Đức Giê-hô-va giúp tôi tìm thấy Ngài
Tự Truyện
Đức Giê-hô-va giúp tôi tìm thấy Ngài
DO FLORENCE CLARK KỂ LẠI
Tôi nắm chặt bàn tay người chồng đang bệnh nặng. Là người theo Anh Giáo, tôi cầu nguyện Đức Chúa Trời cho chồng tôi bình phục và khẩn hứa rằng nếu anh được sống sót thì tôi sẽ tìm kiếm Ngài cho bằng được và rồi dành trọn đời mình cho Ngài.
TÊN của tôi là Florence Chulung, sinh ngày 18-9-1937 trong Cộng Đồng Thổ Dân Oombulgurri tại vùng Cao Nguyên Kimberley hẻo lánh ở miền Tây Úc.
Tôi còn nhớ những chuỗi ngày thơ ấu vô tư và vui tươi. Qua hội truyền giáo của nhà thờ, tôi học được một ít điều căn bản về Đức Chúa Trời và Kinh Thánh, nhưng chính mẹ tôi mới là người đã dạy tôi các nguyên tắc đạo Đấng Christ. Mẹ đều đặn đọc Kinh Thánh cho tôi nghe và từ khi còn bé tôi đã học yêu thích những điều thiêng liêng. Tôi cũng ngưỡng mộ một người bà con, bà làm giáo sĩ cho đạo của bà. Tôi luôn có ước muốn noi theo gương bà.
Trong cộng đồng của chúng tôi, trước đây gọi là Forrest River Mission, chương trình giáo dục chỉ có từ lớp một đến lớp năm. Mỗi buổi sáng tôi đi học chỉ hai tiếng. Thế nên việc học hành của tôi rất giới hạn, và điều này làm cha tôi lo lắng. Cha muốn cho các con có nền học vấn tốt hơn nên cha quyết định dọn khỏi Oombulgurri để đến thị trấn Wyndham. Ngày dọn nhà làm tôi rất buồn, nhưng ở Wyndham tôi được đi học trọn thời gian suốt bốn năm, từ năm 1949 đến 1952. Tôi rất biết ơn là nhờ cha mà tôi đã có được trình độ học vấn như ngày nay.
Mẹ làm việc cho một bác sĩ ở địa phương, và bác sĩ này đã mời tôi làm y tá cho bệnh
viện Wyndham sau khi tôi nghỉ học năm 15 tuổi. Tôi rất vui và nhận ngay công việc ấy vì vào thời buổi đó rất khó kiếm việc làm.Nhiều năm sau tôi gặp anh Alec, một người da trắng làm nghề chăn nuôi. Chúng tôi kết hôn vào năm 1964 tại thị trấn Derby, nơi tôi thường đi nhà thờ Anh Giáo. Một ngày kia Nhân Chứng Giê-hô-va đến gõ cửa nhà tôi. Tôi nói là tôi không chú ý chút nào và bảo họ đừng trở lại nữa. Tuy vậy, một điều họ nói đã thu hút sự chú ý của tôi, đó là danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va.
“Cô không tự cầu nguyện được sao?”
Đời sống trở nên rất khó khăn vào năm 1965. Chồng tôi bị ba tai nạn khá trầm trọng—hai tai nạn với con ngựa và một tai nạn xe hơi. May mắn là anh bình phục và đi làm trở lại. Tuy nhiên, ít lâu sau anh lại bị một tai nạn khác với con ngựa. Lần này anh bị thương nặng ở đầu. Khi tôi đến nhà thương thì bác sĩ cho biết là chồng tôi sắp chết. Tôi vô cùng bàng hoàng. Một cô y tá xin vị linh mục địa phương đến gặp tôi nhưng ông từ chối và nói: “Bây giờ không được. Mai tôi đến!”
Tôi mong muốn có linh mục ở kế bên để cùng tôi cầu nguyện, và tôi đề cập điều này với bà phước. Bà đáp: “Cô dở hơi thế! Cô không tự cầu nguyện được sao?” Vậy nên tôi bắt đầu cầu nguyện trước những bức tượng ở nhà thờ, nhưng chẳng có kết quả gì. Trong khi đó chồng tôi dường như đang hấp hối. Tôi thầm nghĩ: ‘Mình sẽ xoay xở ra sao nếu anh chết?’ Tôi cũng lo cho ba đứa con—Christine, Nanette và Geoffrey. Chúng sẽ sống thế nào nếu không có cha? Mừng thay, ba ngày sau chồng tôi tỉnh lại và được về nhà vào ngày 6-12-1966.
