Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Góp phần làm tăng tiến công việc giáo dục thần quyền trên thế giới

Góp phần làm tăng tiến công việc giáo dục thần quyền trên thế giới

Tự Truyện

Góp phần làm tăng tiến công việc giáo dục thần quyền trên thế giới

DO ROBERT NISBET KỂ LẠI

Vua Sobhuza II xứ Swaziland tiếp đón George và tôi tại tư dinh của ngài. Bấy giờ là năm 1936, nhưng hiện nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ buổi nói chuyện ngày hôm đó. Lý do tôi có cơ hội trò chuyện lâu với một vị vua là nhờ từ lâu nay tôi đã tham gia công việc dạy dỗ Kinh Thánh hết sức lớn lao. Giờ đây đã 95 tuổi đời, tôi vui thích gẫm lại sự đóng góp của mình vào công việc này, một công việc đã cho tôi cơ hội đi khắp năm châu.

TẤT CẢ bắt đầu vào năm 1925, khi một người bán trà tên Dobson đến thăm gia đình chúng tôi tại Edinburgh, Scotland. Lúc ấy tôi còn trong tuổi vị thành niên, và đang tập sự làm dược tá. Mặc dù còn nhỏ tuổi, tôi cũng quan tâm đến những thay đổi to tát mà thế chiến 1914-1918 đã đem lại cho nhiều gia đình và đời sống tôn giáo. Trong một lần đến thăm, ông Dobson đã để lại cho chúng tôi sách The Divine Plan of the Ages (Kế hoạch các thời đại của Đức Chúa Trời). Sách này nói về một Đấng Tạo Hóa thông minh với một “kế hoạch” rõ ràng xem ra hợp lý và phù hợp với Đức Chúa Trời mà tôi mong muốn thờ phượng.

Chẳng bao lâu sau mẹ và tôi bắt đầu tham dự các buổi họp của các Học Viên Kinh Thánh, là tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Tháng 9 năm 1926, cả mẹ và tôi đều biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua việc trầm người dưới nước tại một đại hội ở Glasglow. Mỗi ứng viên báp têm nhận được một áo choàng dài đến chân có dây buộc mép áo nơi mắt cá chân để khoác ngoài bộ quần áo tắm. Lúc đó áo choàng này được xem là y phục thích hợp cho một dịp trang trọng như thế.

Vào thời đầu đó, sự hiểu biết của chúng tôi về nhiều vấn đề cần phải được điều chỉnh. Gần như hầu hết các thành viên của hội thánh đều cử hành Lễ Giáng Sinh. Rất ít người tham gia thánh chức. Thậm chí một vài trưởng lão phản đối việc phân phát sách báo vào ngày Chủ Nhật vì cho rằng điều này vi phạm luật Sa-bát. Tuy nhiên vào năm 1925, tạp chí Tháp Canh bắt đầu chú trọng hơn đến những câu Kinh Thánh như Mác 13:10 nói rằng: “Trước hết Tin-lành phải được giảng ra cho khắp muôn dân”.

Làm thế nào có thể thực hiện được công việc này trên khắp thế giới? Đóng góp nhỏ nhoi đầu tiên của tôi trong công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia chỉ là nói với chủ nhà rằng tôi bán những sách tôn giáo rất hay và mời họ mua cuốn The Harp of God (Đàn cầm của Đức Chúa Trời), trong có giải thích 10 sự dạy dỗ quan trọng của Kinh Thánh, được ví như mười sợi dây của đàn cầm. Sau này, chúng tôi được cấp cho một thẻ làm chứng có in một thông điệp ngắn để đưa chủ nhà đọc. Chúng tôi cũng dùng máy hát đĩa xách tay ghi âm một bài giảng bốn phút rưỡi để phát lại cho chủ nhà nghe. Những máy này kiểu xưa, khá nặng khi đem theo, nhưng các kiểu sau này nhẹ hơn nhiều, thậm chí một vài loại có thể đặt dựng đứng khi dùng.

Từ năm 1925 cho đến thập niên 1930, bằng mọi cách, chúng tôi gắng hết sức để thực hiện công việc làm chứng. Rồi vào năm đầu thập niên 1940, Trường Thánh Chức Thần Quyền được thành lập tại khắp các hội thánh. Chúng tôi được dạy cách tự mình trình bày thông điệp Nước Trời bằng cách nói trực tiếp với chủ nhà. Chúng tôi cũng được dạy là việc hướng dẫn Kinh Thánh tại nhà cho những người chú ý là rất quan trọng. Dưới một khía cạnh nào đó, chúng tôi có thể nói rằng đấy chính là bước khởi đầu của công việc dạy dỗ Kinh Thánh trên toàn thế giới hiện nay.

