Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 7

BÀI HÁT 15 Khen ngợi Con Đầu Lòng của Đức Giê-hô-va!

Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với anh chị?

Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với anh chị?

“Nơi ngài có ơn tha thứ thật sự”.THI 130:4.

TRỌNG TÂM

Bằng cách xem xét một số hình ảnh sống động trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ gia tăng lòng biết ơn đối với sự tha thứ thật sự mà Đức Giê-hô-va dành cho mỗi cá nhân chúng ta.

1. Khi người ta nói tha thứ, tại sao chúng ta có thể khó biết rõ ý của họ?

 “Tôi tha thứ cho anh”. Thật nhẹ nhõm khi nghe lời này, nhất là nếu anh chị biết mình đã nói hoặc làm điều gì đó khiến người khác tổn thương! Nhưng khi người khác nói là họ tha thứ cho mình thì điều đó thật sự có nghĩa gì? Có phải ý của họ là anh chị và họ vẫn là bạn tốt không? Hay chỉ đơn giản là họ không muốn nói thêm về vấn đề đó? Khi người ta nói tha thứ, chúng ta có thể khó biết rõ ý của họ là gì.

2. Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va được miêu tả như thế nào trong Kinh Thánh? (Cũng xem chú thích).

2 Cách Đức Giê-hô-va tha thứ cho con người bất toàn rất khác với cách chúng ta tha thứ cho nhau. Sự tha thứ của ngài là độc nhất vô nhị. Người viết Thi thiên nói về Đức Giê-hô-va: “Nơi ngài có ơn tha thứ thật sự, hầu cho người người đều kính sợ ngài” a (Thi 130:4). Đúng vậy, khi Đức Giê-hô-va tha thứ, ngài “tha thứ thật sự”. Ngài cho chúng ta thấy ý nghĩa thật sự của sự tha thứ. Trong một số trường hợp nói đến sự tha thứ, những người viết Kinh Thánh dùng một từ Hê-bơ-rơ mà không bao giờ được dùng để nói đến sự tha thứ của con người.

3. Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va khác với sự tha thứ của chúng ta như thế nào? (Ê-sai 55:​6, 7)

3 Khi tha thứ cho ai đó, Đức Giê-hô-va xóa sạch tội của người ấy. Mối quan hệ bị rạn nứt được hàn gắn hoàn toàn. Điều tuyệt vời là Đức Giê-hô-va rộng lòng tha thứ cho chúng ta, và ngài tha thứ một cách trọn vẹn.—Đọc Ê-sai 55:​6, 7.

4. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hiểu ý nghĩa sự tha thứ của ngài?

4 Nếu sự tha thứ của Đức Giê-hô-va khác với sự tha thứ của con người bất toàn, làm thế nào chúng ta hiểu được ý nghĩa sự tha thứ của ngài? Đức Giê-hô-va giúp chúng ta hiểu bằng cách dùng những hình ảnh sống động để miêu tả về sự tha thứ ấy. Bài này sẽ xem xét một số ví dụ. Những hình ảnh này cho chúng ta thấy cách Đức Giê-hô-va loại bỏ tội lỗi, đồng thời khôi phục mối quan hệ đã bị rạn nứt. Khi xem xét những hình ảnh này, chúng ta sẽ gia tăng lòng biết ơn đối với Cha đầy lòng thương xót, là đấng thể hiện sự tha thứ theo nhiều cách.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LẤY ĐI TỘI

5. Khi tha thứ, Đức Giê-hô-va làm gì với tội của chúng ta?

5 Trong Kinh Thánh, tội thường được ví như gánh nặng. Vua Đa-vít miêu tả các tội của mình như sau: “Các lỗi lầm con chồng chất ngập đầu, khác nào gánh nặng không sao mang nổi” (Thi 38:4). Nhưng Đức Giê-hô-va tha tội cho những người biết ăn năn (Thi 25:18; 32:5). Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tha” về cơ bản có nghĩa là “nhấc lên” hoặc “mang đi”. Chúng ta có thể hình dung Đức Giê-hô-va giống như một người rất khỏe đang nhấc gánh nặng tội lỗi khỏi vai chúng ta và mang nó đi.

“Tha” (Thi 32:5)


6. Đức Giê-hô-va đem tội của chúng ta đi xa đến mức nào?

