Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Khi có thảm họa​—Làm sao để sống sót?

Khi có thảm họa​—Làm sao để sống sót?

“Tiếng nổ inh tai khiến tôi gần như té xuống sàn. Khói bốc ra từ lỗ thông gió, và văn phòng nằm trên tòa nhà cao tầng của chúng tôi bốc cháy”.—Anh Joshua.

“Động đất”, “bão tố”, “khủng bố”, “xả súng tại trường học” là những đề tài thường xuyên xuất hiện trên các trang báo. Hiển nhiên, đọc là một chuyện nhưng trải qua thảm họa là một chuyện khác. Để tăng khả năng sống sót, bạn có thể làm gì trước, trong sau khi thảm họa xảy ra?

TRƯỚC THẢM HỌA​—CHUẨN BỊ!

Thảm họa không chừa bất cứ ai. Chuẩn bị là bước quan trọng nhất để có thể sống sót. Vậy cần chuẩn bị điều gì?

  • Chuẩn bị tinh thần. Cần nhớ rằng thảm họa là điều không tránh được và bạn cũng như người thân có thể gặp rủi ro. Sẽ là quá trễ nếu sau khi thảm họa ập đến thì mới chuẩn bị.

  • Tìm hiểu về những thảm họa có nguy cơ xảy ra trong khu vực của bạn. Cần biết rõ vị trí nơi trú ẩn. Xem xét mức độ an toàn của nhà cửa và khu vực xung quanh. Loại bỏ những nguy cơ gây hỏa hoạn. Lắp đặt thiết bị báo cháy và thay pin ít nhất mỗi năm một lần hoặc thường xuyên hơn.

  • Chuẩn bị những đồ dùng phòng trường hợp khẩn cấp. Dịch vụ chuyên chở, điện, nước và điện thoại có thể bị cắt. Nếu có xe, bạn nên giữ cho nhiên liệu tối thiểu ở mức nửa bình. Luôn có thức ăn, nước dự trữ và hộp sơ cứu ở nhà.—Xem khung “ Bạn có những thứ cần thiết chưa?”.

    Chuẩn bị là bước quan trọng nhất để bạn sống sót

  • Lưu lại số điện thoại của một số người bạn đang sống gần và xa nơi bạn ở.

  • Lên phương án thoát hiểm và tập dượt. Cần biết rõ vị trí cửa thoát hiểm gần nhất trong tòa nhà của bạn, cũng như phương án khẩn cấp tại trường học của con cái. Chọn những nơi mà gia đình bạn sẽ gặp nhau trong trường hợp có thảm họa, chẳng hạn như trường học hoặc công viên. Nên chọn một nơi ở gần và một nơi ngoài khu vực bạn sống. Một số tổ chức khuyến cáo bạn và gia đình nên tập đi bộ đến những nơi này.

  • Lên kế hoạch giúp người khác, bao gồm người lớn tuổi và người đang đau yếu.

TRONG THẢM HỌA​—HÀNH ĐỘNG NHANH CHÓNG!

Anh Joshua, người được đề cập ở đầu bài, kể lại: “Khi trận hỏa hoạn xảy ra, hầu hết mọi người không hoảng sợ, tuy nhiên họ cứ chần chừ. Một số người tắt máy tính hoặc đi lấy nước. Một người nói: ‘Có lẽ chỉ cần đợi xem’”. Dù họ chần chừ, anh Joshua hối thúc: “Mọi người phải ra khỏi đây ngay!”. Lúc đó, mọi người mới ý thức mối nguy hiểm và theo anh xuống cầu thang. Anh Joshua tiếp tục hô to: “Nếu có ai ngã thì hãy đỡ người đó dậy và đi tiếp. Chúng ta sẽ sống sót!”.

  • Khi xảy ra hỏa hoạn. Cúi thấp người xuống sàn nhà, và nhanh chóng đến cửa thoát hiểm gần nhất. Khói có thể khiến bạn khó nhìn thấy xung quanh. Hầu hết những nạn nhân tử vong là do bị ngạt khói. Bỏ lại đồ đạc cá nhân. Sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

  • Khi xảy ra động đất. Chui xuống gầm những đồ nội thất chắc chắn hoặc ở gần tường bên trong nhà. Thường sẽ có dư chấn, nên hãy ra ngoài và tránh xa các tòa nhà càng sớm càng tốt. Nhân viên cứu hộ có thể sẽ đến hiện trường sau nhiều giờ, vì vậy nếu được, hãy cố gắng cứu người khác.

  • Khi xảy ra sóng thần. Khi nước đột ngột rút ra xa bờ, hãy nhanh chóng di chuyển đến nơi cao hơn. Sau một sóng lớn, thường sẽ có nhiều sóng lớn hơn.

  • Khi xảy ra lốc xoáy và bão tố. Ngay lập tức tìm đến hầm trú bão.

