Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những giá trị đạo đức như la bàn đáng tin cậy giúp con bạn định hướng

CHA MẸ

7: Rèn luyện đạo đức

7: Rèn luyện đạo đức

ĐIỀU NÀY CÓ NGHĨA GÌ?

Những giá trị đạo đức của bạn là những chuẩn mực mà bạn tuân theo trong đời sống. Chẳng hạn, nếu bạn cố gắng trung thực trong mọi việc thì hẳn bạn cũng muốn rèn đức tính này cho con.

Những giá trị ấy cũng bao gồm các đức tính như siêng năng, công bằng và biết quan tâm đến người khác. Đó là những phẩm chất mà tốt hơn hết bạn nên rèn cho con từ nhỏ.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy rèn luyện con trẻ trong đường nó phải đi, dù khi nó về già vẫn không lìa đường ấy”.—Châm ngôn 22:6.

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Trong thời đại công nghệ, những giá trị đạo đức rất cần thiết. Một người mẹ tên Karyn nói: “Chỉ với một thiết bị cầm tay, con cái chúng ta dễ dàng tiếp cận với những nội dung xấu. Bạn có thể ngồi ngay bên cạnh mà chẳng hay biết chúng đang xem những thứ không lành mạnh!”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: ‘Người trưởng thành rèn luyện khả năng nhận thức để phân biệt điều đúng, điều sai’.—Hê-bơ-rơ 5:14.

Lễ nghĩa cũng quan trọng. Bạn cần dạy con giữ phép lịch sự (như nói “xin” hay “cảm ơn”) và thể hiện lòng quan tâm đến người khác. Cách cư xử này ngày càng hiếm trong xã hội đầy những người chỉ quan tâm đến thiết bị điện tử hơn là người xung quanh.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “[Bạn] muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ”.—Lu-ca 6:31.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Nói rõ cho con biết những giá trị đạo đức của bạn. Chẳng hạn, các cuộc nghiên cứu cho biết nếu thanh thiếu niên được dạy rõ rằng việc quan hệ trước hôn nhân là sai thì các em sẽ dễ tránh hành vi đó hơn.

GỢI Ý: Bạn có thể dùng một tin thời sự để trao đổi với con về giá trị đạo đức. Chẳng hạn, khi phương tiện truyền thông đưa tin về một tội ác, bạn có thể nói với con: “Cách người ta đối xử với nhau thật khủng khiếp. Con nghĩ tại sao người ta lại thù ghét nhau đến thế?”.

“Con sẽ rất khó phân biệt đúng sai nếu chưa biết điều gì là đúng, điều gì là sai”.—Anh Brandon.

Dạy con lễ nghĩa. Ngay cả những em còn rất nhỏ cũng có thể tập nói “xin” hay “cảm ơn” và biết nghĩ đến người khác. Một cuốn sách cho biết: “Khi hiểu mình thuộc về một tập thể, như gia đình, trường học hay cộng đồng, các em sẽ dễ có hành động tử tế vì lợi ích của người khác, chứ không chỉ của riêng mình”.—Parenting Without Borders.

GỢI Ý: Hãy giao những việc nhà cho con để con hiểu giá trị của việc giúp đỡ người khác.

“Nếu con tập làm việc từ nhỏ thì khi sống tự lập con sẽ không bỡ ngỡ. Việc chu toàn trách nhiệm đã trở thành thói quen của con”.—Chị Tara.