6 Có một hình ảnh khác cho thấy Đức Giê-hô-va đem tội của chúng ta đi xa đến mức nào. Thi thiên 103:12 nói: “Phương mặt trời mọc cách xa phương mặt trời lặn bao nhiêu, ngài cũng đem sai phạm chúng ta cách xa chúng ta bấy nhiêu”. Phương đông cách rất xa phương tây, và hai phương này không bao giờ gặp nhau. Nói cách khác, Đức Giê-hô-va mang tội của chúng ta đi xa ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Quả là cách miêu tả đầy an ủi về sự tha thứ của ngài!

“Phương mặt trời mọc cách xa phương mặt trời lặn bao nhiêu” (Thi 103:12)


7. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va làm gì với tội của chúng ta? (Mi-chê 7:​18, 19)

7 Dù Đức Giê-hô-va đem tội của chúng ta đi xa khỏi chúng ta, ngài có tiếp tục giữ lấy tội ấy không? Không. Vua Ê-xê-chia viết về Đức Giê-hô-va: “Ngài… ném hết tội con ra sau lưng ngài” (Ê-sai 38:​9, 17). Hình ảnh này cho thấy Đức Giê-hô-va lấy đi tội của những người biết ăn năn và ném tội ấy ra khỏi tầm nhìn của ngài. Câu này cũng có thể dịch như sau: “Ngài đã làm cho tội [của con] như thể chưa xảy ra”. Kinh Thánh cũng nhấn mạnh điểm này qua một hình ảnh khác nơi Mi-chê 7:​18, 19. (Đọc). Ở đây nói Đức Giê-hô-va ném tội của chúng ta xuống lòng biển. Vào thời xưa, một vật bị ném xuống lòng biển thì không bao giờ có thể tìm lại được.

‘Ngài ném hết tội con ra sau lưng ngài’ (Ê-sai 38:17)

“Ngài sẽ ném mọi tội họ xuống lòng biển” (Mi 7:19)


8. Đến đây chúng ta đã học được gì?

8 Qua những hình ảnh này, chúng ta học được rằng khi Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, ngài lấy đi gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Thật vậy, như Đa-vít nói, “hạnh phúc cho người được tha các hành vi phạm pháp và người được che phủ tội; hạnh phúc cho người mà Đức Giê-hô-va không hề ghi nhớ tội lỗi” (Rô 4:​7, 8, chú thích). Đó chính là sự tha thứ thật sự!

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA XÓA SẠCH TỘI

9. Đức Giê-hô-va dùng những hình ảnh nào để cho thấy ngài hoàn toàn tha tội cho chúng ta?

9 Đức Giê-hô-va dùng những hình ảnh khác để giúp chúng ta hiểu là qua giá chuộc, ngài xóa sạch tội của người biết ăn năn. Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va tẩy đirửa sạch những tội này. Nhờ thế, người phạm tội được thanh sạch (Thi 51:7; Ê-sai 4:4; Giê 33:8). Chính Đức Giê-hô-va miêu tả kết quả của quá trình này: “Dù tội lỗi các ngươi đỏ thắm cũng sẽ được tẩy trắng như tuyết, dù chúng đỏ như vải đỏ sậm cũng sẽ nên trắng như lông cừu” (Ê-sai 1:18). Rất khó để tẩy sạch vết đỏ thắm hay đỏ sậm khỏi mảnh vải. Nhưng qua hình ảnh này, Đức Giê-hô-va trấn an chúng ta rằng tội của chúng ta có thể được tẩy sạch đến mức không còn nhìn thấy nữa.

“Dù tội lỗi các ngươi đỏ thắm cũng sẽ được tẩy trắng như tuyết” (Ê-sai 1:18)


10. Đức Giê-hô-va dùng hình ảnh nào khác để miêu tả về sự tha thứ dồi dào của ngài?

10 Như được đề cập trong bài trước, tội của chúng ta cũng được ví với “nợ” (Mat 6:12; Lu 11:4; các chú thích). Vì thế, mỗi lần chúng ta phạm tội với Đức Giê-hô-va thì như thể món nợ của chúng ta ngày càng chồng chất. Chúng ta nợ ngài một khoản khổng lồ! Nhưng khi Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta, như thể ngài xóa món nợ ấy. Ngài không đòi hỏi chúng ta phải trả món nợ, hay tội, đã được tha. Quả là hình ảnh an ủi cho thấy cảm giác nhẹ nhõm của chúng ta khi được Đức Giê-hô-va tha thứ!

