Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh chị muốn được ai công nhận?

Anh chị muốn được ai công nhận?

“Đức Chúa Trời chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài”.—HÊ 6:10.

BÀI HÁT: 39, 30

1. Mỗi người chúng ta đều có ước muốn tự nhiên nào, và điều đó bao hàm những gì?

Anh chị cảm thấy thế nào khi một người mà anh chị biết và tôn trọng quên tên mình? Hoặc tệ hơn là không nhận ra mình? Có lẽ anh chị cảm thấy thất vọng. Tại sao? Vì mỗi người chúng ta đều có ước muốn tự nhiên là được xem trọng. Chúng ta không chỉ muốn người khác nhận ra mình mà còn muốn họ phần nào công nhận con người và thành quả của mình.—Dân 11:16; Gióp 31:6.

2, 3. Ước muốn được xem trọng có thể trở nên sai lệch như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

2 Tuy nhiên, như những ước muốn tự nhiên khác, ước muốn được xem trọng có thể trở nên sai lệch bởi sự bất toàn. Nó có thể khiến chúng ta khao khát được xem trọng một cách thái quá. Thế gian Sa-tan cổ xúy ước muốn được công nhận và nổi trội. Điều này khiến người ta không còn chú tâm vào Cha trên trời là Đức Giê-hô-va, đấng thật sự xứng đáng được công nhận và thờ phượng.—Khải 4:11.

3 Vào thời Chúa Giê-su, một số nhà lãnh đạo tôn giáo có quan điểm sai về việc được xem trọng. Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Hãy coi chừng những thầy kinh luật thích mặc áo choàng đi dạo quanh đây đó và muốn được người ta chào hỏi ở chợ; họ ưa ngồi ở hàng ghế đầu [“tốt nhất”, chú thích] trong nhà hội và chỗ nổi bật nhất trong bữa tiệc”. Ngài nói tiếp: “Những kẻ ấy sẽ chịu hình phạt nặng hơn” (Lu 20:46, 47). Trái lại, Chúa Giê-su khen một bà góa nghèo đóng góp số tiền nhỏ dù có thể không ai biết đến điều bà làm (Lu 21:1-4). Rõ ràng, quan điểm của Chúa Giê-su về việc được xem trọng khác hẳn người ta. Bài này sẽ giúp chúng ta duy trì quan điểm đúng, là quan điểm mà Đức Giê-hô-va chấp nhận.

ĐƯỢC AI BIẾT ĐẾN LÀ QUAN TRỌNG NHẤT?

4. Được ai biết đến là quan trọng nhất, và tại sao?

4 Nỗ lực để được ai biết đến là quan trọng nhất? Nhiều người ngày nay tìm kiếm danh tiếng trong lĩnh vực học vấn, kinh doanh hoặc ngành giải trí của thế gian. Nhưng Phao-lô cho biết loại danh tiếng quan trọng nhất khi nói: “Nay anh em đã biết Đức Chúa Trời, hay đúng hơn là được ngài biết đến, vậy sao anh em còn quay về với những điều sơ đẳng hư không và vô ích, lại còn muốn làm nô lệ cho chúng lần nữa?” (Ga 4:9). Quả là một đặc ân khi được Đấng Cai Trị Tối Cao biết đến! Ngài sẵn lòng kết bạn thân thiết với chúng ta. Như một học giả bình luận, chúng ta “trở thành những người được ngài yêu chuộng”. Khi được Đức Giê-hô-va biết đến và xem là bạn, chúng ta tìm được mục đích thật của đời sống.—Truyền 12:13, 14.

5. Làm thế nào chúng ta có thể được Đức Chúa Trời biết đến?

5 Môi-se đã có được ân phước đó. Khi ông cầu xin được biết đường lối ngài rõ hơn, Đức Giê-hô-va đáp: “Ta sẽ làm điều con thỉnh cầu, vì con được ơn trong mắt ta và ta biết con qua tên” (Xuất 33:12-17). Tương tự, chúng ta có thể nhận nhiều ân phước vô giá khi được Đức Giê-hô-va ‘biết qua tên’. Nhưng làm thế nào để được ngài biết đến? Chúng ta phải yêu mến ngài và dâng đời sống cho ngài.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:3.

