Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các bạn trẻ có thể có đời sống thỏa nguyện

Các bạn trẻ có thể có đời sống thỏa nguyện

“Ngài cho con biết nẻo đường sự sống”.THI 16:11.

BÀI HÁT: 133, 89

1, 2. Kinh nghiệm của một nam sinh cấp ba cho thấy một người có thể có sự thay đổi nào?

Tony lớn lên mà không có cha. Em đang học cấp ba, nhưng chẳng mấy quan tâm đến việc học hành và muốn bỏ học. Cuối tuần nào em cũng đến rạp xem phim và đi chơi với bạn bè. Dù không hung bạo hay nghiện ma túy nhưng đời sống của em không có mục đích. Em không biết là có Đấng Tạo Hóa hay không. Rồi em gặp một cặp vợ chồng Nhân Chứng và thảo luận với họ về những điều em phân vân. Họ tặng em hai sách mỏng là Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọngSự sống—Do sáng tạo?.

2 Lần sau, khi cặp vợ chồng ấy trở lại thăm thì Tony đã thay đổi thái độ. Em đã đọc hai sách mỏng ấy nhiều đến nỗi chúng bị nhàu nát, và em nói với họ: “Hẳn phải có một Đấng Tạo Hóa”. Rồi em chấp nhận học Kinh Thánh và dần thay đổi quan điểm về đời sống. Từ một học sinh yếu kém, em trở thành một trong những học sinh xuất sắc. Thậm chí hiệu trưởng của trường, người biết Tony có niềm tin mới, cũng ngạc nhiên. Ông nói: “Em thay đổi rất nhiều về thái độ và điểm số. Có phải vì em kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va không?”. Tony thưa với thầy hiệu trưởng là đúng vậy, và làm chứng hữu hiệu cho thầy. Em đã tốt nghiệp cấp ba, hiện nay đang làm tiên phong đều đều và phụ tá hội thánh. Giờ đây, Tony rất hạnh phúc vì có một người Cha tuyệt vời là Đức Giê-hô-va.—Thi 68:5.

VÂNG LỜI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG

3. Đức Giê-hô-va cho người trẻ lời khuyên nào?

3 Kinh nghiệm của Tony nhắc chúng ta nhớ về lòng quan tâm sâu xa của Đức Giê-hô-va dành cho người trẻ trong vòng chúng ta. Hỡi bạn trẻ, ngài muốn bạn có đời sống thật sự thỏa nguyện và thành công. Vì thế, ngài khuyên bạn: “Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại của con trong thời thanh xuân” (Truyền 12:1). Dù không dễ để làm thế trong thế giới ngày nay nhưng bạn vẫn có thể làm được. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, bạn có thể thành công, không chỉ trong thời trẻ mà suốt cuộc đời. Để hiểu điều này, hãy xem một bài học rút ra từ cuộc chinh phục Đất Hứa của dân Y-sơ-ra-ên, và từ cuộc đối đầu giữa Đa-vít với Gô-li-át.

4, 5. Chúng ta rút ra bài học nào từ cuộc chinh phục xứ Ca-na-an của dân Y-sơ-ra-ên, và từ cuộc đối đầu giữa Đa-vít với Gô-li-át? (Xem hình nơi đầu bài).

4 Khi dân Y-sơ-ra-ên đến gần Đất Hứa, Đức Chúa Trời không ra lệnh cho họ rèn kỹ năng chiến đấu hay tập luyện chinh chiến (Phục 28:1, 2). Thay vì thế, ngài khuyên họ vâng theo các điều răn của ngài và tin cậy ngài (Giô-suê 1:7-9). Theo quan điểm của con người thì lời khuyên ấy không hợp lý. Nhưng đó là lời khuyên tốt nhất, vì Đức Giê-hô-va cho dân ngài thắng dân Ca-na-an hết trận này đến trận khác (Giô-suê 24:11-13). Đành rằng vâng lời Đức Chúa Trời đòi hỏi đức tin nhưng đức tin đó luôn dẫn đến thành công. Sự thật này không bao giờ thay đổi, kể cả thời nay.

5 Gô-li-át là chiến binh dũng mãnh, cao gần 3m và được trang bị đầy đủ vũ khí (1 Sa 17:4-7). Tuy nhiên, Đa-vít có hai điều: dây ném đá và đức tin nơi Đức Chúa Trời của mình, Đức Giê-hô-va. Với những người thiếu đức tin, Đa-vít có vẻ dại dột. Nhưng họ đã lầm! Gô-li-át mới là kẻ dại dột.—1 Sa 17:48-51.

6. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về điều gì?

