Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ảnh tượng tôn giáo—Nguồn gốc xa xưa

Ảnh tượng tôn giáo—Nguồn gốc xa xưa

Ảnh tượng tôn giáo​—⁠Nguồn gốc xa xưa

“Ảnh tượng là cách liên kết chúng ta với sự tốt lành và sự thánh thiện của Đức Chúa Trời và các Thánh của Ngài”.​—⁠GIÁO PHẬN CHÍNH THỐNG HY LẠP TẠI ÚC

VÀO một ngày oi bức tháng 8, những tia nắng gay gắt chiếu trên những bậc thềm xi măng dẫn lên tu viện “Đức Mẹ Cực Thánh của Đức Chúa Trời” trên đảo Tínos, ở Biển Aegean. Cái nóng như thiêu không làm giảm sự quyết tâm của hơn 25.000 người hành hương sùng đạo thuộc Chính Thống Hy Lạp đang cố gắng lên được tới tượng mẹ Chúa Giê-su trang hoàng lộng lẫy.

Một cô gái trẻ, bị tật ở chân, lộ rõ nét đau đớn và với vẻ nghiêm trọng trên gương mặt, cô bò đi bằng đôi đầu gối đầm đìa máu. Cách cô không xa, một bà già đã kiệt sức, đến từ một nơi rất xa, ráng lê bước trên đôi chân rã rời. Một người đàn ông hăm hở, ở tuổi trung niên, mồ hôi nhễ nhại, cố lách khỏi đám đông đang chen lấn nhau. Mục đích của họ là phải hôn được tượng bà Ma-ri và được quỳ lạy bức tượng.

Chắc chắn những người rất sùng đạo này muốn thành thật thờ phượng Đức Chúa Trời. Dầu vậy, có bao nhiêu người nhận thức rằng sự sùng bái như thế đối với ảnh tượng tôn giáo bắt nguồn từ những thực hành trước thời đạo Đấng Christ trải qua hàng bao thế kỷ?

Sự phổ biến của các ảnh tượng

Trong thế giới Chính Thống Giáo, ảnh tượng nhan nhản khắp nơi. Trong nhà thờ, ảnh tượng Chúa Giê-su, bà Ma-ri, và nhiều “thánh” chiếm chỗ chính yếu. Tín hữu thường tôn kính những ảnh tượng này qua việc hôn, thắp nhang, và đốt nến. Ngoài ra, hầu như mọi người theo Chính Thống Giáo đều đặt ảnh tượng tại những góc riêng trong nhà họ để cầu nguyện. Tín đồ Chính Thống thường nói rằng khi họ thờ một ảnh tượng, họ thấy mình liên hệ với Đức Chúa Trời. Nhiều người tin rằng ảnh tượng được đầy ân huệ Đức Chúa Trời và có quyền phép lạ lùng.

Những tín đồ đó có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất không dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng. Cuốn sách Byzantium nói: “Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, thừa hưởng từ đạo Do Thái sự gớm ghét thờ hình tượng, đã không chấp nhận bất cứ sự sùng kính nào dành cho hình ảnh thánh nhân”. Cũng cuốn sách ấy nhận xét: “Kể từ thế kỷ thứ năm, ảnh, tượng... đã ngày càng phổ biến trong sự thờ phượng chung và riêng”. Nếu không bắt nguồn từ đạo Đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất thì việc dùng ảnh tượng tôn giáo bắt nguồn từ đâu?

Truy tìm nguồn gốc

Nhà nghiên cứu Vitalij Ivanovich Petrenko viết: “Việc dùng ảnh tượng cùng truyền thống của việc này bắt nguồn trước thời đạo Đấng Christ rất lâu và có ‘gốc ngoại giáo’ ”. Nhiều sử gia đồng ý rằng việc thờ ảnh tượng bắt nguồn từ các tôn giáo của Ba-by-lôn, Ai Cập và Hy Lạp xưa. Chẳng hạn, ở Hy Lạp xưa, các tôn giáo đã dùng tượng. Người ta tin là những tượng này được thần ban cho quyền lực. Họ cũng cho rằng một số ảnh tượng này không phải do tay người làm ra nhưng từ trời rơi xuống. Trong những lễ hội đặc biệt, người ta dâng của-lễ và rước những tượng như thế vòng quanh thành phố. Petrenko nói: “Ảnh tượng được những người sùng đạo xem chính là thần, dù có nhiều cố gắng... để phân biệt thần và ảnh tượng của thần ấy”.