Được anh Rutherford khích lệ

Vì mong ước được tham gia nhiều hơn trong công việc giáo dục nên tôi đã đăng ký làm tiên phong trọn thời gian vào năm 1931. Tôi đã sắp xếp làm công việc này ngay sau đại hội tại Luân Đôn. Tuy nhiên, trong giờ nghỉ ăn trưa, anh Joseph Rutherford, lúc bấy giờ đảm nhiệm trông coi công việc của Hội, yêu cầu được nói chuyện với tôi. Anh dự định gửi một người tiên phong sang Phi Châu. Anh hỏi tôi: “Anh có muốn đến đấy không?” Mặc dù hơi bất ngờ, tôi vẫn trả lời cách cương quyết: “Có chứ, tôi sẽ đi”.

Thời ấy, mục tiêu chính của chúng tôi là phân phát càng nhiều sách báo về Kinh Thánh càng tốt và điều đó có nghĩa là phải luôn di chuyển. Tôi được khuyến khích sống độc thân như hầu hết các anh đảm nhận trách nhiệm trông coi lúc bấy giờ. Khu vực rao giảng của tôi bắt đầu từ Cape Town, tận mũi phía nam Phi Châu, và qua đến phía đông lục địa, bao gồm cả các hải đảo thuộc Ấn Độ Dương. Muốn đến vùng phía tây tôi phải băng ngang sa mạc Kalahari nóng bỏng và lên tận đầu nguồn Sông Nile ở Hồ Victoria. Cùng với một anh khác, cứ sáu tháng mỗi năm, tôi lại đến ở một hoặc vài xứ Phi Châu nằm trong khu vực rộng lớn này.

Hai trăm thùng của cải thiêng liêng

Khi đến Cape Town, tôi được chỉ cho xem 200 thùng sách báo được trù định gửi đến Đông Phi. Các sách báo này được in trong bốn thứ tiếng Âu Châu và bốn thứ tiếng Á Châu, nhưng không có cuốn nào bằng tiếng Phi Châu cả. Khi thắc mắc vì sao những sách báo này lại được gửi đến trước khi tôi tới, anh em giải thích là đúng ra những sách báo này dành cho các anh Frank và Gray Smith, hai tiên phong vừa mới đi đến Kenya để rao giảng. Khi vừa đến đấy, cả hai anh đều mắc bệnh sốt rét rừng, và buồn thay, anh Frank đã từ trần.

Mặc dù tin này khiến tôi phải suy nghĩ nghiêm túc, nhưng cũng không làm tôi nản chí. Tôi và người bạn đồng hành là David Norman lên tàu rời Cape Town đến nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi tại Tanzania, cách đó khoảng 5.000 cây số. Một nhân viên văn phòng du lịch ở Mombasa, Kenya, trông coi sách báo của chúng tôi và gửi các thùng sách báo đến bất cứ địa chỉ nào chúng tôi yêu cầu. Thoạt tiên, chúng tôi làm chứng tại các khu thương mại—các cửa hàng và văn phòng—tại mỗi thị trấn. Một phần sách báo của chúng tôi gồm có những bộ 9 cuốn sách và 11 sách nhỏ, được gọi là bộ sách cầu vồng vì có màu sắc khác nhau.

Kế đó chúng tôi quyết định viếng thăm đảo Zanzibar, cách bờ biển phía đông khoảng 30 cây số. Từ nhiều thế kỷ qua, Zanzibar đã là một trung tâm mua bán nô lệ, nhưng cũng nổi tiếng về đinh hương, tỏa mùi thơm khắp thị trấn. Vì thị trấn được xây dựng lộn xộn không theo qui hoạch nên chúng tôi hơi vất vả một chút để tìm đường. Các con đường ngoằn ngoèo lộn xộn, và rất dễ khiến lạc hướng. Khách sạn của chúng tôi khá tiện nghi, nhưng cửa có đóng nhiều đinh đầu lớn và tường dày nên nhìn giống nhà tù hơn là khách sạn. Tuy nhiên tại Zanzibar chúng tôi đã đạt được thành quả tốt và sung sướng thấy người Ả-rập, Ấn Độ, và những người khác sẵn sàng nhận sách báo của chúng tôi.

Xe lửa, tàu bè, và xe hơi

Việc di chuyển tại Đông Phi lúc ấy không dễ dàng. Chẳng hạn, trên đường từ Mombasa đến vùng cao nguyên ở Kenya, xe lửa chúng tôi đã phải dừng lại vì nạn châu chấu. Hàng triệu con châu chấu bao phủ đất và khiến đường rầy quá trơn, các bánh xe lửa khó bám vào. Giải pháp duy nhất là dùng nước nóng lấy từ đầu máy xe lửa để rửa sạch đường rầy phía trước xe lửa. Bằng cách này, đường rầy được thông thoáng từ từ cho đến khi chúng tôi qua khỏi chỗ bị nạn châu chấu. Và thật nhẹ nhõm biết bao khi xe lửa bắt đầu trườn lên cao và chúng tôi có thể thưởng thức khí hậu mát mẻ hơn của vùng cao nguyên!