Dù cũng bình phục nhiều nhưng chồng tôi vẫn còn bị chấn thương não. Anh mất phần nào trí nhớ. Giờ đây, tính khí anh bất thường và dễ thô bạo với vợ con. Anh không biết cư xử thế nào với các con và trở nên rất hung dữ nếu chúng không xử sự như người lớn. Tôi thật vất vả chăm sóc cho anh. Hầu như tôi phải làm tất cả mọi việc cho anh. Thậm chí tôi đã dạy anh tập đọc và tập viết lại. Sự căng thẳng trong khi chăm sóc anh đồng thời quán xuyến việc nhà đã khiến tôi bị suy nhược thần kinh. Bảy năm sau khi chồng tôi bị tai nạn, chúng tôi đồng ý ly thân trong một thời gian để tôi phục hồi sức khỏe.
Tôi dẫn các con dọn xuống phía nam đến thành phố Perth. Trước khi tôi dọn nhà thì em gái tôi đã bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va tại Kununurra, một thị trấn nhỏ ở miền Tây Úc. Em mở sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời * và cho tôi xem một hình vẽ về cảnh địa đàng dựa theo lời hứa trong Kinh Thánh. Qua sách này, em chỉ cho tôi thấy danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, và điều ấy đã làm tôi chú ý. Vì lẽ nhà thờ chưa từng dạy tôi điều này nên tôi quyết định gọi điện thoại cho Nhân Chứng Giê-hô-va khi ổn định ở Perth.
Tuy nhiên, tôi hơi ngại liên lạc với họ. Một buổi tối nọ, chuông cửa nhà tôi reo lên. Con trai tôi đến cửa và tức tốc chạy vào báo cho tôi biết: “Mẹ ơi, mấy người mà mẹ định gọi điện thoại cho họ đó, họ đang ở trước cửa nhà mình”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng rồi bảo con: “Nói với họ là mẹ không có ở nhà!” Con tôi đáp: “Mẹ dạy là con không được nói dối mà”. Con làm tôi ngượng mặt nên tôi đành ra mở cửa. Khi tôi chào hai người đứng trước cửa thì thấy nét mặt họ lộ vẻ bối rối. Hóa ra họ muốn gặp một người thuê nhà trước đây đã dọn đi. Tôi mời họ vào nhà và dồn dập đặt nhiều câu hỏi. Những lời giải đáp của họ dựa trên Kinh Thánh làm tôi hài lòng.
Tuần sau tôi bắt đầu đều đặn học Kinh Thánh với Nhân Chứng qua sách Lẽ thật duy-nhất dẫn đến sự sống đời đời. Cuộc học hỏi làm sống lại lòng yêu thích những điều thiêng liêng trong tôi. Hai tuần sau, tôi dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su Christ. Tôi bắt đầu dự các buổi họp ngày Chủ Nhật và chẳng bao lâu sau tôi dự tất cả các buổi họp trong tuần. Tôi cũng bắt đầu chia sẻ với người khác về những điều học được. Khi giúp người khác học lẽ thật Kinh Thánh, tôi thấy tinh thần và cảm xúc của mình trở nên mạnh mẽ hơn. Sáu tháng sau, tôi làm báp têm tại một đại hội địa hạt ở Perth.
Khi tiến bộ trong lẽ thật, tôi bắt đầu hiểu rằng Đức Giê-hô-va xem hôn nhân là điều thiêng liêng, cũng như quan điểm của Ngài về nguyên tắc nơi 1 Cô-rinh-tô 7:13: “Nếu một người đàn-bà có chồng ngoại-đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng”. Câu Kinh Thánh này thúc đẩy tôi tái hợp với anh Alec.