“Tha nợ chúng con” (Mat 6:​12, chú thích)


11. Ý của Kinh Thánh là gì khi nói tội của chúng ta được “xóa sạch”? (Công vụ 3:19)

11 Đức Giê-hô-va không chỉ hủy mà còn xóa sạch nợ, hay tội, của chúng ta. (Đọc Công vụ 3:19). Khi một khoản nợ được hủy, chúng ta có thể hình dung một dấu gạch chéo trên số tiền mà chúng ta nợ. Tuy nhiên, con số bên dưới dấu gạch chéo đó vẫn có thể nhìn thấy được. Nhưng xóa sạch thì khác. Để hiểu được hình ảnh này, chúng ta cần lưu ý rằng mực mà người ta dùng vào thời xưa là một hỗn hợp gồm các-bon, chất gôm và nước. Một người có thể dùng miếng bọt biển ướt để xóa sạch chữ viết. Vì thế, khi một món nợ được “xóa sạch”, nó hoàn toàn mất đi. Mắt thường không thể nhìn thấy dấu vết của những gì đã được viết. Món nợ như thể chưa bao giờ có. Thật ấm lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va không chỉ hủy mà còn xóa sạch tội của chúng ta!—Thi 51:9.

“Để tội lỗi anh em được xóa sạch” (Công 3:19)


12. Chúng ta học được gì từ hình ảnh áng mây dày đặc?

12 Đức Giê-hô-va dùng hình ảnh tương tự để miêu tả cách ngài tha tội cho chúng ta. Ngài nói: “Ta sẽ che các sai phạm con như bằng áng mây, che các tội lỗi con như bằng áng mây dày đặc” (Ê-sai 44:22). Khi Đức Giê-hô-va tha thứ, như thể ngài che các sai phạm của chúng ta bằng một áng mây dày đặc để không thấy chúng được nữa.

“Ta sẽ che các sai phạm con như bằng áng mây” (Ê-sai 44:22)


13. Khi được Đức Giê-hô-va tha tội, chúng ta cảm thấy thế nào?

13 Điều này có nghĩa gì với chúng ta? Khi được Đức Giê-hô-va tha tội, chúng ta không nên cảm thấy mình sẽ phải mang dấu vết của những tội đó suốt phần đời còn lại. Nhờ huyết của Chúa Giê-su, món nợ của chúng ta được xóa bỏ hoàn toàn, như thể chúng ta chưa từng phạm tội. Đó chính là ý nghĩa của sự tha thứ của Đức Giê-hô-va khi chúng ta ăn năn.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔI PHỤC MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP

Nhờ sự tha thứ của Cha trên trời, chúng ta có mối quan hệ tốt với ngài (Xem đoạn 14)


14. Tại sao chúng ta có thể tin cậy sự tha thứ của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem các hình).

14 Sự tha thứ thật sự của Đức Giê-hô-va cho phép chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với ngài. Sự tha thứ ấy giúp chúng ta không bị chìm đắm trong mặc cảm tội lỗi. Chúng ta không cần sợ rằng Đức Giê-hô-va vẫn ngầm nuôi lòng oán giận và tìm cách trừng phạt chúng ta. Ngài không bao giờ làm thế. Tại sao chúng ta có thể tin cậy Đức Giê-hô-va khi ngài nói rằng ngài tha thứ cho chúng ta? Nhà tiên tri Giê-rê-mi trích dẫn điều ngài nói: “Ta sẽ tha thứ lỗi họ và sẽ không nhớ đến tội họ nữa” (Giê 31:34). Khi đề cập đến câu này, sứ đồ Phao-lô đã dùng một cụm từ tương tự: “Ta… sẽ không nhớ lại tội họ nữa” (Hê 8:12). Nhưng điều này thật sự có nghĩa gì?

‘Ta sẽ không nhớ đến tội họ nữa’ (Giê 31:34)


15. Đức Giê-hô-va không còn nhớ đến tội của chúng ta theo nghĩa nào?

15 Trong Kinh Thánh, từ “nhớ” không phải lúc nào cũng nói đến việc một người nhớ lại hoặc nghĩ về điều gì đó. Thay vì thế, từ này có thể bao gồm hành động. Phạm nhân bị treo trên cây cột bên cạnh Chúa Giê-su đã xin ngài: “Thưa ngài Giê-su, xin nhớ đến tôi khi ngài vào trong Nước ngài” (Lu 23:​42, 43). Anh ta không chỉ đơn thuần là xin Chúa Giê-su nghĩ đến mình vào lúc đó trong tương lai. Lời đáp của Chúa Giê-su cho thấy ngài sẽ hành động để làm cho anh ta sống lại. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va nói rằng ngài sẽ không nhớ đến tội của chúng ta nữa, ý của ngài là ngài sẽ không hành động để trừng phạt chúng ta trong tương lai về những tội ấy.

16. Kinh Thánh miêu tả thế nào về sự tự do có được nhờ sự tha thứ của Đức Giê-hô-va?

16 Kinh Thánh dùng một hình ảnh khác giúp chúng ta hiểu sự tự do có được nhờ sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Vì bản chất và khuynh hướng tội lỗi, chúng ta được ví như “nô lệ cho tội lỗi”. Nhưng nhờ sự tha thứ của Đức Giê-hô-va, chúng ta giống như nô lệ “được giải thoát khỏi tội lỗi” (Rô 6:​17, 18; Khải 1:5). Đúng vậy, nhờ sự tha thứ của ngài, chúng ta có thể hân hoan vì được giải thoát khỏi ách nô lệ.

‘Anh em đã được giải thoát khỏi tội lỗi’ (Rô 6:18)


17. Làm thế nào sự tha thứ dẫn đến việc chữa lành? (Ê-sai 53:5)

17 Đọc Ê-sai 53:5. Hình ảnh cuối cùng mà chúng ta sẽ xem xét ví chúng ta với những người bị bệnh hiểm nghèo. Nhờ giá chuộc mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua Con ngài, chúng ta được “chữa lành” (1 Phi 2:24). Khi phạm tội, chúng ta bị bệnh về thiêng liêng và mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bị rạn nứt. Nhưng nhờ giá chuộc, mối quan hệ ấy có thể hoàn toàn được hàn gắn. Giống như một người cảm thấy rất vui khi được chữa khỏi bệnh trầm trọng, chúng ta cũng vui mừng khi được chữa lành về thiêng liêng và có lại ân huệ của Đức Giê-hô-va nhờ được ngài tha thứ.

“Nhờ những thương tích người mà chúng con được chữa lành” (Ê-sai 53:5)


SỰ THA THỨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÓ NGHĨA GÌ VỚI CHÚNG TA?

18. Chúng ta học được gì qua việc xem xét những hình ảnh trong Kinh Thánh về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem khung “Đức Giê-hô-va tha thứ như thế nào?”).

18 Chúng ta học được gì qua việc xem xét những hình ảnh trong Kinh Thánh về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va? Khi tha thứ, ngài tha thứ hoàn toàn và vĩnh viễn. Nhờ thế, chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp với Cha trên trời. Đồng thời, chúng ta nhớ rằng sự tha thứ của Đức Giê-hô-va là một món quà. Món quà ấy đến từ tình yêu thương và lòng nhân từ bao la mà ngài dành cho con người tội lỗi. Đó không phải là điều mà con người có quyền đòi hỏi.—Rô 3:24.

19. (a) Chúng ta nên biết ơn về điều gì? (Rô-ma 4:8) (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

19 Đọc Rô-ma 4:8. Mỗi chúng ta thật biết ơn vì Đức Giê-hô-va là đấng tha thứ thật sự! (Thi 130:4). Tuy nhiên, việc chúng ta có được tha thứ hay không phụ thuộc vào một điều quan trọng. Chúa Giê-su cho biết: “Nếu anh em không tha lỗi cho người ta thì Cha trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mat 6:​14, 15). Rõ ràng, chúng ta cần noi theo sự tha thứ của Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bài tới sẽ xem xét điều này.

BÀI HÁT 46 Cảm tạ Cha Giê-hô-va

a Tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy dùng cụm từ hàm ý rằng chỉ có sự tha thứ của Đức Giê-hô-va là sự tha thứ thật. Nhiều bản dịch Kinh Thánh không truyền tải điểm quan trọng này trong câu Thi thiên 130:​4, nhưng Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới thì có.