Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giá chuộc—‘Món quà hoàn hảo’ đến từ Cha

Giá chuộc—‘Món quà hoàn hảo’ đến từ Cha

‘Mọi món quà tốt lành và hoàn hảo đều đến từ Cha’.—GIA 1:17.

BÀI HÁT: 148, 109

1. Sắp đặt về giá chuộc mang lại những ân phước nào?

Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô mang lại nhiều ân phước. Nhờ sắp đặt về giá chuộc, tất cả những con cháu của A-đam yêu mến sự công chính cuối cùng sẽ thuộc về gia đình Đức Chúa Trời. Giá chuộc cũng giúp chúng ta có cơ hội sống mãi trong hạnh phúc. Nhưng sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su không chỉ mang lại tương lai tươi sáng cho nhân loại biết vâng lời. Hơn nữa, việc Chúa Giê-su sẵn sàng chết trong khi ủng hộ sự công chính của Đức Giê-hô-va còn giải đáp các vấn đề hoàn vũ.—Hê 1:8, 9.

2. (a) Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su đề cập đến những vấn đề hết sức quan trọng nào trong vũ trụ? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Khoảng hai năm trước khi Chúa Giê-su hy sinh làm giá chuộc, ngài đã dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh. Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện ở trên trời cũng như dưới đất” (Mat 6:9, 10). Để gia tăng lòng biết ơn về giá chuộc, hãy xem xét giá chuộc liên quan thế nào đến việc làm thánh danh Đức Chúa Trời, đến sự cai trị của Nước Trời và việc hoàn thành ý định của ngài.

“XIN CHO DANH CHA ĐƯỢC NÊN THÁNH”

3. Danh Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì, và Sa-tan đã bôi nhọ danh thánh ấy như thế nào?

3 Trong lời cầu nguyện mẫu, điều đầu tiên Chúa Giê-su đề cập là xin cho danh Đức Chúa Trời được nên thánh. Danh Đức Giê-hô-va bao hàm toàn bộ sự vĩ đại, uy nghi và thánh khiết của ngài. Trong một lời cầu nguyện khác, Chúa Giê-su gọi Đức Giê-hô-va là “Cha thánh” (Giăng 17:11). Vì Đức Giê-hô-va là thánh nên mọi nguyên tắc và điều luật ngài đưa ra đều là thánh. Nhưng trong vườn Ê-đen, Sa-tan đã nêu nghi vấn một cách xảo quyệt về quyền của Đức Chúa Trời trong việc đặt ra tiêu chuẩn cho con người. Khi nói dối về Đức Giê-hô-va, Sa-tan đã bôi nhọ danh thánh của ngài.—Sáng 3:1-5.

4. Chúa Giê-su đã góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời như thế nào?

4 Ngược lại, Chúa Giê-su thật sự yêu mến danh Đức Giê-hô-va (Giăng 17:25, 26). Chúa Giê-su góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời. (Đọc Thi-thiên 40:8-10). Qua lối sống hoàn hảo trên đất, Chúa Giê-su chứng tỏ rằng việc Đức Giê-hô-va đặt ra tiêu chuẩn cho các tạo vật thông minh là điều hợp lý và chính đáng. Ngay cả khi Sa-tan khiến Chúa Giê-su phải chịu một cái chết vô cùng đau đớn, ngài vẫn tuyệt đối trung thành với Cha trên trời. Qua việc trung thành, Chúa Giê-su cho thấy rằng một người hoàn hảo có thể tuyệt đối vâng theo các tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời.

5. Bằng cách nào chúng ta có thể góp phần làm thánh danh Đức Chúa Trời?

5 Bằng cách nào chúng ta có thể cho thấy mình yêu mến danh Đức Giê-hô-va? Đó là qua hạnh kiểm của chúng ta. Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải nên thánh. (Đọc 1 Phi-e-rơ 1:15, 16). Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ thờ phượng Đức Giê-hô-va và hết lòng vâng lời ngài. Ngay cả khi bị bắt bớ, chúng ta nỗ lực hết sức để sống theo các nguyên tắc và điều luật công chính của ngài. Qua những hành động công chính, chúng ta chiếu soi ánh sáng của mình và mang lại sự vinh hiển cho danh Đức Giê-hô-va (Mat 5:14-16). Là dân thánh, chúng ta chứng tỏ qua lối sống của mình rằng các điều luật của Đức Giê-hô-va là tốt lành và những lời cáo buộc của Sa-tan là giả dối. Tất cả chúng ta đều phạm lỗi nhưng khi mắc lỗi, chúng ta thành thật ăn năn và từ bỏ những hành vi làm ô danh Đức Giê-hô-va.—Thi 79:9.

