Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng điều ác đã thắng?

Phải chăng điều ác đã thắng?

Phải chăng điều ác đã thắng?

Ý NIỆM về một cuộc chiến tranh hoàn vũ giữa các lực thiện và lực ác đã phát sinh vô số những suy đoán bởi các nhà văn và những triết gia qua suốt lịch sử. Tuy nhiên, có một cuốn sách tường thuật chính xác về cuộc chiến giữa Đức Chúa Trời và Ma-quỉ. Cuốn sách đó là Kinh Thánh. Sách Kinh Thánh soi rọi tỏ tường những vấn đề liên quan đến cuộc tranh chấp này và giúp người ta biết ai thực sự đã chiến thắng.

Ít lâu sau sự sáng tạo người nam và người nữ đầu tiên, một tạo vật thần linh vô hình, Sa-tan Ma-quỉ, đã thách thức quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Bằng cách quỷ quyệt gợi ý rằng Đức Chúa Trời giấu những điều tốt lành với tạo vật của Ngài và loài người sẽ có đời sống tốt đẹp hơn nếu độc lập với Ngài.—Sáng-thế Ký 3:1-5; Khải-huyền 12:9.

Sau đó, vào thời của tộc trưởng Gióp, Sa-tan nêu lên một vấn đề khác. Tìm cách phá hủy lòng trung kiên của Gióp với Đức Chúa Trời, Sa-tan nói: “Lấy da đền da, phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng-sống mình”. (Gióp 2:4) Quả là một luận điệu vơ đũa cả nắm! Bằng cách dùng một từ tổng quát “một người” thay vì tên của Gióp, Sa-tan gieo nghi ngờ về lòng trung kiên của tất cả mọi người. Như thể hắn quyết đoán: “Một người sẽ làm bất cứ điều gì để cứu mạng sống mình. Hãy cho tôi một cơ hội, thì tôi có thể khiến bất cứ ai xây bỏ Đức Chúa Trời”.

Thắng lợi trong cuộc chiến giữa Đức Chúa Trời và Ma-quỉ được định đoạt qua việc trả lời hai câu hỏi: Con người tự cai trị có thể thành công không? Ma-quỉ có đạt được mục đích khiến mọi người xây bỏ Đức Chúa Trời thật không?

Con người tự cai trị có thể thành công không?

Trong hàng ngàn năm, con người đã thử nghiệm nhiều lối cai trị. Những chính thể khác nhau chẳng hạn như là quân chủ, quý tộc, dân chủ, chuyên chế, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa vô thần, đều đã được thử nghiệm trong quá trình lịch sử. Sự kiện con người lúc nào cũng cần thử nghiệm hết chính thể này đến chính thể khác chẳng phải cho chúng ta thấy rằng các chính thể ấy thất bại hay sao?

H. G. Wells viết trong sách A History of the World, xuất bản năm 1922: “Người La Mã tự thấy mình đang lao vào, hầu như không ngờ, một cuộc thử nghiệm rộng lớn về cách cai trị”. Ông tiếp tục: “Chính thể luôn luôn thay đổi, chẳng bao giờ đạt tới sự ổn định nào. Theo một nghĩa nào đó, cuộc thử nghiệm đã thất bại. Theo một nghĩa khác, cuộc thử nghiệm vẫn chưa xong, và ngày nay Châu Âu và Châu Mỹ vẫn đang phải nỗ lực giải quyết những vấn đề phức tạp về tài năng quản trị nhà nước trên toàn thế giới mà người La Mã đã gặp phải lúc đầu”.

Cuộc thử nghiệm về chính thể tiếp tục qua thế kỷ 20. Thế kỷ đó chấm dứt với chính thể dân chủ có được nhiều người chấp nhận hơn bao giờ hết. Về mặt lý thuyết chế độ dân chủ mở rộng cho mọi người tham gia. Nhưng chế độ này có chứng tỏ rằng con người có thể cai trị thành công khi độc lập với Đức Chúa Trời không? Jawaharlal Nehru, cựu thủ tướng Ấn Độ, đã cho chế độ dân chủ là tốt nhưng thêm rằng: “Tôi nói như vậy bởi vì những chính thể khác xấu hơn”. Cựu Tổng Thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing nói: “Chúng ta đang chứng kiến một tình trạng khủng hoảng của chế độ dân chủ đại nghị”.

