Bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va mang lại ân phước dồi dào
Bước đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va mang lại ân phước dồi dào
BẠN có bao giờ đi bộ trên các vùng núi chưa? Nếu có, bạn có thể cảm thấy như đang ở trên đỉnh cao của thế giới vậy. Thật là tuyệt diệu khi được hít thở không khí trong lành, nhìn ra thật xa, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên! Có lẽ những mối quan tâm về thế giới bên dưới dường như không còn quá quan trọng nữa.
Đối với hầu hết mọi người, những cuộc hành trình thú vị như thế thường hiếm, nhưng nếu là một tín đồ Đấng Christ đã dâng mình, có thể bạn đã bước đi trong một thời gian trên những vùng đồi núi theo nghĩa thiêng liêng. Giống như người viết Thi-thiên xưa, chắc hẳn bạn đã cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết các đường-lối Ngài, và dạy-dỗ tôi các nẻo-đàng Ngài”. (Thi-thiên 25:4) Bạn có nhớ cảm giác lần đầu tiên lên núi nơi nhà của Đức Giê-hô-va và bắt đầu đi trên các nơi cao không? (Mi-chê 4:2; Ha-ba-cúc 3:19) Chắc chắn, bạn đã mau chóng nhận thức là việc bước đi trong đường lối cao cả của sự thờ phượng thanh sạch mang lại niềm vui và sự che chở. Bạn cũng cảm nhận giống như người viết Thi-thiên: “Phước cho dân nào biết tiếng vui-mừng! Hỡi Đức Giê-hô-va, họ bước đi trong ánh sáng của mặt Chúa”.—Thi-thiên 89:15.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng những người đi bộ đường núi phải phấn đấu với những con đường dốc dài và thẳng đứng. Đôi chân bắt đầu đau nhức và họ trở nên mệt mỏi. Chúng ta cũng trải qua những khó khăn trong khi phụng sự Đức Chúa Trời. Gần đây, bước chân của chúng ta có thể nặng hơn một chút. Làm cách nào để lấy lại sức lực và niềm vui? Bước đầu tiên là thừa nhận tính ưu việt của đường lối Đức Giê-hô-va.
Luật pháp cao cả của Đức Giê-hô-va
Đường lối Đức Giê-hô-va ‘cao hơn đường-lối con người’ và sự thờ phượng Ngài được ‘lập lên trên chót các núi, và được nhắc cao lên hơn các đồi’. (Ê-sai 55:9; Mi-chê 4:1) Sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va là “sự khôn-ngoan từ trên mà xuống”. (Gia-cơ 3:17) Luật pháp Ngài cao trọng hơn tất cả mọi luật pháp. Thí dụ, vào thời dân Ca-na-an thực hành việc giết trẻ con để tế thần một cách độc ác, Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên những điều luật cao cả về đạo đức và mang tính cách thương xót. Ngài phán bảo họ: “Chớ thiên-vị người nghèo, chớ nể kẻ quyền-thế... Kẻ khách kiều-ngụ... sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình”.—Lê-vi Ký 19:15, 34.
Mười lăm thế kỷ sau, Chúa Giê-su lại nêu thêm nhiều ví dụ khác về ‘luật pháp cao cả’ của Ê-sai 42:21, Tòa Tổng Giám Mục) Trong Bài Giảng trên Núi, ngài bảo các môn đồ: “Hãy [“tiếp tục”, NW] yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 5:44, 45) Và ngài còn nói: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật-pháp và lời tiên-tri”.—Ma-thi-ơ 7:12.
Đức Giê-hô-va. (Những luật pháp cao cả này ảnh hưởng đến lòng những người hưởng ứng, thúc đẩy họ noi gương Đức Chúa Trời mà họ thờ phượng. (Ê-phê-sô 5:1; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13) Hãy suy ngẫm về sự thay đổi của Phao-lô. Lần đầu tiên Kinh Thánh nói đến ông là trong vụ ông “ưng-thuận về sự Ê-tiên bị giết” và “làm tàn-hại Hội-thánh”. Nhưng chỉ một vài năm sau, ông đã đối xử một cách nhu mì với các tín đồ Đấng Christ thành Tê-sa-lô-ni-ca ‘như một người vú săn-sóc chính con mình vậy’. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời đã thay đổi Phao-lô từ một kẻ hay bắt bớ thành một tín đồ Đấng Christ đầy lòng quan tâm. (Công-vụ 8:1, 3; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7) Ông chắc chắn rất biết ơn vì sự dạy dỗ của Chúa Giê-su đã uốn nắn nhân cách ông. (1 Ti-mô-thê 1:12, 13) Làm thế nào cũng với lòng biết ơn như vậy sẽ giúp chúng ta tiếp tục bước đi trong đường lối cao cả của Đức Giê-hô-va?