  • Khi xảy ra lũ lụt. Hãy ra khỏi những tòa nhà bị ngập lụt. Tránh lội nước hoặc lái xe qua những chỗ bị ngập. Lũ lụt có thể mang theo nước cống và khiến người ta không thể thấy những mảnh vỡ, hố ga mất nắp và dây điện bị đứt v.v.

  • Bạn có biết? Dòng nước sâu khoảng 0,6m có thể cuốn đi một chiếc xe hơi. Hầu hết nạn nhân tử vong là do cố gắng lái xe qua dòng nước đang chảy.

  • Nếu chính quyền ra lệnh sơ tán, hãy làm theo ngay lập tức! Báo cho người thân biết bạn đang ở đâu. Nếu không, họ có thể gặp nguy hiểm tính mạng trong khi đi tìm bạn.

    Nếu có lệnh sơ tán, hãy làm theo ngay lập tức!

  • Bạn có biết? Nhắn tin có thể bảo đảm hơn so với gọi điện.

  • Nếu chính quyền yêu cầu người dân không ra khỏi nhà hoặc nơi trú ẩn, hãy ở yên đó. Trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất, sinh học hoặc hạt nhân, hãy ở trong nhà, tắt quạt thông gió và bịt kín tất cả các cửa. Khi xảy ra sự cố hạt nhân, hãy xuống nơi thấp nhất của tòa nhà để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Hãy theo dõi tin tức trên ti-vi và đài. Hãy ở trong nhà cho đến khi chính quyền thông báo là không còn nguy hiểm nữa.

SAU THẢM HỌA​—GIỮ AN TOÀN!

Để phòng bệnh và tránh những mối nguy hiểm, hãy xem xét một số lời đề nghị sau:

  • Ở cùng người thân nếu có thể, thay vì ở khu tập trung.

  • Giữ môi trường sống sạch sẽ.

  • Dùng đồ bảo hộ cá nhân khi dọn dẹp đống đổ nát. Nếu có thể, hãy đeo găng tay, đi giày cứng, đội mũ cứng và mang khẩu trang. Cẩn thận với dây điện và những đống tro còn cháy âm ỉ.

  • Cố gắng giữ nếp sống hằng ngày như bình thường. Con cái cần nhận thấy là bạn vẫn bình tĩnh và có hy vọng. Cả gia đình hãy cùng làm bài tập của con, chơi trò chơi và thờ phượng. Đừng nghĩ mãi về những tin tức của báo đài liên quan đến bi kịch vừa xảy ra. Đừng trút lo lắng và bực tức lên các thành viên khác trong gia đình. Chấp nhận sự giúp đỡ và hỗ trợ người khác.

    Sau khi thảm họa xảy ra, cố gắng giữ nếp sống như bình thường

  • Nhận biết rằng thảm họa gây ra sự mất mát. Chính phủ và những tổ chức cứu trợ tập trung vào việc giúp người ta sống sót, chứ không bồi thường những thứ đã mất. Để sống sót, chúng ta cần nước sạch, thức ăn, quần áo và nơi trú ẩn.—1 Ti-mô-thê 6:7, 8.

  • Nhận biết những tổn thương về cảm xúc và nói ra. Tổn thương về cảm xúc thường xảy ra sau khi cú sốc qua đi. Các triệu chứng bao gồm lo lắng, buồn nản và tâm trạng bất ổn, cũng như khó tập trung để suy nghĩ, làm việc và ngủ. Hãy trò chuyện với những người thân quan tâm đến bạn.

Sau trận hỏa hoạn ở nơi làm việc, dù anh Joshua sống sót nhưng nhiều người quen của anh thiệt mạng. Anh đã nhận được sự hỗ trợ từ các trưởng lão của tín đồ đạo Đấng Ki-tô và những chuyên gia tâm lý. Anh Joshua nói: “Họ bảo đảm với tôi rằng cảm xúc đau buồn là điều tự nhiên trong quá trình hồi phục và sẽ không còn nữa. Tôi ít gặp ác mộng hơn sau sáu tháng kể từ khi xảy ra thảm họa. Còn những triệu chứng khác thì kéo dài lâu hơn”.

Thảm họa khiến chúng ta nêu nghi vấn về sự công bằng. Một số người sai lầm đổ lỗi cho Đức Chúa Trời về những gì đã xảy ra. Như anh Joshua, nhiều người trải qua “cảm giác tội lỗi của người sống sót”. Anh nói: “Tôi vẫn tự hỏi liệu lúc đó mình có thể cứu được nhiều người hơn hay không. Tôi được an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ nhanh chóng đem lại sự công bằng trọn vẹn và giải quyết mọi vấn đề trên đất. Cho đến lúc đó, tôi quý trọng sự sống mỗi ngày và cố gắng làm những gì có thể để giữ gìn sự sống”.—Khải huyền 21:4, 5. *

^ đ. 33 Để biết thêm những lời hứa của Đức Chúa Trời về tương lai và lý do ngài để cho đau khổ xảy ra, xin xem sách Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì?. Cũng có thể tải về tại www.isa4310.com/vi.