Ngay cả trong thế kỷ thứ năm TCN, triết gia Hy Lạp Plato đã khám phá sự yếu kém trong cách cai trị dân chủ. Theo sách A History of Political Theory, ông tấn công “sự ngu dốt và bất tài của các chính khách, đó là cái họa đặc biệt của chính thể dân chủ”. Nhiều chính khách ngày nay than vãn rằng khó kiếm được những nhân tài đủ điều kiện phục vụ trong chính phủ. Theo báo The Wall Street Journal, người ta “bực bội vì các nhà lãnh đạo có vẻ kém cỏi khi mà những vấn đề họ phải đối mặt lại quá lớn”. Tờ báo tiếp: “Họ chán ghét giới lãnh đạo thiếu cương quyết và tham nhũng khi họ tìm kiếm sự hướng dẫn”.

Bây giờ hãy xem xét sự cai trị của vua Sa-lô-môn thời xưa ở Y-sơ-ra-ên. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho Sa-lô-môn sự khôn ngoan vượt bậc. (1 Các Vua 4:29-34) Nước Y-sơ-ra-ên đã có được tình trạng nào trong 40 năm Sa-lô-môn cai trị? Kinh Thánh trả lời: “Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên đông như cát trên bờ biển, ăn uống và vui chơi”. Lời tường thuật cũng nói: “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình”. (1 Các Vua 4:20, 25) Với một vua khôn ngoan cai trị họ là người đại diện hữu hình của Đấng Cai Trị Tối Cao vô hình, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, dân chúng vui hưởng tình trạng ổn định, thịnh vượng, và vui mừng chưa hề có.

Thật là một sự tương phản rõ rệt giữa sự cai trị của con người và của Đức Chúa Trời! Có ai có thể thành thật nói rằng Sa-tan đã thắng trong vấn đề cai trị? Không, vì nhà tiên tri Giê-rê-mi công bố chính xác: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”.—Giê-rê-mi 10:23.

Sa-tan có thể làm mọi người xây bỏ Đức Chúa Trời không?

Sa-tan có thành công trong lời tuyên bố rằng hắn có thể làm mọi người xây bỏ Đức Chúa Trời không? Chương 11 của sách Hê-bơ-rơ trong Kinh Thánh, sứ đồ Phao-lô nêu một số tên những người nam và nữ trung thành trước thời tín đồ Đấng Christ. Khi ấy ông công bố: “Nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên-tri, thì không đủ thì-giờ”. (Hê-bơ-rơ 11:32) Phao-lô chỉ muốn nói những tôi tớ trung thành này như một ‘đám mây rất lớn’. (Hê-bơ-rơ 12:1) Từ Hy Lạp được dùng ở đây cho “đám mây” có nghĩa, không phải một cụm mây riêng rẽ có kích thước và hình dạng rõ ràng, nhưng là một khối mây rất lớn không hình dạng rõ rệt. Điều này thật thích hợp bởi vì số tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời trong quá khứ nhiều đến độ họ giống như khối mây rất lớn. Đúng vậy, trải qua nhiều thế kỷ, số người rất lớn không đếm được đã thực hành sự tự do ý chí của họ và nguyện trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.—Giô-suê 24:15.

Chúng ta thấy gì trong thời chúng ta? Số Nhân Chứng Giê-hô-va khắp thế giới đã tăng trên sáu triệu người bất kể sự bắt bớ và chống đối dữ dội mà họ đã trải qua trong suốt thế kỷ 20. Còn có khoảng chín triệu người kết hợp với họ, và nhiều người trong số đó đang có những bước rõ rệt để có được mối liên hệ cá nhân mật thiết với Đức Chúa Trời.

Về việc Sa-tan cho rằng hắn có thể khiến người ta xây bỏ Đức Giê-hô-va thì lời giải đáp hay nhất cho vấn đề này đến từ Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Christ. Ngay cả sự đau đớn cùng cực trên cây khổ hình cũng không phá hủy được lòng trung kiên của ngài. Khi Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng, ngài kêu lên: “Hỡi Cha, tôi giao linh-hồn lại trong tay Cha!”—Lu-ca 23:46.

Sa-tan dùng đủ mọi thứ trong quyền năng của hắn—từ cám dỗ đến bắt bớ thẳng thừng—để cố gắng giữ con người dưới sự kiểm soát của hắn. Bằng cách dùng “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” để cám dỗ con người, hắn tìm cách tách rời hoặc lôi kéo họ khỏi Đức Giê-hô-va. (1 Giăng 2:16) Sa-tan cũng ‘đã làm mù lòng những kẻ chẳng tin, hầu cho họ không trông thấy sự vinh-hiển chói-lói của Tin-lành Đấng Christ’. (2 Cô-rinh-tô 4:4) Sa-tan cũng không ngần ngại dùng thủ đoạn đe dọa và khai thác sự sợ hãi loài người để hoàn thành mục đích của hắn.—Công-vụ 5:40.