Trong khi có thể đến các thị trấn miền ven biển một cách dễ dàng bằng xe lửa và tàu bè, thì xe hơi lại là phương tiện tốt nhất để đi tới miền quê. Tôi sung sướng khi được em trai tôi, George, đến tiếp tay, vì như thế chúng tôi có thể mua một chiếc xe tải khá rộng đủ chỗ cho giường, bếp, chỗ chứa đồ và có cửa sổ ngăn muỗi nữa. Chúng tôi cũng có loa phóng thanh gắn trên nóc xe. Với chiếc xe được trang bị như thế, chúng tôi đã có thể đến từng nhà làm chứng vào ban ngày và mời người ta đến nghe diễn văn vào buổi chiều tối, tổ chức tại khu chợ. Một đĩa chúng tôi cho phát thanh được nhiều người ưa thích có tựa đề là “Địa ngục có nóng không?” Chúng tôi làm một cuộc hành trình từ Nam Phi đến Kenya, chuyến đi dài 3.000 cây số trong “căn nhà di động”, và chúng tôi vui vì lúc đó có được nhiều sách nhỏ in bằng nhiều thứ tiếng Phi Châu, mà người dân địa phương hào hứng đón nhận.

Một kinh nghiệm lý thú cho chúng tôi là trong những cuộc hành trình như thế, chúng tôi có thể nhìn thấy nhiều sinh vật hoang dã ở Phi Châu. Dĩ nhiên, vì an toàn, chúng tôi ở trong xe lúc chiều xuống, nhưng quả là đức tin chúng tôi được củng cố khi nhìn ngắm sự đa dạng của muông thú trong công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va trong môi trường thiên nhiên của chúng.

Sự chống đối bắt đầu

Dù chúng tôi tỏ ra thận trọng với muông thú, nhưng nó không đáng kể so với những gì chúng tôi cần làm khi đương đầu với các viên chức chính phủ và một số nhà lãnh đạo tôn giáo hung tợn bắt đầu công khai chống đối công việc rao giảng về Nước Trời. Một khó khăn chính mà chúng tôi phải đối phó là một người cuồng tín tự xưng là Mwana Lesa, có nghĩa là “Con của Đức Chúa Trời”, và nhóm của y mang tên Kitawala, đáng tiếc thay lại có nghĩa là “Tháp Canh”. Ít lâu trước khi chúng tôi đến, y đã dìm chết nhiều người Phi Châu, cho rằng làm báp têm cho họ. Cuối cùng y bị bắt và bị treo cổ. Sau này, khi có dịp trò chuyện với người có trách nhiệm treo cổ y, tôi giải thích rằng người đàn ông kia chẳng dính dáng gì đến Hội Tháp Canh của chúng tôi cả.

Chúng tôi cũng gặp khó khăn với những người Âu Châu không hài lòng với công việc giáo dục của chúng tôi, chủ yếu vì lý do tài chính. Một người quản lý kho chứa hàng than phiền: “Nếu người da trắng muốn được tiếp tục ở xứ này, thì không thể để cho dân Phi Châu biết họ bị bóc lột công sức đến độ nào”. Cũng vì lý do đó, một người quản đốc công ty khai thác mỏ vàng đã thẳng thừng đuổi tôi ra khỏi văn phòng ông ta. Rồi ông ta giận dữ “hộ tống” tôi ra thẳng ngoài đường.

Chắc chắn vì chịu ảnh hưởng phần lớn từ những người chống đối vì lý do tôn giáo và thương mại này, chính phủ Rhodesia (hiện nay là Zimbabwe) rốt cuộc đã ra lệnh trục xuất chúng tôi. Chúng tôi kháng án và thắng nên được phép ở lại với điều kiện không được rao giảng cho người Phi Châu. Một viên chức nêu ra lý do là vì sách báo của chúng tôi “không phù hợp với tinh thần người Phi Châu”. Tuy nhiên, tại những nước khác, công việc giáo dục của chúng tôi cho những người Phi Châu không bị cản trở và ngay cả còn được hoan nghênh nữa. Một trong những nước này là Swaziland.