6. Tại sao Đức Giê-hô-va có thể xem chúng ta là công chính, dù chúng ta bất toàn?

6 Dựa trên cơ sở là sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va tha tội cho những ai thể hiện đức tin. Những ai dâng mình cho ngài được chấp nhận là người thờ phượng ngài. Đức Giê-hô-va tuyên bố những tín đồ được xức dầu là công chính với tư cách con cái ngài, và “các chiên khác” là công chính với tư cách bạn ngài (Giăng 10:16; Rô 5:1, 2; Gia 2:21-25). Thế nên ngay từ bây giờ, nhờ giá chuộc, chúng ta có vị thế công chính trước mắt Cha và được góp phần làm thánh danh ngài.

“XIN NƯỚC CHA ĐƯỢC ĐẾN”

7. Nhờ giá chuộc, những ân phước nào dưới sự cai trị của Nước Trời có thể thành hiện thực?

7 Trong lời cầu nguyện mẫu, điều kế tiếp mà Chúa Giê-su thỉnh cầu Đức Chúa Trời là: “Xin Nước Cha được đến”. Giá chuộc liên quan thế nào đến Nước Đức Chúa Trời? Nhờ giá chuộc, 144.000 người có thể được thu nhóm để phục vụ với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ ở trên trời cùng với Đấng Ki-tô (Khải 5:9, 10; 14:1). Chúa Giê-su và những người đồng cai trị hợp thành Nước Đức Chúa Trời. Trong giai đoạn một ngàn năm, họ sẽ giúp nhân loại biết vâng lời hưởng được những lợi ích từ giá chuộc. Trái đất sẽ được biến đổi thành địa đàng, và tất cả những người trung thành sẽ trở nên hoàn hảo. Phần trên trời và phần dưới đất của gia đình Đức Chúa Trời sẽ hợp nhất trọn vẹn (Khải 5:13; 20:6). Chúa Giê-su sẽ giày đạp đầu con rắn và xóa bỏ khỏi vũ trụ mọi dấu vết về sự phản nghịch của Sa-tan.—Sáng 3:15.

8. (a) Qua cách nào Chúa Giê-su giúp các môn đồ hiểu tầm quan trọng của Nước Đức Chúa Trời? (b) Ngày nay, chúng ta ủng hộ Nước Trời bằng cách nào?

8 Khi sống trên đất, Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ hiểu tầm quan trọng của Nước Đức Chúa Trời. Ngay sau khi chịu phép báp-têm, Chúa Giê-su công bố khắp nơi “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu 4:43). Trong những lời cuối cùng Chúa Giê-su nói với các môn đồ trước khi về trời, ngài bảo họ làm chứng về ngài “cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:6-8). Qua công việc rao giảng về Nước Trời, người trên khắp đất có cơ hội học về giá chuộc và trở thành thần dân của Nước Đức Chúa Trời. Ngày nay, chúng ta ủng hộ Nước Trời bằng cách hỗ trợ các anh em còn sót lại của Đấng Ki-tô trong việc thi hành sứ mạng rao truyền tin mừng về Nước này ra khắp đất.—Mat 24:14; 25:40.

‘XIN Ý CHA ĐƯỢC THỰC HIỆN’

9. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định của ngài đối với nhân loại?

9 Chúa Giê-su có ý gì khi nói điều tiếp theo: ‘Xin ý Cha được thực hiện’? Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa. Một khi ngài nói điều gì đó sẽ xảy ra thì điều ấy là chắc chắn, như thể đã được thực hiện rồi (Ê-sai 55:11). Ngài sẽ không cho phép sự phản nghịch của Sa-tan ngăn cản ý định của ngài đối với nhân loại. Từ ban đầu, ý muốn của Đức Giê-hô-va là trái đất có đầy con cháu hoàn hảo của A-đam và Ê-va (Sáng 1:28). Nếu A-đam và Ê-va chết trong khi chưa có con thì ý định đó của Đức Chúa Trời sẽ không thành hiện thực. Thế nên sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Giê-hô-va đã cho phép họ có con. Qua giá chuộc, Đức Chúa Trời cho tất cả những ai thể hiện đức tin có cơ hội đạt đến sự hoàn hảo và sống mãi mãi. Đức Giê-hô-va yêu thương con người, và ý muốn của ngài là những người biết vâng lời có đời sống tuyệt vời như ngài đã định.