6 Bài trước đã xem xét bốn điều giúp chúng ta hạnh phúc và thành công. Đó là đáp ứng nhu cầu tâm linh của mình, quý trọng những người bạn mà Đức Chúa Trời ban, đặt mục tiêu đầy ý nghĩa và trân trọng sự tự do Đức Chúa Trời ban cho. Giờ đây, hãy tìm hiểu thêm về những điều này qua các nguyên tắc nơi bài Thi thiên 16.

ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÂM LINH CỦA MÌNH

7. (a) Người thiêng liêng tính có đặc điểm nào? (b) “Phần chia” của Đa-vít là gì, và điều này tác động đến ông ra sao?

7 Người thiêng liêng tính có đức tin nơi Đức Chúa Trời và có quan điểm của ngài về mọi việc. Người ấy hướng đến Đức Chúa Trời để được hướng dẫn, và quyết tâm vâng lời ngài (1 Cô 2:12, 13). Đa-vít là gương mẫu về điều này. Ông hát: “Đức Giê-hô-va là phần chia và chén con” (Thi 16:5). Đa-vít biết ơn về “phần chia” của mình, tức mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, và ông đã náu thân nơi ngài (Thi 16:1). Kết quả là gì? Ông viết: “Con đây vô cùng hân hoan”. Thật vậy, đối với Đa-vít, không điều gì vui mừng bằng có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời.—Đọc Thi thiên 16:9, 11.

8. Một số yếu tố nào giúp bạn có đời sống thật sự thỏa nguyện?

8 Những người tập trung đời sống vào lạc thú và tiền của không thể có sự vui mừng mà Đa-vít cảm nghiệm (1 Ti 6:9, 10). Một anh ở Canada nói: “Sự thỏa nguyện thật không đến từ những gì chúng ta nhận được, mà đến từ những gì mình dâng cho đấng ban mọi món quà tốt lành, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Gia 1:17). Thật vậy, khi xây dựng đức tin nơi Đức Giê-hô-va và phụng sự ngài, bạn sẽ có một đời sống ý nghĩa và thỏa nguyện. Làm thế nào để có đức tin mạnh? Bạn phải dành thời gian cho Đức Giê-hô-va qua việc đọc Lời ngài, quan sát công trình sáng tạo và nghĩ về các đức tính của ngài, trong đó có tình yêu thương ngài dành cho bạn.—Rô 1:20; 5:8.

9. Làm sao bạn có thể để cho Lời Đức Chúa Trời uốn nắn mình như Đa-vít đã làm?

9 Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đôi khi được thể hiện qua việc ngài sửa dạy chúng ta như một người cha. Đa-vít quý trọng sự khuyên dạy ấy. Ông nói: “Con sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va, đấng khuyên dạy con. Cả ban đêm, tư tưởng thầm kín nhất cũng răn bảo con” (Thi 16:7). Thật vậy, ông suy ngẫm các tư tưởng của Đức Chúa Trời, tập có cùng tư tưởng với ngài và để những tư tưởng ấy uốn nắn mình. Khi bạn làm thế, tình yêu thương bạn dành cho ngài sẽ sâu đậm hơn và bạn sẽ muốn vâng lời ngài. Bạn cũng sẽ càng thành thục và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về thiêng liêng. Một chị tên Christin nói: “Khi nghiên cứu và suy ngẫm những gì mình đọc, tôi cảm thấy như Đức Giê-hô-va viết điều này cho chính mình!”.

10. Như Ê-sai 26:3 cho biết, có cái nhìn thiêng liêng mang lại lợi ích nào?

10 Khi có cái nhìn thiêng liêng, bạn sẽ có sự thông sáng và sự hiểu biết sâu sắc, vì bạn sẽ nhìn thế gian và tương lai của nó theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Tại sao ngài ban cho bạn sự thông sáng và hiểu biết? Ngài muốn bạn đặt đúng thứ tự ưu tiên, có những quyết định khôn ngoan và hướng đến tương lai với niềm tin chắc. (Đọc Ê-sai 26:3). Một anh tên Joshua ở Hoa Kỳ nói: “Khi gần gũi với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ có quan điểm đúng về mọi việc”. Quả thật, mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời mang lại sự thỏa nguyện sâu xa.

CHỌN NHỮNG NGƯỜI BẠN CHÂN THẬT

11. Làm thế nào Đa-vít tìm được bạn chân thật?

11 Đọc Thi thiên 16:3. Đa-vít biết làm thế nào để tìm được bạn chân thật. Ông “vui thích vô cùng” khi bầu bạn với những người yêu mến Đức Giê-hô-va. Ông gọi họ là “người thánh” vì họ trong sạch về đạo đức và ngay thẳng. Một người viết Thi thiên khác cũng có quan điểm ấy về việc chọn bạn. Ông viết: “Con là bạn hữu của mọi người kính sợ ngài, của ai vâng giữ các mệnh lệnh ngài” (Thi 119:63). Như đã đề cập trong bài trước, bạn cũng có thể tìm được nhiều bạn tốt trong vòng những người kính sợ và vâng lời Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, những người bạn đó thuộc mọi lứa tuổi.

12. Tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than dựa trên nền tảng nào?

12 Đa-vít không chỉ kết bạn với người đồng trang lứa. Bạn có nhớ tên của một người “cao quý đáng trọng” là bạn thân của ông không? Đó là Giô-na-than. Tình bạn của họ là một trong những tình bạn đẹp nhất được Kinh Thánh ghi lại. Tuy nhiên, bạn có biết Giô-na-than lớn hơn Đa-vít khoảng 30 tuổi không? Vậy, tình bạn giữa họ dựa trên nền tảng nào? Đó là đức tin nơi Đức Chúa Trời, sự tôn trọng lẫn nhau và lòng quý trọng các đức tính tốt của nhau, chẳng hạn như tính can đảm khi chiến đấu với kẻ thù của Đức Chúa Trời.—1 Sa 13:3; 14:13; 17:48-50; 18:1.

13. Làm thế nào bạn có thể mở rộng lòng trong việc kết bạn? Hãy nêu ví dụ.

13 Như Đa-vít và Giô-na-than, chúng ta cũng sẽ “vui thích vô cùng” khi làm bạn với những người yêu mến Đức Giê-hô-va và thể hiện đức tin nơi ngài. Một chị phụng sự lâu năm tên là Kiera nói: “Tôi kết bạn với anh chị trên khắp thế giới, họ có gốc gác và văn hóa khác nhau”. Khi mở rộng lòng như thế, bạn sẽ thấy rõ là Kinh Thánh và thần khí có quyền lực giúp hợp nhất.

THEO ĐUỔI MỤC TIÊU ĐẦY Ý NGHĨA

14. (a) Làm thế nào để đặt mục tiêu đầy ý nghĩa trong đời sống? (b) Một số bạn trẻ có suy nghĩ nào về việc đặt mục tiêu thiêng liêng?

14 Đọc Thi thiên 16:8. Đa-vít tập trung đời sống vào việc phụng sự Đức Chúa Trời. Bạn cũng sẽ có đời sống thật sự thỏa nguyện khi đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu và nghĩ đến ngài khi đặt mục tiêu. Một anh tên Steven nói: “Khi nỗ lực vươn tới mục tiêu, đạt được mục tiêu ấy và nhìn lại sự tiến bộ của mình, tôi thấy rất thỏa nguyện”. Một anh trẻ từ Đức đang phụng sự ở nước ngoài nói: “Tôi không muốn khi lớn tuổi và nhìn lại đời mình, tôi thấy mọi điều mình làm chỉ vì bản thân”. Mong là bạn cũng có suy nghĩ như thế. Nếu vậy, hãy dùng khả năng của mình để tôn vinh Đức Chúa Trời và giúp người khác (Ga 6:10). Hãy đặt mục tiêu thiêng liêng và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn đạt được mục tiêu ấy. Ngài sẽ vui lòng đáp lại lời cầu xin như thế.—1 Giăng 3:22; 5:14, 15.

15. Bạn có thể đặt những mục tiêu nào? (Xem khung “ Một số mục tiêu thực tế”).

15 Bạn có thể đặt những mục tiêu nào? Những mục tiêu ấy có thể bao gồm bình luận bằng lời lẽ riêng tại các buổi nhóm họp, làm tiên phong hoặc phụng sự ở nhà Bê-tên. Bạn có thể thử học một ngôn ngữ khác để sau này phụng sự trong cánh đồng ngoại ngữ. Một anh trẻ phụng sự trọn thời gian tên Barak chia sẻ: “Mỗi sáng thức dậy, tôi thấy không gì thỏa nguyện bằng khi biết mình đang dùng hết sức cho Đức Giê-hô-va”.

QUÝ TRỌNG SỰ TỰ DO ĐỨC CHÚA TRỜI BAN

16. Như trường hợp của Đa-vít, kết quả là gì khi làm theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va, và tại sao?

