KINH NGHIỆM
Nhớ đến Đức Giê-hô-va trong mỗi bước đường
Vào một buổi sáng đẹp trời năm 1984, tôi rời căn nhà trong khu khá giả ở Caracas, Venezuela, để đi làm. Trên đường đi, tôi suy nghĩ đến một bài Tháp Canh mới ra nói về quan điểm của những người xung quanh về chúng ta. Nhìn những ngôi nhà gần đó, tôi băn khoăn: “Liệu người xung quanh chỉ xem mình là nhân viên ngân hàng thành công? Hay họ xem mình là một tôi tớ Đức Chúa Trời làm việc ở ngân hàng để chu cấp cho gia đình?”. Tôi nhận ra là họ chỉ xem tôi như một nhân viên ngân hàng thành công, và tôi không muốn như thế. Vậy nên tôi quyết định thực hiện những bước để thay đổi.
Tôi sinh ngày 19-5-1940, tại thị trấn Amioûn, Lebanon. Vài năm sau, gia đình tôi chuyển đến thành phố Tripoli. Tôi lớn lên trong một gia đình yêu thương, hạnh phúc và kính sợ Đức Giê-hô-va. Gia đình tôi có năm anh chị em, ba gái hai trai, và tôi là em út. Đối với cha mẹ tôi, việc kiếm sống không phải là điều quan trọng nhất. Đời sống chúng tôi xoay quanh việc học Kinh Thánh, tham dự nhóm họp và giúp người khác biết về Đức Chúa Trời.
Trong hội thánh chúng tôi có vài tín đồ được xức dầu. Một trong số đó là anh Michel Aboud, người điều khiển buổi học lúc ấy được gọi là buổi học cuốn sách. Anh học chân lý ở New York và mang chân lý đến Lebanon vào đầu thập niên 1920. Tôi đặc biệt ấn tượng khi thấy anh tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ hai chị trẻ tốt nghiệp Trường Ga-la-át là chị Anne Beavor và chị Gwen Beavor. Hai chị ấy trở thành bạn thân của chúng tôi. Nhiều thập kỷ sau, tôi rất mừng khi gặp chị Anne tại Hoa Kỳ. Một thời gian sau đó, tôi gặp chị Gwen, chị đã kết hôn với anh Wilfred Gooch và bấy giờ phụng sự tại Bê-tên Luân Đôn, Anh Quốc.
RAO GIẢNG Ở LEBANON
Lúc tôi còn trẻ, chỉ có ít Nhân Chứng ở Lebanon. Nhưng chúng tôi rất sốt sắng chia sẻ với người khác những gì mình học được từ Kinh Thánh. Chúng tôi làm thế bất kể sự chống đối từ một số nhà lãnh đạo tôn giáo. Tôi còn nhớ rất rõ vài sự kiện xảy ra lúc đó.
Ngày nọ, tôi và chị gái là Sana đang rao giảng trong một tòa chung cư. Bỗng nhiên, có một linh mục xuất hiện ở tầng chúng tôi đang rao giảng. Hẳn là có ai đã báo cho ông ấy. Ông ấy bắt đầu mắng nhiếc chị tôi. Ông còn dùng vũ lực và đẩy chị Sana xuống cầu thang, khiến chị ấy bị thương. Có ai đó đã gọi cảnh sát. Khi đến, cảnh sát đã nhân từ sắp xếp để chị Sana được chăm sóc. Họ giải ông linh mục về đồn. Ở đó, họ phát hiện ông ấy mang theo súng. Cảnh sát trưởng hỏi ông: “Rốt cuộc ông là ai? Lãnh đạo tôn giáo hay cầm đầu băng đảng?”.