6, 7. Điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

6 Tuy nhiên, chúng ta cần duy trì mối quan hệ quý báu với Cha trên trời. Như các tín đồ ở Ga-la-ti vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cũng cần tránh làm nô lệ cho “những điều sơ đẳng hư không và vô ích” của thế gian, bao gồm việc tìm kiếm danh tiếng trước mặt con người (Ga 4:9). Các tín đồ ấy đã tiến bộ đến mức được Đức Chúa Trời biết đến. Nhưng Phao-lô cho biết họ lại “quay về với” điều hư không. Như thể Phao-lô nói: “Anh em đã tiến bộ đến mức này rồi, sao còn quay về với điều dại dột và vô giá trị mà anh em đã bỏ lại phía sau?”.

7 Chúng ta có thể rơi vào tình trạng tương tự không? Có. Khi mới tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, có lẽ chúng ta đã từ bỏ danh tiếng trong thế gian, giống như Phao-lô. (Đọc Phi-líp 3:7, 8). Có thể chúng ta đã từ bỏ cơ hội học lên cao, thăng tiến hoặc làm giàu trong thế giới kinh doanh. Có thể chúng ta đã có cơ hội trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ tài năng về âm nhạc hoặc thể thao, nhưng chúng ta từ chối tất cả (Hê 11:24-27). Thật thiếu khôn ngoan nếu giờ đây chúng ta xem những quyết định sáng suốt ấy là “cơ hội bị vuột mất”! Lối suy nghĩ đó có thể khiến chúng ta lại tìm kiếm điều mà mình từng cho là thuộc về “những điều sơ đẳng hư không” trong thế gian này.

CỦNG CỐ QUYẾT TÂM

8. Chúng ta cần nhớ gì để củng cố quyết tâm được Đức Giê-hô-va công nhận?

8 Điều gì sẽ giúp chúng ta củng cố quyết tâm được Đức Giê-hô-va biết đến hay công nhận, chứ không phải thế gian? Chúng ta cần nhớ hai điều quan trọng. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va luôn nhìn nhận những ai trung thành phụng sự ngài. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10; 11:6). Ngài rất quý trọng mỗi tôi tớ trung thành, và xem việc quên họ là điều “không công chính”. Đức Giê-hô-va luôn “biết những người thuộc về ngài” (2 Ti 2:19). Ngài biết “đường người công chính” và cách giải cứu họ khỏi cơn thử thách.—Thi 1:6; 2 Phi 2:9.

9. Hãy nêu ví dụ cho thấy cách Đức Giê-hô-va giải cứu dân ngài.

9 Đôi khi Đức Giê-hô-va cho thấy ngài giải cứu dân ngài qua những cách rất đặc biệt (2 Sử 20:20, 29). Chẳng hạn, khi dân ngài bị đạo quân hùng mạnh của Pha-ra-ôn truy đuổi, Đức Giê-hô-va đã giải cứu họ tại Biển Đỏ (Xuất 14:21-30; Thi 106:9-11). Sự kiện này nổi bật đến nỗi khoảng 40 năm sau, người vùng đó vẫn còn nhắc đến (Giô-suê 2:9-11). Ghi nhớ tình yêu thương và quyền năng của Đức Giê-hô-va trong những trường hợp ấy khích lệ chúng ta biết bao, vì không lâu nữa chúng ta sẽ đối mặt với cuộc tấn công của Gót ở Ma-gót! (Ê-xê 38:8-12). Lúc đó, chúng ta sẽ thật sự biết ơn vì được Đức Giê-hô-va công nhận, chứ không phải thế gian này.

10. Chúng ta cần nhớ điều gì về việc được Đức Giê-hô-va công nhận?

10 Điều quan trọng thứ hai cần nhớ: Đức Giê-hô-va có thể cho thấy ngài nhìn nhận chúng ta qua những cách mình không ngờ. Những ai làm điều tốt chỉ để cho loài người thấy thì sẽ không nhận được phần thưởng gì từ Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì họ đã nhận đủ phần thưởng khi được người khác khen ngợi rồi. (Đọc Ma-thi-ơ 6:1-5). Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói Cha trên trời “nhìn một cách kín đáo” những ai làm điều tốt cho người khác mà không được công nhận. Đức Giê-hô-va ghi nhận các hành động đó và sẽ báo đáp mỗi người. Nhưng đôi khi ngài ban thưởng qua những cách mà chúng ta không ngờ. Hãy xem vài ví dụ.

