Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Ý của Chúa Giê-su là gì khi nói: “Đừng nghĩ rằng tôi đến để đem bình an”?

Chúa Giê-su rao truyền một thông điệp bình an. Nhưng vào dịp nọ, ngài nói với các sứ đồ: “Đừng nghĩ rằng tôi đến để đem bình an trên đất; tôi đến không phải để đem bình an, mà là đem gươm giáo. Vì tôi đến để gây chia rẽ, khiến con trai chống cha, con gái chống mẹ, con dâu chống mẹ chồng” (Mat 10:34, 35). Ý của Chúa Giê-su là gì?

Chúa Giê-su không muốn các thành viên trong gia đình xa cách nhau, nhưng ngài biết những sự dạy dỗ của ngài sẽ gây chia rẽ trong một số gia đình. Vì thế, những ai muốn trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô và báp-têm cần hiểu là người thân có thể không vui về quyết định của họ. Khi gặp sự chống đối từ người hôn phối hoặc người thân không tin đạo, một người có thể thấy khó vâng giữ những sự dạy dỗ của Đấng Ki-tô.

Kinh Thánh khuyến khích các tín đồ đạo Đấng Ki-tô “hòa thuận với mọi người” (Rô 12:18). Tuy nhiên, những sự dạy dỗ của Chúa Giê-su có thể trở thành giống như “gươm giáo” trong một số gia đình. Điều này xảy ra khi một thành viên chấp nhận những gì Chúa Giê-su dạy, còn những người khác thì bác bỏ hoặc chống đối. Trong trường hợp đó, những người thân trở thành “kẻ thù” của người đang học chân lý.—Mat 10:36.

Các môn đồ sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo đôi khi đối mặt với tình huống thử thách lòng yêu mến của họ dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. Chẳng hạn, người thân không tin đạo có thể thúc ép họ cử hành một ngày lễ tôn giáo. Khi gặp thử thách, họ sẽ làm vui lòng ai? Chúa Giê-su nói: “Ai yêu mến cha mẹ hơn tôi thì không xứng đáng với tôi” (Mat 10:37). Dĩ nhiên, ngài không có ý nói rằng để xứng đáng với ngài, họ phải yêu cha mẹ ít hơn trước kia. Thay vì thế, ngài đang dạy họ nên xem điều gì là quan trọng nhất trong đời sống. Nếu người thân không cùng đức tin chống đối việc chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn yêu thương họ. Nhưng chúng ta ý thức rằng tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất.

Đúng là sự chống đối từ gia đình có thể gây đau lòng, nhưng môn đồ của Chúa Giê-su ghi nhớ lời sau của ngài: “Ai không vác cây khổ hình mình mà theo tôi thì không xứng đáng với tôi” (Mat 10:38). Nói cách khác, tín đồ đạo Đấng Ki-tô xem sự chống đối từ gia đình là một thử thách mà môn đồ của Chúa Giê-su sẵn sàng chấp nhận. Đồng thời, họ cũng hy vọng rằng hạnh kiểm tốt của mình có thể khiến người thân không tin đạo dịu lại và muốn tìm hiểu về thông điệp của Kinh Thánh.—1 Phi 3:1, 2.