Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao trong nhiều bản dịch Kinh Thánh việc đánh số các bài Thi-thiên và các câu trong mỗi bài lại khác nhau?

Bản Kinh Thánh trọn bộ đầu tiên có đánh số chương và câu là một bản dịch tiếng Pháp do Robert Estienne ấn hành vào năm 1553. Tuy thế, sách Thi-thiên dường như đã được phân chia trước đó lâu rồi, vì là một tài liệu sưu tập các bài Thi-thiên hoặc bài hát riêng lẻ do một số người sáng tác.

Dường như thoạt đầu Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn Đa-vít gom góp thành một bộ sưu tập các bài Thi-thiên để dùng trong sự thờ phượng công cộng. (1 Sử-ký 15:16-24) Người ta tin rằng chính E-xơ-ra, một thầy tế lễ và cũng là “một viên ký lục thành thạo”, sau này đã lãnh trách nhiệm sưu tập các bài Thi-thiên lại thành một sách như hiện nay. (E-xơ-ra 7:6, Nguyễn Thế Thuấn) Thế nên sách Thi-thiên đã được tạo thành từ những bài Thi-thiên riêng lẻ được gom góp lại.

Trong một bài giảng tại nhà hội ở An-ti-ốt (Bi-si-đi) trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên, sứ đồ Phao-lô đã trích dẫn từ sách Thi-thiên và nói: “Y như đã chép trong sách Thi-thiên đoạn thứ hai rằng: Con là Con trai ta, ngày nay ta đã sanh Con”. (Công-vụ 13:33) Trong những sách Kinh Thánh hiện nay, người ta vẫn đọc thấy những lời này nơi bài Thi-thiên số hai, câu 7. Tuy thế, giữa các bản dịch Kinh Thánh vẫn có sự khác biệt trong việc đánh số thứ tự nhiều bài Thi-thiên. Nguyên do là vì một số bản dịch căn cứ vào bản tiếng Hê-bơ-rơ của người Masorete, trong khi một số khác lại dựa trên bản dịch tiếng Hy Lạp Septuagint, là bản dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã được hoàn tất vào thế kỷ thứ hai TCN. Chẳng hạn như bản tiếng La-tinh Vulgate, đã được nhiều Kinh Thánh Công Giáo căn cứ vào để dịch, đã đánh số các bài Thi-thiên theo bản Septuagint, trong khi bản New World Translation và các bản dịch khác lại theo cách đánh số của bản tiếng Hê-bơ-rơ của người Masorete.

Đâu là những điểm khác biệt rõ rệt? Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ có tất cả 150 bài Thi-thiên. Tuy nhiên, bản dịch Septuagint lại kết hợp hai bài Thi-thiên 9 và 10 làm một, và hai bài 114 và 115 thành một. Ngoài ra bản dịch này còn phân chia bài Thi-thiên 116 và 147, mỗi bài thành hai bài. Dù tổng số các bài Thi-thiên vẫn giữ nguyên, nhưng việc đánh số từ bài Thi-thiên 10 đến 146 trong bản Septuagint lại ít hơn một bài so với bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Vì vậy, bài Thi-thiên quen thuộc số 23 đã trở thành bài số 22 trong bản dịch Douay Version, đánh số theo bản dịch tiếng La-tinh Vulgate, và bản này lại đánh số theo cách của bản dịch Septuagint.

Rốt cuộc, từ bản dịch này sang bản dịch khác, số thứ tự các câu của một vài bài Thi-thiên có thể khác nhau. Tại sao? Vì theo cuốn Cyclopedia của McClintock và Strong, một số bản dịch theo “cách của người Do Thái tính lời ghi chú ở đầu bài là câu đầu tiên”, nhưng những bản dịch khác lại không làm thế. Thật vậy, nếu tựa đề hoặc lời ghi chú ở đầu bài quá dài, thì thường được kể là hai câu, và như thế đương nhiên số câu trong bài Thi-thiên sẽ tăng lên.