THIẾU NỮ KHIÊM NHƯỜNG NHẬN ĐƯỢC ĐẶC ÂN BẤT NGỜ

11. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài xem trọng thiếu nữ Ma-ri như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va chọn một trinh nữ khiêm nhường là Ma-ri để trở thành mẹ của Con ngài là Chúa Giê-su. Ma-ri sống ở thành Na-xa-rét, một nơi tầm thường cách xa Giê-ru-sa-lem và đền thờ nguy nga. (Đọc Lu-ca 1:26-33). Tại sao Ma-ri được xem trọng và có đặc ân ấy? Thiên sứ Gáp-ri-ên đã nói với Ma-ri rằng cô “được ơn trước mặt Đức Chúa Trời”. Ma-ri cho thấy cô là người rất thiêng liêng tính qua những lời cô nói sau đó với người bà con là Ê-li-sa-bét (Lu 1:46-55). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã quan sát Ma-ri và ban cho cô đặc ân bất ngờ này vì sự trung thành của cô.

12, 13. Vào lúc Chúa Giê-su sinh ra và khi được đưa tới đền thờ lúc 40 ngày tuổi, ngài được nhận diện như thế nào?

12 Khi Ma-ri sinh ra Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va không ban cho nhà cai trị hay viên chức quyền quý nào ở Giê-ru-sa-lem và Bết-lê-hem vinh dự được biết sự kiện quan trọng này. Các thiên sứ hiện ra với một vài người chăn cừu đang chăn bầy ở cánh đồng bên ngoài Bết-lê-hem (Lu 2:8-14). Những người chăn cừu khiêm nhường ấy đã đến thăm con trẻ mới chào đời (Lu 2:15-17). Ma-ri và Giô-sép hẳn ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-su được nhận diện qua cách này! Hành động của Đức Giê-hô-va khác hẳn với Ác Quỷ. Hắn dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến chỗ Chúa Giê-su và cha mẹ ngài. Khi đó, cả thành Giê-ru-sa-lem đều xôn xao về sự ra đời của Chúa Giê-su (Mat 2:3). Việc công chúng biết đến sự ra đời của Chúa Giê-su theo cách đó đã dẫn đến cái chết của nhiều đứa bé vô tội.—Mat 2:16.

13 Sau khi Chúa Giê-su được 40 ngày tuổi, Ma-ri phải dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, cách Bết-lê-hem khoảng 9km (Lu 2:22-24). Trên đường đi cùng với Giô-sép và Chúa Giê-su, có lẽ cô thắc mắc liệu thầy tế lễ đang thi hành nhiệm vụ sẽ làm điều gì đó đặc biệt để tôn vinh con trẻ hay không. Đúng là có người nhận diện con của cô, nhưng không phải theo cách mà cô có lẽ mong đợi. Đức Giê-hô-va dùng Si-mê-ôn, một người “công chính và có lòng thành kính”, và nữ tiên tri An-na, một góa phụ 84 tuổi, để nhận diện rằng con trẻ sẽ trở thành Đấng Mê-si, hay Đấng Ki-tô.—Lu 2:25-38.

14. Đức Giê-hô-va đã ban những ân phước nào cho Ma-ri?

14 Còn Ma-ri thì sao? Đức Giê-hô-va có tiếp tục xem trọng Ma-ri vì đã trung thành chăm sóc và nuôi dạy Con ngài không? Có. Đức Chúa Trời đã cho ghi lại những hành động và lời nói của Ma-ri trong Kinh Thánh. Dường như Ma-ri không đi cùng Chúa Giê-su trong ba năm rưỡi ngài làm thánh chức. Có lẽ Ma-ri phải ở lại Na-xa-rét vì là góa phụ. Dù không có cơ hội trải nghiệm nhiều đặc ân nhưng Ma-ri đã có thể ở bên cạnh Chúa Giê-su khi ngài hy sinh mạng sống (Giăng 19:26). Sau đó, Ma-ri cũng có mặt tại Giê-ru-sa-lem cùng với các môn đồ trước khi họ nhận được thần khí thánh vào Lễ Ngũ Tuần (Công 1:13, 14). Rất có thể Ma-ri được xức dầu cùng với những người có mặt ở đó. Nếu thế, Ma-ri đã nhận được cơ hội ở trên trời cùng với Chúa Giê-su mãi mãi! Quả là phần thưởng tuyệt vời cho Ma-ri, một tôi tớ trung thành!

