Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Alhazen

Alhazen

Có lẽ bạn chưa từng nghe đến ông Abū ‘Alī al-Ḥasan ibn al-Haytham. Ở các nước phương Tây, ông được biết đến là Alhazen, dạng La-tinh hóa của tên al-Ḥasan trong tiếng Ả Rập. Rất có thể bạn cũng nhận được lợi ích nhờ sự nghiệp cả đời của Alhazen. Ông được miêu tả là “một trong những nhân vật quan trọng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử khoa học”.

Alhazen sinh ra vào khoảng năm 965 tại Basra, nay thuộc I-rắc. Ông quan tâm đến các lĩnh vực như thiên văn học, hóa học, toán học, y học, âm nhạc, quang học, vật lý học và thơ ca. Vậy chúng ta cần biết ơn ông về điều gì?

ĐẬP Ở SÔNG NIN

Từ lâu, người ta đã lưu truyền một câu chuyện về Alhazen. Câu chuyện này nói đến kế hoạch điều tiết dòng chảy của sông Nin khoảng 1.000 năm trước khi dự án thật sự được triển khai tại Aswân vào năm 1902.

Theo đó, Alhazen đã đề ra kế hoạch táo bạo là thay đổi chu kỳ của lũ lụt và hạn hán tại Ai Cập bằng cách xây đập ở sông Nin. Khi nghe tin về ý tưởng đó, nhà lãnh đạo Cairo là al-Hakim đã mời Alhazen đến Ai Cập để xây đập. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến dòng sông, Alhazen nhận ra mình không thể thực hiện dự án. Vì sợ nhà lãnh đạo khét tiếng là thất thường này trừng phạt, Alhazen đã giả điên trong khoảng 11 năm cho đến khi al-Hakim qua đời vào năm 1021. Trong khi bị giam, Alhazen có nhiều thời gian để tập trung vào những lĩnh vực mà ông quan tâm.

SÁCH VỀ QUANG HỌC

Vào thời điểm được thả ra, Alhazen đã viết gần xong Sách về quang học (Book of Optics). Cuốn sách này gồm bảy tập và được xem là “một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong lịch sử của ngành vật lý”. Trong đó, ông nói về các thí nghiệm liên quan đến ánh sáng, bao gồm hiện tượng ánh sáng bị tách ra thành những chùm sáng đơn sắc, phản xạ khi gặp gương phẳng và bẻ cong khi đi từ môi trường này đến môi trường khác. Ông cũng nghiên cứu về nhận thức thị giác, giải phẫu sinh lý mắt và cơ chế hoạt động của mắt.

Đến thế kỷ 13, sách của Alhazen đã được dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng La-tinh. Trong nhiều thế kỷ sau, các học giả châu Âu đã trích dẫn từ sách này vì xem nó có thẩm quyền. Các bài viết của Alhazen về đặc tính của thấu kính đã cung cấp nền tảng quan trọng cho những người làm mắt kính ở châu Âu, là những người phát minh ra kính thiên văn và kính hiển vi bằng cách ghép các thấu kính với nhau.

“PHÒNG TỐI”

Alhazen đã xác định được những nguyên tắc làm nền tảng cho ngành nhiếp ảnh khi xây dựng cái có thể được ghi nhận là “phòng tối” đầu tiên. Đó là căn phòng mà ánh sáng chỉ có thể đi vào qua một lỗ nhỏ và chiếu hình ảnh đảo ngược của một cảnh bên ngoài lên một bức tường bên trong.

Alhazen đã xây dựng cái có thể được gọi là “phòng tối” đầu tiên

Vào thập niên 1800, những tấm kính ảnh được bổ sung vào “phòng tối” để lưu lại hình ảnh. Kết quả là gì? Đó là sự ra đời của máy ảnh. Tất cả các máy ảnh hiện đại và ngay cả mắt của chúng ta đều hoạt động theo cùng nguyên tắc vật lý giống với “phòng tối”. *

PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC

Đặc điểm nổi bật trong công trình của Alhazen là phương pháp nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên một cách hệ thống và tỉ mỉ. Vào thời đó, phương pháp nghiên cứu của ông rất khác thường. Alhazen là một trong những người đầu tiên dùng thí nghiệm để kiểm chứng lý thuyết. Ông không ngại nêu lên nghi vấn về những sự hiểu biết mà người ta chấp nhận nhưng chưa được chứng minh.

Một nguyên tắc của khoa học hiện đại có thể được tóm gọn như sau: “Hãy chứng minh điều bạn tin!”. Một số người coi Alhazen là “cha đẻ của phương pháp khoa học hiện đại”. Đó là điều chúng ta biết ơn ông.

^ đ. 13 Ở phương Tây, điểm tương đồng giữa “phòng tối” và mắt đã được Johannes Kepler giải thích rõ ràng vào thế kỷ 17.