Bạn không thể để dành, vậy hãy dùng cho khéo
Bạn không thể để dành, vậy hãy dùng cho khéo
THÌ GIỜ là tiền bạc. Người ta thường nói như thế. Trên thực tế, thì giờ khác với tiền bạc hoặc những thứ khác. Không giống như tiền bạc, thực phẩm, nhiên liệu, hoặc một số thứ khác, bạn không thể dành dụm thì giờ để dùng về sau. Nếu không sử dụng thì giờ, dù có để dành đến thế nào đi nữa thì nó cũng trở nên vô ích. Chuyện gì xảy ra nếu bạn ngủ tám tiếng và cố để dành những giờ còn lại trong ngày bằng cách không làm gì hết? Đến cuối ngày, những giờ không dùng đã trôi đi mất, không bao giờ trở lại.
Thì giờ có thể ví như con sông cái, nước chảy xiết. Nó chảy mãi không ngừng. Bạn không thể chặn nó lại, cũng không thể dùng mỗi giọt nước chảy qua. Nhiều thế kỷ trước đây, người ta bắt đầu đóng những guồng quay nước trên bờ sông, và khai thác điện từ dòng nước chảy qua những guồng này để quay cối xay, cưa gỗ, điều khiển máy bơm và búa đập thép. Đối với thì giờ cũng thế, bạn không thể để dành nhưng có thể dùng nó vào việc hữu ích. Tuy nhiên, để làm được điều này, bạn phải giải quyết hai vấn đề chính làm mất thì giờ của bạn, đó là trì hoãn và bừa bộn. Trước hết, chúng ta hãy xem xét vấn đề trì hoãn.
Tránh trì hoãn
Người ta thường có câu: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Tuy nhiên, một số người thích sửa lại câu đó như sau: “Việc tuần sau sao phải làm ngày mai”. Khi đứng trước một công việc đòi hỏi nhiều cố gắng, họ tìm giải pháp dễ dàng bằng cách trì hoãn. Theo một từ điển, “trì hoãn” có nghĩa là “cố tình dời lại và có thói quen hoãn lại; cố ý đình lại những gì phải làm”. Đối với người hay trì hoãn, việc hoãn lại công việc trở thành thói quen. Khi áp lực gia tăng, người đó tìm sự thoải mái bằng cách hoãn lại công việc và vui hưởng thì giờ “rảnh rỗi” mình vừa có—cho đến khi áp lực lại gia tăng.
Có những lúc vì tình trạng sức khỏe hay tâm lý chúng ta phải hoãn lại vài việc hoặc mọi việc. Ngoài ra, mọi người thỉnh thoảng cũng cần nghỉ ngơi để thay đổi không khí. Ngay cả Con của Đức Chúa Trời cũng thế. Chúa Giê-su rất bận rộn trong thánh chức, nhưng ngài cũng dành thì giờ cho mình và cho các môn đồ. (Mác 6:31, 32) Hình thức nghỉ ngơi này có ích. Tuy nhiên, trì hoãn lại là một vấn đề khác, thường có hại. Hãy xem một ví dụ.
Một nữ sinh có ba tuần để học ôn thi môn toán. Có rất nhiều bài vở phải học nên cô cảm thấy bị căng thẳng. Mới đầu cô chỉ định tạm
gác việc học sang một bên và rồi cô sa vào bẫy của sự trì hoãn. Thay vì học thi, cô xem truyền hình. Ngày này sang ngày khác, cô trì hoãn những gì phải học để thi. Rồi vào đêm trước ngày thi, cô không hoãn được nữa nên phải học tất cả các bài. Ngồi vào bàn, cô bắt đầu xem sách vở và học bài.Nhiều giờ trôi qua. Trong khi mọi người đang ngủ, cô cố nhồi vào óc nào là phương trình, nào là cosin, nào là bình phương. Ngày hôm sau đến trường, cô gắng hết sức giải đề thi, nhưng có câu không giải được vì đầu óc đã mệt mỏi. Cô thi trượt vì không đủ điểm. Cô phải học lại bài và có thể không được lên lớp.
Vì trì hoãn, cô nữ sinh này đã phải trả một giá rất cao. Tuy nhiên, Kinh Thánh có một nguyên tắc giúp người ta tránh lâm vào cảnh của cô nữ sinh nói trên. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ”. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ nên khéo dùng thì giờ của mình cho những sinh hoạt về thiêng liêng, nhưng nguyên tắc này có thể giúp ích trong nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống. Vì chúng ta thường ấn định được lúc nào tra tay vào việc, nên nếu quyết định bắt đầu khi thuận lợi nhất thì chúng ta sẽ thấy kết quả tốt đẹp hơn và xong việc sớm hơn. Điều này là dấu hiệu của “người khôn-ngoan” như Kinh Thánh cho thấy.
Lúc nào là thời điểm thuận lợi nhất cho nữ sinh đó học thi? Có lẽ là mỗi tối. Cô có thể ôn lại bài khoảng 15 phút. Làm thế, cô không phải học gạo vào đêm trước hôm thi và vào những giờ phải đi ngủ. Hôm đi thi, cô sẽ sẵn sàng, đầu óc tỉnh táo để có thể đạt điểm cao trong bài thi.