Tuy nhiên, những ai đứng về phía Đức Chúa Trời không bị Ma-quỉ khuất phục. Họ hiểu biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời và ‘yêu-mến Ngài hết lòng, hết linh-hồn, hết tâm trí họ’. (Ma-thi-ơ 22:37) Đúng vậy, lòng trung thành không lay chuyển của Chúa Giê-su Christ và của vô số người chứng tỏ sự thất bại lớn lao của Sa-tan Ma-quỉ.

Tương lai đem lại điều gì?

Những thử nghiệm trong sự cai trị của con người sẽ tiếp tục vô hạn định không? Nhà tiên tri Đa-ni-ên đã báo trước: “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. (Đa-ni-ên 2:44) Nước mà Đức Chúa Trời thiết lập là một chính phủ trên trời do Chúa Giê-su Christ cai trị. Đó chính là Nước mà Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ ngài cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Nước đó sẽ hủy diệt tất cả chính phủ con người trong cuộc “chiến-tranh [sắp đến] trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” và sẽ ảnh hưởng đến toàn thể trái đất.—Khải-huyền 16:14, 16.

Điều gì xảy ra cho Sa-tan trong tương lai? Kinh Thánh mô tả biến cố tương lai này: “[Một vị thiên-sứ của Đức Giê-hô-va] bắt con rồng, tức là con rắn đời xưa, là ma-quỉ, là Sa-tan, mà xiềng nó lại đến ngàn năm. Người quăng nó xuống vực, đóng cửa vực và niêm-phong lại, hầu cho nó không đi lừa-dối các dân được nữa, cho đến chừng nào hạn một ngàn năm đã mãn”. (Khải-huyền 20:1-3) Chỉ sau khi Sa-tan bị quăng vào vực sâu không hoạt động được nữa thì Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su Christ mới bắt đầu.

Khi ấy trái đất này sẽ là một nơi rất thú vị! Sự gian ác và những kẻ gây ra nó sẽ bị loại trừ khỏi đất. Kinh Thánh hứa: “Những kẻ làm ác sẽ bị diệt... Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:9-11) Sự bình an của họ sẽ không còn bị đe dọa bởi bất cứ loài người hoặc loài thú. (Ê-sai 11:6-9) Ngay cả nhiều triệu người, vì không biết và vì không có cơ hội biết Đức Giê-hô-va, đã đứng về phía Ma-quỉ qua suốt lịch sử sẽ được sống lại và được Đức Chúa Trời dạy dỗ.—Công-vụ 24:15.

Vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, trái đất sẽ được lại tình trạng địa đàng, và con người trên đó sẽ được thành người hoàn toàn. Sau đó Sa-tan sẽ được thả ra trong “ít lâu”, để rồi sẽ bị hủy diệt mãi mãi cùng với tất cả những kẻ chống đối sự cai trị của Đức Chúa Trời.—Khải-huyền 20:3, 7-10.

Bạn sẽ chọn phía của ai?

Thế kỷ 20 là thời kỳ mà Sa-tan trút cơn tàn phá trên đất. Tuy nhiên, thay vì cho thấy hắn đã thắng, những tình trạng trên đất hợp thành một điềm chứng tỏ rằng chúng ta đang ở trong những ngày sau rốt của thế gian hung ác này. (Ma-thi-ơ 24:3-14; Khải-huyền 6:1-8) Chẳng phải cường độ của sự gian ác trên đất hay quan điểm của đa số là yếu tố cho biết ai thắng. Những yếu tố quyết định là cách cai trị của ai tốt nhất và có người nào phụng sự Đức Chúa Trời vì lòng yêu thương hay không. Trong cả hai vấn đề, thắng lợi thuộc về Đức Giê-hô-va.

Nếu thời gian cho phép đã chứng tỏ được là Sa-tan sai lầm, tại sao Đức Chúa Trời vẫn cho phép sự gian ác tiếp tục? Đức Giê-hô-va đang tỏ ra kiên nhẫn vì “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Ý định của Đức Chúa Trời là “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Mong sao bạn dùng thời gian còn lại để học hỏi Kinh Thánh và “nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3) Các Nhân Chứng Giê-hô-va sẽ vui mừng giúp bạn đạt đến sự hiểu biết đó để bạn cũng có thể tham gia với hàng triệu người đứng vững bên phía chiến thắng.

[Các hình nơi trang 5]

Bằng cách giữ lòng trung kiên, Nhân Chứng Giê-hô-va đã cho thêm bằng chứng là Sa-tan thất bại

[Hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va có nhiều người trung thành đứng về phía Ngài