Trở về Derby
Sau hơn 5 năm ly thân với chồng, tôi trở về Derby ngày 21-6-1979. Dĩ nhiên là tôi cảm thấy vui buồn lẫn lộn và cũng không biết anh sẽ phản ứng thế nào khi thấy tôi trở về. Không ngờ anh vui, tuy nhiên anh tỏ ra thất vọng về việc tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh liền đề nghị tôi đi nhà thờ của anh, cũng là nhà thờ mà tôi từng đi trước khi dọn xuống Perth. Tôi giải thích cho anh là tôi không thể làm điều đó được. Tôi cố gắng hết sức làm một người vợ tín đồ Đấng Christ gương mẫu cũng như tôn trọng quyền làm chủ gia đình của anh. Tôi thử nói cho anh biết về Đức Giê-hô-va và những lời hứa tuyệt vời của Ngài về tương lai, nhưng anh không hưởng ứng.
Cuối cùng, anh Alec không những chấp nhận lối sống mới của tôi mà còn bắt đầu giúp tôi về mặt tài chính để tôi có thể dự đại hội, hội nghị cũng như các buổi họp trong tuần. Tôi rất biết ơn anh đã mua cho tôi một chiếc xe hơi để tôi lái đi rao giảng vì xe hơi là một phương tiện rất hữu dụng ở vùng xa xôi hẻo lánh này. Các anh chị, kể cả giám thị vòng quanh, thường xuyên nghỉ qua đêm ở nhà chúng tôi. Nhờ vậy anh Alec có cơ hội gặp gỡ nhiều Nhân Chứng, và anh có vẻ thích kết hợp với họ.
Tôi cảm thấy giống như Ê-xê-chi-ên
Tôi rất thích được các anh chị đến thăm, tuy nhiên tôi gặp phải một trở ngại. Lúc đó, tôi là Nhân Chứng duy nhất sống ở Derby. Hội thánh gần nhất là ở thị trấn Broome, cách xa 220 kilômét. Vậy nên tôi quyết định cố gắng hết sức rao truyền tin mừng. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tôi tự đi rao giảng từng nhà. Công việc này khá khó khăn nhưng tôi tự nhắc nhở mình những lời của sứ đồ Phao-lô: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.
Hàng giáo phẩm địa phương không hài lòng về hoạt động của tôi, nhất là công việc rao giảng cho những thổ dân như tôi. Họ cố áp đảo tinh thần tôi nhằm làm tôi ngừng rao giảng. Họ càng chống đối thì tôi càng quyết tâm tiếp tục rao giảng. Tôi luôn cầu xin Đức Giê-hô-va nâng đỡ tôi. Tôi thường nhớ đến những lời Đức Chúa Trời khích lệ Ê-xê-chi-ên: “Nầy, ta làm cho mặt ngươi dạn nghịch cùng mặt chúng nó, trán ngươi cứng nghịch cùng trán chúng nó. Ta làm Ê-xê-chi-ên 3:8, 9.
cho trán ngươi cứng như kim-cương, cứng hơn đá lửa. Đừng sợ và đừng run-rẩy vì bộ mặt chúng nó”.—Có vài lần, hai người đàn ông thuộc một giáo hội đến gần tôi trong lúc tôi đang đi mua sắm. Họ om sòm lớn tiếng chế giễu tôi và cố làm cho những người chung quanh chú ý. Tôi làm lơ họ. Một lần nọ, tôi đang nói chuyện với một người chú ý thì mục sư của nhà thờ địa phương đến trước mặt tôi và cho rằng tôi không tin Chúa Giê-su. Ông giật Kinh Thánh khỏi tay tôi và dí dí vào mặt tôi, rồi đẩy Kinh Thánh vào tay tôi. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, rồi bằng một giọng ôn hòa nhưng cương quyết tôi trích câu Giăng 3:16 và bảo đảm với ông rằng tôi tin nơi Chúa Giê-su. Ông ta sửng sốt trước câu trả lời đầy tin quyết của tôi và rồi ông bỏ đi không thốt lên được lời nào.
Tôi rất thích rao giảng cho thổ dân vùng Derby. Một linh mục địa phương cố cản trở tôi rao giảng cho những người trong một cộng đồng nọ, nhưng rồi ông ấy được chuyển đi nơi khác. Nhờ đó tôi đã có thể chia sẻ thông điệp Kinh Thánh với họ. Tôi luôn luôn muốn làm giáo sĩ như người bà con của tôi, và giờ đây tôi cũng đang làm công việc giáo sĩ, giúp người khác học Lời Đức Chúa Trời. Nhiều thổ dân hưởng ứng tin mừng, thế nên tôi có được vài cuộc học hỏi Kinh Thánh.