Một dịp khác mà tôi nhớ rất rõ là khi hội thánh chúng tôi thuê một chiếc xe buýt để đi rao giảng ở một thị trấn xa xôi. Chúng tôi đang làm thánh chức rất vui cho đến khi một linh mục địa phương nghe về điều chúng tôi đang làm và tập hợp một đám đông để tấn công chúng tôi. Họ gây rối loạn, thậm chí còn ném đá chúng tôi, khiến cha tôi bị thương. Tôi còn nhớ mặt cha tôi chảy đầy máu. Cha mẹ tôi trở lại xe buýt; tất cả chúng tôi đi theo sau và rất lo lắng. Tuy nhiên, tôi không bao giờ quên điều mẹ nói khi chăm sóc vết thương cho cha: “Lạy Đức Giê-hô-va, xin tha thứ cho họ. Họ không biết mình đang làm gì”.
Một lần khác, chúng tôi về quê thăm họ hàng. Tại nhà ông nội, chúng tôi gặp một nhà lãnh đạo tôn giáo có địa vị cao, là một giám mục. Ông ấy biết cha mẹ tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù lúc đó tôi chỉ sáu tuổi, nhưng ông ấy nhắm vào tôi và hỏi: “Sao cháu chưa báp-têm?”. Tôi trả lời rằng tôi vẫn còn nhỏ và để báp-têm, tôi cần biết thêm về Kinh Thánh và có đức tin mạnh. Ông ấy không thích câu trả lời của tôi nên nói với ông nội rằng tôi rất vô lễ.
Tuy nhiên, những chuyện tiêu cực như thế thì không nhiều. Nói chung, người Lebanon rất thân thiện và hiếu khách. Do đó, chúng tôi có nhiều cuộc thảo luận Kinh Thánh thú vị và điều khiển khá nhiều cuộc học hỏi.
QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN ĐẾN NƯỚC KHÁC
Khi tôi còn đi học, một anh trẻ từ Venezuela đến thăm Lebanon. Anh ấy tham dự các buổi nhóm họp với hội thánh chúng tôi và bắt đầu làm quen với chị tôi là Wafa. Một thời gian sau, họ kết hôn và chuyển đến Venezuela. Trong những lá thư viết cho gia đình, chị Wafa cố thuyết phục cha tôi chuyển cả gia đình đến sống ở Venezuela vì chị ấy rất nhớ chúng tôi. Cuối cùng chị ấy đã thuyết phục cha tôi thành công!
Chúng tôi đến Venezuela vào năm 1953 và sống ở Caracas, gần dinh tổng thống. Vì
còn nhỏ, tôi rất phấn khích khi thỉnh thoảng được thấy tổng thống ngồi trong chiếc xe sang trọng đi ngang qua. Nhưng không dễ để cha mẹ tôi thích nghi với đất nước mới cũng như ngôn ngữ, văn hóa, thức ăn và khí hậu ở nơi đó. Thực tế, họ vừa mới thích nghi thì bi kịch xảy ra.BI KỊCH ẬP ĐẾN
Cha tôi bắt đầu cảm thấy không khỏe. Chúng tôi thấy rất lạ, vì cha luôn là người khỏe mạnh. Chúng tôi không nhớ là cha bị bệnh lần nào cả. Rồi cha được chẩn đoán là mắc ung thư tuyến tụy và phải phẫu thuật. Thật đau lòng, cha tôi qua đời một tuần sau đó.
Thật khó để diễn tả nỗi đau buồn của chúng tôi vào lúc đó. Tôi chỉ mới 13 tuổi. Chúng tôi bị sốc và cảm thấy như thế giới sụp đổ. Trong một thời gian, mẹ tôi thấy khó chấp nhận là chồng mình không còn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra rằng đời sống vẫn tiếp diễn, và với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chúng tôi đã xoay xở được. Khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Caracas lúc 16 tuổi, tôi rất muốn hỗ trợ gia đình về vật chất.