Thế nên, khi được giao một việc gì, bạn nên quyết định lúc nào là lúc thuận tiện nhất để bắt tay vào việc. Làm thế, bạn sẽ tránh được khuynh hướng trì hoãn và hậu quả tai hại của nó. Bạn cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã làm trọn việc. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi công việc có ảnh hưởng đến người khác, chẳng hạn như trường hợp công việc được giao phó trong hội thánh tín đồ Đấng Christ.
Hãy dẹp bớt đồ đạc
Như được nói ở trên, yếu tố thứ hai để tận dụng thì giờ quý báu của chúng ta là tránh bừa bộn. Về đồ đạc, chúng ta đều biết là cần thì giờ để sử dụng, cất gọn, thu xếp, lau chùi và tìm kiếm. Càng nhiều đồ đạc thì càng cần nhiều thì giờ. Làm bất cứ điều gì trong một căn phòng hay một căn nhà có đầy đồ đạc thì tạo cảm giác bực dọc và mất nhiều thì giờ hơn là làm ở nơi ít đồ đạc. Ngoài ra, khi đồ đạc càng nhiều, người ta càng mất thì giờ hơn để tìm món đồ mình cần.
Những người chuyên dọn dẹp nhà cửa nói rằng khi dọn dẹp, người ta phí gần phân nửa thì giờ vì phải “tránh đụng đồ đạc, dẹp đi những đồ bày bừa và rác rến”. Tình trạng này cũng rất có thể giống như những khía cạnh khác của đời sống. Vì thế, nếu không muốn phí phạm thì giờ, bạn hãy nhìn lại chung quanh mình xem có thấy chật chội, đồ đạc
choán hết chỗ và tệ hơn nữa là làm mất thì giờ của bạn không? Nếu thế, hãy dẹp bớt đồ đạc.Vứt bỏ những đồ bừa bộn không phải là dễ dàng. Vứt đi những thứ mình thích nhưng không cần thiết có thể là rất khó. Điều này khó như là mất đi một người bạn tốt. Vậy làm thế nào bạn có thể quyết định nên giữ hoặc vứt đi một món đồ nào đó? Một số người áp dụng công thức “một năm”, có nghĩa là nếu thứ gì đó không dùng trong một năm, họ sẽ vứt đi. Nhưng nếu bạn vẫn còn do dự, không muốn vứt đi sau một năm thì sao? Bạn hãy cất món đồ đó vào thùng thêm sáu tháng nữa. Khi nhìn lại món đồ và thấy một năm rưỡi đã trôi qua mà mình vẫn không dùng đến thì việc bỏ nó đi là điều dễ làm hơn. Dù sao chăng nữa, mục tiêu là bớt đi sự bừa bộn để dùng thì giờ hữu hiệu hơn.
Dĩ nhiên, sự bừa bộn không chỉ nói về đồ đạc trong nhà hoặc nơi làm việc. Chúa Giê-su nói về “sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải” là điều có thể “làm cho nghẹt-ngòi đạo” của Đức Chúa Trời và làm người đó “không kết-quả” đối với tin mừng. (Ma-thi-ơ 13:22) Đời sống của một người có thể bận bịu với nhiều mục tiêu và hoạt động đến độ người đó khó có thì giờ cần thiết để giữ thói quen và sự thăng bằng tối quan trọng về thiêng liêng. Hậu quả là người đó có thể bị suy sụp về thiêng liêng và cuối cùng hoàn toàn mất đặc ân được vào thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa. Tuy nhiên, nếu được vào thế giới mới, người đó sẽ có vô số thì giờ để làm những điều đem lại sự mãn nguyện thật sự và vui thích.—Ê-sai 65:17-24; 2 Phi-e-rơ 3:13.
Phải chăng bạn cảm thấy mình luôn bận rộn sắp xếp thì giờ để làm mọi việc cần thiết liên quan đến việc làm, nhà cửa, xe cộ, sở thích riêng, chuyến đi xa, tập thể dục thể thao, hoặc một số điều mình thích? Nếu thế, có lẽ đây là lúc để bạn xem xét làm sao mình có thể giảm bớt những điều không cần thiết hầu có thì giờ cho việc thiêng liêng.
Một câu tục ngữ khác mà nhiều người quen thuộc là: “Thì giờ thấm thoắt thoi đưa. Nó đi, đi mất, có chờ đợi ai!” Thật thế, thì giờ như một dòng nước trôi mãi không ngừng. Không ai có thể lấy lại hoặc để dành được thì giờ. Một khi đã qua đi, thì nó không bao giờ trở lại nữa. Tuy nhiên, khi áp dụng một số nguyên tắc đơn giản trong Kinh Thánh và thực hiện vài bước thực tiễn, chúng ta có thể sắp xếp và tận dụng thì giờ để lo cho “những sự tốt-lành [“quan trọng”, NW] hơn” hầu được lợi ích vĩnh viễn, đồng thời làm “sáng danh và khen-ngợi Đức Chúa Trời”.—Phi-líp 1:10, 11.
[Hình nơi trang 8, 9]
Thì giờ, như dòng nước chảy xiết, có thể khai thác để làm những việc hữu ích
[Hình nơi trang 9]
Khi nào là lúc thuận tiện nhất để cô học thi?
[Hình nơi trang 10]
Làm việc nơi bừa bộn tạo cảm giác bực dọc và mất nhiều thì giờ