Những ý tưởng và thực hành như thế đã thấm vào đạo Đấng Christ như thế nào? Cũng nhà nghiên cứu trên nhận xét rằng, trong nhiều thế kỷ sau khi các sứ đồ của Đấng Christ chết, đặc biệt tại Ai Cập, “những niềm tin đạo Đấng Christ phải đương đầu với niềm tin lẫn lộn của ngoại giáo bắt nguồn từ những niềm tin và thực hành của Ai Cập, Hy Lạp, Do Thái, Đông Phương và La Mã, vốn được thực hành song song với tín ngưỡng đạo Đấng Christ”. Kết quả là “những thợ thủ công theo đạo Đấng Christ đã chấp nhận đường lối [hòa đồng tôn giáo] và dùng những biểu tượng ngoại giáo, đặt chúng trong một bối cảnh mới, mặc dù không làm chúng thanh sạch hoàn toàn khỏi ảnh hưởng ngoại giáo”.

Chẳng bao lâu sau ảnh tượng đã trở thành trọng tâm trong đời sống tôn giáo cả chung lẫn riêng. Trong sách The Age of Faith, sử gia Will Durant mô tả điều này xảy ra như thế nào. Ông nói: “Khi số thánh người ta thờ nhiều lên gấp bội thì có nhu cầu nhận diện và nhớ họ; người ta làm ra rất nhiều ảnh các thánh và bà Ma-ri, và trong trường hợp Đấng Christ, không những hình Ngài theo như họ đã tưởng tượng mà còn cả thập tự giá của Ngài cũng trở thành những vật để thờ—thậm chí còn trở thành bùa phép cho những người có đầu óc cả tin. Vốn có tự do tưởng tượng, người ta biến di vật, ảnh, và tượng các thánh thành những vật thờ phượng; người ta cúi lạy, hôn, thắp nến và nhang trước chúng, đội vòng hoa, xin phép lạ từ thế lực huyền bí của chúng... Các cha và các công đồng của giáo hội giải thích nhiều lần ảnh tượng không phải là thần thánh, nhưng chỉ là những vật giúp nhớ đến các thánh; người ta không quan tâm gì đến việc phân biệt như thế”.

Ngày nay, nhiều người dùng ảnh tượng tôn giáo cũng lý luận tương tự rằng ảnh tượng chỉ là vật để kính trọng thôi—chứ không để thờ. Họ có thể cho rằng tranh ảnh tôn giáo là chính đáng—thậm chí là cần thiết—trợ giúp trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Có lẽ bạn cũng cảm thấy như vậy. Nhưng vấn đề là: Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về điều này? Phải chăng tôn kính một ảnh tượng thật sự chẳng khác gì thờ nó? Có thể nào những thực hành như thế ngầm chứa những nguy hiểm không?

[Khung/​Hình nơi trang 4]

Ảnh tượng là gì?

Không giống như tượng được nhiều người Công Giáo La Mã dùng để thờ phượng, ảnh tượng là những ảnh hai chiều của Đấng Christ, bà Ma-ri, “các thánh”, các thiên sứ, các nhân vật và các sự kiện trong Kinh Thánh, hoặc các sự kiện trong lịch sử Giáo Hội Chính Thống. Thường thường chúng được vẽ trên những tấm gỗ mang đi được.

Theo Giáo Hội Chính Thống, “trong ảnh tượng các Thánh, tranh ảnh không giống như tranh ảnh của người thường bằng xương bằng thịt”. Ngoài ra, ảnh tượng được “phối cảnh từ sau ra trước”—tranh ảnh không nhỏ hơn khi nhìn điểm xa nhất. Thường “không có bóng, hoặc cách nào để biết ngày và đêm”. Người ta cũng tin rằng gỗ và sơn làm ảnh có thể “có sự hiện diện của Đức Chúa Trời”.

[Hình nơi trang 4]

Việc dùng ảnh tượng có thể truy nguyên từ những thực hành ngoại giáo

[Nguồn tư liệu nơi trang 3]

© AFP/CORBIS