Bước đi với lòng biết ơn
Những người đi bộ đường dài cảm thấy vui thích khi chiêm ngưỡng những cảnh đẹp tuyệt vời của vùng đồi núi. Họ cũng tập thưởng thức những vật nhỏ bé dọc theo đường đi chẳng hạn như một hòn đá ngộ nghĩnh, một bông hoa xinh xắn hoặc một con thú hoang thoáng qua. Về phương diện thiêng liêng, chúng ta cũng cần ý thức tới những phần thưởng—lớn cũng như nhỏ—đến từ việc bước đi với Đức Chúa Trời. Điều này giúp chúng ta bước đi một cách hăng hái hơn, và khiến những bước chân mệt mỏi trở nên mạnh mẽ. Chúng ta tán đồng lời của Đa-vít: “Vừa buổi sáng, xin cho tôi nghe sự nhân-từ Chúa, vì tôi để lòng trông-cậy nơi Chúa; xin chỉ cho tôi biết con đường phải đi”.—Thi-thiên 143:8.
Mary, một người đã bước đi nhiều năm trong đường lối của Đức Giê-hô-va, nói: “Khi ngắm nhìn sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va, tôi không chỉ thấy một công trình thiết kế phức tạp, mà còn thấy được cá tính đầy yêu thương của Ngài nữa. Dù đó là một con thú, con chim, hay côn trùng, mỗi loài là một thế giới bé nhỏ, đầy quyến rũ. Những lẽ thật thiêng liêng được sáng tỏ dần với thời gian cũng mang đến niềm vui thích tương tự”.
Làm thế nào chúng ta có thể vun đắp lòng biết ơn? Một cách là chớ xem những gì mà Đức Giê-hô-va làm cho chúng ta là điều đương nhiên. Phao-lô viết: “[Hãy] cầu-nguyện không thôi, phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17, 18; Thi-thiên 119:62.
Học hỏi cá nhân cũng giúp vun trồng thái độ biết ơn. Phao-lô thúc giục các tín đồ Đấng Christ thành Cô-lô-se: “Hãy tiếp tục bước đi trong sự hợp nhất với [Chúa Giê-su],... tràn đầy đức tin trong sự cảm tạ”. (Cô-lô-se 2:6, 7, NW) Đọc Kinh Thánh và suy ngẫm những điều đọc được sẽ làm vững mạnh đức tin của chúng ta và đưa chúng ta đến gần Tác Giả của Kinh Thánh hơn. Các trang Kinh Thánh chứa đựng những điều quý giá khiến lòng chúng ta ‘tràn đầy sự cảm tạ’.
Phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với các anh em cũng giúp chúng ta bước đi dễ dàng hơn. Người viết Thi-thiên nói về bản thân mình: “Tôi là bạn-hữu của mọi người kính-sợ Chúa”. (Thi-thiên 119:63) Một trong những lúc vui sướng nhất của chúng ta là được ở bên cạnh anh em mình trong các kỳ đại hội hoặc trong những dịp khác. Chúng ta nhận biết rằng chính nhờ nơi Đức Giê-hô-va và đường lối cao cả của Ngài mà gia đình quý báu của tín đồ Đấng Christ trên khắp thế giới được tồn tại.—Thi-thiên 144:15b.
Bên cạnh lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm sẽ làm chúng ta vững mạnh để tiếp tục đi theo đường lối cao cả của Đức Giê-hô-va.
Bước đi với tinh thần trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, người đi bộ đường dài hiểu rằng phải thận trọng bước đi để tránh đi lạc hoặc tiến quá gần đến những vách núi nguy hiểm. Vì Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự tự do ý chí, nên Ngài cho phép chúng ta được chủ động và tự do tương đối. Nhưng sự tự do này đòi hỏi chúng ta làm tròn bổn phận tín đồ Đấng Christ của mình với tinh thần trách nhiệm.
Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va tin tưởng những tôi tớ trung thành của Ngài làm tròn bổn phận của họ với ý thức trách nhiệm. Ngài không ấn định phải dùng bao nhiêu thì giờ và năng lực cho thánh chức hoặc phải đóng góp bao nhiêu tiền hay những thứ khác. Thay vì thế, những lời của Phao-lô gửi người thành Cô-rinh-tô áp dụng cho tất cả chúng ta: “Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra”.—2 Cô-rinh-tô 9:7; Hê-bơ-rơ 13:15, 16.
Sự ban cho của một tín đồ Đấng Christ có trách nhiệm bao gồm việc chia sẻ tin mừng với người khác. Chúng ta cũng bày tỏ tinh thần trách nhiệm qua việc đóng góp tài chánh cho công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Gerhardt, một trưởng lão, giải thích rằng sự đóng góp của vợ chồng anh đã gia tăng đáng kể sau chuyến đi dự một hội nghị ở Đông Âu. Anh cho biết: “Chúng tôi thấy tuy các anh em ở đó thật thiếu thốn về vật chất, nhưng họ rất quý những ấn phẩm về Kinh Thánh, do đó, chúng tôi đã quyết định dốc hết khả năng của mình ủng hộ cho những anh em khó khăn ở nước khác”.
Tăng cường sức chịu đựng
Đi bộ trên những vùng đồi núi cần có sự bền bỉ. Những người đi bộ đường dài luyện tập vào mọi lúc thuận tiện, và nhiều người tập đi từng chặng ngắn để chuẩn bị cho những đoạn đường dài hơn. Tương tự như vậy, Phao-lô khuyên chúng ta nên luôn bận rộn trong thánh chức để duy trì sức khỏe thiêng liêng. Theo ông, những ai mong muốn “ăn-ở cách xứng-đáng với [Đức Giê-hô-va]” và “được có sức-mạnh” phải “nẩy ra đủ các việc lành”.—Cô-lô-se 1:10, 11.
Động lực cũng góp phần giúp người đi bộ đường dài tiếp tục chịu đựng. Bằng cách nào? Luôn tập trung vào một mục tiêu rõ ràng có tác dụng phấn khích, chẳng hạn như khi nhắm đến một ngọn núi ở đằng xa. Qua những điểm mốc dọc đường, người ấy có thể lượng được đoạn đường mình đã vượt qua so với mục tiêu vạch ra. Và khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, người ấy cảm thấy thật thỏa mãn.
Cũng vậy, hy vọng về sự sống đời đời sẽ giữ vững và thúc đẩy chúng ta. (Rô-ma 12:12) Trong lúc này, khi bước đi trong đường lối Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ cảm thấy thành công qua việc ấn định và hoàn thành những mục tiêu thiêng liêng. Thật vui mừng biết bao khi nhìn lại những năm tháng đã trung thành phụng sự, hoặc thấy được những thay đổi trong nhân cách của chúng ta!—Thi-thiên 16:11.
Muốn vượt qua những đoạn đường dài và duy trì sức lực, người đi bộ phải giữ tốc độ đều đặn. Tương tự, thói quen tham dự nhóm họp và rao giảng thường xuyên sẽ giúp chúng ta tập trung tiến tới mục tiêu. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích anh em tín đồ Đấng Christ: “Chúng ta hãy bước đi đều đặn trong cùng lề lối đó”.—Phi-líp 3:16, NW.
Dĩ nhiên, chúng ta không đơn độc trên con đường của Đức Giê-hô-va. Phao-lô viết: “Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. (Hê-bơ-rơ 10:24) Sự kết hợp tốt về thiêng liêng sẽ giúp chúng ta dễ dàng theo kịp khi cùng bước đi với những anh em đồng đức tin.—Châm-ngôn 13:20.
Cuối cùng và quan trọng nhất là chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh Đức Giê-hô-va ban cho. Người nào được Đức Giê-hô-va ban cho sức lực sẽ “đi tới, sức-lực lần lần thêm”. (Thi-thiên 84:5, 7) Mặc dù đôi khi khó tránh được những chặng đường mấp mô, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn có thể vượt qua.