Buổi tiếp đón của hoàng gia Swaziland

Swaziland là một nước tự trị nhỏ, diện tích 17.364 cây số vuông, tọa lạc ở Nam Phi. Chính tại đây chúng tôi đã gặp gỡ Vua Sobhuza II hoạt bát, được nói đến trong phần mở đầu câu chuyện này. Ông rành rẽ tiếng Anh, nhờ đã theo học tại một trường đại học Anh Quốc. Trang phục không theo nghi thức, ông niềm nở tiếp đón chúng tôi.

Cuộc trò chuyện giữa ông và chúng tôi xoay quanh đề tài Địa Đàng mà Đức Chúa Trời định sẵn cho những người có lòng hướng thiện. Mặc dù không mấy chú tâm đến đề tài này, ông nói rõ là rất quan tâm đến một vấn đề khác có liên hệ đến đề tài thảo luận. Nhà vua mong mỏi nâng cao mức sống của những người nghèo và thất học. Ông không thích hoạt động của nhiều giáo sĩ thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ, có vẻ chú trọng nhiều đến việc gia tăng giáo dân hơn là dạy dỗ họ. Tuy nhiên vì biết rõ hoạt động của các anh chị tiên phong, ông khen ngợi công việc dạy dỗ Kinh Thánh của chúng tôi, nhất là vì chúng tôi tình nguyện làm công việc này, không đòi hỏi thù lao hay bất kỳ một điều kiện nào khác.

Công việc dạy dỗ Kinh Thánh tăng tiến

Vào năm 1943, Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh đã được thành lập để đào tạo các giáo sĩ. Trường nhấn mạnh việc trở lại thăm tất cả những ai chú ý, thay vì chỉ tập trung vào việc phân phát sách báo. Vào năm 1950, George và tôi được mời tham dự khóa 16 Trường Ga-la-át. Tại đây lần đầu tiên tôi đã gặp gỡ Jean Hyde, một chị người Úc sốt sắng, được bổ nhiệm làm giáo sĩ tại Nhật sau khi cả hai chúng tôi cùng tốt nghiệp. Thời ấy nhiều người ưa chuộng sống độc thân nên chúng tôi chỉ dừng lại ở tình bạn.

Sau khi được đào tạo ở Trường Ga-la-át, George và tôi được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Mauritius, một hòn đảo tại Ấn Độ Dương. Chúng tôi làm quen với dân chúng, học ngôn ngữ của họ, và hướng dẫn họ học Kinh Thánh tại nhà. Sau đó, em tôi là William cùng vợ là Muriel cũng tốt nghiệp Trường Ga-la-át. Cả hai đều được bổ nhiệm đến khu vực rao giảng trước kia của chúng tôi là Kenya.

Tám năm trôi qua nhanh chóng, và ở đại hội quốc tế tại New York vào năm 1958, tôi gặp lại Jean Hyde. Chúng tôi nối lại tình bạn và hứa hôn với nhau. Tôi đổi nhiệm sở giáo sĩ tại Mauritus sang Nhật, và tại đấy, tôi và Jean đã kết hôn với nhau vào năm 1959. Rồi chúng tôi bắt đầu một thời kỳ hạnh phúc của công việc giáo sĩ tại Hiroshima, bấy giờ chỉ có một hội thánh nhỏ. Ngày nay riêng thành phố này có đến 36 hội thánh.

Tạm biệt nước Nhật

Năm tháng trôi qua, cả hai chúng tôi đều có vấn đề về sức khỏe khiến ngày càng khó làm công việc giáo sĩ, và cuối cùng chúng tôi đành phải rời nước Nhật và về quê nhà Jean tại Úc. Ngày chúng tôi rời Hiroshima thật buồn bã. Trên sân ga xe lửa, chúng tôi nói lời tạm biệt với tất cả bạn hữu thân mến của mình.

Hiện nay chúng tôi sống tại Úc, và tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hết sức mình dù khả năng hạn chế cùng với hội thánh Armidale tại bang New South Wales. Thật là niềm vui lớn được chia sẻ kho tàng lẽ thật đạo Đấng Christ với biết bao người trong gần tám thập niên! Tôi đã thấy sự tăng tiến của chương trình dạy dỗ Kinh Thánh và chính mình đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng về thiêng liêng. Không một ai hoặc một nhóm người nào có thể cho đó là công trạng của mình. Thật vậy, mượn lời người viết Thi-thiên, “điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, một sự lạ-lùng trước mặt chúng tôi”.—Thi-thiên 118:23.

[Hình nơi trang 28]

George với căn nhà di động của chúng tôi

[Hình nơi trang 28]

Tôi đứng tại Hồ Victoria

[Hình nơi trang 29]

Các học sinh trung học tham dự buổi diễn văn công cộng tại Swaziland năm 1938

[Các hình nơi trang 30]

Với Jean trong ngày cưới của chúng tôi năm 1959 và hiện nay