10. Giá chuộc mang lại lợi ích nào cho những người đã chết?

10 Nói sao về hàng tỉ người đã chết mà chưa có cơ hội biết và phụng sự Đức Giê-hô-va? Nhờ giá chuộc mà người chết có thể được sống lại. Cha trên trời yêu thương của chúng ta sẽ làm họ sống lại, đồng thời cho họ cơ hội học về ý định của ngài và nhận sự sống vĩnh cửu (Công 24:15). Đức Giê-hô-va muốn người ta sống, chứ không phải chết. Là Nguồn sự sống, ngài trở thành Cha của tất cả những người được sống lại (Thi 36:9). Do đó, thật thích hợp khi Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mat 6:9). Đức Giê-hô-va đã giao cho Chúa Giê-su một vai trò quan trọng trong việc làm người chết sống lại (Giăng 6:40, 44). Trong địa đàng, Chúa Giê-su sẽ thực hiện vai trò của ngài với tư cách là ‘sự sống lại và sự sống’.—Giăng 11:25.

11. Ý muốn của Đức Chúa Trời đối với “đám đông” là gì?

11 Lòng rộng lượng của Đức Giê-hô-va không chỉ dành cho số ít người có đặc ân, vì Chúa Giê-su nói: “Hễ ai làm theo ý Đức Chúa Trời thì người ấy là anh em, chị em và mẹ tôi” (Mác 3:35). Ý muốn của Đức Chúa Trời là “đám đông” không đếm được từ mọi nước, chi phái và mọi tiếng trở thành những người thờ phượng ngài. Những ai thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Ki-tô, và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời có thể được ở trong số những người hô lớn: “Sự cứu rỗi đến từ Đức Chúa Trời chúng ta, là đấng ngồi trên ngai, và từ Chiên Con”.—Khải 7:9, 10.

12. Lời cầu nguyện mẫu cho biết gì về ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại biết vâng lời?

12 Ý định của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại biết vâng lời được thấy rõ qua những lời khẩn cầu trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa Giê-su. Phù hợp với lời cầu nguyện này, chúng ta muốn nỗ lực hết sức để làm thánh danh Đức Giê-hô-va, tức xem danh ấy là thánh (Ê-sai 8:13). Danh của Chúa Giê-su có nghĩa “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Sự cứu rỗi của chúng ta nhờ giá chuộc mang lại sự tôn vinh và vinh hiển cho danh Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời sẽ dùng Nước của ngài để giúp nhân loại nhận được lợi ích từ giá chuộc. Quả thật, lời cầu nguyện mẫu đảm bảo với chúng ta rằng không điều gì có thể ngăn cản ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện.—Thi 135:6; Ê-sai 46:9, 10.

BIỂU LỘ LÒNG BIẾT ƠN VỀ GIÁ CHUỘC

13. Qua việc chịu phép báp-têm, chúng ta cho thấy điều gì?

13 Một cách quan trọng để chúng ta biểu lộ lòng biết ơn về giá chuộc là dâng mình cho Đức Giê-hô-va dựa trên đức tin nơi giá chuộc, và làm báp-têm. Việc chịu phép báp-têm cho thấy ‘chúng ta thuộc về Đức Giê-hô-va’ (Rô 14:8). Phép báp-têm tượng trưng cho việc chúng ta cầu khẩn với Đức Chúa Trời để có một lương tâm tốt (1 Phi 3:21). Đức Giê-hô-va đáp lại lời cầu khẩn ấy bằng cách dùng huyết của Đấng Ki-tô tẩy sạch chúng ta. Chúng ta hoàn toàn tin chắc rằng ngài sẽ ban cho chúng ta mọi điều ngài hứa.—Rô 8:32.

