MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Tơ chân của trai biển
Như hàu, trai biển thường bám vào đá, gỗ hoặc thân tàu. Tuy nhiên, hàu thường bám cố định vào một bề mặt, còn trai biển thì đong đưa nhờ một mạng lưới sợi tơ mỏng gọi là tơ chân. Cách này giúp nó uyển chuyển hơn trong việc kiếm ăn và di cư, nhưng những sợi tơ ấy có vẻ quá mỏng manh để chịu được tác động của sóng biển. Vậy làm thế nào tơ chân giúp trai biển bám chắc mà không bị cuốn trôi ra biển?
Hãy suy nghĩ điều này: Một đầu của tơ chân thì cứng chắc, còn đầu kia thì mềm và co giãn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ chính xác—80% vật liệu cứng chắc và 20% vật liệu mềm—là yếu tố quyết định để tạo nên độ bám chắc nhất. Nhờ vậy, trai biển có thể chịu được lực kéo và đẩy mạnh của nước biển.
Giáo sư Guy Genin vô cùng ấn tượng trước kết quả của cuộc nghiên cứu này và nói: “Điều kỳ diệu của sinh vật này nằm ở sự kết hợp tài tình về cấu trúc giữa phần mềm dẻo và phần cứng chắc”. Các nhà khoa học tin rằng có thể ứng dụng cấu tạo của tơ chân vào nhiều lĩnh vực đa dạng như gắn thiết bị vào tòa nhà và tàu ngầm, nối gân với xương, cũng như khâu các vết mổ. Một giáo sư của Đại học California tại Santa Barbara, Hoa Kỳ tên là Herbert Waite nhận xét: “Thiên nhiên là một kho báu vô hạn, đặc biệt là khi nghiên cứu về các phương pháp bám dính”.
Bạn nghĩ sao? Tơ chân của trai biển là do tiến hóa? Hay do được thiết kế?