Trong khoảng thời gian đó, chị Sana kết hôn với anh Rubén Araujo, người đã tốt nghiệp Trường Ga-la-át và trở về Venezuela. Họ chọn chuyển đến New York. Gia đình tôi quyết định là tôi sẽ học đại học, nên tôi chuyển đến New York và sống với vợ chồng chị gái để đi học. Trong thời gian sống ở đó, vợ chồng chị ấy tác động rất nhiều đến sự tiến bộ về thiêng liêng của tôi. Ngoài ra, có nhiều anh thành thục ở hội thánh tiếng Tây Ban Nha của chúng tôi tại Brooklyn. Trong số đó có hai anh mà tôi rất quý là anh Milton Henschel và anh Frederick Franz; hai anh ấy đều phụng sự ở Bê-tên Brooklyn.
Khi gần kết thúc năm đại học thứ nhất ở New York, tôi bắt đầu băn khoăn về điều mình đang theo đuổi. Tôi đã đọc và suy ngẫm về những bài trong Tháp Canh nói về việc một tín đồ nên có những mục tiêu ý nghĩa. Tôi thấy các tiên phong và thành viên Bê-tên trong hội thánh mình rất hạnh phúc, và tôi muốn được như họ. Nhưng lúc đó tôi vẫn chưa báp-têm. Không lâu sau, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và tôi đã làm thế. Rồi tôi báp-têm vào ngày 30-3-1957.
NHỮNG QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG
Sau khi thực hiện bước quan trọng ấy, tôi nghĩ đến một bước khác là tham gia thánh chức trọn thời gian. Tôi rất muốn đạt được mục tiêu này, nhưng thấy không dễ để làm thế. Làm sao tôi có thể vừa làm tiên phong, vừa theo kịp chương trình đại học? Tôi và gia đình viết nhiều lá thư qua lại nói về việc tôi muốn ngưng học đại học, trở về Venezuela và làm tiên phong.
Tôi trở về Caracas vào tháng 6 năm 1957. Tuy nhiên, tôi thấy hoàn cảnh gia đình mình đang khó khăn. Họ cần thêm một người
trong gia đình để phụ giúp về tài chính. Làm sao để giúp họ? Tôi được mời vào làm việc tại một ngân hàng, nhưng tôi rất muốn làm tiên phong. Suy cho cùng, đó là lý do tôi trở về. Tôi quyết tâm làm cả hai. Trong vài năm, tôi vừa làm việc trọn thời gian tại ngân hàng, vừa làm tiên phong. Tôi chưa bao giờ bận rộn đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ hạnh phúc như thế!Một niềm vui khác là tôi gặp và kết hôn với Sylvia, một chị người Đức xinh đẹp và yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm. Trước đây, cô ấy đã chuyển đến Venezuela với cha mẹ. Một thời gian sau, chúng tôi có hai người con, con trai tên là Michel (Mike) và con gái tên là Samira. Tôi cũng đảm nhận trách nhiệm chăm sóc cho mẹ nên mẹ chuyển đến sống với chúng tôi. Dù phải ngưng làm tiên phong để chăm sóc cho gia đình nhưng tôi vẫn giữ tinh thần tiên phong. Vợ chồng chúng tôi làm tiên phong phụ trợ vào những dịp được nghỉ làm.
MỘT BƯỚC QUAN TRỌNG KHÁC
Điều mà tôi nhắc đến ở đầu bài xảy ra khi các con của tôi còn đi học. Phải thừa nhận là lúc đó tôi có một đời sống rất tiện nghi và được những người trong ngành ngân hàng kính trọng. Dù vậy, tôi muốn được biết đến là tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Những suy nghĩ của ngày hôm ấy cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Thế nên, vợ chồng tôi ngồi xuống và cùng thảo luận với nhau về tình trạng tài chính của gia đình. Nếu nghỉ làm ở ngân hàng, tôi sẽ được hưởng số tiền nhận một lần. Vì không nợ nần, chúng tôi tính là nếu đơn giản hóa đời sống, mình sẽ có đủ tiền để trang trải trong một thời gian dài.
Không dễ để thực hiện bước đó, nhưng người vợ yêu dấu và mẹ đã hoàn toàn ủng hộ tôi. Vậy là lần nữa tôi sẽ gia nhập hàng ngũ những người phụng sự trọn thời gian. Thật hào hứng! Con đường phía trước có vẻ không có trở ngại gì. Nhưng không lâu sau, chúng tôi đón nhận một tin bất ngờ.
