơi trang 6). Những người trong tôn giáo bạn đang theo, hoặc trong tôn giáo của người chung quanh, có phản ánh những đức tính ấy không? Dành thời gian tìm hiểu vấn đề này với sự giúp đỡ của Kinh Thánh là điều nên làm.
Chúng tôi chân thành mời các bạn độc giả hãy tìm hiểu Kinh Thánh. Năm vừa qua, trung bình có hơn 6.000.000 người trong 235 xứ đã tận dụng sự sắp đặt để tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Tiếp thu sự khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời là hành trình lâu dài, thỏa lòng và bổ ích. Tại sao không bắt đầu cuộc hành trình này? Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc. Thật thế, biết về Thượng Đế không phải là một mơ ước xa vời!
[Khung nơi trang 6]
DẤU HIỆU CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM THEO Ý MUỐN THƯỢNG ĐẾ:
Giữ trung lập trong các cuộc xung đột về chính trị.—Ê-sai 2:4.
Sinh trái tốt bằng cách làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 7:13-23.
Yêu thương nhau chân thật.—Giăng 13:35; 1 Giăng 4:20.
Hợp nhất với nhau.—Mi-chê 2:12.
Không bắt chước hạnh kiểm và thái độ sai trái của người chung quanh.—Giăng 17:16.
Làm chứng về chân lý và đào tạo môn đồ.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.
Đều đặn tham dự buổi nhóm họp để khích lệ nhau.—Hê-bơ-rơ 10:25.
Ngợi khen Đức Chúa Trời trong một tổ chức quốc tế.—Khải-huyền 7:9, 10.
[Các hình nơi trang 7]
Thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời qua việc học hỏi riêng, học với gia đình và với hội thánh