XÂY ĐẮP TỔ ẤM | GIỚI TRẺ
Có nên mạo hiểm tìm cảm giác mạnh?
VẤN ĐỀ
“Khi đứng sát tàu điện ngầm cao tốc đang chạy trong đường hầm, cảm giác hồi hộp giúp mình giải tỏa căng thẳng”.—Liêm. *
“Khi nhảy từ vách núi cheo leo xuống nước, mình cảm thấy hoàn toàn tự do trong vài giây. Mình thích cảm giác đó, nhưng đôi khi cũng sợ”.—Lan.
Như Liêm và Lan, nhiều bạn trẻ tìm cảm giác mạnh hay sự phấn khích qua việc thử sức chịu đựng, đôi khi bằng những cách rất nguy hiểm. Đó có phải là trường hợp của bạn không? Hãy cùng xem bài này.
BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?
Sự phấn khích có thể gây nghiện. Sự phấn khích có thể khiến bạn thích thú trong một lúc, nhưng sau đó sẽ thôi thúc bạn muốn cảm nghiệm nhiều hơn. Giống như Liêm, bạn Minh đã vào đường hầm của tàu điện. Minh cho biết: “Như một vòng luẩn quẩn, mình cảm thấy vui trong chốc lát, rồi lại muốn có thêm cảm giác phấn khích khác”.
Giang đã trượt pa-tin tốc độ bằng cách bám vào các xe chạy trên đường. Bạn ấy kể lại: “Cảm giác phấn khích khiến mình muốn lặp lại hành động đó lần nữa. Mình muốn được người khác trầm trồ ngưỡng mộ, nhưng rốt cuộc là vào bệnh viện”.
Áp lực bạn bè có thể khiến bạn hành động thiếu khôn ngoan. Một bạn trẻ là Mạnh nói: “Các bạn gây áp lực để mình leo lên tòa nhà mà không có thiết bị bảo hộ. Họ thúc: ‘Leo đi. Cậu làm được mà’. Mình không an tâm chút nào, và run lẩy bẩy khi bắt đầu leo lên tường”. Lan, bạn trẻ đã được đề cập, nhận xét: “Mình bắt chước điều mọi người làm. Cứ phải hùa theo người ta”.
Một số người cũng dùng Internet để tạo áp lực cho bạn bè qua việc ca ngợi những người đi tìm cảm giác phấn khích và làm giảm nhẹ các mối nguy hiểm. Trên mạng xã hội, các video quay cảnh khiêu khích nhau thực hiện các pha mạo hiểm thường nhanh chóng đạt số lượt xem “khủng”. Do đó, chúng tạo danh tiếng và sự chú ý cho những người mạo hiểm như thế.
Ví dụ, một số video nổi tiếng quay cảnh parkour, tức là vượt các chướng ngại vật (như tường, nhà và cầu thang) bằng cách chạy, nhảy hoặc leo mà không cần thiết bị bảo hộ nào.
Điều đó có thể khiến bạn đi đến hai kết luận sai lầm: (1) Hành động ấy không nguy hiểm lắm và (2) mọi người đều làm như thế. Hậu quả là bạn muốn thử những hoạt động nguy hiểm đến tính mạng.Có những cách tốt và an toàn hơn để thử khả năng chịu đựng. Kinh Thánh nói: “Việc rèn luyện thân thể có ích một phần” (1 Ti-mô-thê 4:8). Nhưng Kinh Thánh cũng khuyến khích bạn “sống có suy xét” (Tít 2:12). Như thế nào?
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Xem xét rủi ro. Kinh Thánh nói: “Người khôn khéo hành động với tri thức, kẻ dại dột phơi bày cái dại hắn” (Châm ngôn 13:16). Trước khi tham gia một hoạt động, hãy tìm hiểu các rủi ro có thể xảy ra. Hãy nghĩ xem: “Khi tham gia hoạt động này, tôi có đánh cược tính mạng hoặc khiến mình bị thương nặng không?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm ngôn 14:15.
Hãy nghĩ xem: “Khi tham gia hoạt động này, tôi có đánh cược tính mạng hoặc khiến mình bị thương nặng không?
Chọn những người bạn biết tôn trọng sự sống. Bạn bè đích thực sẽ không khuyến khích bạn mạo hiểm hoặc ép làm những điều mà bạn cảm thấy không an tâm. Lan nói: “Những người bạn tốt và chín chắn đã giúp mình lựa chọn các hoạt động một cách khôn ngoan hơn. Nhờ những người bạn đích thực, đời sống mình thay đổi”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm ngôn 13:20.
Phát huy kỹ năng mà không cần liều mạng. Một sách nói về người trẻ (Adolescent Risk Behaviors) cho biết một phần của quá trình trưởng thành là “học cách thiết lập nguyên tắc và giới hạn cho chính mình”. Bạn có thể thử sức chịu đựng trong môi trường an toàn, với những thiết bị bảo hộ và sự chuẩn bị trước.
Xây đắp lòng tự trọng thật. Người ta nể bạn vì cách bạn khéo léo đương đầu với thử thách trong đời sống thật, chứ không phải vì việc bạn dám mạo hiểm. Lan tâm sự: “Nhảy cầu vách núi chỉ là khởi đầu của giai đoạn mình làm nhiều điều hủy hoại bản thân. Hẳn đã tốt hơn nếu mình tập nói không”.
Điểm chính yếu: Thay vì chịu những rủi ro không cần thiết để có được cảm giác phấn khích, hãy sáng suốt trong việc chọn giải trí.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm ngôn 15:24.
^ đ. 4 Một số tên trong bài này đã được thay đổi.