MỘT MÓN QUÀ BẤT NGỜ!
Ngày nọ, bác sĩ cho biết Sylvia có thai. Cả hai chúng tôi quá bất ngờ! Đó là một niềm vui lớn, nhưng tôi cũng nghĩ về bước mà mình muốn thực hiện là làm tiên phong. Tôi vẫn có thể làm tiên phong được không? Chúng tôi nhanh chóng lấy lại được thăng bằng về tinh thần lẫn cảm xúc và bắt đầu trông mong có thêm một thành viên mới trong gia đình. Nhưng nói sao về kế hoạch làm tiên phong của tôi?
Sau khi thảo luận những mục tiêu của mình, chúng tôi quyết định làm theo kế hoạch ban đầu. Con trai chúng tôi là Gabriel chào đời vào tháng 4 năm 1985. Tôi nghỉ việc ở ngân hàng và bắt đầu làm tiên phong trở lại vào tháng 6 năm 1985. Sau này, tôi có đặc ân làm thành viên của Ủy ban Chi nhánh. Nhưng chi nhánh không nằm ở Caracas, nên khi đến đó làm việc hai hoặc ba ngày mỗi tuần, tôi phải đi khoảng 80km.
CHUYỂN ĐẾN NƠI KHÁC
Văn phòng chi nhánh nằm ở thị trấn La Victoria, vì thế gia đình chúng tôi quyết định chuyển đến La Victoria để gần Bê-tên hơn. Đó là một thay đổi lớn đối với chúng tôi. Tôi không thể nào diễn tả hết lòng biết ơn và sự cảm phục dành cho gia đình mình. Thái độ tích cực của họ đã giúp ích rất nhiều. Chị của tôi là Baha sẵn sàng chăm sóc cho mẹ. Cậu con trai là Mike đã kết hôn, nhưng hai đứa còn lại là Samira và Gabriel thì vẫn ở nhà. Vì thế, khi chuyển đến La Victoria, chúng phải rời xa bạn bè ở Caracas. Ngoài ra, vợ tôi cũng phải thích nghi với đời sống ở một thị trấn nhỏ, hoàn toàn khác với thủ đô nhộn nhịp. Và tất cả chúng tôi phải quen với việc sống trong một căn nhà nhỏ hơn. Thật vậy, việc chuyển từ Caracas đến La Victoria là một bước đòi hỏi chúng tôi phải thay đổi nhiều điều.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của chúng tôi lại thay đổi. Gabriel đã kết hôn, và Samira đã có thể sống tự lập. Vợ chồng chúng tôi được mời vào Bê-tên năm 2007, và chúng tôi vẫn phụng sự ở đó cho đến nay. Con trai lớn của chúng tôi là Mike phụng sự với tư cách là trưởng lão và cùng làm tiên phong với vợ là Monica. Gabriel cũng là trưởng lão và phụng sự ở Ý cùng với vợ là Ambra. Còn Samira thì vừa làm tiên phong vừa làm tình nguyện viên từ xa cho Bê-tên.
TÔI SẼ VẪN QUYẾT ĐỊNH NHƯ VẬY
Quả thật, tôi đã thực hiện nhiều bước quan trọng trong đời sống. Nhưng tôi không hề hối tiếc. Tôi sẽ vẫn có những quyết định như vậy. Tôi rất quý trọng những nhiệm vụ và đặc ân mình có trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Qua nhiều năm, tôi thấy rõ việc duy trì tình bạn mật thiết với ngài là điều rất quan trọng. Dù những bước chúng ta cần thực hiện là nhỏ hay lớn, ngài có thể ban cho chúng ta sự bình an “vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:6, 7). Vợ chồng chúng tôi yêu thích việc phụng sự tại Bê-tên và cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những bước của mình vì chúng tôi nhớ đến ngài trong mỗi bước đường.