Chúng ta cho thấy mình biết ơn về giá chuộc qua những cách nào? (Xem đoạn 13, 14)

14. Tại sao Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta mệnh lệnh là yêu người lân cận?

14 Một cách khác cho thấy chúng ta biết ơn về giá chuộc là gì? Vì tình yêu thương chi phối mọi điều Đức Giê-hô-va làm, nên ngài muốn tất cả những người thờ phượng ngài thể hiện tình yêu thương và cho thấy đó là đức tính nổi bật nhất của họ (1 Giăng 4:8-11). Khi yêu người lân cận, chúng ta chứng tỏ mình ao ước được “trở nên con của Cha trên trời” (Mat 5:43-48). Điều răn yêu người lân cận đứng thứ hai, chỉ sau điều răn yêu thương Đức Giê-hô-va (Mat 22:37-40). Một cách quan trọng cho thấy chúng ta yêu người lân cận là vâng theo mệnh lệnh rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Khi thể hiện tình yêu thương với người đồng loại, chúng ta phản ánh sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thật vậy, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời “được nên trọn vẹn giữa chúng ta” khi chúng ta vâng giữ điều răn yêu thương người khác, đặc biệt là anh em đồng đạo.—1 Giăng 4:12, 20.

GIÁ CHUỘC MANG LẠI “KỲ THANH THẢN” TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. (a) Chúng ta đang nhận được những ân phước nào từ Đức Giê-hô-va? (b) Những ân phước nào đang chờ đón chúng ta?

15 Khi thể hiện đức tin nơi giá chuộc, chúng ta có cơ hội được tha tội hoàn toàn. Lời Đức Chúa Trời đảm bảo rằng tội lỗi của chúng ta có thể “được xóa sạch”. (Đọc Công vụ 3:19-21). Như chúng ta đã xem xét, dựa trên giá chuộc, Đức Giê-hô-va nhận các tôi tớ được xức dầu làm con cái ngài (Rô 8:15-17). Đối với những người trong chúng ta thuộc “chiên khác”, như thể Đức Giê-hô-va làm một giấy chứng nhận con nuôi với tên chúng ta trên đó. Khi chúng ta đạt đến sự hoàn hảo và vượt qua thử thách cuối cùng, Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng ký vào giấy đó và nhận chúng ta làm con cái yêu dấu của ngài ở trên đất (Rô 8:20, 21; Khải 20:7-9). Tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho con cái yêu quý của ngài sẽ mãi trường tồn. Những lợi ích của giá chuộc sẽ kéo dài vô tận (Hê 9:12). Món quà này sẽ không bao giờ mất giá trị. Không ai hoặc thế lực nào có thể lấy đi món quà ấy khỏi chúng ta.

16. Làm thế nào giá chuộc giúp chúng ta được tự do thật sự?

16 Dù Kẻ Quỷ Quyệt có làm gì đi nữa cũng không ngăn cản được tất cả những ai thật sự ăn năn nhận được triển vọng thuộc về gia đình của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đã xuống trái đất và chết “một lần là đủ”. Do đó, giá chuộc được trả vĩnh viễn (Hê 9:24-26). Giá chuộc hoàn toàn xóa bỏ bản án mà A-đam truyền lại. Nhờ sự hy sinh của Đấng Ki-tô, chúng ta thoát khỏi ách nô lệ của thế gian dưới sự kiểm soát của Sa-tan, và không còn sợ hãi cái chết.—Hê 2:14, 15.

17. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với anh chị?

17 Những lời hứa của Đức Chúa Trời hoàn toàn đáng tin cậy. Giống như các định luật trong thiên nhiên mà Đức Giê-hô-va thiết lập không bao giờ thay đổi, ngài cũng không bao giờ thay đổi. Ngài sẽ không bao giờ làm chúng ta thất vọng (Mal 3:6). Đức Giê-hô-va không chỉ ban cho chúng ta món quà sự sống, mà còn ban cho chúng ta tình yêu thương của ngài. Giăng viết: “Chúng tôi đã nhận biết và tin nơi tình yêu thương mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu thương” (1 Giăng 4:16). Cả trái đất sẽ trở thành một địa đàng tràn đầy hạnh phúc, và mọi người trên đất sẽ phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta cùng hòa giọng với các tạo vật thần linh trung thành của Đức Chúa Trời khi nói: “Nguyện sự chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, tạ ơn, tôn kính, quyền năng và sức mạnh đều thuộc về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng. A-men”.—Khải 7:12.