Ý thức về nhu cầu thiêng liêng của mình
Trong suốt 5 năm, tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va duy nhất sống ở Derby. Tôi thấy thật khó để giữ mình vững mạnh về thiêng liêng khi không có sự khích lệ từ các buổi họp đều đặn với các anh em đồng đạo. Một lần nọ, tôi cảm thấy thật nản lòng nên tôi lái xe ra ngoài cho khuây khỏa. Chiều hôm ấy
khi về nhà, tôi thấy một chị và bảy đứa con của chị ở nhà đang chờ tôi về. Họ mang đến cho tôi một số ấn phẩm từ hội thánh ở Broome, cách xa nhiều cây số. Từ đó trở đi, chị Betty Butterfield sắp xếp mỗi tháng đến ở với tôi một cuối tuần. Chúng tôi đi rao giảng và học Tháp Canh chung với nhau tại nhà tôi. Ngược lại mỗi tháng tôi cũng đi đến Broome một lần.Các anh chị ở Broome giúp đỡ tôi rất nhiều. Thỉnh thoảng họ đi đường xa đến Derby để giúp tôi rao giảng. Họ khuyến khích các anh chị sống ở những thị trấn khác nếu có dịp đi ngang qua Derby đến thăm và đi rao giảng chung với tôi. Một số anh chị đã đến thăm tôi và cũng mang cho tôi những băng thâu bài giảng công cộng. Các anh chị này học Tháp Canh chung với tôi. Những cuộc thăm viếng ngắn ngủi này đã khích lệ tôi rất nhiều.
Được thêm sự trợ giúp
Trong vài năm, tôi có thêm anh chị Arthur và Mary Willis động viên tinh thần tôi. Hai anh chị này về hưu và sống ở phía nam của miền Tây Úc. Mỗi mùa đông họ đến giúp tôi trong ba tháng. Anh Willis điều khiển hầu hết các buổi họp và dẫn đầu trong công việc rao giảng. Chúng tôi cùng nhau đi đến những nông trại trong những vùng xa xôi hẻo lánh ở Cao Nguyên Kimberley. Mỗi lần anh chị Willis trở về nhà, tôi cảm thấy trống trải trong tâm hồn.
Cuối cùng vào cuối năm 1983, tôi nhận được tin vui là gia đình anh chị Danny và Denise Sturgeon cùng bốn con trai dọn đến sống ở Derby. Sau khi họ đến, chúng tôi đều đặn nhóm họp với nhau mỗi tuần và đi rao giảng chung. Vào năm 2001, một hội thánh được hình thành. Ngày nay, hội thánh ở Derby rất vững mạnh gồm có 24 người công bố, trong số đó có hai trưởng lão và một tôi tớ thánh chức chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của chúng tôi. Đôi khi, số người dự buổi họp lên đến 30.
Nhìn lại những năm qua, tôi rất cảm động vì thấy cách Đức Giê-hô-va trợ giúp tôi phụng sự Ngài. Dù chồng tôi chưa theo lẽ thật nhưng anh tiếp tục giúp tôi qua nhiều phương diện. Năm người trong gia đình tôi—hai con gái, hai cháu ngoại và một cháu gái gọi bằng dì—đã làm báp têm trở thành Nhân Chứng. Ngoài ra, còn có nhiều người bà con của tôi cũng đang học Kinh Thánh với dân sự của Đức Giê-hô-va.
Tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va đã giúp tôi tìm thấy Ngài. Tôi quyết tâm tiếp tục dành trọn đời sống mình cho Ngài cho đến muôn đời.—Thi-thiên 65:2.
[Chú thích]
^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.
[Bản đồ/Các hình nơi trang 15]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
ÚC
Wyndham
Cao Nguyên Kimberley
Derby
Broome
Perth
[Nguồn tư liệu]
Kangaroo và lyrebird: Lydekker; koala: Meyers
[Hình nơi trang 14]
Làm y tá tại bệnh viện Wyndham, năm 1953
[Hình nơi trang 15]
Hội Thánh Derby, năm 2005