Bạn có biết?
Thói quen nào của người Do Thái khiến Chúa Giê-su lên án việc thề thốt?
Theo Luật pháp Môi-se, lời thề đóng một vai trò nhất định. Nhưng vào thời Chúa Giê-su, người ta dùng lời thề trong đời sống hằng ngày phổ biến đến mức họ có khuynh hướng củng cố hầu như mọi lời nói bằng lời thề. Người ta làm thế để khiến cho lời của họ thêm sức thuyết phục, nhưng hai lần Chúa Giê-su lên án điều đó. Ngài cũng dạy: “Khi anh em nói: ‘Có’ thì phải là có, nói: ‘Không’ thì phải là không”.—Mat 5:33-37; 23:16-22.
Theo Từ điển thần học về Tân Ước (Theological Dictionary of the New Testament), “khuynh hướng của người Do Thái trong việc dùng lời thề để đảm bảo mọi lời nói” là rất mạnh mẽ. Điều này có thể thấy qua những đoạn của sách Talmud, trong đó cho biết rất chi tiết những lời thề nào được xem là bắt buộc, và lời thề nào thì không.
Không chỉ có Chúa Giê-su lên án việc lạm dụng lời thề. Chẳng hạn, sử gia Do Thái là Flavius Josephus đã nói về một giáo phái Do Thái: “Họ tránh việc thề thốt, và xem điều đó tệ hơn việc thề dối, vì họ nói rằng nếu ai phải lấy Đức Chúa Trời mà thề để được người khác tin thì đã bị kết án rồi”. Ngụy thư Do Thái được gọi là Sự khôn ngoan của Sirach, hoặc Ecclesiasticus, (23:11) cũng nói: “Một người luôn buông lời thề là có bản chất xấu xa”. Thế nên, Chúa Giê-su lên án việc xem nhẹ lời thề. Nếu luôn nói sự thật, chúng ta sẽ không cần phải thề để khiến lời nói của mình dễ tin hơn.