16 Đọc Thi thiên 16:2, 4. Như đã đề cập trong bài trước, khi làm theo những điều luật và nguyên tắc công chính của Đức Chúa Trời, chúng ta tập yêu điều lành và ghét điều dữ, nhờ thế có được sự tự do (A-mốt 5:15). Đa-vít công nhận Đức Giê-hô-va là “Nguồn phước lành” của ông. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “phước lành” cũng có nghĩa là “tốt lành”, tức một phẩm chất xuất sắc về đạo đức. Đa-vít đã nỗ lực noi gương Đức Chúa Trời và tính tốt lành của ngài. Ông cũng tập ghét điều gì ngài xem là dữ, trong đó có việc thờ thần tượng, một thực hành hạ thấp phẩm giá con người và lấy đi sự vinh hiển vốn thuộc về Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 2:8, 9; Khải 4:11.

17, 18. (a) Đa-vít nói gì về hậu quả của sự thờ phượng sai lầm? (b) Thời nay, điều gì khiến người ta “chuốc lấy nhiều đau đớn”?

17 Vào thời Kinh Thánh, sự thờ phượng sai lầm thường đi đôi với thực hành gian dâm ghê tởm (Ô-sê 4:13, 14). Chắc chắn, sự thờ phượng ấy lôi cuốn xác thịt tội lỗi, nhưng không hề mang lại hạnh phúc lâu dài. Đa-vít nói: “Ai theo các thần khác chuốc lấy nhiều đau đớn”. Thậm chí những người đó còn gây đau khổ cho con cái khi dâng chúng để tế thần (Ê-sai 57:5). Đức Giê-hô-va gớm ghiếc hành vi tàn bạo ấy! (Giê 7:31). Nếu sống vào thời đó và có cha mẹ thờ phượng Đức Giê-hô-va, hẳn bạn cảm thấy vô cùng biết ơn.

18 Ngày nay, sự thờ phượng sai lầm cũng thường dung túng hành vi gian dâm, ngay cả đồng tính luyến ái. Những hành vi ấy được xem là mang lại sự tự do nhưng hậu quả mà nó gây ra vẫn không thay đổi kể từ thời Kinh Thánh (1 Cô 6:18, 19). Như bạn thấy, người ta “chuốc lấy nhiều đau đớn”. Vậy hỡi các bạn trẻ, hãy nghe lời Cha trên trời, hoàn toàn tin chắc rằng việc vâng lời ngài mang lại lợi ích tốt nhất cho bạn. Hãy nhớ rằng việc làm sai trái chỉ mang lại sự khoái lạc trong chốc lát nhưng gây ra hậu quả khôn lường (Ga 6:8). Anh Joshua, người được đề cập ở trên, nói: “Chúng ta có quyền dùng sự tự do theo ý mình, nhưng khi lạm dụng sự tự do ấy thì chẳng bao giờ thỏa nguyện”.

19, 20. Những ân phước nào đón đợi những bạn trẻ có đức tin nơi Đức Giê-hô-va và vâng lời ngài?

19 Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Nếu anh em hằng giữ lời tôi, anh em thật sự là môn đồ tôi, anh em sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải thoát anh em” (Giăng 8:31, 32). Những điều chúng ta được giải thoát bao gồm tôn giáo sai lầm, sự ngu muội và mê tín dị đoan. Không những thế, như bài trước đã nói đến, cuối cùng chúng ta sẽ nhận được “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:21). Ngay bây giờ, bạn cũng có thể nếm thử sự tự do ấy bằng cách “hằng giữ lời”, hay sự dạy dỗ, của Đấng Ki-tô. Khi làm thế, bạn sẽ “biết chân lý” không chỉ qua việc học về chân lý mà còn sống theo chân lý.

20 Các bạn trẻ hãy quý trọng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho. Hãy dùng sự tự do ấy một cách khôn ngoan, nhờ thế bạn sẽ lập nền tảng vững chắc cho tương lai. Một anh trẻ nói: “Dùng sự tự do một cách khôn ngoan khi còn trẻ thật sự giúp ích sau này, khi mình đứng trước những quyết định quan trọng hơn, như tìm công việc thích hợp, chọn kết hôn hay sống độc thân một thời gian”.

21. Làm thế nào bạn có thể tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến “sự sống thật”?

21 Trong thế gian già cỗi này, ngay cả điều mà người ta xem là đời sống thành công cũng ngắn ngủi và không chắc chắn. Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao (Gia 4:13, 14). Vì thế, điều khôn ngoan là tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến “sự sống thật”, tức sự sống vĩnh cửu (1 Ti 6:19). Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời không ép chúng ta bước theo con đường ấy. Chúng ta có sự lựa chọn. Hãy xem Đức Giê-hô-va là “phần chia” của bạn bằng cách đến gần ngài, đồng thời quý trọng mọi “điều tốt lành” ngài ban (Thi 103:5). Hãy tin chắc rằng ngài có thể ban cho bạn niềm vui sướng đầy tràn và hạnh phúc bất tận.—Thi 16:11.