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA XEM TRỌNG CON NGÀI

15. Khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về Con ngài như thế nào?

15 Chúa Giê-su không mong các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị tôn vinh mình. Nhưng Chúa Giê-su hẳn được khích lệ rất nhiều khi chính Đức Giê-hô-va phán từ trời vào ba dịp để cho thấy ngài hài lòng về Con ngài. Lần đầu, ngay sau khi Chúa Giê-su báp-têm ở sông Giô-đanh, Đức Giê-hô-va phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng” (Mat 3:17). Dường như chỉ có Giăng Báp-tít nghe được lời này. Lần thứ hai, khoảng một năm trước khi Chúa Giê-su chết, ba sứ đồ đã nghe tiếng Đức Giê-hô-va phán: “Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng. Hãy nghe lời người” (Mat 17:5). Lần cuối, chỉ vài ngày trước khi Chúa Giê-su chết, Đức Giê-hô-va lại phán từ trời với Con ngài.—Giăng 12:28.

Anh chị học được gì qua cách Đức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về Con ngài? (Xem đoạn 15-17)

16, 17. Đức Chúa Trời cho thấy ngài xem trọng Chúa Giê-su bằng cách ban phần thưởng bất ngờ nào?

16 Dù biết mình sắp phải chịu cái chết nhục nhã vì bị gán tội phạm thượng, Chúa Giê-su cầu xin cho ý Đức Giê-hô-va được thực hiện, chứ không phải ý ngài (Mat 26:39, 42). “Ngài chịu đựng cây khổ hình, không màng sự sỉ nhục” vì muốn được Cha công nhận, chứ không phải thế gian (Hê 12:2). Kết quả là gì?

17 Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đề cập đến ước muốn được trở về để nhận sự vinh hiển trên trời từng có bên cạnh Cha (Giăng 17:5). Không điều gì cho thấy Chúa Giê-su hy vọng nhận được nhiều hơn thế. Chúa Giê-su không chờ đợi được “thăng tiến” trên trời. Nhưng Đức Giê-hô-va đã làm gì? Ngài cho thấy ngài xem trọng Chúa Giê-su bằng cách ban một phần thưởng bất ngờ. Đó là làm Chúa Giê-su sống lại để nâng ngài lên “địa vị cao hơn” và ban cho điều mà trước đó chưa ai nhận được: sự sống bất tử ở thể thần linh! * (Phi-líp 2:9; 1 Ti 6:16). Quả là phần thưởng không gì sánh bằng dành cho Chúa Giê-su, đấng luôn trung thành và được Đức Chúa Trời công nhận!

18. Điều gì sẽ giúp chúng ta nỗ lực để được Đức Giê-hô-va công nhận, chứ không phải thế gian?

18 Điều gì sẽ giúp chúng ta nỗ lực để được Đức Giê-hô-va công nhận, chứ không phải thế gian? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va luôn nhìn nhận những tôi tớ trung thành, và ngài thường ban thưởng cho họ theo những cách không ngờ. Chúng ta không biết ân phước bất ngờ nào đang chờ đón mình! Nhưng khi chịu đựng khó khăn và gian khổ trong thế gian gian ác hiện nay, hãy luôn nhớ rằng thế gian cùng danh tiếng nó mang lại đang qua đi (1 Giăng 2:17). Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va ‘chẳng phải là không công chính mà quên công việc và tình yêu thương chúng ta đã thể hiện đối với danh ngài’ (Hê 6:10). Thật vậy, ngài sẽ ban ơn cho chúng ta, có lẽ theo cách mà ngay bây giờ chúng ta không hình dung được!

^ đ. 17 Có lẽ đây là phần thưởng bất ngờ, vì sự bất tử không được đề cập trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ.